(VietNamNet) - Bị đại biểu "truy" sát sao, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đành tiết lộ trong phiên chất vấn sáng nay (6/12) của Hội đồng nhân dân (HĐND): "Hà Nội có hướng phát triển về phía Tây, cụ thể là tỉnh Hà Tây".
>> Thủ tướng đồng ý mở rộng Hà Nội
Mới nhậm chức 4 tháng, đây là lần đầu tiên ông Khôi trả lời chất vấn. Sau phần trả lời của ông, nhiều đại biểu cho rằng, có lẽ ông Khôi "chưa có kinh nghiệm" nên đã "lỡ lời" khi khẳng định hướng phát triển về phía Tây của Hà Nội, trả lời cho các câu hỏi về quy hoạch Thủ đô.
Giây phút trao đổi ngắn ngủi của 2 Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Khôi, Vũ Hồng Khanh và GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Tô Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng.
"Mới nhậm chức, chưa thể nhận trách nhiệm"
Là người đầu tiên và cũng là lần đầu "đăng đàn", Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh liên tục trả lời bằng cách nêu các văn bản luật và khẳng định mọi xử lý của HN đều theo đúng luật.
Sau khi nghe báo cáo của ông Khanh về tình hình dự án đầu tư chậm triển khai dù đã được giao đất, với số lượng lên đến hơn 11.000 ha bỏ hoang hóa hoặc sử dụng không đúng mục đích, đại biểu Phạm Thị Loan hỏi: Phương thức chuyển chủ đầu tư mới của TP như thế nào?
Vườn thú Thủ Lệ: Cho phép tồn tại 5 công trình? Trả lời chất vấn về những công trình xây dựng trái phép tại Vườn thú Thủ Lệ, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết: "11 hợp đồng mà Vườn thú đã ký với các nhà đầu tư đều sai pháp luật". "Đợt 1, thành phố xử lý 6 trường hợp, trong đó 3 trường hợp đã giải tỏa, còn lại quận Ba Đình có trách nhiệm tiến hành xử lý. Với 5 trường hợp khác, thành phố giao Sở Quy hoạch kiến trúc và Vườn thú nghiên cứu đối chiếu với quy hoạch Vườn thú, xem xét các công trình đang xây dựng, nếu phù hợp với quy hoạch thì sẽ cho sử dụng", ông Khôi khẳng định. |
Phó Chủ tịch Khanh cho hay, việc này được thực hiện đúng luật, hướng giải quyết là tiến hành đấu thầu, "nếu đại biểu quan tâm, mời gặp tôi trao đổi cụ thể".
Tuy nhiên, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyệt Việt Hưng: "Thành phố có biết hiện tượng chủ đầu tư xin bằng được dự án rồi sau đó lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng? Có tiêu cực ở đây không?", ông Khanh cho biết: "Thu hồi đất của một dự án không chỉ liên quan đến một chủ đầu tư, mà còn phải tính đến lợi ích người lao động và người đã đầu tư trên khu đất đó".
"Thành phố không tạo cơ hội cho doanh nghiệp chây ì, làm những việc tiêu cực, nếu có thì sẽ xử lý theo Luật Khiếu nại tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng", ông Khanh nói.
Đại biểu Trần Văn Thanh bức xúc về dự án đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên bị "treo" từ hàng chục năm nay: "Không có cuộc tiếp xúc nào với đại biểu HĐND và Quốc hội, cử tri không nói đến dự án này. Vậy bao giờ thành phố triển khai, để chúng tôi còn thông báo cho dân?".
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đại biểu Chử Ngọc Tuất yêu cầu: "UBND phải nêu nguyên nhân vì sao để đất hoang hóa. Sắp tới, biểu quyết giao hàng nghìn ha cho chủ đầu tư thì có rơi vào tình trạng hiện nay không? Khi giao đất, chúng ta không thống kê được từng dự án giao đến năm nào, lãng phí đến đâu khi bỏ hoang".
Đại biểu Phạm Xuân Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy quan tâm đến tình trạng "lệch to, lệch nhỏ" ở nút giao thông Thanh Xuân, đường vành đai 3: "Ai đã chỉ đạo giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho dân khi chưa hề duyệt quy hoạch mà đã cho xây nhà to lắm rồi?".
Câu trả lời của Phó Chủ tịch thành phố là: "Tôi mới nhậm chức 4 tháng, nói về nguyên nhân, trách nhiệm, tôi xin đề nghị được báo cáo lại với UBND".
Thành phố sông Hồng: Ai chịu trách nhiệm ký kết?
Đại biểu Phạm Thị Thành là người đầu tiên chất vấn Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi về dự án Thành phố sông Hồng: "Giới trí thức, kiến trúc sư, nhà khoa học rất quan tâm đến dự án lớn này, nó ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể Thủ đô. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã làm việc với TP Seoul. Văn phòng Chính phủ từng gửi 2 công văn cho HN nhưng không thấy HN hồi âm".
