(VietNamNet) - "Trong tiếp xúc cử tri, họ liệt kê từng khóa Quốc hội đã làm bao nhiêu luật, chi bao nhiêu tiền, tính ra mỗi bộ luật là bao nhiêu. Nhưng bây giờ, khi các bộ luật ấy đến với họ, họ không cảm nhận được gì", trưởng đoàn ĐBQuốc hội TP.HCM Trần Hoàng Thám chia sẻ.
"Luật chưa hoàn thiện là lỗi của Quốc hội"
Trưởng đoàn ĐBQuốc hội TP.HCM Trần Hoàng Thám Thưa ông, phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 31/10 vừa qua, ông có nói rằng một trong những lý do dẫn tới việc trì trệ trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có nguyên nhân từ chính Quốc hội. Cụ thể là gì?
- Như đã phát biểu, một trong những vướng mắc của điều hành phát triển kinh tế xã hội thời gian qua có nguyên nhân từ việc làm luật. Trong vấn đề đưa đất nước hội nhập cũng còn vấn đề về luật. Đây là trách nhiệm của Quốc hội. Nhiều đại biểu sau đó gặp tôi đã nói lần đầu tiên trên Hội trường có người nêu vấn đề Quốc hội nhận lỗi.
Tôi hoan nghênh trong kỳ họp này Thường vụ Quốc hội có trình với Quốc hội về chương trình làm luật. Tôi hy vọng chương trình này sẽ giải quyết một phần có tính nguyên nhân cho việc đưa đất nước hội nhập và phát triển kinh tế xã hội.
Ông có nói lỗi này tồn tại từ nhiều khóa trước. Vậy theo ông, còn "vướng" ở chỗ nào mà "gỡ" chưa ra?
- Trong cơ chế này có cái vướng, như tôi đã nói là thuộc về lỗi của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu Chính phủ thấy vướng chỗ nào thì phải kiến nghị để Quốc hội điều chỉnh luật. Chẳng hạn, những bất cập của Luật đất đai mà đại biểu nhiều ngày qua đã nói rằng cần phải sửa.
Trách nhiệm quản lý của Chính phủ trong Cải cách hành chính thì Chính phủ phải chịu. Nhưng còn việc luật chưa hoàn thiện, không còn phù hợp, chậm sửa, là phần của Quốc hội. Không thấy Chính phủ phê bình Quốc hội lần nào vì sự chậm trễ này.
Phải chọn ưu tiên và đúng tầm
Vậy còn với trách nhiệm giám sát, tại sao các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội thấy luật còn chồng chéo, mâu thuẫn mà không kiến nghị để sửa đổi thay vì đợi cho đến khi Chính phủ đề xuất, thưa ông?
"Quốc hội nên hướng đến ban hành những đạo luật điều chỉnh những vấn đề rất cụ thể, cần kíp, ban hành xong thực hiện được ngay. Không nên làm những luật lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề" (Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - trả lời báp Pháp luật TP.HCM) |
- Cũng có nguyên nhân đó. Nên tôi nghĩ trong thời điểm này Quốc hội nên tập trung làm luật, có khi phải dành tới 60 - 70% thời gian.
Việc nhiều, nhu cầu cuộc sống lớn và đa dạng, thời gian của Quốc hội khóa này chỉ có 4 năm mà bây giờ, đến kỳ họp thứ hai này mình mới thông qua về chương trình làm luật của cả nhiệm kỳ. Tôi xin kiến nghị với Quốc hội 3 việc cụ thể:
Một, trong làm luật, phải xếp hàng ưu tiên. Quốc hội cân nhắc những việc cần cho mở cửa hội nhập để đảm bảo cho việc thực thi quản lý hành chính nhà nước, phục vụ cho công cuộc hội nhập Quốc tế cần ưu tiên số một. Những vấn đề, quy định về luật ở tầm Quốc hội để giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống: giải tỏa đền bù đất đai để phục vụ cho công nghiệp hóa; giao thông.... Ách tắc giao thông ở hai thành phố lớn phải đặt lên bàn chương trình trọng điểm Quốc gia. Là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GTVT hay Chủ tịch UBNDTP?
