221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
997722
Đại biểu QH đề nghị giám sát chi tiêu giáo dục
1
Article
null
Đại biểu QH đề nghị giám sát chi tiêu giáo dục
,

(VietNamNet) - Về ngân sách dự tính 20% cho giáo dục, đào tạo trong năm 2008, nhiều đại biểu QH cho rằng, cần tính toán kỹ đến hiệu quả ngân sách. Chi tiêu trong giáo dục phải được công khai và cần có cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực này, chia sẻ bớt gánh nặng với Nhà nước. 

a

Đại biểu Phạm Thị Loan: "Cần cơ chế cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục".

Đại biểu QH Phạm Thị Loan (Hà Nội):

Chất lượng giáo dục chưa xứng với số tiền bỏ ra

- Bà nghĩ gì về việc ngân sách dự tính sẽ tăng lên 20% trong năm 2008 cho giáo dục, đào tạo?

Tôi thấy rất buồn ở chỗ chúng ta vẫn sử dụng hàng năm 20% ngân sách của Nhà nước để phục vụ giáo dục, nhưng hiệu quả tôi thấy chưa cao, chưa xứng đáng với số tiền ta bỏ ra. Quan điểm của tôi là ta phải xem xét vấn đề này.

Hiện ta nói rất nhiều về xã hội hóa. Chúng ta cần phải có chủ trương cụ thể để đẩy mạnh xã hội hóa và giáo dục, để thu hút lực của toàn dân, như thế sẽ giảm bớt được chi phí ngân sách của Nhà nước vào lĩnh vực này và để tập trung ngân sách cho những lĩnh vực chủ lực như nông nghiệp, hay an ninh, quốc phòng.

Làm như thế, chúng ta vẫn đảm bảo nền kinh tế XHCN. Tức là trường công ta vẫn giữ nhưng giữ ở mức độ nào đó, bằng những chính sách hỗ trợ cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách.

Nếu chính sách của Nhà nước đi trước một bước chính sách xã hội, đặc biệt chính sách cho người nghèo thì chúng ta sẽ xã hội hóa được và giáo dục. Cùng một lúc, ta sẽ có cả hệ thống trường công và cả những trường do doanh nghiệp, kể cả nước ngoài đầu tư. Ở đây chúng ta sẽ thấy có sự phân định rạch ròi, một bên là chính sách và một bên là dịch vụ. Những người có khả năng, có nhu cầu họ vẫn có thể được hưởng những dịch vụ cao.

Tôi nghĩ Chính phủ nên có quỹ dành cho giáo dục, đào tạo. Phải tìm cách để giảm ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo một nước XHCN, có những ưu việt về y tế và giáo dục. Đó là một bài toán nhưng khả năng chúng ta hoàn toàn có thể giải được.

- Muốn thu hút được doanh nghiệp tham gia chia sẻ đầu tư cho giáo dục với Nhà nước, cần có điều kiện gì?

Chỉ cần có cơ chế chính sách, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người muốn đầu tư vào những lĩnh vực này. Doanh nghiệp của tôi chẳng hạn, chúng tôi sẵn sàng đầu tư, bởi theo tính toán, rõ ràng giáo dục là lĩnh vực cho lợi nhuận cao. 

Chúng ta phải có biện pháp để sử dụng ngân sách hiệu quả. Với một nước nghèo như Việt Nam, phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta phải biết sử dụng đồng vốn vào những lĩnh vực trọng điểm, đó là “cái mồi” để thúc đẩy nền kinh tế phát triển chứ không thể dàn trải số vốn ít ỏi. Bên cạnh đó phải lôi kéo được tiềm lực rất lớn trong nhân dân. 

Vấn đề là phải có những cơ chế, có thể là điều kiện thuê đất, kinh doanh, điều kiện về vay vốn, hay những quy hoạch rõ ràng về quỹ đất… Chính phủ tạo ra thị trường để xã hội tham gia, đồng thời bảo lãnh cho thị trường hoạt động thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

a

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Phải kiểm tra, thanh tra để ngân sách cho giáo dục có hiệu quả thực sự".

