221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1018172
Ngã ba 2007
1
Article
null
Ngã ba 2007
,

 (VietNamNet) - Hoặc là 2007 sẽ đánh dấu sự mở đầu một thời kỳ mới với sự lựa chọn dứt khoát chuyển sang phát triển năng động và bền vững để đi lên, hoặc để cho thời cơ tuột tay và mọi yếu kém hiện có lấn át - với tất cả hệ lụy trước sau sẽ dẫn tới một bước ngoặt khác.

>> Yêu cầu khẩn thiết của đột phá
>> Đi tìm triết lý phát triển cho Việt Nam
>> Vai trò tiên phong của hệ thống

VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài viết nhìn lại 2007 của Nguyễn Trung.

Năm 2007 có nhiều điểm rất đáng ghi nhớ đối với nước ta.

Nổi bật nhất có lẽ là mọi yếu tố phát triển bên trong sau 22 năm đổi mới của đất nước, những thành tựu mọi mặt đối nội và đối ngoại giành được, và những yếu tố do sự vận động của  tình hình thế giới và khu vực tác động từ bên ngoài vào nước ta – tất cả hợp thành một tình thế đặt ra yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết: Việt Nam phải vươn lên chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới.

Phát triển thịnh vượng là niềm khao khát thường trực của dân tộc ta.
Đương nhiên, phát triển thịnh vượng là niềm khao khát thường trực của dân tộc ta – nhất là nước ta đã phải trải qua bao nhiêu gian truân và mất mát lớn lao ròng rã gần hai thế kỷ nay và hiện vẫn đang còn là một nước nghèo. Song nét mới của năm 2007 – năm thứ 22 của đổi mới - là sức phát triển của đất nước, vị thế quốc tế mới giành được và những tác động từ bối cảnh bên ngoài đặt ra cho nước ta một đòi hỏi mới, dứt khoát như một mệnh lệnh.

Trong lịch sử quốc gia, phát triển bao giờ cũng là một quá trình mang tính liên tục, thường khó xác định một cột mốc thời gian cụ thể cho một bước tiến hóa nào. Song thật hiếm thấy ở nước ta có năm nào có những chuyển biến xuất hiện rõ ràng như năm 2007: (a) quy mô nền kinh tế đã tới đạt đỉnh cao của phương thức phát triển theo chiều rộng, (b) đòi hỏi về sự phát triển năng động mới đang trở nên bức thiết, (c) thời cơ to lớn trong tay và những thách thức mới trong tình hình hội nhập toàn diện càng thúc đẩy phải đi tìm chiến lược phát triển mới. Cả 3 yếu tố này đang tạo ra một thôi thúc có thể cảm nhận được đến mức như khía vào da thịt:

Sống hay là chết! Đất nước phải dấn lên bước vào một thời kỳ phát triển mới!”

Một cảm nghĩ lãng mạn chăng?

Không phải như vậy. Hãy cảm nhận lấy cuộc sống và để nó tự giải thích. Tình hình phảng phất một không khí của năm 1986, khác chăng hồi đó là sự bức bách bất khả kháng mở ra công cuộc đổi mới, còn bây giờ - năm 2007 - là sự thôi thúc không nhân nhượng:  

Hoặc là năm 2007 sẽ đánh dấu sự mở đầu bước vào một thời kỳ mới với sự lựa chọn dứt khoát chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đi lên, hoặc là để cho thời cơ tuột tay và mọi yếu kém hiện có lấn át - với tất cả hệ lụy trước sau sẽ dẫn tới một bước ngoặt khác.

Tính chất quyết liệt ấy chính là điều đáng ghi nhớ cho năm 2007.

Phần 1: Con đường chuyển sang thời kỳ phát triển mới đã mở ra

Trước hết, năm 2007 nước ta đạt thành tích cao nhất trong 22 năm đổi mới, mặc dù vẫn còn nhiều yếu kém lớn.

Những thành tựu cụ thể và các chỉ số tăng trưởng nêu trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa X nói rõ điều này. Tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,5%, là mức cao nhất từ 10 năm nay.

