(VietNamNet) - Sáng nay (21/11), Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với 88,84% số phiếu tán thành. Theo đó, hành vi bạo lực giữa vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình: phân biệt ranh giới với tội Hình sự
Hành bạn đời kiểu... Chí Phèo
Công chức vi phạm bị thông báo cho cơ quan
Sau nhiều buổi thảo luận, Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng ý đưa vào Luật này cả đối tượng là vợ chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ sống chung nhưng không đăng ký kết hôn.
UB thường vụ Quốc hội công nhận rằng, điều chỉnh này không có nghĩa là khuyến khích việc không đăng ký kết hôn, song cần quy định như trên bởi thực tế do nhiều lý do khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán mà hiện nay ở nước ta vẫn còn hàng triệu cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn.
Theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan để giáo dục.
Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Nghiêm cấm trả thù người giúp nạn nhân
Theo luật này, nạn nhân có quyền được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh, được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Luật cũng quy định ưu tiên bảo vệ lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.
|
Những hành vi bạo hạnh phụ nữ phải bị xử lý. Ảnh minh hoạ. |
Ngoài những hành vi bạo lực, các hành vi sau cũng bị nghiêm cấm: Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình; Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình; Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý bạo lực gia đình; Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cuối cùng, cấp xã phải báo cáo hành năm trước HĐND cùng cấp về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương.
Đạo luật quan trọng này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2008.
Hành vi nào được coi là bạo lực gia đình?
Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh chị em với nhau;
Cưỡng ép quan hệ tình dục;
Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của thành viên gia đình;
Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở. |