221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
996654
Luật tiếp cận thông tin giúp hạn chế tham nhũng
1
Article
null
Luật tiếp cận thông tin giúp hạn chế tham nhũng
,

"Luật tiếp cận thông tin là để cho người dân giám sát bộ máy công quyền, hạn chế những tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng Luật tiếp cận thông tin là một bước thể hiện dân chủ, tiến bộ của Nhà nước".

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia VN.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia VN, đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo giới xung quanh việc luật hóa quyền được tiếp cận thông tin của công dân. Ông nói:

-Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992 đều qui định công dân có quyền được thông tin. Nói nôm na là công dân có quyền được biết những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, được thông tin những vấn đề cấp thiết, gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Quyền được thông tin của người dân phản ánh bản chất xã hội ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi việc của quốc gia phải được cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Thưa ông, qui định rõ ràng từ Hiến pháp 1946 đến 1992 sao đến nay vẫn chưa luật hóa được quyền này?

- Trước đây vì nhiều lý do, nhất là trải qua chiến tranh, nên việc tạo điều kiện cho công dân được thông tin còn hạn chế. Đến nay, chúng ta nhận thấy quyền tiếp cận thông tin là quyền rất cần thiết và quyền đó phải được thể hiện một cách chính thống thông qua một đạo luật.

Chưa có luật là một trong những lý do khiến người dân bị hạn chế khi  tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền, nếu không muốn nói rằng người dân ở nhiều nơi còn bị bưng bít thông tin?

- Chúng ta ngày càng dân chủ hơn và các cơ quan công quyền ngày càng cởi mở hơn trong quan hệ với dân. Trong 20 năm đổi mới vừa qua, những việc trọng đại quốc gia, các hoạt động của cơ quan nhà nước hằng ngày đã dần được thông tin khá đầy đủ với người dân. Tuy nhiên, người dân muốn biết tất cả mọi thứ nhưng vì lợi ích quốc gia, vì thuần phong mỹ tục, vì những vấn đề riêng tư nên không phải thông tin nào cũng cung cấp hết cho người dân. Chính vì thế phải có Luật tiếp cận thông tin để qui định cụ thể những gì người dân được thông tin, những gì hạn chế, cấm thông tin.

Chính phủ đã cố gắng trong việc cung cấp thông tin cho người dân nhưng việc cung cấp còn hết sức hạn chế, đặc biệt cung cấp thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa; nhiều việc người dân không biết.

Trong thực tế, nếu đụng chạm đến quyền lợi của cán bộ thì việc cung cấp thông tin sẽ bị hạn chế và người cung cấp thông tin thường thông tin vòng vo. Điểm này rõ nhất trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương như xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Chúng ta từng phải trả giá về việc không công khai, minh bạch thông tin qua sự kiện ở Thái Bình hồi những năm 1997 - 1998.

Ông có cho rằng bưng bít thông tin, hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân chẳng khác nào tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng phát sinh?

- Đấy cũng là một trong những lý do phải xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Luật tiếp cận thông tin là để cho người dân giám sát bộ máy công quyền, hạn chế những tiêu cực, tham nhũng. Xây dựng Luật tiếp cận thông tin là một bước thể hiện dân chủ, tiến bộ của Nhà nước. Không thể dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước và thành công trong việc chống tham nhũng trong tình trạng bưng bít thông tin.

Nhiều người dự báo sẽ có những khó khăn trong việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của người dân sau khi có luật?

- Đúng là cái khó nằm ở chỗ làm sao đưa luật vào cuộc sống được. Nhiều nơi, nhiều người không muốn cung cấp thông tin, nhất là những thông tin sát với quyền lợi của những người giữ các cương vị chủ chốt của các ngành, các cấp. Hoặc nếu đưa thông tin thì người ta tìm cách giải thích khác đi.

Cá nhân tôi trong quá trình tiếp cận thông tin phục vụ công việc cũng gặp khó khăn khi muốn biết sự thật vấn đề gắn đến tư lợi, gắn đến sai phạm của cá nhân. Lúc đó người ta thường tìm cách né tránh hoặc nói đơn giản rằng “vấn đề này anh để chúng tôi nghiên cứu sẽ trả lời sau”.

Như vậy phải có qui định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin?

- Đương nhiên trong luật sẽ qui định người có trách nhiệm cung cấp thông tin phải cung cấp đúng sự thật, cung cấp đầy đủ thông tin... Nhưng nếu không có chế tài thì sẽ khó thực hiện được.

Thực tế luôn có sự mâu thuẫn giữa cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và người được thông tin. Người dân thì muốn biết thông tin kịp thời nhưng cơ quan công quyền lại chưa đáp ứng được yêu cầu đó, thường đưa thông tin muộn, không kịp thời, không đầy đủ. Nguyên nhân chính là bản thân các cơ quan công quyền chưa thật sự cải tiến để thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến người dân. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu Quốc hội ban hành Luật tiếp cận thông tin thì mọi việc sẽ có tiến bộ.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,