Đương nhiên kết quả này là sự tiếp nối những nỗ lực và thành tựu của những năm trước. So sánh tốc độ tăng trưởng từng mặt của năm 2007 sẽ thấy hầu hết các chỉ số đều vượt tốc độ của năm 2006; (chỉ riêng sức tăng trưởng xuất khẩu dầu thô giảm vì lượng khai thác dầu giảm khoảng 1 triệu tấn, tương đương 500 triệu USD); đặc biệt FDI thực hiện tăng 17% so với 2006; FDI cam kết đạt 13 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay.

Có thấu hiểu hết mọi mất, được của 32 năm đầu tiên sau khi giành được độc lập thống nhất để đi tới thành quả hôm nay, mới biết rõ được chặng đường đã qua và biết được hiện nay đất nước ta đang đứng ở đâu.

Năm 2007 đang đặt ra những đòi hỏi gắt gao phải dứt khoát lựa chọn chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đất nước bay lên.

Năm 2007 - một năm là thời gian quá ngắn để nói lên điều gì, tuy nhiên có thể nhận xét: Năm đầu tiên là thành viên WTO của VN diễn ra suôn sẻ, mặc dù còn rất nhiều chuyện hệ trọng phải bàn. Nhìn vào những việc đã làm được: Rõ ràng với tư cách mới này, năm 2007 Việt Nam tăng thêm được sức phát triển năng động của mình, đồng thời đã tạo ra được một vị thế quốc tế mới và một bước đột phá về kinh tế đối ngoại.

Đặc biệt là những mối liên kết mới trong quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa được thiết lập trong những chuyến viếng thăm chính thức của các vị lãnh đạo nhà nước ta, cũng như thông qua các đoàn chính giới và doanh nhân nước ngoài vào thăm Việt Nam trong năm 2007 đã mở ra một không gian mới, với nội dung mới ở tầm cao hơn cho hợp tác song phương, đa phương.

Có thể nói lần đầu tiên kể từ sau năm 1975 Việt Nam đứng trước một triển vọng chưa bao giờ có trong việc mở rộng các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là với tất cả các đối tác lớn nhất của nền kinh tế thế giới.

Tính riêng các dự án kinh tế đạt được trong những chuyến viếng thăm này đã vượt 50 tỷ USD, bao gồm những ngành kinh tế rất thiết yếu đối với thời kỳ phát triển sắp tới của Việt Nam như: kết cấu hạ tầng, sản phẩm công nghiệp mới, sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ tài chính ngân hàng.., tất cả là những cam kết với các nước phát triển.

Thực tế này đòi hỏi bản thân nước ta phải tự vươn lên như thế nào để những dự án này sẽ mở đường cho sự hợp tác ngang tầm với tiềm năng của đất nước và bối cảnh cho phép của bên ngoài.

Dựa trên những gì đã làm được trong năm 2007, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 đã thông qua mục tiêu phấn đấu năm 2008 sẽ vượt cái ngưỡng quốc gia có thu nhập thấp tính theo đầu người. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu đầy tự tin: mục tiêu tăng trưởng 8,5-9% của 2008 là khiêm tốn, tận dụng tốt những điều kiện có trong tay còn có thể vượt, có ý kiến tính toán đến khả năng tăng trưởng 2 con số...

Nếu nhìn nhận tình hình theo một hướng khác, phải chăng có thể đưa ra kết luận:

Việt Nam hiện nay có đầy đủ những điều kiện bên trong và bên ngoài tốt nhất vừa đòi hỏi, vừa cho phép mở đường đi vào một thời kỳ phát triển mới: Chất lượng hơn, bền vững hơn, giá trị gia tăng cao hơn – chủ yếu dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập?

Đây mới chính là vấn đề trung tâm của năm 2007, cần được xem xét từ mọi khía cạnh.

Những cái mới so với trước

Ngoài vị thế mới trên trường quốc tế sau khi Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, kinh tế Việt Nam năm 2007 có 3 đặc trưng mới: thị trường vốn trong nước phát triển nhanh, thu hút FDI mạnh, khả năng mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài ngày càng lớn.

