221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1001758
Chính phủ đề nghị giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất
1
Article
null
Chính phủ đề nghị giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất
,

(VietNamNet) - Giảm thuế suất chuyển quyền sử dụng đất, thay thế thuế này bằng thuế thu nhập cá nhân, bỏ hoặc điều chỉnh phí, lệ phí, miễn giảm cho các hộ nghèo khi cấp giấy chứng nhận (GCN)... Đây là những giải pháp mà Chính phủ trình Quốc hội hôm nay (6/11).

>> Sổ đỏ-sổ hồng: Nhùng nhằng chuyện ế, phiền, ì

Sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên sẽ trình bày trước QH báo cáo tình hình chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Sau đó, vấn đề này sẽ được các đại biểu thảo luận tại hội trường. Toàn bộ buổi làm việc được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Sai sót và phiền hà: Tình trạng phổ biến

Báo cáo của Chính phủ cho biết, tiến độ cấp GCN được đẩy nhanh hơn trong gần 3 năm qua. "Cùng với các quy định của Luật Đất đai 2003, các văn bản quy định chi tiết có những bước cải cách quan trọng. Việc cấp GCN được phân cấp giữa UBND cấp tỉnh và cấp huyện, giữa UBND cấp tỉnh với cơ quan quản lý đất đai cùng cấp, thủ tục có những bước đổi mới, giảm phiền hà", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết.

Tính đến ngày 30/9/2007, cả nước đã cấp được 13.686.51 GCN với diện tích 7.485.643 ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt 82,1% so với diện tích cần cấp.

Cấp GCN đối với đất ở tại nông thôn đạt 76,5% diện tích cần cấp. Đất ở tại đô thị mới cấp 62,2% diện tích cần cấp.

Để thực hiện việc cấp GCN theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, Luật Nhà ở, Nghị quyết 775 và Nghị quyết 58 của UB Thường vụ QH, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành 16 văn bản có các quy định về cấp GCN. “Tuy nhiên, do có khó khăn về điều kiện thực hiện, chủ yếu là thiếu kinh phí, lực lượng chuyên môn thiếu và yếu về năng lực, cũng như còn nhiều vướng mắc trong các quy định về cấp GCN nên tiến độ cấp GCN còn chậm”, Bộ trưởng Nguyên thừa nhận.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhận xét: “Nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính khi giải quyết cấp GCN, vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp GCN như yêu cầu người dân phải nộp thêm các loại giấy tờ ngoài quy định hoặc phải tự mang hồ sơ đến từng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và không xem xét cấp GCN cho các trường hợp đất thuộc phạm vi quy hoạch, đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình mà không thuộc trường hợp phải thu hồi đất”.

Ông nói: “Thậm chí có nơi vẫn yêu cầu người dân phải xin xác nhận của những người liền kề về ranh giới sử dụng đất, cá biệt có nơi còn đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú mới xem xét cấp GCN”.

Bộ trưởng Nguyên nói thêm: “Hiện tượng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân khi làm các thủ tục cấp GCN vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tình trạng sai sót trong quá trình cấp GCN còn khá phổ biến”.

Giải thích cho tình trạng này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập. Lệ phí trước bạ và thuế suất chuyển quyền cao khiến nhiều người không làm thủ tục cấp GCN, không thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan nhà nước mà chủ yếu thực hiện bằng hình thức trao tay, làm hạn chế việc giao dịch quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản, gây thất thu lớn cho ngân sách.

Kết quả thanh tra việc xét cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà trong năm 2006:

14,87% bộ hồ sơ có sai phạm, trong đó chủ yếu sai về thời hạn trao trả GCN, tiếp theo là về trình tự thủ tục, sai về khoản thu nộp ngân sách, đối tượng cấp GCN, diện tích đất.

Bộ trưởng Nguyên cũng nêu nguyên nhân do tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thiếu cán bộ, kinh phí...

Không nên thu nhiều tiền khi cấp "sổ đỏ"

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thay mặt Chính phủ chính thức đề nghị Quốc hội: “Thông qua Nghị quyết ngay trong kỳ họp này về việc thống nhất cấp một loại GCN bao gồm quyền sử dụng đất (“sổ đỏ") và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (“sổ hồng”); thống nhất quy trình thực hiện việc đăng ký đất đai, đăng ký tài sản hình thành từ sử dụng đất trên nguyên tắc thống nhất đầu mối quản lý đăng ký, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất, khắc phục lãng phí trong quản lý”.

Theo kế hoạch, đầu năm 2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng khắc phục những bất cập, chồng chéo, không thống nhất giữa luật này với các luật liên quan để làm cơ sở thống nhất về quản lý đất đai. Luật Đăng ký bất động sản cũng sẽ được ban hành nhằm thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, giảm phiền hà cho người sử dụng đất, tạo sự đồng bộ trong quản lý phát triển thị trường bất động sản.

Với lý do phải "coi việc cấp GCN là mục tiêu chính để Nhà nước quản lý đất đai, không nên thu nhiều tiền của người sử dụng đất khi làm thủ tục cấp GCN lần đầu”, Chính phủ cũng đề nghị QH “sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai theo hướng giảm mức thuế suất chuyển quyền sử dụng đất (4%), thay thế thuế chuyển quyền bằng thuế thu nhập cá nhân”.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội bỏ hoặc điều chỉnh các khoản phí, lệ phí liên quan đến cấp GCN cho phù hợp với thực tế; có chính sách miễn giảm hoặc hỗ trợ cho gia đình, cá nhân sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo.

Trong năm 2008, Chính phủ yêu cầu các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện việc kê khai, đăng ký đối với mọi trường hợp đang sử dụng đất mà chưa đăng ký, xem xét, quyết định công nhận quyền sử dụng đối với những trường hợp đủ điều kiện cấp GCN, xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn tại do lịch sử để lại.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,