(VietNamNet) - "Hiện, các đô thị lớn đang có một nguồn thu rất lớn còn đang bỏ ngỏ... Nếu huy động sẽ tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách nhà nước và để dành tiền cho những vùng khó khăn hơn", ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị, trong phiên thảo luận đầu tiên về thực hiện ngân sách 2007 và dự toán ngân sách 2008 chiều nay (30/10).
Nhà nước chưa tận dụng hết "con gà đẻ trứng vàng"
Nguồn tiền đang bị bỏ trống đó, theo ĐB Lịch, chính là quỹ đất đô thị. "Ở các nước phát triển, trong quá trình đô thị hóa, đất đô thị là con gà đẻ trứng vàng", ông Lịch khẳng định.
ĐBQH thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách 2007
Nhưng ở VN, cả người có đất bị thu hồi lẫn nhà nước thu hồi đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao giá trị sử dụng của đất đều không được hưởng lợi, bởi "quả trứng vàng" đã rơi vào túi giới đầu cơ nhà đất.
Khẳng định lại ý kiến nguyên do của sự thất thoát này là từ những bất cập về chính sách tài chính đất đai, ông Trần Du Lịch kiến nghị phải khẩn thiết đưa vào chương trình các luật thuế liên quan đến tài chính về đất đai để khai thác tối đa quỹ đất đô thị.
"QH là cơ quan có quyền cao nhất trong quyết định việc tiêu tiền và kiếm tiền? Nhưng hiện đã khai thác hết các nguồn tài nguyên cho ngân sách hay chưa?", ông Lịch nêu vấn đề.
Xếp vào nhóm các địa phương "có nguồn thu lớn" và đã được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên "nhắn nhủ" trước là "không xin tăng ngân sách" như phát biểu của các đại biểu thuộc nhóm "có nguồn thu ít" đã chiếm hết thời gian trước đó, nhưng ĐB Trần Du Lịch cũng kiến nghị "làm sao tạo cơ chế để các đô thị lớn như TP.HCM có thể huy động vốn, tự vay, tự trả nhằm bớt đi nguồn phân bổ chung, dành ngân sách cho những địa phương khó khăn".
Nhất trí với quan điểm này, ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) cũng tính toán, để có thêm nguồn thu, nên có cơ chế chính sách cho các địa phương "kiếm tiền", chẳng hạn đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, casino.
"Rất lo ngại trước kiểu tính toán này"
Là mối quan ngại của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về tình hình dự toán phân bổ ngân sách thiếu cơ sở khoa học, không sát thực tế.
ĐB Khánh dẫn lại con số đã được nhiều ĐB thắc mắc trong suốt phiên họp, đó là trong dự kiến ngân sách năm 2008, giá dầu thô "ấn định" ở con số 64 đôla/thùng. "Nhưng cho đến tháng 10 này, ngày hôm qua, giá dầu thô trên thế giới đã ở mức 92 đô la/thùng, vượt rất xa so với dự đoán?", ĐB Khánh đặt câu hỏi. Rồi những lợi nhuận mà giới đầu cơ kiếm được từ cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng "điều mà ai cũng thấy nhưng vì sao các cơ quan quản lý của Chính phủ không thấy?". Theo ĐB Quốc Khánh nguyên nhân của những tính toán không thực tế này là "xuất phát từ các cơ quan tham mưu cho Chính phủ".
Cho rằng tuy lần đầu thẩm tra báo cáo ngân sách nhưng kết quả thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách "rất hay", ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) khẳng định luôn: "tuy hay mà không hề chi tiết, cụ thể".
Tổng hợp, phân tích các số liệu thu chi ngân sách từ năm 2001 đến 2007, từ con số dự toán cho đến kết quả thực hiện, ĐB Lợi khẳng định: "con số thu chi ngân sách 2007 và dự toán cho năm 2008 mà Chính phủ đưa ra chỉ là con số trên ngọn". Số liệu dự toán này sẽ rất khó cho các ĐB chỉ ra chỗ đúng, sai khi thảo luận quyết định vấn đề ngân sách hàng năm, ông Lợi cảnh báo.
Bởi theo phân tích, ước thu ngân sách của năm 2007 sẽ thấp hơn thực tế. Dự toán ngân sách hàng năm làm vào khoảng tháng 7, tháng 8 nên số tổng kết "9 tháng thực hiện" chỉ là dự kiến và thường thấp hơn nhiều so với thu thực tế hàng năm. So sánh từ năm 2001 - 2007, ĐB Đặng Như Lợi nhận định, thu ngân sách ba tháng cuối năm thường vẫn chiếm tới 30 - 40% cả năm
"Mong cơ quan thường vụ QH rà sóat lại các số liệu để thấy các thống kê khi dự toán phân bổ ngân sách đã hợp lý hay chưa và có dựa trên những cơ sở khoa học nào hay không?, ĐB Lợi kiến nghị.
Chia sẻ quan điểm trên, ĐB Trần Du Lịch cũng đồng thời kiến nghị một cách tính khác. Theo đó, vào phiên họp Quốc hội đầu tiên của mỗi năm (tháng 5, hoặc 6), QH nên thảo luận xem xét đâu là mục tiêu ưu tiên cho phân bổ ngân sách của năm sau. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tính toán để hoạch định dự toán và phương án phân bổ cụ thể để trình lên QH vào phiên họp cuối năm, khi đó "QH mới thực sự là cơ quan nắm và điều hành ngân sách", ông Lịch nhấn mạnh.
Sáng 31/10, QH sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này tại Hội trường.
-
Lê Nhung