Khai thác và phát huy mạnh mẽ 3 đặc trưng mới này, sẽ tạo ra động lực to lớn cho kinh tế phát triển mạnh cả về lượng và chất. Chính những thành tích mọi mặt đạt được, cùng với 3 đặc trưng mới này đòi hỏi: Phải chuyển mạnh sang thời kỳ từ lợi thế so sánh chủ yếu dựa trên lao động rẻ và khai thác tài nguyên, môi trường – gọi là phát triển theo chiều rộng, sang thời kỳ tạo ra lợi thế so sánh mới chủ yếu dựa trên phát huy nguồn nhân lực và khai thác hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa – thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Đòi hỏi này là tất yếu khách quan vì sau chặng đường 22 năm tình hình bên trong và bối cảnh bên ngoài đã thay đổi sâu sắc:

- Quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn (đạt tới đỉnh cao của phát triển theo chiều rộng),

- Nguồn lực trong và ngoài đưa vào nền kinh tế nước ta tăng nhanh,

- Nền kinh tế nước ta có thị trường ngày càng mở rộng trong và ngoài nước, ngày càng nhiều đối tác mới tầm cỡ quốc tế,

- Cạnh tranh hàng dựa trên lao động rẻ và chất lượng thấp ngày càng lợi bất cập hại – nhất là do giá cả nguyên nhiên liệu và sự trả giá về môi trường; trong khi đó thị trường ngày càng bão hòa những mặt hàng này.

Thực tế nêu trên tất yếu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đi vào những sản phẩm mới, với nhiều hàm lượng công nghệ và dịch vụ hơn, với giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, ngay cả việc tiếp tục xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như thủy sản, nông phẩm, hàng may mặc.., song rõ ràng trong những năm tới nếu những sản phẩm này không được nâng cao chất lượng mọi mặt và dịch vụ,  thì giữ được thị trường và khách hàng cũ đã khó, đừng nói gì đến mở rộng. Nhưng quan trọng hơn nhiều vẫn là phải sớm tìm đường đi vào những sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ và dịch vụ cao hơn.

Việc tạo ra những sản phẩm mới như thế còn vô cùng bức bách ở chỗ nó là nội dung chủ yếu của những cam kết hợp tác mới giành được trong năm nay và triển vọng của những năm tiếp theo - bởi lẽ: ngoại trừ những kẻ chụp giựt, đánh quả, không đối tác nào có tầm cỡ lại thừa tiền và công sức lựa chọn nước ta là bạn đồng hành chỉ để sản xuất ra các thứ hàng đồ đồng nát.

Hơn thế nữa, là một quốc gia có dân số đứng thứ 13 thế giới, đất hẹp người đông, ở vào vị trí địa lý kinh tế và chính trị đầy thuận lợi bậc nhất cũng như thách thức bậc nhất, Việt Nam sẽ là một đất nước ra sao? – tất cả  tùy thuộc vào việc nước ta từ nay lựa chọn phát triển theo hướng nào? Trước đây 22 năm còn có thể trì hoãn câu trả lời phải đi tìm này, nhưng bây giờ không thể!

(a) Nói về quy mô nền kinh tế: Ngay trước mắt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2006-2010 dự kiến sẽ đạt trên 140 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài (FDI+ODA) dự kiến trên 50 tỷ USD, so với các chỉ số này của thời kỳ 2001-2005 là 100 tỷ và 30 tỷ. Chí ít về mặt số học, quy mô nguồn lực đưa vào nền kinh tế thời kỳ 2006 -2010 lớn hơn thời kỳ 5 năm trước đó 1/3. Theo Vietnam Economic News Online 19/10/2007, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời kỳ 2006 - 2010 với tổng số 163 dự án, ước tính 61 tỷ USD, nghĩa là quy mô nền kinh tế có thể còn lớn hơn nữa...  

