(VietNamNet) - Là Bộ trưởng thứ 4 đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tỏ ra chân thành khi ông thừa nhận nhiều yếu kém trong quản lý, điều hành của Bộ mình và hứa sẽ đích thân đến hiện trường các công trình chậm tiến độ. Những khó khăn trong việc giải ngân các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trong thẩm định năng lực các nhà thầu... mà ông nêu lên được nhiều đại biểu chia sẻ. Tuy nhiên, mong muốn của Quốc hội là lần chất vấn sau, sẽ được nghe Bộ trưởng báo cáo đã giải quyết dứt điểm được công trình nào.
PMU18 là nỗi đau của ngành giao thông
"Vụ PMU18 là nỗi đau của ngành, chúng tôi cố gắng trong một năm qua hồi phục sinh khí, tinh thần làm việc đang dần trở lại bình thường nhưng dư âm vẫn còn, có tâm lý "đòn đau" nên cảnh giác, đề phòng quá mức, thiếu tính chiến đấu. Muốn khắc phục, chúng tôi cần có thời gian", Bộ trưởng GNTVT trả lời câu hỏi của chính chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về việc có hay không tâm lý dè dặt, dẫn đến triển khai chậm các công trình xây dựng hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng
Đây cũng chính là quan tâm hàng đầu của cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội, với những câu hỏi liên quan trước hết đến địa phương mình.
Trả lời ĐB Danh Út (Kiên Giang) về 3 con đường 61, 63, N1 trên địa phận Kiên Giang, gây ách tắc giao thông, chuyện "có đường thiếu cầu, có cầu thiếu đường", ĐB Sùng Chúng (Lào Cai) về quốc lộ 70 chưa có nhà thầu, ĐB Hà Công Long (Gia Lai) về chiến lược phòng chống thiên tai ảnh hưởng đến các con đường..., Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, liên quan đến vốn, năng lực nhà thầu, thủ tục đầu tư phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm trễ.
Nhưng ông cũng không né tránh khi nêu rõ yếu tố chủ quan, thừa nhận "trách nhiệm yếu kém" trong quản lý Nhà nước, cụ thể của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, ban quản lý dự án. "Tôi nhận thiếu sót này", Bộ trưởng nói. Tuy nhiên, ông Hồ Nghĩa Dũng cũng hy vọng sẽ có tháo gỡ về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ các công trình.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) "truy": Bộ trưởng trả lời chưa rõ khi tôi gửi chất vấn bằng văn bản nên tôi hỏi ở đây. Trong việc giải ngân chậm, ngoài chuyện cơ chế giống như Bộ trưởng Phát nói lúc sáng, tôi nghĩ còn có trách nhiệm của Bộ trưởng nữa. Bộ thấy vướng ở một công trình thì sao không chuyển vốn cho danh mục khác? Có bất cập trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, có chuyên xin - cho dự án không? Bộ trưởng có dám hứa sang năm 2008 khắc phục được các công trình giao thông chậm trễ từ nhiều năm không?
Bộ trưởng Dũng đáp: "Chúng tôi đang suy nghĩ tìm cơ chế để chuyển vốn của dự án này cho dự án khác nhưng cần biết, chậm là ở khâu chuẩn bị đầu tư, nên vốn cần đẩy mạnh để các dự án có thể vào được, các dự án cũng được bố trí cho đến 2010 chứ không phải từng năm, tuy nhiên cũng cần phải nghiên cứu". Ông Dũng cũng khẳng định, đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh phát hành trái phiếu đợt 2.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng hứa, sẽ có mặt tại hiện trường một số con đường còn đang dang dở ở miền Trung và miền núi phía Bắc: Yên Bái, Lào Cai hay chỉ đạo trực tiếp có cơ chế đặc biệt chỉ định thầu đối với một số công trình cầu. Ông Dũng cũng hứa có giải pháp "cương quyết" để năm 2008, hoàn thành và thông tuyến 6 cầu ở Ninh Thuận.
Nhiều đường kết nối sẽ giải thoát lưu lượng giao thông đô thị
Sau khi nghe Bộ trưởng Giao thông Vận tải trình bày các giải pháp chống ùn tắc và giảm tai nạn, trong đó có tuyên truyền, xử phạt, quy định đội mũ bảo hiểm, ĐB Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của ngành giao thông. Tuy nhiên, ông Nhanh đề nghị Bộ trưởng Dũng hết sức quan tâm "kiến nghị với Chính phủ" giải pháp cơ bản, đặc biệt với 2 thành phố lớn nhất nước, đó là quy hoạch hạ tầng giao thông".
