221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1011244
Giữ nguyên tốc độ giải ngân, VN có thể nợ lớn
1
Article
null
Giữ nguyên tốc độ giải ngân, VN có thể nợ lớn
,

(VietNamNet) - Trước hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG 07, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi đã dành cho VietNamNet buổi trò chuyện về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam, những vấn đề Việt Nam đang gặp phải và triển vọng khi trở thành nước thu nhập trung bình.

Ông Ayumi Konishi. Ảnh TTO.

2007: Giải ngân thậm chí còn chậm hơn

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của VN?

- Trước hết, cần phải khẳng định rằng, ODA đã là một bộ phận quan trọng trong cung cấp tài chính cho sự phát triển của VN. Kinh tế VN tăng trưởng nhanh cũng nhờ một phần của ODA.

Tuy nhiên, nếu sử dụng ODA hiệu quả hơn, nó thậm chí còn giúp nhiều hơn. Nhìn vào tốc độ thực hiện ODA, có rất nhiều sự chậm trễ hoàn toàn có thể tránh được. 

Dự án thường được thiết kế trong 5 năm, nhưng tình trạng phổ biến ở VN là phải tiến hành trong 6 năm rưỡi hoặc 7 năm.

Nghị định 131 về quy chế quản lý và sử dụng ODA được Chính phủ ban hành năm 2006 là một phản ứng tốt để đưa cải thiện tình hình. Nhưng trên thực tế, không phải tất cả những dự án cam kết đã triển khai được. Thậm chí, tốc độ giải ngân có thể giảm so với năm ngoái. Có lẽ lí do vì năm nay là giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế trước sang cơ chế mới này. 

Nhưng đó là câu chuyện của năm nay. Thực trạng chung tồn tại từ lâu là các cơ quan có trách nhiệm lớn trong việc xem xét, cấp phép đầu tư chưa đủ năng lực để thực hiện. Các cán bộ địa phương chưa được chuẩn bị đầy đủ.

Khi phân cấp về địa phương, thời gian xem xét, cấp phép và thực hiện dự án thực sự không ngắn hơn. Cán bộ cấp tỉnh không quen đưa ra quyết định. Ở nhiều ban, cơ chế xem xét rất phức tạp, đặc biệt trong đánh giá dự án để cấp phép.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với Chính phủ để thực hiện cam kết và trách nhiệm nhằm đảm bảo thực hiện chính sách, cải thiện tốc độ và hiệu quả thực hiện các dự án. Chúng tôi đang cùng xem xét cơ chế, chính sách và quy trình trong Chính phủ để đơn giản hóa, rút ngắn quy trình ra chính sách và minh bạch cả quá trình. Nhờ đó mọi người có thể thấy rõ quy trình phải làm, và có thể tính toán trước. 

Nhưng năm qua, việc triển khai các dự án không được cải thiện. Nghị định ra đời, nhưng không phải tất cả các văn bản hướng dẫn đều đã được đưa ra. Mỗi đơn vị lại đưa ra những yêu cầu mới. Để cho việc này ngắn đi, không dễ.

Hệ thống đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi. Chúng ta buộc phải bình tĩnh chờ đợi. Mọi thứ đều cần thời gian chuẩn bị, và sẽ phải mất thời gian.

Theo ông, lí do của việc chậm trễ này là gì?

- Ở các nước, quy trình xem xét, phê duyệt và cấp phép dự án có thể dự đoán được, ví dụ phải mất 10 năm, phải gặp người này, phải có những thủ tục nào... Nhưng ở VN, quy trình quá phức tạp, không biết ai chịu trách nhiệm. Do đó, một khi dự án chậm, không thể biết nguyên nhân từ khâu nào, ai chịu trách nhiệm.

Ở các nước, các quy trình xem xét ở các cấp được tiến hành song song, đồng thời. Tất cả các bên cùng xem xét tại một thời điểm. Nhưng tại VN, mỗi cấp xem xét theo một quy trình riêng, tuần tự từ thấp lên cao, từ bước này sang bước khác. Mỗi cấp không có quyền tiến hành nếu không có những điều kiện cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các nhà tài trợ tại CG 2006. Ảnh TTXVN.

Hơn nữa, ở VN, người ta hay ngại và sợ trách nhiệm, do đó, thường xin ý kiến cấp trên, đợi quyết định từ cấp trên. Muốn tiến hành công việc cần có tham vấn ở cấp cao hơn. Điều này làm chậm tiến trình, gây lãng phí rất nhiều thời gian đáng ra không phải mất. 