Trong 22 năm qua dân số nước ta tăng khoảng 15 triệu người; nền kinh tế nước ta tính theo GDP năm 2007 ước tính lớn gấp 6 lần năm 1986; quan hệ kinh tế đối ngoại năm 2007 – ví dụ tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu - lớn hơn khoảng 60 lần năm 1986... Thiện chí hay không thiện chí, không ai có thể bác bỏ thành tựu hiếm hoi này, mặt khác cũng không nên để cho những lời khen ngợi quá mức quyến rũ và làm cho mê ngủ.

Sự thật là từ những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đến nay trên thế giới chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đang phát triển đông dân đã giành được những kết quả như thế trong quá trình chuyển đổi. Nhưng xin đừng giây phút nào quên: So với cả thế giới nước ta vẫn còn thua kém rất xa trên nhiều phương diện.

Thành tựu tự nó đặt ra những vấn đề mới, những thách thức mới: Xin các chuyên gia thống kê làm giùm con tính so sánh trong quãng thời gian 22 năm này riêng kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật và những tiện ích công cộng khác đã tăng lên được bao nhiêu? đã chuẩn bị được bao nhiêu cho 5 năm tới, 10 năm, 20 năm tới? Có cách nào tính thử xem hay so sánh nguồn nhân lực và chất lượng của nó cũng như khả năng quản trị quốc gia của nước ta trong 22 năm này đã tăng lên như thế nào?

Trong khi đó kinh tế nước ta đang phải đối mặt với sự thật hiển nhiên: giá trị gia tăng trong sản phẩm và hiệu quả kinh tế nói chung của Việt Nam thua tất cả các nước trong nhóm ASEAN6 (trong 5 năm vừa qua chỉ số ICOR của những nước này thường là 3, của Việt Nam là 4 - 5, lạm phát của Việt Nam có chỉ số cao nhất, hơn cả Trung Quốc...). 

Đứng trước tình hình như thế, giữ nguyên sự phát triển theo chiều rộng hoặc cải tiến không đáng kể lợi thế so sánh hiện có, đồng nghĩa với kéo dài và mở rộng thêm lạc hậu, nhân thêm những yếu kém trước tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Hơn nữa, từ nay trở đi nước ta sẽ phải hoạt động trong những lộ trình ngày càng cao hơn của khung khổ WTO và gánh vác trách nhiệm ủy viên không thường thực của HĐBALHQ, tầm suy nghĩ và việc làm phải thay đổi theo hướng này.

(b) Nói về nguồn lực đưa vào nền kinh tế nước ta ngày càng lớn: Các số liệu về vốn đầu tư trong nước, về FDI, các dự án đã cam kết với nước ngoài nêu trên, sự phát triển hiện nay của thị trường vốn – đó là những dữ liệu cho phép lượng hóa khối lượng ngày càng lớn các nguồn lực đưa vào nền kinh tế nước ta hiện nay và cho những năm tới.

Bản thân sự tăng vượt bực khối lượng các nguồn lực này đòi hỏi gay gắt phải chuyển sang chất lượng phát triển mới; yêu cầu cạnh tranh và yêu cầu hội nhập làm cho đòi hỏi này càng trở nên gay gắt. Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu với khối nguồn lực mới này - ví dụ làm ra nhiều than hơn nữa, nhiều hàng gia công may mặc hơn nữa, nhiều gạo, cà phê, cá...? Với quy mô lớn, sản phẩm chủ yếu dựa trên lao động cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên càng mất lợi thế cạnh tranh, sẽ đem lại những hệ quả khủng khiếp: sản xuất những mặt hàng này đã tới trần, không thể mở rộng thêm, giá trị gia tăng của sản phẩm rất thấp, ngày càng thấp (vì tiền lương và chi phí sản xuất ngày một tăng), cũng không thể sử dụng hết các nguồn lực hiện có để đưa vào (input) nền sản xuất này, sẽ dẫn tới nền kinh tế chết vì lạc hậu, ách tắc và bội thực.

