(VietNamNet) - Quốc hội có quyền cao nhất trong chi tiêu ngân sách, nhưng đại biểu khó biết thực hư những con số do Chính phủ đưa ra và không đủ thời gian để xem xét. Nhiều đại biểu đề nghị cải tiến cách thức quyết định ngân sách hiện nay.
"Cần thảo luận về hiệu quả bố trí ngân sách"
Đại biểu Quốc hội thảo luận về ngân sách Nhà nước sáng 31/10.
Theo quan điểm của đại biểu tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Văn Phúc, Quốc hội nên quan tâm để thảo luận hoặc là tại kỳ họp này, hoặc là tới đây, về vấn đề cách thức trình Quốc hội thảo luận để thông qua dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương cũng như quyết toán ngân sách Nhà nước.
"Tôi cho rằng đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi vì để Quốc hội phát huy được thực quyền của mình, để cùng Chính phủ quyết định ngân sách Nhà nước đúng đắn thì cách thức trình bày, cách thức chuẩn bị những tài liệu cũng như cách thức thảo luận ngân sách là hết sức quan trọng", ông Phúc nói.
Ông Phúc đặt câu hỏi: "Ở nhiều nước khác, tại sao người ta thảo luận ngân sách trong vòng 3 tháng ở Quốc hội? Tại sao người ta làm ngân sách trước đó một năm? Ngôi nhà ngân sách mà Chính phủ trình ra Quốc hội đã được xây dựng trên các đạo luật, trên các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên các tiêu chí, định mức đã được Thủ tướng ban hành. Tôi đề nghị Quốc hội khi thảo luận về ngân sách không chỉ thảo luận về những con số, mà phải thảo luận kỹ những chính sách, những mục tiêu và những hiệu quả của việc bố trí ngân sách. Đó mới là trách nhiệm chính của Quốc hội".
Ông Phúc giải thích sở dĩ có đề xuất trên là bởi: "Chúng ta biết có 11 chương trình mục tiêu quốc gia. Kiểm toán Nhà nước vừa rồi kiểm toán, bây giờ đề nghị vẫn tiếp tục kiểm toán các chương trình này. Chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng trong năm vừa rồi, vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta như thế nào? Có phải rõ ràng chương trình mục tiêu quốc gia Chính phủ đã trình với Quốc hội đưa vào trong phân bổ là thực hiện không hiệu quả hay không?"
Trước đó, ở buổi thảo luận chiều qua (30/10), hai đại biểu: Trần Du Lịch - TP. Hồ Chí Minh và Đặng Như Lợi - Cà Mau là hai người đầu tiên đặt vấn đề thực quyền của Quốc hội trong việc quyết định thu, chi ngân sách.
"Khó có đại biểu nào nắm được thực hư các con số"
Ông Trần Du Lịch nói: "Theo luật định thì Quốc hội có quyền cao nhất trong vấn đề chi tiêu và tạo ra nguồn thu. Nói một cách nôm na, Quốc hội là cơ quan có quyền cao nhất trong việc tiêu tiền và trong việc kiếm tiền".
Theo ông Lịch, Quốc hội cần có điều kiện xem xét phân bổ ngân sách năm sau theo hướng nào, tập trung vào đâu.
Ông đề nghị nên có quy trình: "Để xem xét ngân sách năm 2009, ngay trong phiên họp Quốc hội tháng 5, tháng 6 năm 2008, vấn đề bàn đầu tiên là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2009 ưu tiên cái gì. Cần thảo luận rất kỹ trên bình diện nhìn toàn cục, để có quyết định những mục tiêu ưu tiên trước".
Trò chuyện với báo giới, ông Lịch nhận xét, hiện nay quy trình quyết định ngân sách đang bị ngược. Quy trình đúng là, trên cơ sở mục tiêu ưu tiên trên, Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách để kỳ họp cuối năm Quốc hội xem xét, xem coi việc phân bổ đó có nằm trong chủ trương nghị quyết của Quốc hội hay không.
"Nếu chúng ta bàn trước việc đó kỹ từ kỳ họp giữa năm thì Quốc hội là người thực sự nắm quyền ngân sách. Nếu như chúng ta để Chính phủ bàn bạc các địa phương trước, các ngành trước, lên cân đối rồi, cuối năm chúng ta ngồi xem thì rõ ràng chúng ta rất khó trong vấn đề quyết định nên tập trung vào đâu. Tôi nghĩ rằng nên thay quy trình như vậy thì Quốc hội có thể thực sự nắm vấn đề ngân sách và điều hành ngân sách".
Ông Đặng Như Lợi nghi ngại về độ chính xác của các con số được cung cấp cho Đại biểu Quốc hội. "Vấn đề thu ngân sách năm 2007, số ước thu là 287.900 tỷ đồng, đúng hay sai? Có sát thực tế hay không? Tôi nghĩ trừ Bộ Tài chính thì khó có đại biểu nào, cũng như các cơ quan của Quốc hội biết được thực hư chính xác đến đâu".
Gần cuối buổi sáng hôm nay (31/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận: "Cơ chế, chính sách của chúng ta cũng có một số chưa phù hợp với thực tiễn, phải sửa đổi, bổ sung. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra để dự báo, tính toán ngân sách là rất khó khăn và rất cao. Trong khi nhiệm vụ đặt ra là dự toán ngân sách lại phải vừa tích cực, nhưng lại vừa phải đảm bảo vững chắc. Đây là một yêu cầu rất khó".
Một số mặt yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2007 được các đại biểu quan tâm: - Công tác dự báo phân tích kỹ các nguồn thu chưa thật sâu. - Quản lý chi chưa chặt chẽ, tình trạng lãng phí, thất thoát trong chi thường xuyên và chi đầu tư chưa được cải thiện nhiều, có nơi, có việc nghiêm trọng. Trong xây dựng cơ bản thì công trình chờ vốn, ngược với trước đây, vốn chờ công trình, trong khi nhiều nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn vay phải trả lãi. - Chi cho lĩnh vực xã hội tuy nhỏ nhưng sử dụng chưa tập trung, chồng chéo, hiệu quả thấp. |
-
Vân Anh