Thứ hai, phải chọn cái đúng tầm của Quốc hội. Theo Hiến pháp, vấn đề nào Thủ tướng, Chủ tịch nước làm, để Thủ tướng và Chủ tịch nước làm, Quốc hội không làm thay.
Thứ ba, làm luật là phải rõ ràng, đối tượng, chế tài, khuôn mẫu rõ ràng... Đặc biệt, chuyện của Chính phủ là phân công cho các bộ, ngành, Quốc hội không cần phải tư duy phân công công việc cho các bộ, ngành. Hai dự thảo luật vừa bàn, chưa thông qua tôi thấy có việc mình bàn, mình phân công tới là phải thành lập Ban chỉ đạo, mình phải phân công Thủ tướng hay Phó Thủ tướng thường trực, thậm chí mình bàn luôn việc này giao cho Bộ nào. Theo ý tôi để bớt thì giờ tư duy về hướng này, ta dành thì giờ tư duy về hướng khác để nội dung và chất lượng của mình tốt hơn.
"Bỏ tư tưởng làm nhiều luật lấy thành tích"
Một nửa thời gian của kỳ họp lần này là để dành cho việc làm luật. Dự kiến Chính phủ sẽ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII 126 dự án luật, chưa tính đề xuất của các cơ quan khác. Nhiều ý kiến cho rằng "kham" nhiều như vậy là quá sức vì thực chất trong 4 năm, 8 kỳ họp thì kỳ họp cuối bao giờ cũng dành cho việc tổng kết. Như vậy, theo ông liệu có đủ đảm bảo cho các ĐB đều đọc hết các dự án luật và cho những ý kiến xác đáng?
"Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI có 168 dự án, trong đó có 115 dự án luật. Tính đến tháng 4/2007, đã thông qua 137 dự án, trong đó có 86 luật, 16 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; 35 pháp lệnh của UBTVQuốc hội, đạt hơn 76,5%... Tổng số dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ và các cơ quan, tổ chức đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XII là 149 dự án (125 luật, 20 pháp lệnh, 2 nghị quyết, 1 nội quy và 1 quy chế). |
- Phải dẹp bỏ tư tưởng làm nhiều luật là có thành tích. Vì tôi nghe ngấp nghé rằng muốn phấn đấu phải làm thật nhiều luật và coi như là một thành tích.
Vấn đề không phải là thông qua bao nhiêu mà là luật đó có phục vụ cho phát triển đất nước và thúc đẩy đất nước hội nhập hay không? Nên Quốc hội mới cần cân nhắc nên làm luật gì trong chương trình tổng thể hội nhập này.
Trong tiếp xúc cử tri, có những cử tri họ đã liệt kê từng khóa Quốc hội đã làm bao nhiêu luật, chi bao nhiêu tiền, tính ra mỗi bộ luật là bao nhiêu. Nhưng bây giờ, khi các bộ luật ấy đến với họ, họ không cảm nhận được gì.
Tôi muốn rằng Quốc hội khóa này không lặp lại.
Thưa ông, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI vừa thông qua dự luật về phòng, chống tham nhũng, thì đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII lại xem xét, sửa đổi, bổ sung ... Làm gì để những chuyện tương tự không xảy ra với các bộ luật khác?
- Đúng là kỳ họp cuối cùng khóa XI thông qua dự luật Phòng chống tham nhũng. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới lại sửa, bổ sung về thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Tôi đã nói, đây là điều phải làm nhưng nên tránh. Sẽ thế nào nếu cứ duy trì cách làm luật, kỳ trước làm, kỳ sau sửa?
Cảm ơn ông.
-
Lê Nhung (thực hiện)