Các số liệu nêu trên liên quan đến quy mô các nguồn lực mới của nền kinh tế chưa tính tới nguồn nhân lực ở nước ta ngày càng lớn và năng suất lao động ngày càng cao, khả năng ứng dụng những thành quả mới của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày càng phát huy, khả năng phát triển cộng hưởng do giao lưu kinh tế ngày càng thông suốt hơn trên thị trường nội địa và trên thế giới – bao gồm cả khả năng huy động tăng lên không ngừng các nguồn lực trong nước và nước ngoài trong quá trình tiến triển của hội nhập.

(c) Nói về thị trường ngày càng mở rộng cho nền kinh tế nước ta : Ngoài những điều đã trình bày bên trên, cần đặc biệt lưu ý đến hiện tượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế có liên quan đến hướng ngoại trong hầu hết các nước phát triển và trong các nền kinh tế lớn - hiện tượng outsourcing (tạm dịch: khai thác các nguồn lực bên ngoài). Hiện tượng này nổi lên từ một vài thập kỷ nay và ngày càng bành trướng, càng tăng tốc, nhất là từ khi nền kinh tế Trung Quốc trỗi dậy trở thành công xưởng của thế giới.

Có thể quan sát hiện tượng này rất rõ nét tại các nền kinh tế Mỹ, Nhật, EU và một số nền kinh tế khác như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan... Việt Nam đang là một quốc gia, một nền kinh tế trở thành một trong những điểm ngắm để hướng tới của hiện tượng outsourcing này. Hiện tượng này còn liên quan mật thiết với yêu cầu các nền kinh tế lớn đang muốn đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường đầu tư để san sẻ hay cân bằng các mối rủi ro kinh tế và chính trị.

Có thể nói toàn bộ sự phát triển trình bày trên là một thời cơ lớn và đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Xin thử hình dung: Giả thử khai thác tốt tình hình trên, ví dụ Việt Nam sẽ là một nền kinh tế cung ứng một cách tin cậy những sản phẩm mà nền công nghiệp Nhật cần chuyển dịch ra nước ngoài, trở thành một nền kinh tế có những mối quan hệ mật thiết (gần như quan hệ hữu cơ) với nền kinh tế Nhật... Việt Nam sẽ làm được như thế với một số nền kinh tế lớn khác nữa (kể cả Trung Quốc, nếu được, kết quả sẽ là: Việt Nam tự tạo ra cho mình một sức phát triển năng động rất đáng mơ ước, với một vị thế kinh tế và chính trị hoàn toàn khác so với hiện nay. Những dự án hợp tác lớn dành được sự cam kết trong năm 2007 hé mở khả năng đáng mơ ước này.

Tuy nhiên, nếu để cho Việt Nam trượt ra ngoài điểm ngắm của quá trình outsourcing đang diễn ra, (ví dụ để điểm ngắm này rơi vào Thái Lan), hệ quả sẽ không chỉ là bị giam hãm mãi trong sự bất lực “ta về ta tắm ao ta”, mà nước ta còn phải hứng chịu số phận của kẻ đứng ngoài cuộc trên bàn cờ kinh tế và chính trị của thế giới - kẻ trong tay không có sức mạnh đáng kể để mặc cả với thiên hạ, trở thành "con tốt đen trên bàn cờ lớn". Ngày nay “số phận” này nếu phải hứng lấy, sẽ còn hẩm hiu gấp nhiều lần, mọi người đều hiểu vì sao!

(d) Nói về những cái bất lợi của phát triển theo chiều rộng trong nền kinh tế nước ta hiện nay: Cái nghèo hiện hữu của đất nước mới chỉ là câu chuyện trước mắt.