Đó là trách nhiệm của phía VN. Trách nhiệm của nhà tài trợ đến đâu, thưa ông?

- Tôi đưa ra cho bạn một câu chuyện cụ thể như thế này. Chúng tôi, các nhà tài trợ luôn muốn giúp VN nhiều hơn. Nhưng cũng giống như việc tôi muốn mời bạn thưởng thức một món ăn ngon trong khi đĩa của bạn vẫn còn khá nhiều thức ăn. Buộc lòng chúng tôi phải đợi cho tới khi đĩa của bạn có chỗ cho món ăn của chúng tôi. Bên cạnh đó, nhiều người khác cũng muốn mời bạn ăn nhiều hơn, buộc chúng tôi phải cạnh tranh.

Không ai thực hiện dự án chỉ với hy vọng

Trong câu chuyện hiệu quả sử dụng ODA, trong năm qua, có nhiều dự án đã bị chết yểu hoặc đang trong quá trình thoi thóp chờ chết. Với tư cách là nhà tài trợ của một trong những dự án như vậy tại TP.HCM, ông có bình luận gì?

Hãy cho phép tôi tập trung vào dự án của ADB tại Tp. HCM. Chúng tôi ngừng dự án đơn giản vì nó đã hết thời gian triển khai dự án mà hầu như chưa đạt tiến bộ nào. Giống như cấp cho bạn một thẻ tín dụng có thời hạn, qua ngày đó, dù chưa sử dụng hết số tiền trong tài khoản, tài khoản vẫn bị khóa.

Qua 5 năm thực hiện, dự án chỉ giải ngân dưới 10%. Chúng tôi không thể đợi lâu hơn. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao không kéo dài thêm hai năm? Chúng tôi có thể làm việc đó, nhưng 5 năm hầu như không đạt được gì, điều gì sẽ đảm bảo sau 2 năm nữa có thể hoàn thành. Chúng tôi từ bỏ ý định tiếp tục dự án. 

Nếu đợi thêm vài năm nữa, không thể biết chuyện gì có thể xảy ra. Không đổ lỗi cho ai, nhưng chúng ta phải giải quyết với vấn đề mang tính hệ thống. Có quá nhiều cơ chế phải giải quyết. Không ai có thể làm việc chỉ vì hy vọng.

Tốt hơn là mọi người chấp nhận thực tế. Chúng tôi rời đi và mang dự án khác tới. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn, bởi nếu không, dự án vẫn còn, diện tích dành cho dự án đó sẽ bị treo. Cơ hội cho sự phát triển sẽ bị mất đi. Chúng ta cùng bàn về một dự án khác thay vì ngồi đó và hy vọng và điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra. 

Qua chuyện này, chúng tôi càng hiểu tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Không phải ý tưởng nào tốt cũng sẽ thành công.

Dù tốc độ giải ngân chậm, thậm chí có dự án chết, nhưng các nhà tài trợ vẫn đánh giá VN là một hình mẫu về sử dụng hiệu quả vốn ODA. Ông có nghĩ vậy không?

Trong lĩnh vực cụ thể, có. Trong cấp độ chính sách, VN có kế hoạch phát triển 5 năm, các nhà tài trợ sử dụng như chiến lược của quốc gia. Chiến lược của ADB, và các nhà tài trợ khác thống nhất với chiến lược phát triển của đát nước. 

VN là một trong số các nước đã làm việc này, đưa các báo cáo, trong đó nêu rõ mục tiêu. Xét trong góc độ này, VN là hình mẫu trong so sánh với các nước, thể hiện sự phối hợp giữa các đối tác, các nhà tài trợ với VN.

Nhưng nó không đồng nghĩa với việc rằng các dự án được đánh giá hiệu quả mang tính hình mẫu. VN cần làm nhiều hơn. Chính phủ và các nhà tài trợ đã thỏa thuận về hài hòa hóa thủ tục... nâng cao hiệu quả sử dụng. 

Không thể đợi 7 năm cho một thay đổi

Hai năm trước, vụ việc PMU18 xảy ra. Gần đây là xảy ra sự kiện cầu Cần Thơ. Phải chăng các dự án ODA của VN đang có vấn đề về quản lý dự án?

Trên thực tế không ai biết lí do thực sự tại sao lại xảy ra sự kiện cầu Cần Thơ. Tôi không có bình luận về sự việc này.

