(VietNamNet) - Trên cuộc chạy đua phát triển, Việt Nam như người đi xe máy đang chạy với tốc độ 200km/h, cần được trang bị kỹ năng lái và mũ bảo hiểm trước những mối đe dọa có thể xảy đến.
2007 là năm quan trọng với Việt Nam với những dấu mốc lớn: gia nhập WTO, lần đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế, và một vai trò quan trọng hơn trên trường thế giới với việc được bầu làm ủy viên HĐBA LHQ. Đồng thời, sau chuyến thăm của ông Zoellick, Việt Nam sẽ được chính thức nhận tài trợ vốn vay phát triển ngoài những người được cung cấp trước đây - dấu hiệu của việc Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận những nguồn vốn mới, tiếp cận tốt hơn nguồn tài chính quốc tế, ông Ajay Chhibber, GĐ quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định trong buổi họp báo về Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG 2007.
Mối lo của "tay đua" tốc độ cao
Năm 2007 ghi nhận những bước phát triển mạnh của Việt Nam với việc duy trì tăng trưởng cao, 3 năm liên tiếp đạt trên 8%, tốt hơn nhiều nước trong khu vực. Song hành với tăng trưởng cao là sức cạnh tranh được nâng cao với mức tăng xuất khẩu cao hơn mức tăng GDP. Đồng thời, năm nay cũng ghi nhận mức tăng kỉ lục về FDI, cả cam kết và thực hiện. Thậm chí, mức FDI thực hiện đạt tới 6,8% GDP, cao hơn Trung Quốc. Đó là dấu hiệu đáng mừng do kết quả cải cách của Việt Nam, kinh tế gia trưởng của WB Martin Rama nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia của WB quan ngại, Việt Nam hiện nay giống như người đi xe máy đang chạy với tốc độ 200 km/h, luôn có những mối nguy hiểm tiềm tàng. Việt Nam cần được trang bị kỹ năng lái tốt và mũ bảo hiểm cho mình.
Lạm phát là một nguy cơ về quản lý kinh tế vĩ mô Việt Nam gặp phải trong 2007. |
Ông Martin Rama phân tích, một phần thành công của Việt Nam là do đã xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài. Trong tỉ trọng xuất khẩu, 1/4 sang thị trường Mỹ, 1/4 sang thị trường châu Âu... Việt Nam không giống như nhiều quốc gia khác, xuất khẩu sang Trung Quốc, từ đó, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu. Do đó, một khi kinh tế Mỹ, châu Âu suy thoái, Việt Nam sẽ bị tác động ngay tức thì.
"Nó giống như sóng thần vậy, tự nhiên nguồn vốn cực lớn đổ vào và rút đi mạnh, nhanh, tác động sẽ khó lường... Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần đối phó với các rủi ro".
Ông bổ sung, hiện nay, thâm hụt thương mại khá lớn, không còn giữ mức cân đối như năm 2006.
Quản lý kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn đang gặp khó khăn, điển hình là tình trạng lạm phát tăng mạnh, vượt ngưỡng 10%, trong đó giá thực phẩm tăng nhanh nhất. Quan trọng hơn, tình hình lạm phát không chỉ do tác động của biến đổi giá thế giới, của các thiên tai, dịch bệnh trong nước mà một phần do chính sách tiền tệ chưa tốt. Chỉ số tín dụng tăng rất nhanh, tới 40%. "Với một nền kinh tế tăng trưởng trên 8%, con số đó là quá cao", ông Martin nhận định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định, nhà đầu tư thận trọng hơn nhưng vẫn tăng mạnh so với trước. Vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức 40% GDP, gấp đôi 2006, trong khi hai năm trước, con số này chỉ là 1 - 2%. Con số ấn tượng nhưng mối lo ngại rất lớn. Bong bóng bất động sản đã nguy hiểm nhưng bong bóng chứng khoán còn nguy hiểm hơn nhiều.
