221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1005760
Kiến nghị cử tri: Mặt trận chỉ "kính chuyển" vì thiếu quyền
1
Article
null
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN:
Kiến nghị cử tri: Mặt trận chỉ 'kính chuyển' vì thiếu quyền
,

(VietNamNet) - Trò chuyện với VietNamNet trước khi Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri được trình bày trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQ) Phạm Thế Duyệt khẳng định mong muốn Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm thể chế hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.

Cần làm rõ hơn khái niệm "dân làm chủ"

Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: VA
Thưa ông, vì sao cử tri của MTTQ và đoàn thể có kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?

Kiến nghị này không có gì mới mẻ mà đã đến lúc cần phải làm rõ hơn vai trò của nhân dân, của MTTQ và các đoàn thể đại diện cho nhân dân.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời từ năm 1999 đã thể hiện khá rõ nhiều vấn đề: MTTQ là liên minh chính trị, là chỗ dựa vững mạnh của chính quyền, rồi mối quan hệ giữa Đảng, nhân dân với Nhà nước v.v...

Nhưng lần này, chúng tôi thấy cần phải đề cập vấn đề trên, xuất phát từ quan điểm của Đảng trong giai đoạn này là phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới và hội nhập.

77 năm qua, MTTQ đã tập hợp đoàn kết nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng khối đại đoàn kết này thực hiện thắng lợi công cuộc cách mạng. Nhưng theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ 10 thì MTTQ còn nhiều việc phải làm.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không cần phải sửa đổi gì nhiều nhưng cần phải khẳng định vấn đề sau: Hệ thống chính trị của chúng ta, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thì rất đúng.

Về cơ cấu tổ chức, Đảng đã rất rõ từ trung ương xuống đến cơ sở, chi bộ, đảng viên. Nhà nước cũng rất rõ, có lập pháp, hành pháp, tư pháp, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát đầy đủ hết.

Nhưng nói "nhân dân làm chủ" thì hiểu như thế nào? Hiểu là 84 triệu dân đều làm chủ hay hiểu là đại diện của dân, là MTTQ và các đoàn thể? Điều đó cần có bước làm rõ hơn. Đảng và Nhà nước rất coi trọng vai trò của Mặt trận chứ không xem nhẹ. Nhưng nó đã đúng với vị trí ở trong hệ thống chính trị chưa thì điều này còn cần phải suy nghĩ. Chính vì thế chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có nghĩa là đã đến lúc thể chế hóa vai trò giám sát và phản biện của MTTQ?

Đảng đề ra vấn đề là sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cơ sở mang tính quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và bây giờ cần thể chế hóa rõ hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội như Nghị quyết Đại hội 10 đã đề ra.

Nhất định Đảng đang làm rồi, đang nghiên cứu, để có hướng dẫn, chỉ thị về việc MTTQ từng bước thực hiện việc, giám sát thì đã có kinh nghiệm ít nhiều rồi nhưng phản biện xã hội thế nào cho nó đúng. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị những việc ấy, nếu được nghiên cứu, sẽ được đưa vào luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chỉ là 1 - 2 ý thôi nhưng rất quan trọng, mà có thể nói, nếu làm tốt công tác phản biện sẽ giúp cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Nhưng phản biện là phải có sự lãnh đạo của Đảng và phải được thể chế hóa bằng luật pháp, chứ không phải phản biện một cách tùy tiện, cực đoan, để cho các thế lực thù địch lợi dụng.

Đã đến lúc thể chế hoá vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận

Phải chăng vì vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa được thể chế hóa nên có những vấn đề, cử tri kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp Quốc hội mà vẫn chưa được xem xét, giải quyết?

Cái này đừng nên nói chỉ có cử tri, mà Đảng cũng mong, cho nên Đại hội 10 mới đề ra, là vai trò của MTTQ, của đoàn thể phải thực hiện được giám sát và phản biện xã hội.

Chúng tôi đang mong, không biết có được Quốc hội ủng hộ không, ngày 18/11 hàng năm là ngày kỷ niệm Mặt trận dân tộc thống nhất, năm nay là 77 năm rồi, mà 5 - 6 năm nay trở thành ngày hội truyền thống của hơn 10 vạn khu dân cư, ngày của đại đoàn kết dân tộc.

Nếu được ghi vào Luật Mặt trận Tổ quốc ý đó thì chắc là ý nghĩa về đại đoàn kết dân tộc sẽ được coi trọng hơn, quan tâm hơn và sẽ có sức mạnh hơn. Tuy là ngày kỷ niệm thôi nhưng nó sẽ là dấu ấn của việc khẳng định Đảng ta đối với truyền thống đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng của Chủ tịch HCM.

Luật cũng phải suy nghĩ về thành viên của MTTQ, có nên chỉ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, hay còn cần bổ sung, như tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp... MTTQ có 44 tổ chức thành viên rồi thì cũng phải hợp thức hóa.

Ông Trần Ngọc Nhẫn, Trưởng ban Dân chủ pháp luật của MTTQ từng nói: "MTTQ chỉ như một thùng thư, bởi luật quy định khi tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thì MTTQ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thôi". Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đúng là như thế, MTTQ chỉ "kính chuyển", vì nó chưa có quyền. Cho nên tôi mới nói, cần phải thể chế hóa vai trò của Mặt trận.

Nhưng cũng phải thấy như thế này. Tinh thần do Đảng chỉ đạo, tuy chưa phải có Luật Giám sát của nhân dân và MTTQ đầy đủ nhưng thực sự đã có những quy định dưới luật. Chúng ta có Pháp lệnh dân chủ cơ sở, đấy không phải của Quốc hội, của Nhà nước sao? Nó chưa thành luật nhưng đã là điều kiện để MTTQ yêu cầu các chủ tịch xã, phường hàng năm kiểm điểm trước dân, bỏ phiếu tín nhiệm, cái đó Nhà nước cho phép.

Nghị định 29 trước đây cũng ở dưới mức độ pháp lệnh, hay nghị quyết liên tịch của Thủ tướng và Chủ tịch MTTQ về việc làm thí điểm giám sát cán bộ công chức ở 5 tỉnh: Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh Quảng Bình, Ninh Bình và Hà Nội cũng là mang tính pháp luật chứ. Chỉ có điều, những văn ấy chưa phải là luật thôi.

Ông có thấy tiếc là Quốc hội chưa đưa vào chương trình xây dựng luật khóa này Luật Giám sát của nhân dân?

Đó là quyền của Quốc hội. Nhưng tôi nghĩ, làm gì cũng phải vững chắc. Tôi không sợ chuyện trên không cho, Đảng không cho hay Quốc hội chưa xem xét. Nhưng chưa chuẩn bị kỹ, chưa chín thì phải bình tĩnh. Hướng đi thì đã rõ, trên đang ủng hộ MTTQ nhưng MTTQ cũng phải cố lên chứ đừng tưởng giao cho thì cái gì cũng làm được cả đâu. Cái đó tôi cũng còn trăn trở lắm.

  • Vân Anh 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,