(VietNamNet) - Tại buổi thảo luận cuối cùng của QH về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện cả nước chỉ có khoảng 4.000 luật sư và gần 1.000 người tập sự. 80% vụ án chưa có luật sư tham gia tố tụng. Còn Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng thì khẳng định, sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân để xảy ra oan sai.
Chưa thể hiện vai trò luật sư trong các vụ án hình sự
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: "Luật sư chưa có nhiều cơ hội để nêu lập luận..."
"Số lượng luật sư còn rất thấp so với nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng tăng, trung bình 20.000 dân mới có 1 luật sư, trong khi ở Singapore, tỷ lệ này là 1.000 dân, Thái Lan: 1.700 dân, Nhật Bản: 5.500 dân. Ở các nước phát triển thì Mỹ có 1 luật sư/ 270 dân, Pháp: 500 dân. So với chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đề ra, năm 2010 có 18.000 luật sư, thì con số 4.000 luật sư thực thụ hiện nay còn rất khiêm tốn", ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo với QH: "Nếu tính hoạt động của luật sư tham gia bào chữa các phiên tòa, chúng ta mới có 20% vụ án có luật sư".
Theo ông Hà Hùng Cường, ngoài số lượng ít, một bất cập nữa là các luật sư tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai thành phố này có trên 2.000 luật sư đang hành nghề.
Liên quan đến quyền của luật sư trong tham gia tố tụng, Bộ trưởng Cường cho hay: "Việc luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong các tố tụng hình sự, điều tra và truy tố còn nhiều khó khăn, vướng mắc".
"Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư quy định rất rõ quyền của luật sư. Ví dụ, điều 27 của Luật Luật sư quy định rõ bao nhiêu ngày cơ quan tố tụng phải cấp giấy chứng nhận bào chữa, điều 9 quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư... Trên thực tế, việc thi hành luật của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Một số người khi tham gia tố tụng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của luật sư trong giải quyết các vụ án".
Ông Hà Hùng Cường nói rõ: "Vẫn còn trường hợp cơ quan điều tra địa phương gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của luật sư, ví dụ như việc yêu cầu luật sư đảm bảo tuân thủ rất nhiều loại giấy tờ, giấy chứng nhận bào chữa, trong việc bảo lãnh cho bị can, photo tài liệu liên quan đến vụ án, thậm chí ngay trong xét xử án vẫn chưa có nhiều cơ hội cho luật sư nêu rõ quan điểm lập luận của mình, chưa thực sự thể hiện vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự hiện nay".
Sau khi phân tích nguyên nhân, trong đó có việc các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm được ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị TANDTC, VKSNDTC sớm xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn thi hành nghề luật sư trong tố tụng.
Ông cũng đề xuất giải pháp cần nâng cao nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết các vụ án, giúp giảm thiểu oan sai, tôn trọng ý kiến của luật sư.
Sẽ xử nghiêm cá nhân để xảy ra oan sai
Về các vụ án bị trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cho biết những con số sau: Năm 2007, Viện kiểm sát (VKS) các cấp trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra ( CQĐT) 3.442 vụ, chiếm 4,4% số vụ mà VKS thụ lý, tăng hơn 388 vụ so với năm ngoái. Toà án trả lại hồ sơ cho VKSND điều tra bổ sung 2.896 vụ, chiếm 5,1 % số vụ toà án thụ lý, tăng 96 vụ so với 2006.
"Việc trả hồ sơ thể hiện sự hạn chế của công tác điều tra, kiểm sát điều tra. Mỗi lần trả lại như vậy sẽ khiến quá trình điều tra vụ án kéo dài, nhất những vụ án cấp trên trả xuống cấp dưới thời gian còn kéo dài hơn. Đây cũng là một trong những điều rất bức xúc", ông Vượng thừa nhận với QH.
Viện trưởng VKSNDTC cũng cho biết, trong năm qua, VKS đã đình chỉ 1.108 bị can trên tổng số 9.847 số bị can được cơ quan điều tra điều tra, xử lý. Trong số đó, có 44 bị can đình chỉ do không có tội.
Ông Vượng cho biết, nguyên nhân chủ quan là cơ bản. "Một bộ phận kiểm sát viên chưa đề cao trách nhiệm của mình, năng lực trình độ, kinh nghiệm thực tế còn yếu, chưa nhận thức và vận dụng đúng các quy định của luật, nhằm xác định chứng cứ khách quan của vụ án và kể cả khi kiểm tra chứng cứ cũng chưa thực sự khách quan".
"VKSNDTC sẽ nghiêm túc chỉ đạo các VKS địa phương rút kinh nghiệm và hạn chế mức thấp nhất số vụ án phải đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án do bị can không phạm tội và các trường hợp truy tố không có căn cứ. Và chúng tôi cũng xem xét các trường hợp oan có yêu cầu bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời VKSTC cũng sẽ xem xét kiểm điểm, xử lý nghiêm túc các đơn vị, cá nhân để xảy ra trường hợp oan sai", ông Vượng nói.
-
Vân Anh