(VietNamNet) - Không đưa ra một con số cụ thể cho thương mại song phương Việt - Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ mong muốn có những chuyển động nhanh chóng về phía trước, đưa DN hai nước thực sự trở thành đối tác, với Chính phủ là cầu nối.
>> Mong muốn Mỹ bãi bỏ cơ chế giám sát hàng hóa VN
Phái đoàn phát triển kinh doanh của Mỹ do Bộ trưởng thương mại Carlos M.Gutierrez dẫn đầu đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam từ 4-8/11. Phái đoàn là kết quả trực tiếp trong cam kết của Tổng thống Bush nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm thông qua tăng cường thương mại song phương.
"Khi nói về Việt Nam, nhìn vào tương lai và triển vọng của đất nước này, tôi thấy một quốc gia hấp dẫn", Bộ trưởng Gutierrez.
22 công ty tham gia phái đoàn lần này đại diện cho các ngành tiêu biểu và đa dạng của Mỹ, từ hóa chất, xây dựng, năng lượng... tới du lịch. Bộ trưởng thương mại Mỹ hy vọng phái đoàn sẽ tạo nên sự kết nối quốc gia, giúp DN hai nước trở thành đối tác.
"Mục tiêu của chúng tôi là mỗi DN trong chuyến thăm này sẽ tham gia đầy đủ trong tốc độ tăng trưởng nổi bật của Việt Nam bằng việc mở rộng kiến thức về thị trường Việt Nam cũng như thông qua phát triển và mở rộng mối quan hệ thương mại tại Việt Nam".
Để làm được điều này, ông Gutierrez cho rằng, tiềm năng hợp tác là sẵn có, các DN phải tự gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh. Với tiềm năng về nhân lực dồi dào, cách thức thu hút đầu tư cần được cải tiến, tạo quá trình thuận lợi cho các DN nước ngoài vào đầu tư.
Chỉ 6 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) có hiệu lực vào năm 2001, thương mại hai chiều đã tăng hơn 5 lần, từ 1,5 tỉ USD vào năm 2001 lên 9,7 tỉ USD vào năm ngoái. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 140%, đạt 1,1 tỉ USD, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ tại châu Á. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những nguồn đầu tư lớn nhất.
Tuy nhiên, thị phần của Mỹ trong tổng doanh số nhập khẩu của Việt Nam ở mức 3%, còn tương đối thấp, và còn nhiều tiềm lực để gia tăng.
Hai Chính phủ sẽ là cầu nối, tạo mối liên kết giữa DN hai bên, và các DN cũng chủ động, năng động và tích cực tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam, Bộ trưởng thương mại Mỹ nói.
Trước chuyến đi, Tổng thống Bush đã gửi thông điệp tới phái đoàn, nhấn mạnh đây là "cơ hội cho các nhà lãnh đạo kinh doanh của Hoa Kỳ phát hiện thêm những cơ hội mới và tăng cường các mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".
Việt Nam: thay đổi đáng kinh ngạc
Tại buổi tiếp xúc báo giới chiều 5/11, ông Gutierrez đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, và còn tiếp tục phát triển nhanh. Việc Việt Nam tham gia WTO là kết quả trực tiếp của một nền kinh tế cải cách tích cực và là động lực mạnh mẽ của một con hổ thương mại mới nổi. "20 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kinh ngạc". Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã có những đổi mới mạnh mẽ.
"Khi nói về Việt Nam, nhìn vào tương lai và triển vọng của đất nước này, tôi thấy một quốc gia hấp dẫn", Bộ trưởng Gutierrez nói. "Quyết định đầu tư hay không phụ thuộc vào từng DN cụ thể, các DN sẽ tự đánh giá và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Việt Nam có cơ hội và môi trường đầu tư cho các DN".
Thách thức lớn nhất để dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhanh, mạnh, thuận lợi hơn chính là cần một nguồn lực tốt để hấp thụ được dòng vốn đó. Chính phủ cần có nhiều cải cách để cải thiện tình hình.
Việt Nam cũng cần thực hiện tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bản thân Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng đánh giá, trong bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, "Việt Nam đã là một hiện tượng, có quá nhiều sự thay đổi ở Việt Nam".
Không đưa ra một con số cụ thể cho thương mại song phương thời gian tới nhưng Bộ trưởng Gutierrez hy vọng, với một nước phát triển nhanh như Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều sẽ tăng nhanh hơn, tạo cơ hội việc làm, đem lại thịnh vượng lớn hơn cho cả hai bên.
"Mọi thứ cần phải đi nhanh hơn, tiến về phía trước, với những chuyển động nhanh chóng và mạnh mẽ". "Trong thời gian tới, thương mại hai chiều sẽ tăng hơn 10 tỷ, 12 tỷ USD hoặc hơn nữa. Quan trọng là cần phải tăng nhanh hơn, sâu rộng hơn".
Mỹ sẽ giải quyết câu chuyện thâm hụt thương mại với Việt Nam không phải bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam mà bằng các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam. Phía Mỹ sẽ tìm cách tăng cường tiếp cận thị trường cho các DN, tìm kiếm một sân chơi bình đẳng tại thị trường Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh.
Mỗi năm Bộ trưởng Thương mại Mỹ chỉ chọn một quốc gia là điểm đến. Chuyến đi lần này được ghi nhận là một lá phiếu ủng hộ cho những nỗ lực phát triển của Việt Nam cũng như cho sự thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn Mỹ sẽ có các cuộc gặp gỡ với các quan chức Việt Nam, đại diện các DN cũng như sẽ có một hội thảo bàn về quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ một năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO.
-
Phương Loan - Thành Trung