(VietNamNet) - Lần đầu tiên, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu được đặt lên bàn Hội nghị CG. Ông Donal Brown, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển Anh, người đã vận động cho việc này, cho rằng, Việt Nam chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết, chưa có kế hoạch tốt đối phó với vấn đề này, do đó, chưa tận dụng được nguồn vốn toàn cầu sẵn có. Việt Nam đang bị tụt lại phía sau so với các nước láng giềng trong tiếp cận các nguồn vốn ODA dành cho vấn đề biến đổi khí hậu.
- Khí hậu biến đổi, nước nghèo chịu ảnh hưởng nhất
Biến đổi khí hậu đe doạ sinh kế người dân VN
Biểu tình toàn cầu đánh dấu hội nghị khí hậu ở Bali - Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Bali: Tìm kiếm thỏa thuận mới
VN sẽ có chương trình hành động quốc gia về biến đổi khí hậu?
VN vẫn chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết cho vấn đề biến đổi khí hậu - Ông Donald Brown.
- Trong Hội nghị CG 2007, lần đầu tiên vấn đề biến đổi nghị sự được đưa vào chương trình nghị sự giữa các nhà tài trợ và đại diện Chính phủ Việt Nam. Tại sao cơ quan phát triển Anh lại đưa vấn đề này lên bàn nghị sự vào thời điểm này?
Trong hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm ngoái, tôi rất ngạc nhiên khi không hề có một thảo luận nào về vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi đã rất nỗ lực để đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, bởi lẽ khi nhìn vào con đường dài phía trước của Việt Nam, biến đổi khí hậu có thể gây nên những tác động tiêu cực rất lớn lên tăng trưởng kinh tế.
Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới WB năm 2006 cho thấy, Việt Nam nằm trong danh sách 5 nước ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng nước biển dâng do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Chúng ta đã có thể nhìn thấy rất rõ những tác hại kinh tế của biến đổi khí hậu tới Việt Nam và tới sự phát triển đất nước này.
Nếu mực nước biển tăng lên, Việt Nam sẽ mất rất nhiều, thậm chí, 45% diện tích đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL sẽ nằm dưới mực nước biển. Chúng ta thử tính nếu 45% diện tích ĐBSCL không thể trồng lương thực, đời sống của người Việt Nam sẽ ra sao.
Sinh kế của hàng chục triệu người Việt Nam đang bị đe dọa với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vấn đề này và những hệ quả của nó đang khiến cho cuộc sống người nghèo và những người cận nghèo Việt Nam ở vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng bị đe dọa. Các chuyên gia cảnh báo riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà. Một phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có thể bị ngập lụt do nước biển dâng. |
Một ví dụ khác là vào năm 1996, tổng thiệt hại do bão lũ là 700 triệu USD. Trong năm 2006, tổng thiệt hại do bão lũ lên tới 1,2 tỷ USD. Chỉ một cơn bão thậm chí đã có mức thiệt hại bằng tổng thiệt hại tất cả các trận bão vào năm 1996.
- Theo nhìn nhận của ông, các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam đã nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề biến đổi khí hậu hay chưa?
Không thể đánh giá thấp người dân Việt Nam trong nhận thức về vấn đề này. Từ thực tế lũ lụt, triều cường hiện nay, người dân hiểu rất rõ những tác động của biến đổi khí hậu với cuộc sống hằng ngày của họ. Tình hình hoàn toàn khác với 20 năm trước.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này. Họ đã nhìn thấy rất nhiều những thách thức. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu hôm 6/12, rằng ông coi đây là vấn đề trọng yếu. Thủ tướng hy vọng trong năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng được kế hoạch hành động quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên, tôi được nghe người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam phát biểu như vậy.
Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ thực hiện kế hoạch hành động đó như thế nào. Với những vấn đề như biến đổi khí hậu, nó quá lớn để thuộc vào trách nhiệm của một bộ duy nhất. Một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể giải quyết được.
Để đối phó với vấn đề này, cần phải giống như khi gia nhập WTO, cần một sự hợp tác để giành thắng lợi ở tất cả các cấp, không chỉ Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Phải có một cam kết mạnh mẽ trong toàn Chính phủ và một cơ chế thống nhất, triển khai kế hoạch hành động.
- Ông có gợi ý chính sách cụ thể nào cho Việt Nam trong việc đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu?
Vấn đề đầu tiên Việt Nam cần làm là lên kế hoạch cẩn thận, chặt chẽ, nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phải xem xét lại chiến lược phát triển, đưa ra một kế hoạch để giải quyết.
Lũ lụt liên miên trong năm 2007 đã tác động nghiêm trọng tới sinh kế hàng chục triệu người dân VN. Ảnh: VNN
Ví dụ, Việt Nam cần tính toán kỹ lưỡng hơn về những thay đổi có thể diễn ra khi tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Việt Nam đầu tư rất nhiều vào phát triển cơ sở hạ tầng: đường, cầu... nhưng việc xây dựng hệ thống đường bộ sẽ thay đổi dòng chảy của sông ngòi. Những biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam gánh chịu nhiều lũ hơn. Do đó, khi tiến hành các hoạt động đầu tư cần tính toán vấn đề khí hậu nhiều hơn. Có rất nhiều các phương pháp hiện đại có thể hỗ trợ cho quá trình lên kế hoạch. Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn.
