Về phản ứng của Việt Nam trước việc sáng 9/12/2007, một số người đã tụ tập trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:
Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: TTO |
- Về Biển Đông, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định chủ trương của Việt Nam là thông qua đàm phán, giải quyết một cách hoà bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC), nhằm giữ gìn hoà bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Với tinh thần đó, vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ Việt Nam - Trung Quốc về biên giới lãnh thổ. Hai bên đã trao đổi ý kiến toàn diện, thẳng thắn, sâu rộng về vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Về vấn đề trên biển, hai bên thống nhất tăng cường nhịp độ đàm phán, phối hợp giải quyết thoả đáng các vấn đề nảy sinh trên tinh thần láng giềng hữu nghị, đồng chí anh em, không làm phức tạp thêm tình hình.
- Quan điểm của Việt Nam về việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ ngày 3/12/2007.
Chúng tôi được biết sáng 9/12/2007, một số người dân đã tụ tập trước cửa Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ bất bình đối với các hành động gần đây của Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là việc làm tự phát chưa được phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Khi các vụ việc trên xảy ra, các lực lượng bảo vệ của Việt Nam đã kịp thời có mặt, giải thích và yêu cầu bà con chấm dứt việc làm này.
(Theo TTXVN)