Theo cách nhìn con người là trung tâm và là mục đích của sự phát triển, điều tối quan trọng là sau 32 năm hòa bình, trong đó có 22 năm đổi mới, nguồn nhân lực cả nước vẫn còn tới 70% sống trong nông thôn và chủ yếu với nền nông nghiệp còn lạc hậu; điều này có nghĩa nguồn lực quý báu nhất của quốc gia chưa được giải phóng. Không gì nguy hiểm hơn một cách lâu dài và toàn diện cho đất nước nếu không sớm khắc phục được thực trạng này. Liên quan mật thiết đến con người là chất lượng nền kinh tế còn rất thấp, lợi ích con người được hưởng thụ - trước hết là những người lao động ở nông thôn cũng như thành thị - còn rất ít so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cái giá phải trả cho môi trường xã hội và môi trường tự nhiên rất lớn.

Nước ta đang có nghịch lý nguồn nhân lực rất dồi dào, nhưng lại thiếu gay gắt nguồn nhân lực có kỹ năng lao động cao, trong khi đó lại chưa sử dụng được tối ưu nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Tình hình này khiến cho lợi thế lớn nhất của nước ta không phát huy được, thậm chí đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội lớn – trước hết là việc làm.

Nhìn về lâu dài, trong môi trường thế giới ngày nay, nếu nước ta không phát triển tốt nguồn nhân lực, nếu nước ta không tạo ra được môi trường kinh tế - chính trị - xã hội thuận lợi cho sự phát triển của con người tự do, chảy máu chất xám và di cư lao động sẽ là bất khả kháng, tới mức nào đó nguyên khí quốc gia suy vong, đất nước sẽ cạn kiệt sinh lực không khác gì lắm nguy cơ mất nước. Không thể coi thường nguy cơ này ngay từ bây giờ.

Ngay trước mắt, trong những năm tới nếu không tạo ra được sự phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn và bền vững hơn, hệ quả sẽ rất khắc nghiệt: Sau khi khai thác cạn kiệt các yếu tố phát triển theo chiều rộng, thời kỳ phát triển với tốc độ cao như hiện nay có thể ngắn lại đáng kể, đất nước sớm chồng chất nhiều vấn đề nan giải mới, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 khó mà thực hiện được.

Hơn nữa, nước ta đang đứng trước tình hình: Xu thế toàn cầu hóa đang ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ sự giao lưu đan xen lẫn nhau giữa các nguồn lực vốn, công nghệ và lao động trên thế giới theo hướng ngày càng hình thành các “chuỗi” và “mạng” cung ứng sản phẩm và dịch vụ trên thị trường toàn thế giới. Trong tình nhình như vậy, các “chuẩn” của “chuỗi” và “mạng” sẽ ngày càng nhiều và luôn luôn thay đổi, cạnh tranh để chiếm một vị trí tốt trong “chuỗi” và “mạng” sẽ càng gay gắt. Ngày nay sẽ là hiểm họa cho nền kinh tế của quốc gia nào đứng ngoài các “chuỗi” và “mạng” như thế, dù nó lớn như thế nào.

Mặt khác, bên cạnh thể chế quốc tế WTO, thể chế  song phương trong khung khổ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA - Free Trade Agreement) đang tiếp tục lan rộng tại các châu lục. Đồng thời đang chớm xuất hiện những hợp tác mới của phạm vi khu vực như ở Đông Á, châu Mỹ Latinh, hợp tác giữa các nước lớn Trung Quốc - Nga - Ấn Độ. Toàn bộ sự phát triển này sẽ đặt ra nhiều rối rắm mới.

Trong tình hình phức tạp như thế, tiêu chí thế nào là một “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào thời điểm năm 2020 mà nước ta đang mong muốn chắc chắn sẽ ngày càng ít phụ thuộc hơn vào mức độ sắt thép, điện đóm, đường sá, thu nhập... tính theo đầu người, mà trước hết ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng nước đó mở rộng thị trường đến mức nào, chiếm lĩnh được những vị trí thỏa đáng ra sao trong các “chuỗi” và “mạng” của nền kinh tế toàn cầu. Nghĩa là đã đến lúc không thể dùng các tiêu chí phấn đấu nước ta tự đặt ra cho mình khi xây dựng chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa cách đây khoảng 20-30 năm!

