221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1016942
Chất độc da cam - câu chuyện vẫn còn tiếp diễn
1
Article
null
Chất độc da cam - câu chuyện vẫn còn tiếp diễn
,

(VietNamNet) - 76,9 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó chất da cam chiếm một lượng lớn mà quân đội Mỹ rải xuống VN để lại hậu quả nặng nề. Gần nửa thế kỷ sau hàng loạt hoạt động của các nhóm, tổ chức nhân đạo của cả hai phía Mỹ và VN vẫn đang tích cực diễn ra nhằm khắc phục hậu quả ấy.

Sự ra đời của nhóm Đối thoại Việt - Mỹ

Bà Tôn Nữ Thị Ninh là thành viên phía VN, nhóm Đối thoại Việt-Mỹ
Bà Tôn Nữ Thị Ninh là thành viên phía VN, nhóm Đối thoại Việt - Mỹ
Trong năm 2007, nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về vấn đề chất độc màu da cam/đi-ô-xin đã ra đời với 10 thành viên là các nhà khoa học, nhà phân tích chính sách và các doanh nhân nổi bật của hai nước. Phía Việt Nam gồm có bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội; ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Quốc tế nhân dân Ban đối ngoại TƯ Đảng; Giáo sư Võ Quý, Đại học Quốc gia HN; Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ và trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN.

Mục tiêu chính của nhóm Đối thoại là hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và giảm thiểu hậu quả chất độc màu da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ đã rải xuống VN thời chiến tranh. Theo dự kiến, trong vòng 2 năm tới nhóm này sẽ hoạt động trên 4 tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc màu da cam, gồm: Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thái Bình. Trước tiên sẽ là những hoạt động ở Đồng Nai, tỉnh này có sân bay Biên Hoà - nơi mà quân đội Mỹ sử dụng làm nơi chứa chất độc đi-ô-xin trong suốt khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1971.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy nồng độ đi-ô-xin trong đất, bùn, một số thực phẩm địa phương và mẫu máu của người dân vẫn cao ở mức báo động. Hiện Đồng Nai có tới trên 13.000 nạn nhân chất độc màu da cam, bị tàn tật hoặc bị các ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng, đáng chú ý trong đó có tới gần 3.200 nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi. Toàn tỉnh này hiện có 3 trung tâm: Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai; Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi-khuyết tật và đơn vị phục hồi chức năng. Các trung tâm này sẽ được huy động tham gia chương trình nhưng theo đánh giá cơ sở vật chất và năng lực của cả 3 nơi này còn rất hạn chế

Sống trên vùng đất nhiễm độc nhưng không mấy đề phòng

Thạc sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, Hội Y tế công cộng VN cho rằng, người dân thành phố Biên Hoà, đặc biệt là những người sống gần sân bay hiện đang phải đối mặt với những nguy cơ về sức khoẻ do phơi nhiễm với đi-ô-xin tồn tại trong môi trường, hoặc do tiêu thụ thực phẩm nhiễm chất này. Hội Y tế công cộng VN và hội y tế công cộng tỉnh Đồng Nai đều cho rằng phải can thiệp ngay để giảm đi những nguy cơ mà cộng đồng dân cư ở đây đang phải đối mặt.

Điều đáng buồn là chính người dân ở những khu vực nóng này lại không mấy quan tâm, không nhận thức đúng, đủ về đi-ô-xin. Có 400 người sống tại phường Trung Dũng và phường Tân Phong (Biên Hoà, Đồng Nai) được chọn ngẫu nhiên để hỏi. Chỉ có 7 người biết rằng chất đi-ô-xin có thể tồn tại trong đất, nước, không khí và thực phẩm, ngoài ra chỉ có 3,3% người được hỏi biết chất độc này có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua da, qua đường hô hấp và qua ăn uống. Phần lớn người tiêu dùng thực phẩm không quan tâm, hoặc không biết nguồn gốc thực phẩm sử dụng, số người biết được những loại thực phẩm có nguy cơ cao còn rất hạn chế.

Người dân địa phương cho rằng rau, củ quả và thuỷ hải sản là những loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm cao mà không mấy quan tâm đến thịt lợn, thịt bò...Chỉ một số ít người dân biết được các biện pháp phòng chống phơi nhiễm độc thông qua thực phẩm như ăn ít mỡ động vật, các sản phẩm bơ sữa. Tóm lại là sự đề phòng của người dân tại hai phường về chống nhiễm độc đi-ô-xin qua thực phẩm còn rất hạn chế, trong khi mức độ ô nhiễm đi-ô-xin trong môi trường, trong thực phẩm và thậm chí trong máu người là rất cao.

Trong giai đoạn từ năm 1962-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam một lượng ước khoảng 76,9 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó chất độc màu da cam chiếm một lượng lớn. Ước tính cả nước có từ 2,1 đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm trực tiếp với đi-ô-xin trong khoảng thời gian này, chưa kể một số lượng lớn người dân bị phơi nhiễm từ thức ăn và ảnh hưởng để lại cho con cháu. Chính phủ đã hỗ trợ cho khoảng gần 300.000 nạn nhân với dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, nhà ở, xe lăn, học nghề...Tuy nhiên, với hàng triệu người có nguy cơ bị nhiễm độc và khoảng 600.000 người bị tàn tật hoặc bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng thì vẫn còn một lượng lớn nạn nhân cần giúp đỡ.

Năm 2006, Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ra một bản tuyên bố chung, lần đầu tiên thừa nhận ô nhiễm đi-ô-xin là một hậu quả của chiến tranh cần cả hai bên cùng hành động. Hai bên đã đồng ý tiến hành công tác tẩy độc tại những điểm nóng đi-ô-xin tại các căn cứ không quân Mỹ trước đây (trong đó có kiềm toả đi-ô-xin ở sân bay Đà Nẵng, ngoài ra là sân bay Biên Hoà, Phù Cát), cũng như tăng cường viện trợ nhân đạo cho người khuyết tật Việt Nam. Vào tháng 5/2007, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, quốc hội Mỹ đã phân bổ khoản ngân sách 3 triệu USD dành riêng cho hoạt động khắc phục môi trường tại các điểm nóng đi-ô-xin và để giải quyết các nhu cầu về sức khoẻ ở các cộng đồng lân cận.

  • Đỗ Minh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,