(VietNamNet) - Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước QH về nhiều vấn đề phức tạp như cán bộ, bộ máy tổ chức... nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đón nhận các câu hỏi thẳng một cách khá điềm tĩnh. Và cũng rất từ tốn, ông viện dẫn ra nhiều thông tư, nghị định minh hoạ cho dù hầu hết đại biểu đều đã chỉ ra trong thực tế, ít địa phương nào làm đúng như các văn bản hướng dẫn.
Chạy chức chạy quyền: Xin chỉ rõ trường hợp cụ thể để chúng tôi tiếp thu?
"Chuyện chạy chức chạy quyền làm chất lượng đội ngũ cán bộ giảm sút, vấn đề này tôi đã chất vấn tại nhiều kỳ họp Quốc hội khóa 11 mà chưa thấy xử lý. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đến đâu?", đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) "vào cuộc" phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Văn Tuấn bằng một câu hỏi thẳng.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết: "Hiện, đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình đề bạt, bố trí cán bộ. Những bộ ngành, địa phương làm nghiêm đã chọn được cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt".
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận: "trong đề đạt cán bộ vẫn có tình trạng chạy chức chạy quyền và đã có nhiều ý kiến về chuyện này. Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện thật nghiêm túc. Các hình thức đánh giá, quy hoạch, lấy ý kiến cơ sở và quy trình đề bạt cán bộ dân chủ công khai... sẽ làm hạn chế tình trạng này".
Ông Tuấn chất vấn lại: "nhờ đại biểu chỉ ra trường hợp cụ thể ai bỏ tiền ra chạy chức, chạy quyền để chúng tôi cùng với địa phương cùng xử lý".
Đại biểu Cuông cho biết: "Không có người nào chạy chức chạy quyền mà lại chạy đến báo cáo với Bộ trưởng. Đây là hoạt động ngầm".
Ông Cuông cũng dẫn chứng, vừa qua, Giám đốc bệnh viện Bắc Ninh tuyển 200 người vào để nhận hối lộ và đã bị truy tố. Nực cười hơn là bí thư thị xã Tây Ninh do vi phạm đất đai, đã bị cách chức, nhưng một năm sau đó lại tiếp tục được đề bạt làm Giám đốc Sở Xây dựng... "Để nắm rõ, bộ trưởng cần phải đi thực tế mới nắm bắt được ai chạy, chạy đến đâu", ông Cuông kết luận.
Ông cũng thừa nhận là quy trình tuyển chọn cán bộ như đã quy định trong văn bản là phát huy vai trò tập thể nhưng bản chất vẫn là do một vài cá nhân có toàn quyền quyết định.
Không ngạc nhiên với hai dẫn chứng mà báo chí đã nêu, ông Tuấn phân trần: "tôi không phải không thừa nhận trong đề bạt sắp xếp cán bộ còn nhiều tiêu cực và có nhiều trường hợp cũng đã bị xử lý. Nhưng muốn nói đại biểu có biết trường hợp cụ thể nào, thì chúng tôi sẽ tiếp thu và sửa trong thời gian tới".
Tuyển người tài vào khu vực công: Chưa thể có ngay chế độ ưu đãi
Vẫn quan tâm đến chất lượng công chức, đại biểu Hoàng Trần Ky (Nghệ An) băn khoăn: "SV giỏi ra trường là đầu quân vào khu vực ngoài công lập. Vì ở đó có nhiều cơ hội nâng cao trình độ, lương thưởng. Để nâng cao chất lượng cán bộ, Bộ có giải pháp nào có tính đột phá và khả thi cao để sớm có đội ngũ cán bộ chất lượng tốt?". Ông Ky nhấn mạnh, bộ trưởng phải nhấn vào tính đột phá.
Vẫn nhắc lại các quy trình tuyển dụng cán bộ phải "thông báo công khai, tiêu chuẩn rõ ràng" như đã nêu trong các văn bản, bộ trưởng Tuấn ghi nhận, trong quá trình thực hiện sẽ cố gắng tránh tình trạng công tác cán bộ chỉ phụ thuộc vào một số ít người".
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) tiếp tục chất vấn: "làm thế nào để tránh lãng phí chất xám ở khu vực công".
Ủng hộ những người đang ở trong bộ máy, vì chế độ thấp mà xin ra ngoài cũng nên khuyến khích vì chủ trương của nhà nước là đa dạng hóa các thành phần kinh tế nhưng ông Tuấn cũng chia sẻ: "để tuyển được người tài ngoài những tiêu chuẩn chung cũng cần có chế độ ưu đãi. Nhưng cải cách tiền lương phải có lộ trình chưa thể làm ngay được".
