221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1001678
Đề nghị Chính phủ cho đô thị lớn tự chủ tài chính
1
Article
null
Đề nghị Chính phủ cho đô thị lớn tự chủ tài chính
,

(VietNamNet) - Tại phiên thảo luận chiều 5/11 về kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, nhiều đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Chính phủ tạo cơ chế tài chính thoáng để các đô thị lớn được tự chủ.

Đề nghị ra nghị quyết về thu hồi trụ sở, nhà đất công sai mục đích

ĐB TP.HCM thảo luận tại tổ.

Phiên thảo luận tại tổ của TP.HCM nóng lên với các kiến nghị Chính phủ "nới" cơ chế tài chính cho TP.HCM phát triển.

"Muốn nguồn thu càng nhiều thì cơ chế tài chính càng phải thoáng", Đại biểu Nguyễn Việt Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế tài chính để các đô thị lớn được tự chủ. Khẳng định lại quan điểm "vùng nào, tỉnh thành nào có khả năng phát triển kinh tế, tự tăng nguồn thu thì cần tạo cơ chế thông thoáng".

Trong khi đó, Đại biểu Ngô Minh Hồng khẳng định: Nghị quyết Quốc hội rất cần làm rõ nội dung này.

Các đại biểu TP.HCM cũng đòi Quốc hội đưa vào nghị quyết việc xử lý, thu hồi trụ sở, nhà đất công sử dụng sai mục đích.

Các đô thị lớn, đặc biệt tại TP.HCM  hiện có một nguồn thu lớn đang bị thất thoát, đó là các trụ sở, nhà xưởng bị sử dụng sai mục đích của các cơ quan trung ương, các Bộ ngành, ông Nguyễn Việt Dũng nêu vấn đề.

Nghị quyết QH phải làm rõ vấn đề thị trường bất động sản hiện đang đầu cơ nhiều nhất.

Tôi kiến nghị thực hiện đồng bộ ba biện pháp: tài chính đất đai (sử dụng công cụ thuế) biện pháp hành chính, chẳng hạn, các dự án triển khai chậm phải lấy lại đất; thứ ba, biện pháp kinh tế, tăng nguồn cung bằng cách cho phép cả tư nhân lẫn nhà nước cùng song song kinh doanh cung cấp nhà ở cho người dân. (LS Nguyễn Đăng Trừng).

ĐB Dao Nhiễu Linh chia sẻ,  Bộ trưởng Bộ Tài chính đã hứa sẽ kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn, thu hồi trụ sở, nhà đất công sử dụng sai mục đích ở TP trong năm 2008, nhưng dự thảo Nghị quyết không thấy đề cập đến vấn đề này.

"Nghị quyết phải nêu rõ yêu cầu Chính phủ xử lý dứt điểm trong năm 2008", ông Nguyễn Việt Dũng kiến nghị.

Trước đó, thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Du Lịch cũng đã kiến nghị về việc nhà nước đã bỏ phí nguồn tài chính từ quỹ đất đô thị "vào tay giới đầu cơ".

Lưu ý vấn đề tránh thất thoát trong tiêu tiền nhà nước, ĐB Dao Nhiễu Linh cho biết, nhiều chương trình mục tiêu QG như 134, 135 đang "có vấn đề", chưa được giám sát. Người dân phản ánh, ở nhiều nơi, dân không có nước sạch để dùng mặc dù chính quyền địa phương vẫn cho đào giếng, "để lấy tiền dự án".

ĐB Ngô Minh Hồng cũng dẫn chứng, việc lãng phí trong xây dựng cụm xã trung tâm   cho thấy chi tiêu ngân sách vẫn không đúng mục đích và không có "nhạc trưởng" điều phối. "Phải tính cơ chế phối hợp để tiêu đồng vốn của nhà nước", ĐB Hồng đề xuất.

Nhiều con số quá "đẹp", khó đạt

Tại phiên thảo luận cuối cùng trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2008, các đại biểu mất khá nhiều thời gian vào việc tranh luận quanh những con số chỉ tiêu cụ thể mà Chính phủ đặt ra.

Thảo luận ở tổ Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Dương Ngọc Ngưu nhận xét, dường như một số chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra là những con số "quá đẹp".

Ông Ngưu phân tích: "Rất khó đạt mục tiêu 70% số lao động xuất khẩu đã qua đào tạo. Hiện nay, công nhân của chúng ta chủ yếu chỉ làm công việc đòi hỏi trình độ không cao. Có cháu nói với chúng tôi, ở nhà đã làm may 20 năm mà đi lao động nước ngoài không được đứng máy, chỉ được đi nhặt chỉ".

"Con số 25,7 giường bệnh trên 1 vạn dân có đảm bảo được không? Chúng ta có đi nhanh quá không, bởi hiện nay chúng ta chỗ nào cao mới có 18 giường, có chỗ chỉ 12-13 giường".

Đại biểu Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh cũng nói: "Chỉ tiêu đảm bảo cung cấp nước sạch cho 75% dân nông thôn là con số rất cao và rất khó thực hiện. Bây giờ phải làm rõ thế nào là nước sạch. Không thể coi nước giếng với những mạch ngang là nước sạch được. Chỉ được gọi là nước sạch khi nó được cung cấp từ những nhà máy nước công nghiệp. Nếu như vậy thì ngay tại Hà Nội, mong 70% số dân được sử dụng nước sạch cũng là khó".

Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh lo lắng: "Chỉ tiêu về an toàn giao thông rất là cần thiết nhưng đặt chỉ tiêu giảm 15% số người chết sẽ rất khó thực hiện nếu như không có các giải pháp đi kèm".

Về tăng trưởng GDP, nhiều đại biểu cho rằng, không nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8,5-9% mà nên là 9%, để khẳng định quyết tâm của Chính phủ.

Các đại biểu cũng có yêu cầu cao đối với việc điều hành của bộ máy quản lý. Theo đại biểu Hà Nội Đặng Văn Khanh, Nghị quyết của QH cần khẳng định dứt khoát năm 2008 việc quan trọng là nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước và điều này phải đưa lên trước khi đặt ra các chỉ tiêu vì nó quyết định sự thành công của các chỉ tiêu.

"Trong Nghị quyết, không nên đưa những câu chung chung như “coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo” mà nên khẳng định: "Phải nâng cao một bước đối với chất lượng giáo dục đào tạo”. Cũng như vậy, nên khẳng định nâng cao một bước điều kiện chăm sóc sức khoẻ nhân dân"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng cho rằng, các điều khoản trong dự thảo này vẫn mang nặng tính khẩu hiệu.

"Nghị quyết của QH là văn bản pháp quy, vì vậy chúng ta phê chuẩn các chỉ tiêu cho Chính phủ phải kèm với chế tài, phải yêu cầu Chính phủ báo cáo, giải trình nếu không thực hiện được", ông Đào nói.

Dự kiến, ngày 12/11 sắp tới, QH sẽ thông qua Nghị quyết về vấn đề này.

  • Lê Nhung - Vân Anh

 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,