Sẽ có nhiều dự án lớn về quy hoạch hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn nhằm giải thoát lưu lượng giao thông hiện nay. Ảnh: Tuổi Trẻ
ĐB Trần Văn Hưng (TP. HCM) cũng cho rằng, vấn đề tai nạn và ùn tắc giao thông là do cơ sở hạ tầng không đáp ứng nổi nhu cầu. Ông Hưng đặt vấn đề: Bộ trưởng đề xuất giải pháp gì với Chính phủ để giúp TP. HCM tháo gỡ khó khăn, phát triển giao thông công cộng mà trước mắt là xe buýt.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã trả lời cụ thể và thuyết phục, khi nêu những dự án đang được bàn thảo và sẽ triển khai trong tương lai gần: Ưu tiên đầu tư đúng mức tuyến giao thông hướng tâm, giao thông kết nối có quy mô của đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế, để nối trung tâm Hà Nội và TP. HCM đến các trung tâm kinh tế và các đô thị khác, giải thoát lưu lượng giao thông đô thị, như tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Láng - Hòa Lạc, xa lộ Hà Nội - Biên Hòa...
Bộ trưởng Dũng cũng tiết lộ, trong quy hoạch, 1 - 2 dự án sẽ sớm được khởi động, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang làm với các cơ quan tài trợ. "Đây sẽ là hướng giải quyết cơ bản và lâu dài", ông cho biết.
Không thể có mức xử phạt riêng ở đô thị lớn
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Dũng cũng chính thức "dập tắt" hy vọng của Hà Nội được áp dụng mức xử phạt riêng với các vi phạm luật giao thông của người điều khiển. Trước đó, tại Hội nghị Đảng bộ Thành phố, đã có ý kiến cho rằng, nên áp dụng mức xử phạt cao gấp nhiều lần mức quy định tại Nghị định 146.
ĐB Nguyễn Đức Nhanh cũng nêu lại đề nghị này: "Ở các địa phương, phạt 50.000 đồng đã là cao, nhưng ở Hà Nội hay TP. HCM, những kẻ dùng xe SH để đua thì phạt 10 triệu, 20 triệu cũng vẫn sẵn sàng nộp, nên tôi cho là mức phạt quy định chung chưa đủ để răn đe người vi phạm".
Công nhận rằng "tôi thấy rất khó khăn trong mức xử phạt", nhưng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho hay, ông cũng nhận được nhiều ý kiến cử tri nói rằng, mức phạt hiện nay là chấp nhận được. "Do đó, không thể phân mức xử phạt ra từng vùng được".
Trả lời chất vấn có phần lạc địa chỉ của ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) về tiền lệ xử phạt "người đi bộ, đi xe nhỏ luôn đúng và được đền bù dù gây tai nạn", Bộ trưởng Dũng nói rõ, đây là "trách nhiệm của Bộ Công an, hay rõ hơn là của cảnh sát giao thông. Lâu nay có hiện tượng xử phạt theo cảm tính, dù luật không quy định như vậy, ai gây tai nạn thì phải chịu phạt". Tuy nhiên ông hứa sẽ tham gia vào việc làm thay đổi thói quen này và làm theo đúng luật.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Dũng cũng tỏ ra có chất lượng với những thông tin cụ thể, như phần trả lời thắc mắc liên quan đến việc "dồn khách,bán khách giống như đường bộ của VietNam Airlines, nhiều khi hành khách phải chờ cả ngày do hoãn chuyến".
Ông Dũng cho hay: "Hiện tượng hoãn chuyến của VietNam Airlines là có, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể để xem nguyên nhân. Nhưng thực tế, có tình trạng quá tải. Việc phát triển đội bay rất khó khăn, thị trường thế giới rất căng thẳng, thuê không được, mua thì phải đăng ký 3- 4 năm. Nhưng với những đơn đặt hàng qua đường ngoại giao và hợp tác, đội bay của VietNam Airlines sẽ phát triển, cùng với Pacific Airlines và chủ trương cho ra đời công ty thuê máy bay tư nhân, hy vọng sẽ đáp ứng như cầu hành khách".
Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ kiểm tra xem có tiêu cực hay không trong việc tăng chuyến, dồn khách và nếu có, sẽ có xử lý cụ thể.
-
Vân Anh