"Rất muốn làm việc sắp xếp đúng người đúng việc, nhưng không chỉ là việc của riêng Bộ Nội vụ", ông Tuấn cho biết.
Đại biểu Hoàng Trần Ky tiếp tục hỏi: "Ngành giáo dục đang đa dạng hóa các loại hình đào tạo, cùng trình độ, bằng cấp... thì tương đương nhau. Nhưng trong tuyển dụng công chức vẫn ưu ái cho bằng chính quy. Xử lý vấn đề này thế nào?".
Bộ trưởng Tuấn khẳng định, tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ không hề "khuôn" lại ở tiêu chuẩn chỉ tuyển lựa bằng chính quy. Mà đó là tâm lý tuyển dụng của các địa phương.
Vẫn "đeo bám" chuyện tuyển người tài, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Tây) đề nghị Bộ nghiên cứu lại nội dung thi tuyển công chức. Ba môn hiện nay là Quản lý hành chính nhà nước, Tin học, Tiếng Anh liệu đã đảm bảo tuyển được đúng người? Đại biểu này dẫn chứng, ở địa phương có một cán bộ trẻ đã tập sự ở Sở Ngoại vụ, sau đó đi du học, khi trở về thi công chức vào Sở Ngoại vụ lại trượt vì thiếu điểm môn quản lý hành chính trong khi công việc chuyên môn ở Sở chỉ cần dùng tới Ngoại ngữ.
Ông Tuấn khẳng định, không riêng thi tuyển công chức mà khi chuyển lên chuyên viên cấp cao đương nhiên phải có môn quản lý hành chính. "Nếu bây giờ mà bỏ hết các tiêu chuẩn đó hay vì có điểm chuyên môn cao mà miễn thi môn quản lý hành chính cũng không được vì công chức là phải rõ vấn đề này".
Người ngoài Đảng: Có trình độ tương xứng vẫn được đề bạt
Cũng "xoáy" vào tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề: "Một trong những chức năng của Bộ Nội vụ là khai thác nguồn nhân lực, vật lực cho đất nước. Nhưng lâu nay, vẫn có một thông lệ là đại đa số các cấp lãnh đạo ở các chức vụ khác nhau đều phải là Đảng viên. Đất nước có hơn 80 triệu dân, vậy nếu không dùng những người ngoài đảng đưa vào bộ máy quản lý thì phải chăng đại đa số dân ta đều thiếu năng lực lãnh đạo", ông Quốc hỏi.
Ông kiến nghị: "Sắp tới Bộ Nội vụ sẽ tham mưu thế nào cho Đảng, Chính phủ để vẫn thu hút được nhân tài là người ngoài Đảng và nhân tài Việt kiều vào quản lý đất nước, như chủ trương đề ra là thu hút nhân tài"?
Hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của một đại biểu Quốc hội không phải là Đảng viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng khẳng định rằng, không có một văn bản tuyển dụng hay đề đạt cán bộ lãnh đạo nào ghi rằng chỉ có đảng viên mới được đề bạt làm lãnh đạo. Để tuyển người làm quản lý, Bộ chỉ đề ra các tiêu chuẩn. Vậy nên, kể cả người ngoài Đảng mà đạt tiêu chuẩn vẫn được đề bạt. "Người nào có trình độ, năng lực tương xứng với vị trí nào thì sẽ được đề bạt ở vị trí đó", ông Tuấn khẳng định.
"Khi chúng ta nêu tiêu chuẩn để một tỷ lệ người ngoài Đảng vào Quốc hội cũng là chủ trương như vậy", ông Tuấn kết luận.
Tiếp theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu.
Mặc dù đã trả lời bằng văn bản cho 12 đại biểu, nhưng trong phiên chất vấn hôm nay, chất lượng và chế độ cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phường vẫn là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất. Đặc biệt là những bất cập trong Nghị định 121 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) kiến nghị Bộ trưởng Nội vụ làm rõ trách nhiệm thuộc ai khi để xảy ra tình trạng đến tháng 2/2007 vẫn còn 223 cán bộ công chức cơ sở chưa chưa biết chữ, 5.644 người mới tốt nghiệp tiểu học, 41.343 tốt nghiệp THCS. Về chuyên môn nghiệp vụ cán bộ chủ chốt cơ sở, có tới 93.802 người chưa qua đào tạo, trình độ lý luận chính trị thì có 67.056 người chưa được đào tạo, có 82.932 người chưa được đào tạo trình độ quản lý hành chính Nhà nước. Bộ trưởng Tuấn cho biết, sắp tới sẽ xem xét sửa lại Nghị định 121 cho phù hợp. |
-
Lê Nhung