Toàn thế giới hiện nay đang loay hoay với cái “công xưởng của cả thế giới”. Trời đất sinh ra nước ta ở sát nách cái “công xưởng của thế giới”, nước ta lựa chọn cho mình chỗ đứng nào thích hợp trong tình hình này? Câu trả lời đáng mong muốn nhất phải chăng nên là: Đặt mục tiêu phấn đấu trong vòng vài ba thế hệ, với ý chí như dời núi lấp biển, phấn đấu xây dựng bằng được một Việt Nam phát triển như một dạng Singapore trên bán đảo Đông Dương – một cầu nối giữa các nền kinh tế trong khu vực và liên khu vực. Sự lựa chọn khác còn lại là hít khói bụi và trở thành bãi thải.

Về lâu dài, cần mạnh dạn nhìn nhận Việt Nam có lợi thế lớn hơn Singapore. Về lâu dài, sự phấn đấu nêu trên còn là phương thức tạo ra thế đứng cần phải có cho nước ta trong tình hình mới: Việt Nam trở thành đối tác của cả thế giới, cả thế giới là đối tác của Việt Nam. Đứng cạnh cái “công xưởng của cả thế giới” thì cần lựa chọn vị thế như vậy. Đường lối đối ngoại của nước ta là bạn với mọi quốc gia vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác, song đường lối này chỉ khả thi khi ta có thực lực để trở thành một đối tác như thế, bởi vì tất cả những thứ nước ta rất mong muốn này không ai cho không cả.

Trong trường hợp trên thế giới xảy ra một chấn động mạnh không lường trước được (dưới dạng một backlash), ví dụ do một tình huống bất khả kháng nào đó gây ra (một “force majeure” – giá dầu lửa tăng vọt, đồng đô-la Mỹ suy sụp, một cái bong bóng nào đó – giả dụ trong lĩnh vực ngân hàng –  trong cái “công xưởng của thế giới” nổ tung, sự đổ vỡ của tình hình Trung Đông, mâu thuẫn mới giữa các “cực”, thiên tai hay dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát, nạn khủng bố...), tình hình sẽ còn phức tạp hơn nữa.

Song dù thế nào, ở vào vị thế của nước ta, trong một thế giới ngày càng có nhiều vấn đề phức tạp mới như vậy, lựa chọn cho quốc gia mình một vai trò có thể ai cũng cần đến cho hòa giải, một vai trò có ích cho giải pháp là đáng mong muốn nhất cho chính mình và cho thiên hạ.

Muốn được như vậy, Việt Nam phải là một quốc gia có thực lực và bản lĩnh. Ngày nay, đối sách với  mọi mâu thuẫn hay thách thức từ thế giới bên ngoài tác động vào nước ta không phải là sự lựa chọn phương thức lấy nước này đối trọng với nước kia để cân bằng tình thế. Mà hãy lựa chọn trí tuệ và ý chí phấn đấu trong sự đồng thuận dân tộc cao nhất làm đối trọng cho mọi vấn đề thế giới bên ngoài đặt ra cho nước ta, với tinh thần là đối tác của cả thế giới.

Thực tế trình bày trên cho thấy bối cảnh trong nước và thế giới đặt ra những dữ kiện hoàn toàn mới. Cuộc sống luôn vượt lên mọi lý thuyết và nghị quyết. Con đường chuyển sang một giai đoạn phát triển mới của đất nước đã mở ra.

Thực tế này đặt ra yêu cầu gắt gao phải nhìn nhận lại toàn diện con đường đi lên phía trước của nước ta đã được ghi trong các nghị quyết các đại hội Đảng, nhất là chặng đường dự kiến sẽ đi cho tới những năm 2020 -  không phải là để xem xét nước ta tiến nhanh hay tiến chậm, vấn đề này sẽ bàn sau vào một dịp khác, mà trước hết là để không lạc lõng trong thế giới này, để không lại rơi vào tình cảnh tụt hậu hẳn một giai đoạn phát triển của thế giới, với mọi hệ luỵ mà nước ta đã phải gánh chịu suốt hai thế kỷ qua.

  • Nguyễn Trung (còn tiếp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,