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý:

Trước khi tăng học phí, ngành giáo dục phải công khai, minh bạch chi tiêu

- Thưa ông, dự toán phân bổ ngân sách năm 2008 dành cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 20%. Ông có đồng tình với việc tăng ngân sách cho giáo dục không?

Tôi thấy nếu cần thiết tăng thì vẫn phải tăng, phải có ngân sách mới hoạt động được. Còn hiệu quả việc sử dụng ngân sách ấy thế nào thì lại là vấn đề khác. Để ngân sách cấp cho ngành giáo dục mang lại hiệu quả thực sự thì phải thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra và giám sát chi tiêu.

Theo tôi, trong ngành giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề cần tổ chức thực hiện, mà muốn làm được thì phải có ngân sách. Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp có ngân sách rồi nhưng các đề án, dự án lại không tổ chức triển khai thực hiện được và vấn đề giải ngân hiện nay rất chậm.

Đã chi tiêu ngân sách thì phải đảm bảo được hai việc, thứ nhất là hiệu quả và thứ hai là công khai, minh bạch. Và nhân dân, những người đóng thuế cho Nhà nước, có quyền được biết đồng tiền mình bỏ ra có đem lại hiệu quả gì không, được sử dụng như thế nào.

Lấy ý kiến dân, cải thiện phân bổ ngân sách trước khi tăng học phí

- Khi Bộ Giáo dục Đào tạo còn chưa công khai rõ chi tiêu ngân sách và các nguồn đầu tư thời gian qua cho giáo dục có hiệu quả không thì việc đặt vấn đề tăng học phí sẽ vấp phải nhiều trở ngại từ phía xã hội? Theo ông, có nên đặt ra điều kiện đó với ngành, trước khi quyết định tăng học phí hay không?

Tôi đồng ý. Và tôi nghĩ là một chính sách tác động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân thì cần phải công khai, minh bạch và trước khi đưa ra quyết định ấy, cần phải lấy ý kiến nhân dân.

Báo cáo thẩm tra của UB Tài chính Ngân sách của QH về tình hình thực hiện pháp lệnh thu phí, lệ phí mới đây cho thấy, trên 700 tỷ đồng tiền học phí để lại chưa được ngành giáo dục ghi thu ghi chi phù hợp. Cũng có thông tin rằng hàng năm, ngành giáo dục không tiêu hết tiền. Vậy tại sao lại đặt vấn đề phải tăng ngân sách hay đầu tư cho ngành?

Ngân sách cho giáo dục có nhiều hạng mục, nhiều mục tiêu, nhiều khoản chi, do đó có thể có khoản chi hết nhưng khoản kia chưa cần dùng đến hết. Vì vậy, theo tôi, trong phân bổ, chi tiêu ngân sách giáo dục, cần phải xem lại toàn diện xem thiếu phần nào, cần phải bổ sung và phần nào không cần thiết để phân chia hợp lý hơn.

Mà bây giờ không chỉ riêng ngành giáo dục đâu, ngay giải ngân của trái phiếu Chính phủ, tại sao vấn đề vốn hiện nay để đầu tư để xây dựng trường học, các công trình giao thông... thì người ta vẫn yêu cầu Chính phủ phải phát hành trái phiếu. Nhưng khi hoàn thành trái phiếu thì không sử dụng, không giải ngân được, hầu như chỉ mười mấy phần trăm, tối đa ba mấy phần trăm, phần lớn lại không được sử dụng.

Ngay bây giờ, việc giải ngân như thế nào, cấp vốn ngân sách hiện nay, vay rồi bổ sung hay không bổ sung, bổ sung như thế nào và cách bổ sung ra sao cũng cần phải xem lại.

Ví dụ như dự án xây dựng trường học, việc xây dựng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, mà có khi lại phụ thuộc rất nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Vì vậy, theo tôi, giờ phải làm ngược lại, tức là từ những lĩnh vực nào có nhu cầu, ngành nào có nhu cầu thực tế và đã có dự án chưa, những dự án đấy phải là dự án cụ thể thì lúc đấy trái phiếu mới phát hành khi có dự án cụ thể, khả thi trong thực hiện.

Để khắc phục tình trạng giải ngân chậm, theo tôi là phải cải thiện phân bổ ngân sách và huy động vốn theo hướng đó, kể cả ngành giáo dục nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,