Gợi ý thứ hai cho Việt Nam là đảm bảo an ninh lương thực thông qua phát triển nông nghiệp. Cơ chế của chúng ta hiện nay cần phải tính toán, lên kế hoạch đảm bảo an ninh lương thực. Chúng ta cần phải nghiên cứu các vụ mùa có thể trồng ở khu vực ít mưa hơn.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, phó ban chỉ đạo thực hiện công ước khí hậu và nghị định thư Kyoto của Việt Nam cho biết Việt Nam đã thực hiện xong các nghĩa vụ được quy định trong Nghị định thư Kyoto. Ông nói Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán trong tư thế thành viên của nhóm G77. Trong 10 thành phố lớn nằm trong danh sách nguy cơ cao của OECD vào năm 2070, có 9 thành phố thuộc châu Á. Trong số này Calcutta và Mumbai của Ấn Độ đứng hàng đầu. TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng (Việt Nam) đứng hàng thứ ba, còn lại là Dhaka (Bangladesh), Quảng Châu và Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar)… |
Những nghiên cứu rất cần thiết để đưa ra những kế hoạch cho tương lai. Việc này sẽ mất 5-10 năm. Làm việc này ngay từ bây giờ, chúng ta có thể sẵn sàng. Nếu không sẽ không lường trước những ảnh hưởng sẽ xảy đến.
Hiện nay, có rất nhiều nguồn tài chính cho việc này. Việt Nam có cơ hội để thu hút đầu tư, để các nguồn vốn để cắt giảm khí thải toàn cầu.
Trên thế giới, có rất nhiều quỹ sẵn có phục vụ cho các cơ chế làm sạch toàn cầu. Việt Nam có thể sử dụng nguồn quỹ này. Việt Nam đang bị tụt lại phía sau so với các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan trong tiếp cận các nguồn vốn này.
Sẽ không bỏ tiền nếu chưa có kế hoạch tốt
- Trên thực tế, nguyên nhân của biến đổi khí hậu toàn cầu xuất phát từ các nước phát triển hơn là các nước đang phát triển nhưng chính các nước đang phát triển, đặc biệt là người nghèo ở các nước này lại chịu tác động nhiều nhất. Anh và các nước phát triển khác có kế hoạch nào để chia sẻ gánh nặng, giúp các nước đang phát triển như Việt Nam đối phó với vấn đề này?
Có hai điều các nước phát triển như Anh có thể làm, một là chuyển giao công nghệ. Tôi đã nói về các thiết bị hiện đại để tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi có thể giúp các nước đang phát triển như Việt Nam tiếp cận với các công nghệ này.
Đồng thời, các nước phát triển như Anh đã cung cấp một lượng tài chính rất lớn trong quỹ toàn cầu như cơ chế phát triển xanh. Những quỹ này Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận. Điều đáng thất vọng là Việt Nam chưa tận dụng được nhiều từ những nguồn quỹ như vậy.
Các nước giàu đổ thừa nếu chuyển giao công nghệ sạch qua Trung Quốc và các nước nghèo, các công nghệ này sẽ bị ăn cắp bản quyền. |
- Làm thế nào Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn đó trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thưa ông?
Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cần có một kế hoạch tốt, một cam kết mạnh mẽ về khí hậu toàn cầu.
Việt Nam đã nhận thức vấn đề biến đổi khí hậu, tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam phải đối mặt với quá nhiều thách thức, do đó, chưa dành đủ sự tập trung cho vấn đề này.
Việt Nam chưa hề đưa ra một kế hoạch để có thể tiếp cận nguồn vốn. Do đó, chưa được nhận vốn. Việt Nam chưa hề có một kế hoạch nào. Các nhà tài trợ không thể đưa tiền khi không biết bạn sẽ dùng tiền đó như thế nào. Cần phải có một kế hoạch cụ thể.
Rất nhiều ngân hàng trên thế giới quản lý những dạng quỹ như thế này. Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với các tổ chức để tiếp cận các nguồn vốn này. Sau khi có một kế hoạch hành động tốt, các bạn có thể tiếp cận dễ dàng nguồn quỹ này đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
- Về song phương, Anh có kế hoạch cụ thể cung cấp ODA cho Việt Nam trong giải quyết vấn đề này không?
Anh cung cấp ODA cho Việt Nam để giúp giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Chúng tôi cung cấp tiền để Việt Nam giải quyết những vấn đề mà Chính phủ xem là ưu tiên. Các nhà tài trợ nói chung và Anh nói riêng hoàn toàn đi theo Việt Nam trong việc sử dụng vốn.
Nếu Chính phủ có một kế hoạch tốt, đặt vấn đề này là ưu tiên, và đề nghị phía Anh hỗ trợ, Chính phủ Anh sẵn sàng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bỏ tiền cho tới khi có một kế hoạch tốt.
- Ông có nhận định như thế nào về khả năng xây dựng kế hoạch và đối phó với vấn đề này của Việt Nam?
Việt Nam có thể đạt được bất cứ điều gì mà Việt Nam muốn đạt. Chỉ cần Việt Nam lên kế hoạch mà thôi. Chúng ta có thể thấy hiện nay sự gia tăng nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam về việc đối phó với vấn đề này. Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm của lãnh đạo, Việt Nam hoàn toàn có thể đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Việt Nam có quá nhiều ưu tiên và chưa tập trung cho vấn đề này. Mọi thứ đang ở giai đoạn bắt đầu khi Chính phủ bắt đầu đưa vấn đề ra bàn luận.
Từ phía các nhà tài trợ, chúng tôi cam kết sẽ đáp lại những nỗ lực của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tay cho Chính phủ ngay khi các bạn đặt kế hoạch lên bàn.
-
Phương Loan (thực hiện)