5/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình NDN và TV Asahi (Nhật Bản) về quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản, định hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai, môi trường thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cùng một số vấn đề khu vực và quốc tế.
Trả lời câu hỏi về định hướng phát triển của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 và định hướng phát triển đến năm 2020, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết tâm đưa đất nước vượt qua ngưỡng "các nước đang phát triển có thu nhập thấp" ngay trong năm 2008; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những năm năm qua, Việt Nam tập trung phát triển kinh tế nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước khác, đặt yêu cầu vừa phát triển nhanh, vừa bảo đảm ổn định nền kinh tế. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội... Hơn 20 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã tạo cho mình hướng đi phù hợp để đưa nền kinh tế phát triển. Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục con đường đổi mới hiện nay, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đưa đất nước phát triển hơn nữa.
Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch nước cho biết, Nhà nước Việt Nam đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính để làm sao thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam cũng đang thực hiện điều chỉnh hệ thống luật pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Một khía cạnh nữa là chú trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự nhằm làm yên lòng nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng nguồn lao động trình độ cao vững vàng bản lĩnh, mở các khu công nghiệp, khu chế xuất, chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Về vai trò của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiềm lực kinh tế mạnh, trình độ khoa học kỹ thuật cao. Việt Nam hy vọng các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là ở những ngành có trình độ công nghệ cao. Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; các hoạt động này sẽ góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện nay, quan hệ mậu dịch hai nước chiếm tỷ trọng khá quan trọng đối với Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng tạo động lực mới củng cố sự tin cậy giữa hai nước, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản lên tầm cao mới. Chuyến thăm là dịp khẳng định lại sự nhất trí giữa lãnh đạo cấp cao hai nước phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản những năm tới theo hướng đối tác chiến lược, vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
(Theo TTXVN)