Phó Chủ tịch Khôi cho biết, quy hoạch của Hàn Quốc là "nghiên cứu khoa học, cơ sở để HN nghiên cứu hoàn thiện đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô. Thành phố sẽ phải thẩm định theo đúng quy định, chúng tôi đã xin ý kiến của chuyên gia và hiện giao các ngành tổng hợp ý kiến".
Đại biểu Phạm Thị Thành: TP nói đã xin ý kiến chuyên gia nhưng nhiều kiến trúc sư nói họ không hề được hỏi ý kiến. Ảnh: Lê Anh Dũng
Câu trả lời này của ông Khôi bị bà Thành phản bác: "Đồng chí nói thành phố đã xin ý kiến chuyên gia, nhưng nhiều kiến trúc sư nói với tôi là họ không hề được hỏi ý kiến".
Đại biểu Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc chia sẻ với bà Thành: "Dư luận rất bức xúc về dự án này. Thành phố tổ chức triển lãm rồi hội thảo nhưng thể chế không có, không tuân theo quy trình, không đúng thẩm quyền phê duyệt. Vậy ai chịu trách nhiệm ký kết, trong khi tiền là của dân?"
Đại biểu Phạm Thị Loan cũng hỏi: "Đã có 2 nước làm dự án cho sông Hồng là Nhật với Hàn Quốc, vậy sau này một nhà thầu từ Paris đến nói là có dự án của họ thì thành phố giải quyết thế nào?"
Trước những ý kiến được nêu lên một cách mềm mỏng nhưng có phần gay gắt này, Phó Chủ tịch Khôi dịu giọng: "Xin cám ơn các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu".
"Thành phố đủ sức phạt người không đội mũ bảo hiểm"
Là người cuối cùng trả lời chất vấn, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Nhanh đã nêu trọn vẹn bức tranh về sự quá tải của giao thông Hà Nội, với hơn 2 triệu xe máy, hơn 200.000 ô tô, chưa kể xe của tỉnh ngoài và cơ quan trung ương lưu thông trên địa bàn, trong khi quỹ đất dành cho giao thông HN chỉ vẻn vẹn 6%, bãi đô xe tức diện tích dành cho giao thông tĩnh quá ít ỏi.
Ông Nhanh cũng báo động về ý thức người dân: "Từ đầu năm đến nay, công an giao thông đã xử phạt hơn nửa triệu lượt người vi phạm luật, "mà không phải vi phạm nào cũng bị xử lý".
Hậu quả là có đến 78 điểm thường xuyên bị tắc đường vào giờ cao điểm, khiến thành phố phải huy động "hàng ngàn cảnh sát giao thông cùng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự và lực lượng giao thông công chính".
Đại biểu Nguyễn Tiến Thắng hỏi: "Liệu công an có đủ sức xử phạt người dân không đội mũ bảo hiểm từ ngày 15/12 tới không?".
Ông Nguyễn Đức Nhanh quả quyết: "Chúng tôi hoàn toàn đủ sức xử lý, chủ nhật này sẽ mời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về HN giao nhiệm vụ cho quận, huyện để thực hiện tuyên truyền cho người dân. Cũng mong mọi người dân và chính quyền các cấp ủng hộ chủ trương bắt buộc đội mũ này".
Trước chất vấn của nhiều đại biểu về việc giảm phương tiện cá nhân, Giám đốc Công an TP khẳng định, đây là giải pháp lâu dài.
Về chủ trương giảm mật độ dân cư, ông Nhanh cho hay:"HN đang kiến nghị Quốc hội nâng Pháp lệnh Thủ đô thành Luật Thủ đô, nhằm tạo cho HN cơ chế đặc thù về cư trú".
Ông Nhanh cũng lạc quan bày tỏ hy vọng cá nhân "Năm 2015, sẽ có một Thủ đô mới, khang trang với một quy hoạch giao thông đô thị hoàn chỉnh".
198 nhà siêu mỏng, siêu méo: Xử lý cương quyết Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, trong số 198 nhà siêu mỏng, siêu méo, tập trung nhiều nhất ở quận Tây Hồ và Ba Đình, có 3 biện pháp để xử lý. Với trường hợp đất trống hoặc nhà cấp 4 cũ chưa xây công trình, tuyệt đối không cấp phép xây dựng mới, kể cả tạm thời. Với phần đất hoặc công trình còn lại sau khi giải phóng mặt bằng để mở đường, nếu không đảm bảo an toàn, mỹ quan thì lập tức tháo dỡ, thu hồi đất cho mục đích công cộng hoặc khuyến khích chuyển nhượng để hợp khối với công trình liền kề. Với công trình vi phạm trật tự xây dựng sau giải phóng mặt bằng, cương quyết xử lý yêu cầu tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế. Với các công trình vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng: số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 4 Đặng Dung, số 19 tổ 2 phường Bưởi, ông Khôi cho hay, chủ đầu tư không đảm bảo đúng tiến độ phá dỡ như cam kết.
-
Vân Anh