(VietNamNet) - Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp QH, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền giải thích lý do chậm trễ trong việc trình QH đề án kiểm soát thu nhập người có chức vụ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bên hành lang kỳ họp QH. Ảnh: VA
Có kiểm soát được thu nhập vợ, con cán bộ?
Trong số các văn bản của Luật phòng, chống tham nhũng, có đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, đáng ra phải trình Quốc hội nhưng cho đến nay vẫn chưa có. Vậy nguyên nhân chậm là do đâu, thưa ông?
Kiểm soát thu nhập thì phải kiểm soát toàn bộ chứ không thể kiểm soát mỗi cán bộ không thôi. Bây giờ mình muốn kiểm soát tiền mặt của cán bộ, công chức nhưng vợ, con các cán bộ công chức ấy có kiểm soát được không? Để kiện toàn vấn đề đó lại phải kiểm soát. Như vậy, ta phải tính đến tính khả thi.
Về nghị định luân chuyển cán bộ, quan điểm của chúng tôi là luân chuyển để chống cục bộ, tạo sự thống nhất chứ không phải để rối rắm thêm. Cho nên, phải tham khảo, cân nhắc kĩ và quan điểm của Chính phủ là có thể chậm nhưng phải chắc
Theo Nghị quyết Trung ương 3, với những trường hợp cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng nhưng chưa đủ cơ sở chứng minh được cũng phải điều chuyển, chúng ta thực hiện vấn đề này như thế nào?
Vấn đề này đang được áp dụng. Vừa qua, có không ít trường hợp mặc dù mắc lỗi bị thi hành kỉ luật, chưa công khai được nhưng đứng về góc độ đánh giá xem xét anh không đủ tin cậy hay những dư luận làm mất uy tín trong công việc thì cũng phải thay đổi.
Lãnh đạo địa phương chưa vào cuộc
Tại cuộc họp vừa rồi của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, công việc trong quý III của Ban đã được đánh giá như thế nào?
Nhìn chung, chúng tôi thấy công việc tiến bộ, nhiều mặt tích cực. Trong đó có hai việc lớn là xây dựng hoàn thiện thể chế được tiếp tục và có bước tiến. Nhiều văn bản được ban hành gắn với cải cách hành chính. Chúng ta tạo được hệ thống phòng ngừa tích cực hơn, như quy định về công khai minh bạch, về quản lý tài sản, tặng quà… để tăng khả năng phòng ngừa. Nhưng đáng tiếc là việc triển khai thực hiện các văn bản này ở dưới còn chậm.
Có nơi đáng lẽ phải áp dụng ngay các văn bản đó để thực hiện, lại chưa áp dụng đầy đủ. Vì vậy, hiện nay Ban chỉ đạo đang xiết chặt, bắt buộc và đánh giá lại việc thực hiện. Ví dụ như quy định về cho quà, tặng quà và trả lại quà tặng thì có thực hiện không, có nơi nào trả lại không...
Khi được thanh tra về việc chấp hành Luật phòng, chống tham nhũng, các địa phương giải thích như nào về việc thực hiện chậm trễ này?
Những văn bản đó đã rõ, đã đủ, nhưng các địa phương cần cụ thể hóa trên địa bàn của anh xem Luật phải thực hiện như thế nào thì gần như các nơi chưa cụ thể hóa được, điều này chứng tỏ rằng, các cấp lãnh đạo ở địa phương tuy nói là quan tâm đến Luật phòng, chống tham nhũng quyết liệt nhưng chưa chỉ đạo và hành động cụ thể, tức là chưa vào cuộc một cách cụ thể.
Ở cuộc họp Ban Chỉ đạo, tôi có nói là thanh tra đụng vào dự án nào, đơn vị nào là đều thấy có sai phạm ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cơ chế của ta còn nhiều điểm bất hợp lý, nên nhiều lúc làm đúng lại không được việc.
Đó là thực tế phải ghi nhận. Song phải đánh giá đầy đủ là qua thanh tra cũng thấy nhiều sai phạm không hoàn toàn do lỗi cơ chế, mà nghi ngờ có động cơ tiêu cực phía sau. Tiếc là thanh tra chưa đủ điều kiện đi sâu đến mức tại sao làm vậy. Mình cũng truy, nhưng họ quanh co đủ thứ. Đấu tranh với vấn đề này còn rất nan giải.
- Vân Anh ghi