(VietNamNet) - Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và kết quả giám sát của UB Thường vụ QH, sáng nay (6/11), các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất. Các đại biểu yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh mâu thuẫn giữa các luật: Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Đầu tư và các nghị định. Mục đích: Giảm phiền hà cũng như chi phí cho người dân.
>> Chính phủ đề nghị giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất
>> Sổ đỏ-sổ hồng: Nhùng nhằng chuyện ế, phiền, ì
Do số người đăng ký phát biểu quá nhiều nên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã phải đề nghị các đại biểu "thông cảm": Đại biểu đăng ký mà không bố trí phát biểu được sẽ gửi ý kiến bằng văn bản cho Đoàn Thư ký.
Việc cấp sổ đỏ còn chậm trễ và gây nhiều phiền hà, bức xúc cho dân.
Vẫn chưa định danh cơ quan, cá nhân gây chậm trễ
Nhiều đại biểu đề nghị UB Thường vụ QH và Chính phủ đánh giá cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, địa phương gây chậm trễ trong việc cấp giấy.
"Nhiều địa phương cấp GCN quyền sử dụng đất mới đạt dưới 70% và còn 309 huyện chưa thành lập văn phòng đăng ký, trong đó có 19 tỉnh chưa có văn phòng đăng ký cấp huyện, cũng là điều dễ hiểu", đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) nhận xét.
Trong năm 2007, có 240.584 lượt công dân đến các cấp để khiếu nại, tố cáo, đặc biệt đã có 1.053 lượt đoàn người khiếu nại đông người. Trên 80% vụ việc khiếu nại liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, giá cả đền bù, hỗ trợ xây dựng khu tái định cư, đây là điểm nóng nhất mà Báo cáo đánh giá chưa tương xứng. Đại biểu Phan Văn Vĩnh |
"Những vấn đề yếu kém như địa phương chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, cán bộ, công chức cố tình gây phiền hà, nhũng nhiễu... chỉ mới dừng lại ở việc phản ánh thực trạng yếu kém. Còn những yếu kém đó trách nhiệm thuộc về ai, bộ, ngành, địa phương nào thì trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa định danh được", đại biểu Kim Anh nói.
Đại biểu Phan Văn Vĩnh (Nam Định) băn khoăn: "Về 7 điểm tồn tại, hạn chế trong công tác đăng ký cấp GCN, có 2 tồn tại thuộc về công tác của đội ngũ cán bộ, còn 5 tồn tại khác lại thuộc về các địa phương, cơ sở. Với những yếu kém, tồn tại nghiêm trọng như vậy, thử hỏi có bao nhiêu đồng chí lãnh đạo địa phương phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật về trách nhiệm của mình? Yếu kém này dẫn đến thất thoát hữu hình và vô hình khá lớn cho Nhà nước ta mà chưa tổng kết đánh giá được".
"Phiền và tiền"
Phân tích ngắn gọn nguyên nhân khiến nhiều GCN quyền sử dụng đất đã được ký nhưng không được phát đến người sử dụng, đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) nêu "hai lý do chính: Phiền và tiền".
"Phiền ở đây là trình tự thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính còn phiền hà. Theo quy trình thủ tục cũ, người dân phải đi lại khoảng 5 lần. Theo quy trình mới ở Thông tư liên tịch số 30 tháng 4/2005 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì dân đi lại khoảng 3 lần. Đi nộp tiền mà cũng phải đi 3-5 lần, rất phiền hà. Có nhiều người cũng có khả năng tài chính nhưng vì nó phiền hà cho nên họ cũng chưa quan tâm.
Thứ hai là tiền. Đúng là do hoàn cảnh thì một số người dân chưa có điều kiện chuẩn bị hoặc không có điều kiện chuẩn bị để thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho nên họ cũng phó thác ở đấy", ông Hợp nhấn mạnh.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, quy định về nghĩa vụ tài chính phải nộp khi đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất còn quá cao. "Vấn đề này trong thực tế nhiều hộ gia đình, cá nhân nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, đã được cấp giấy nhưng họ không thể nhận hoặc không muốn nhận vì số tiền phải nộp ngoài khả năng tài chính của họ".
Ở Đà Nẵng, không có chuyện đền bù theo giá thị trường ảo. Giá thị trường là trong điều kiện bình thường chứ không phải trong điều kiện Nhà nước bỏ vào 500 - 700 tỷ đầu tư công trình rồi gọi đó là giá thị trường. Thứ hai, Đà Nẵng không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân, Nhà nước đứng ra làm hết. Thứ tư, khi mở đường thì lấy thêm quỹ đất 2 bên đường để khai thác quĩ đất, để có kinh phí làm đường. Chứ không có chuyện ở trong tận hẻm, trong một đêm đến sáng là ra mặt tiền. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh |
Cần hợp nhất thành một loại giấy
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) dẫn chứng về bất cập giữa các luật: "Luật Đất đai năm 2003 thì không công nhận quyền sở hữu nhà, còn đến Luật Nhà ở năm 2005 thì được công nhận, chỉ chênh nhau có khoảng 2 năm. Quốc hội thì bận trăm công nghìn việc cho nên giao việc này cho Ban soạn thảo, mà Ban soạn thảo thì luật nào Bộ đó chủ công. Ví dụ như Luật Đất đai thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Nhà ở thì do Bộ Xây dựng".
Cho rằng việc "thể chế hóa các văn bản hướng dẫn sau luật chậm được đổi mới, nhiều điểm trong các điều khoản của văn bản pháp luật này mâu thuẫn với văn bản pháp luật khác, kể cả trong cùng một văn bản, thiếu tính nhất quán và tôn trọng đạo luật gốc", đại biểu Phan Văn Vĩnh đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường "phối hợp với các bộ, ngành sớm tổng kết, đánh giá lại kết quả qua 3 năm thực hiện Luật Đất đai". Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) thì đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định việc cấp GCN quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hướng: "Hợp nhất hai loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sổ đỏ và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - sổ hồng, với tên gọi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất". Ông Danh cũng đồng thời đề xuất với Chính phủ quy định thống nhất cơ quan thụ lý hồ sơ và tham mưu cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện. Cũng có thể xem xét đổi tên cơ quan này thành Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và bất động sản, về lâu dài thì cần ban hành Luật Đăng ký bất động sản. Đại biểu Dương Kim Anh cũng tán thành việc thống nhất cấp một loại giấy, bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đại biểu đề nghị Chính phủ "cần thành lập một tổ soạn thảo, gồm những người vừa có chuyên môn sâu, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, đừng để tình trạng một luật bị sửa đi, sửa lại nhiều lần, nhưng tuổi thọ của luật quá ngắn ngủi, điển hình như Luật Đất đai".