Trước đó ngày 4/12, Diễn đàn DN tiền CG sẽ được tổ chức, tập trung vào việc nhìn nhận lại môi trường kinh doanh; các vấn đề về thị trường ngân hàng, tiền tệ, đất đai, cảng và viễn thông; và báo cáo kết quả hoạt động của nhóm công tác 6 tháng qua.
Các chuyên gia cũng quan ngại trước thực tế, một số tập đoàn kinh tế của Việt Nam như Vinashin, PetroVietnam có xu hướng thành lập tập đoàn tài chính trong DN họ.
Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG sẽ được tổ chức vào 6-7/12 với 4 nội dung chính:
- Chuẩn bị chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020.
- Tiến độ thực hiện các cam kết WTO và giải pháp giải quyết các tác động tới xã hội.
- Hài hòa hóa thủ tục và hiệu quả viện trợ.
- Quản trị và cải cách thể chế.
Ông Martin Rama nhấn mạnh "với một nước đang phát triển, quan hệ kinh tế - tài chính chưa hoàn thiện như Việt Nam, việc thành lập các tập đoàn tài chính bên trong DN ẩn chưa những yếu tố nguy hiểm trong tương lai.
Ngay cả những nền kinh tế thành công như Chilê cũng từng gặp khủng hoảng năm 1998 vì lí do người cho vay cũng chính là người vay và thiếu một cơ chế giám sát, trong khi huy động vốn từ công chúng.
"Việt Nam cần một cơ quan điều tiết có đủ năng lực điều hành", các chuyên gia WB khuyến nghị.
Tạo lập nền tảng cho phát triển bền vững
Đó là chủ đề của Hội nghị CG năm nay, nơi Chính phủ, các nhà tài trợ cùng bàn thảo về một chiến lược cho Việt Nam trong bước tiến mới của mình.
"Việt Nam đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, trở thành nước thu nhập trung bình. Trong những năm 2012 - 2015, chắc chắn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ giảm mạnh. Trước mắt, viện trợ vẫn sẽ tăng, nhưng Việt Nam cần phải chuẩn bị tinh thần cho việc các nhà tài trợ sẽ không còn hào phóng như trước", ông Martin Rama nhấn mạnh. Hiện nay, Thụy Điển đã khẳng định không xem Việt Nam là ưu tiên viện trợ của nước này.
Từ kinh nghiệm ở khu vực, và các nước đã từng trải qua giai đoạn như Việt Nam, có thể thấy rõ, cải cách thể chế là cần thiết, ông Ajay Chhibber tư vấn.
Cụ thể, Việt Nam cần có một hệ thống tài chính mạnh hơn; phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn, thu hút đầu tư tư nhân lớn hơn cho phát triển hạ tầng; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; và đầu tư cho giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và hội nhập...
Riêng với ODA, dù là nước thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA sẽ không biến mất hoàn toàn. Sẽ còn những lĩnh vực cần ODA đặc biệt là mạng lưới giao thông cơ bản và điện...
Năm 2007, Việt Nam đã tiến hành những cải cách thể chế lớn như thực hiện phân cấp quản lý ODA và cơ cấu lại các Bộ, ngành trong Chính phủ. "Chắc chắn năng lực điều phối sẽ tốt hơn với những bước đi mạnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tổ chức lại nội bộ Chính phủ", ông Ajay nhận định.
Trong quá trình thực hiện, chắc chắn nhiều vấn đề sẽ nảy sinh: vấn đề quản trị quốc gia, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, cải cách ngân hàng, điều tiết hạ tầng... Tuy nhiên, ông Ajay khẳng định, so với 5 năm trước cũng như nhìn vào tương lai của Việt Nam, ông rất lạc quan.
"Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhìn rõ mình cần đi đến đâu. WB với tư cách nhà tài trợ sẽ cùng các đối tác cung cấp nguồn lực, kinh nghiệm và thông lệ tốt nhất cho Việt Nam, để Việt Nam đi đúng hướng mà mình muốn đi", người đứng đầu Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cam kết.
-
Phương Loan