(VietNamNet) - "Ngoài cán bộ từ phó phòng trở lên, cần kiểm soát thu nhập của những đối tượng khác: cán bộ quản lý thuế, nhân viên hải quan, trưởng công an xã, phường, thậm chí tới đây, cả cảnh sát khu vực cũng phải nằm trong tầm đó". Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói.
>> Chưa trình QH đề án kiểm soát thu nhập vì khó!
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: VA
Sẽ mở rộng dần đối tượng
Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để trình Chính phủ, một lộ trình xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng. Đối tượng của Đề án hiện có hai mức, thứ nhất là cán bộ từ cấp phó phòng trở lên, thứ hai là tất cả cán bộ, công chức. Thanh tra Chính phủ nghiêng về phương án nào?
Tôi nghĩ mục đích kiểm soát thu nhập là bảo đảm sự công khai, minh bạch trong việc quản lý cán bộ và giám sát cán bộ.
Chúng ta đã có đối tượng phải kê khai tài sản được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, chủ yếu là những người có chức vụ từ cấp phó phòng trở lên. Nhưng trong đó có một số công chức, viên chức mà nếu như không phải phó phòng nhưng làm ở những vị trí đặc biệt thì mình cũng phải yêu cầu kê khai.
Do đó, quy định kiểm soát thu nhập cũng phải đi liền theo cái đó, tức là ngoài cán bộ cấp thấp nhất là phó phòng, còn có những đối tượng khác cần được quản lý, kiểm soát.
Những đối tượng này có thể là những ai, thưa ông?
Ví dụ, cán bộ quản lý thuế, nhân viên hải quan, hoặc những cán bộ cấp xã, phường, trưởng công an xã, phường, thậm chí tới đây cả cảnh sát khu vực cũng phải nằm trong số đối tượng mà thu nhập được kiểm soát.
Tất nhiên, chúng ta không làm đồng loạt ngay lúc đầu mà phải có bước đi thích hợp nhưng mở rộng dần theo hướng như thế. Càng kiểm soát tốt thu nhập thì sẽ càng bảo vệ được anh em cán bộ.
Không thể kiểm soát "nội bộ"
Trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn nói, trong việc kê khai thu nhập, tinh thần tự giác của cán bộ, công chức là quan trọng. "Tinh thần là mỗi quý một lần, mỗi cán bộ, công chức phải tự khai, ngoài lương ra thì thu nhập thế nào. Và đến quý sau lại tiếp tục khai, rút lại bản khai quý trước để khai cả 6 tháng. Nếu cán bộ, công chức không khai đúng, khai đủ, đó sẽ là cơ sở để xem xét trách nhiệm và tư cách của họ, thậm chí có biện pháp xử lý nếu cán bộ không khai". Cũng theo Bộ trưởng, Đề án sẽ được áp dụng với tất cả những người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị, kể cả Chính phủ, các cơ quan của Đảng, của Quốc hội... |
Ông từng nói: Kiểm soát thu nhập thì phải kiểm soát toàn bộ chứ không phải chỉ mỗi cán bộ. "Toàn bộ" ở đây có nghĩa là toàn xã hội?
Tôi muốn nói là việc kiểm soát thu nhập phải đi liền bằng những giải pháp đồng bộ. Không chỉ kiểm soát ở cán bộ công chức, vì nếu không kiểm soát được xã hội nói chung thì kiểm soát cán bộ công chức cũng chỉ là một phần rất nhỏ thôi.
Công chức có mối quan hệ gia đình, vợ con, người thân... Nếu họ không khai thu nhập mà chuyển cho những người khác thì mình đâu có kiểm soát được. Do vậy phải có những giải pháp đồng bộ.
Nhưng quan điểm của Chính phủ là không cầu toàn, tức là làm được đến đâu thì làm đến đó, không gây ra lộn xộn phức tạp, sau đó rút kinh nghiệm từ thực tế và mở rộng dần.
Khi mà giao dịch tiền mặt còn phổ biến trong xã hội thì làm thế nào để kiểm soát thu nhập thực sự có hiệu quả, thưa ông?
Theo tôi, phải bàn rất kỹ Đề án kiểm soát thu nhập.
Qua nghiên cứu tình hình nhiều nước, tôi thấy, muốn kiểm soát được hiệu quả thì chúng ta không thể đóng khung chuyện nội bộ lại để rồi nói kiểm soát riêng nội bộ mình mà phải kiểm soát thu nhập của cả xã hội, của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, theo một hệ thống nào đó, rồi chuyển dần đến xu hướng hạn chế việc dùng tiền mặt.
Nếu lượng tiền mặt được sử dụng rất lớn trong xã hội thì việc kiểm soát sẽ rất khó khăn. Cho nên, về lâu dài, cần tính đến những giải pháp toàn diện, đồng bộ để kiểm soát được hoạt động của xã hội về mặt thu nhập.
Nhưng dẫu sao cũng không cầu toàn, làm sao kiểm soát được ở mức tương đối, tức là hiểu cán bộ của mình qua nhiều con đường, nhiều kênh để có thể đánh giá họ có trong sáng không, có thu nhập minh bạch không. Nếu không minh bạch thì mình có những biện pháp chuyên môn thẩm tra, xác minh làm rõ.
Như vậy, việc kiểm soát phải có tính khả thi. Chứ thực ra, dù có biện pháp gì hiện nay, tôi cũng coi rằng chưa có cách nào để kiểm soát thu nhập một cách tường tận được.
-
Vân Anh