Về PMU18, chúng tôi vẫn tiếp tục thảo luận thêm về việc này. Hy vọng trong tương lai có một giải thích đầy đủ về việc điều gì đã xảy ra. Tại VN, hệ thống xét duyệt và quản lý ODA quá phức tạp và ít minh bạch. Do đó, rất khó thấy trách nhiệm đến đâu, lỗi thuộc về ai khi có vấn đề xảy ra. Đến giờ này, đối với PMU18, chúng tôi vẫn không biết điều gì đã xảy ra. Chúng tôi chỉ có thể khẳng định rằng, không có tiền công nào được sử dụng cho đánh bạc. 

Nhưng qua đó, chúng tôi cũng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của theo dõi quản lý tài chính. Cần quản lí dự án tốt hơn. Chính phủ cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện dự án. 

Sau PMU18, năm 2005, người ta đặt ra vấn đề quản lí ODA. Nhưng nhiều người nói rằng, trước đó, các nhà tài trợ đã nhận thấy các PMU có vấn đề, cần phải cải cách và đã thống nhất đến năm 2012 sẽ hoàn tất việc cải cách các PMU. Ông nghĩ sao về việc này?

Việc tăng quản lý dự án là cần thiết. Mỗi dạng dự án cần có quản lý tài chính riêng.  Nghị định 131 mới có hiệu lực đã phân chia 3 cấp trách nhiệm đối với dự án ODA rất rõ ràng. Đã có sự phân tách rõ các cơ quan, từ đó có trách nhiệm rõ, tạo sự minh bạch hơn. Tuy nhiên, tại mỗi nấc, cần có sự minh bạch hơn.

Thực tế, hệ thống vẫn trong giai đoạn chuyển đổi, còn phức tạp. Việc quản lý cần cải cách, chuyên nghiệp hóa, và có sự phân chia rõ trách nhiệm. Lí thuyết là một chuyện nhưng thực tế rất khó. 

Hệ thống quản lí dự án ODA đang được sắp xếp và tái cơ cấu. Tôi không nghĩ nhà tài trợ nào sẵn sàng chờ đợi trong 7 năm cho một sự thay đổi.

Sau PMU18, người ta cũng đặt vấn đề tham nhũng trong các dự án ODA. Có hay không tình trạng này? Phải chăng các nhà tài trợ chưa đưa ra một thông điệp đủ mạnh mẽ?

Tôi không nghĩ có bất kỳ tham nhũng nào trong các dự án của ADB. Tất cả các trường hợp triển khai dự án ODA, nếu có phản ánh về sai phạm gì, chúng tôi tiến hành điều tra nghiên cứu và không thấy bất kỳ dự án nào có tham nhũng.

Chống tham nhũng là vấn đề quan trọng trong đối thoại quốc tế và khu vực. Tham nhũng là một thách thức mà lãnh đạo các bạn đã nhận thức. Các nhà lãnh đạo Chính phủ VN, đặc biệt là Thủ tướng đã có những cam kết mạnh mẽ trong chống tham nhũng. Ban chỉ đạo chống tham nhũng được xây dựng, nhiều hành dộng được triển khai trên thực tế.

Giữ nhịp độ cũ, VN có nguy cơ nợ nước ngoài cao

Theo dự báo, 2 năm nữa, VN sẽ là nước thu nhập trung bình, sẽ không tiếp tục được hưởng những điều kiện ưu đãi nhận ODA. Theo ông, VN đã chuẩn bị đủ chưa cho giai đoạn mới này?

VN có môi trường tốt. Trở thành nước thu nhập trung bình, số tiền hỗ trợ không hoàn lại sẽ giảm dần, và từ vay ưu đãi sẽ chuyển dần sang cơ chế vay thương mại. Các bên trong đó có ADB sẵn sàng tăng nguồn vốn đầu tư, nhưng VN cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. 

Để đảm bảo phục vụ phát triển, thu hồi vốn và hoàn trả vốn, VN cần đảm bảo dự án không bị chậm. Nếu không, khi hết thời gian ân hạn, VN sẽ không thể hoàn vốn. Nếu giữ nhịp độ giải ngân hiện nay, VN có nguy cơ nợ nước ngoài lớn khi trở thành nước thu nhập trung bình.

VN cần làm gì để thích ứng với điều kiện mới này?

Tôi vẫn nhắc lại thông điệp duy nhất mà tôi thường nói "đơn giản hóa, đơn giản hóa và đơn giản hóa". Đơn giản hóa sẽ tạo sự minh bạch hơn, hiệu quả hơn và từ đó có tính dự báo cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

  • Phương Loan (thực hiện)
     
    Ý kiến của bạn:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,