(VietNamNet) - Có một đêm để suy nghĩ trả lời các câu hỏi được đại biểu đặt ra từ chiều hôm qua (16/11) nhưng phần giải đáp của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về trách nhiệm của Bộ trong vấn đề giải ngân khống và bình ổn giá cả vẫn không làm các đại biểu hài lòng.
>> Diễn đàn QH không phải nơi Bộ trưởng báo cáo thành tích>> Bộ trưởng Giáo dục: Đừng làm tiến sỹ nếu không có cái mới
>> Mỗi câu trả lời của Bộ trưởng phải là một thông điệp
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Nếu có chuyện chi khống, thông đồng của nhà đầu tư, Bộ không biết đựoc mà chỉ căn cứ vào chứng từ để chi.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã phải hỏi đi hỏi lại đến 3 lần.
Câu hỏi của ông Thuyết là: Đề nghị Bộ trưởng cho biết ai chịu trách nhiệm về sai phạm của Bộ Tài chính trong việc giải ngân khống cho Đề án 112? Bộ Tài chính xử lý cán bộ của Bộ như thế nào? Làm gì để chấm dứt tình trạng giải ngân khống?
Bộ trưởng Ninh không giải trình ngay vào vấn đề: “Theo cơ chế giải ngân, Ban điều hành ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Một số hạng mục có tạm ứng, sau khi thực hiện thì thanh toán theo chế độ. Trong quá trình triển khai thực hiện, kết luận của Thủ tướng thì đã có báo cáo chi tiết gửi ĐB: đã phát hiện có những khoản đã tạm ứng nhưng chưa chi, 22, 4 tỷ đồng, sẽ thu hồi. Những khoản chi rồi chưa thực hiện đúng phân cấp, đang kiểm tra, thu hồi”.
Ông Ninh giải thích: Kho bạc không tham gia nghiệm thu nên không chịu trách nhiệm. “Sẽ có xử lý sai phạm và kỷ luật cán bộ”, Bộ trưởng nói ngắn gọn.
Sau câu trả lời này, chính người điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “ĐB Nguyễn Minh Thuyết chắc chưa bằng lòng nên hỏi thêm”.
Trả lời chất vấn cuối buổi chiều hôm qua, ông Ninh đi vào hai vấn đề chính mà nhiều đại biểu và cử tri đang quan tâm: phương thức điều hành giá cả thị trường và tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Về giá cả, trong mười tháng đầu năm, chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tăng 8,12%, được bộ trưởng đánh giá là "tương đối cao". Ông cho rằng nguyên nhân chính là do giá cả thị trường thế giới tăng liên tục từ đầu năm đến nay, chẳng hạn giá nguyên liệu sản xuất thuốc tăng 75-114%, giá nguyên liệu sản xuất sữa tăng 30-120%, thức ăn chăn nuôi tăng 13-58%, phôi thép tăng 33-36%, giá xăng tăng 42%... Về tốc độ giải ngân vốn, ông Ninh cho biết vốn trái phiếu Chính phủ được Thủ tướng giao từ tháng 7-2006 cho hơn 1.000 dự án nhưng đến hết tháng 10-2007 có đến 43% số dự án này chưa hoàn tất thủ tục đầu tư. Chính vì vậy, năm nay Chính phủ dự kiến huy động 20.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, sau đó phải điều chỉnh giảm xuống còn 16.000 tỉ đồng. Đến tháng mười, đã huy động gần 8.000 tỉ đồng và giải ngân được gần 7.500 tỉ đồng. "Chúng ta giải ngân đến đâu huy động đến đó nên không có chuyện để đọng vốn, gây thất thoát lãng phí” - ông Ninh khẳng định. |
Cho rằng “câu trả lời chưa rõ”, ông Thuyết hỏi lại: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng: Có chuyện giải ngân khống không, có chuyện như báo chí đăng là treo thưởng không, giải ngân nhanh thì cấp vốn nhiều? Một thứ trưởng tham gia vào Đề án 112, Bộ không thể nói không có trách nhiệm.
Ông Ninh trả lời về cách thức kiểm soát chi của kho bạc: “Nếu có chuyện chi khống, thông đồng của nhà đầu tư với nhà thầu thì Bộ không biết được mà căn cứ vào chứng từ, chứng cứ pháp lý để chi. Kho bạc không có trách nhiệm mà 2 bên phải chịu trách nhiệm về chuyện đó”.
Câu trả lời này của Bộ trưởng Ninh khiến ĐB Thuyết phải đứng lên lần nữa: “Tôi thấy là giải thích về vai trò của Bộ và Kho bạc đơn giản quá. Nếu chỉ thấy là bên A bên B thống nhất với nhau chi đúng rồi mà thông qua thì tôi cũng làm giám đốc Kho bạc được”.
Ông Thuyết nói thêm: “Tôi muốn biết trách nhiệm của Bộ Tài chính là thế nào, cử lãnh đạo tham gia Đề án để làm gì? Hay chỉ cho có thành phần thôi?”
Không có chuyện giảm giá điện như đề nghị của đại biểu
Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc bình ổn giá cả là vấn đề tiếp theo được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi cụ thể. Tuy nhiên, dường như phần trả lời của Bộ trưởng Ninh, một lần nữa, không làm thoả mãn người hỏi.
ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) chất vấn: “Bộ Tài chính đã giảm thuế 18 nhóm mặt hàng, vì sao một số doanh nghiệp cam kết giảm giá nhưng không giảm hoặc giảm rất ít? Thái độ của Bộ Tài chính như thế nào, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô?”
Ông Xướng cũng hỏi: Bộ trưởng nói từ tháng 8, tốc độ tăng giá đã chững lại. Điều đó đúng. Vậy nếu Bộ thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế tốc độ từ đầu năm thì phải chăngchỉ số giá cả đã không tăng cao như hiện nay? Với tư cách là tổng tư lệnh, trách nhiệm của Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng như thế nào? Hướng khắc phục là gì?
Cũng quan tâm đến vấn đề giá, ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) truy Bộ trưởng Ninh: “Từ nay đến hết 2008, Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ giải pháp gì để kiềm chế tăng giá? Đề nghị cho biết chỉ số tiêu dùng của ta tăng cao do chủ quan của các nhà lãnh đạo hay do sức đề kháng của nền kinh tế kém trước biến động thị trường thế giới?”
Trước những câu hỏi có phần hóc búa này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, thuế chỉ là một trong các giải pháp điều hành giá. Ông phân tích rõ: “Giảm thuế thì chỉ giảm được giá 3 - 4%, trong đó bởi nguyên liệu sữa nhập khẩu chỉ chiếm tối đa 7% giá. Thức ăn chăn nuôi cũng vậy, ngô giảm từ 5% xuống 3% rồi 0%, nhưng nhập khẩu tăng gần 45 - 50% một tấn”.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói ngay, ông chưa thỏa mãn với giải trình của Bộ trưởng. Ông đề xuất: “Tại sao chúng ta không giảm thuế mặt hàng liên quan trực tiếp đến nông dân? Nếu giảm giá sữa, bao nhiêu con em nông dân sáng ra được uống cốc sữa? Đề nghị Bộ trưởng đề xuất Chính phủ giảm giá một thứ thôi, đó là giá điện, vì điện liên quan đến tất cả các ngành sản xuất và tiêu dùng của mọi người dân”.
Về giá điện, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đây là vấn đề lớn nằm trong lộ trình điều chỉnh giá của Chính phủ. “Nhu cầu điện ngày một tăng, còn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bình quân giá điện một kwh hiện nay 1.085 đồng, nhưng chúng ta đang bán với giá 842đồng. Lộ trình giá điện phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo giá điện phải đảm bảo được đời sống nhân dân, nhu cầu sản xuất”.
Đóng góp phí: phải để dân tự nguyện
“Nông dân phấn khởi trước quyết định hợp lòng dân của Chính phủ là miễn, giảm một số loại phí, như thủy lợi. Bộ trưởng đã khẳng định, với một số dự án đầu tư làm đường, trường của Nhà nước, từ nay cam kết không yêu cầu nhân dân đóng góp. Tuy nhiên chúng tôi chưa thấy trong báo cáo”, ĐB Nguyễn Ngọc Ninh (Ninh Thuận hỏi.
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng thắc mắc: “Báo cáo của UB Tài chính Ngân sách của QH cho biết, có vi phạm trong thu phí, buông lỏng quản lý, khiến một số loại phí đang đè nặng lên vai người dân. Vậy phải làm gì để giảm bớt?”
Bộ trưởng Ninh khẳng định, Thủ tướng đã có chỉ thị bãi bỏ ngay phí, lệ phí không nằm trong danh mục, rà soát những khoản nằm trong pháp lệnh sẽ tiếp tục miễn giảm.
Quan điểm của Chính phủ là huy động đóng góp chủ yếu qua tự nguyện, loại bỏ tình trạng có nơi vẫn giao chỉ tiêu từ cấp trên xuống cấp dưới, có nơi vận động chia đều. Thời gian tới, thay vì giao chỉ tiêu, sẽ chuyển thành đóng góp thực sự tự nguyện.
Sau 100 phút chất vấn, một số đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với các giải thích của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. Nhiều câu hỏi cụ thể về trách nhiệm của Bộ cũng như của cá nhân chưa có lời giải đáp, như việc điều chỉnh kế hoạch trồng 5 triệu ha rừng, quan điểm về việc miễn thuế sử dụng đất công ích 5%/năm ở nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Nghe Bộ trưởng xong, tôi lại thêm băn khoăn… Sở dĩ tôi hỏi Bộ trưởng Tài chính về trách nhiệm của Bộ trong giám sát chi tiêu là vì mỗi một vụ sai phạm, tham nhũng thì vấn đề đặt ra với chúng ta không phải trừng trị người sai phạm, mà phải phân tích sâu sắc để rút kinh nghiệm, tránh lại những hiện tượng đó. Qua trả lời của Bộ trưởng, tôi lại thêm băn khoăn về khả năng tiếp tục thất thoát vốn của nhà nước, vì nếu ngành Tài chính chỉ làm mỗi nhiệm vụ là thoả thuận giữa bên A và B mà không có năng lực kiểm soát thì khả năng thất thoát tài chính là rất lớn. Tôi cũng cho rằng, để Quốc hội thực hiện tốt hơn vai trò giám sát, cần có Nghị quyết yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện những cam kết của mình khi trả lời chất vấn. |
-
Vân Anh