221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1018802
DN Nhà nước: "Phải đẩy ra biển cạnh tranh để biết bơi"
1
Article
null
DN Nhà nước: 'Phải đẩy ra biển cạnh tranh để biết bơi'
,

(VietNamNet) - Toàn bộ công dân Việt Nam là chủ của các DNNN. Là một trong những ông chủ, là "cổ đông", họ phải có quyền đòi được biết xem DN hoạt động như thế nào? - Ý kiến của các chuyên gia kinh tế khi nói về tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Phân bổ nguồn lực còn rất thiên vị

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chiếm 25% câu hỏi gửi về, độc giả VietNamNet đặt ra vấn đề về bình đẳng thực sự giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Xin đặt vấn đề với bà Phạm Chi Lan, người luôn trăn trở vì sự phát triển của DN Việt Nam, trong năm tới, chúng ta làm thế nào để có được sự bình đẳng giữa DNNN và DNTN?

Bà Phạm Chi Lan: Trong những năm qua, chúng ta đã có những cố gắng tạo bình đẳng giữa DNNN và DNTN, thể hiện rõ nhất bằng việc Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005, dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các DN, không phân biệt thành phần kinh tế, quốc tịch.

Về tư tưởng của những người lãnh đạo và về mặt pháp lý là như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, để có được sự bình đẳng giữa DNNN và DNTN còn phải mất một chặng đường nữa để phấn đấu.

Tôi nhận thấy, các DN bình đẳng trước hết trên phương diện pháp lý. Hiện có luật khung như vậy, nhưng tất cả thiết chế để thực hiện các luật đó vẫn còn phải cải thiện nhiều, đặc biệt là về các chính sách kinh tế cụ thể: từ quy hoạch phát triển cho đến việc giao cho các ngành phát triển, định hướng cho một số ngành cơ bản, chủ trương đầu tư nhà nước, và hướng cho các thành phần tham gia mức độ nào.

Lý do thứ hai gây ra tình trạng thiếu bình đẳng trong phát triển các DN là vấn đề phân bổ nguồn lực. Đây là vấn đề diễn ra rất nhiều năm, và là điểm tôi cảm thấy lo ngại nhất. Bởi về nguyên tắc, luật pháp trong những năm tới chắc chắn chúng ta phải cải thiện về môi trường kinh doanh, phải thực hiện đúng các cam kết quốc tế. Nếu chúng ta không thực hiện đúng thì sẽ bị thiên hạ "thổi còi".

Trong khi đó, việc phân bổ nguồn lực phần nhiều là công việc nội bộ trong chính nước mình. Việc phân bổ nguồn lực cho đến này vẫn còn rất thiên vị, theo hướng, hầu hết những nguồn lực lớn là nằm trong tay các công ty lớn của NN. Ngay cả DN nhỏ và vừa của Nhà nước nhiều khi cũng khó tiếp cận được nguồn lực so với với các công ty lớn của NN, các tập đoàn kinh tế đang hình thành hiện nay. Đó cũng là một sự bất bình đẳng, một rào cản rất đáng kể cho các DN.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bà có thể nói rõ hơn về nguồn lực nào không? Đất đai, tài chính ngân hàng, hay nguồn lực nào khác?

Bà Phạm Chi Lan: Năm ngoái, khi bàn về việc DN VN phải đổi mới để tham gia WTO thành công, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Phó ban Đổi mới của Chính phủ đã nêu lên một con số là tới 70% nguồn lực của đất nước đang được giao cho hơn 2000 DNNN nắm giữ. Trong đó có những nguồn lực cụ thể như: vốn đầu tư của Nhà nước thì tới 50% là do các DNNN thực hiện, tín dụng ngân hàng tới 60%, ngồn vốn ODA tới 70%.

Nếu nhìn vào các nguồn lực khác như đất đai, bất động sản thì tỉ lệ cũng rất cao. Tôi nghĩ cũng phải 70, 80%. Các nguồn lực khác như là về con người, về công nghệ, và kể cả về thị trường, quyền kinh doanh cũng nằm trong tay các DNNN. Từ đó gây ra khó khăn cho các DN nhỏ và vừa. Số DN còn lại là hàng vạn, nếu tính cả hộ gia đình thì là hàng triệu chia nhau một nguồn lực nhỏ bé và rất khó tiếp cận. Điều này làm cản trở sự phát triển.

Nếu giao cho DNNN mà DNNN lại hoạt động hiệu quả không cao, thì nền kinh tế không có hiệu quả cao, và khi đó thì các DN, người dân lại là người lãnh đủ. Nền kinh tế rất khó có thể cải thiện, khó thực hiện được năng lực cạnh tranh.

Phải thay đổi tư duy tận gốc rễ

Bạn Hoàng Văn Hùng, Hà Nội: Làm thế nào để thực sự bình đẳng giữa DNTN và DNNN?

TS Nguyễn Quang A: Tôi cho rằng từ trước ít có chuyện bình đẳng và bây giờ cũng không dễ có bình đẳng giữa các DN. Để tiến dần tới sự bình đẳng đó, cần nhiều thời gian và công sức chứ không phải đưa ra một luật là có thể giải quyết được.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy quản lý, cải tổ DNNN hết sức triệt để mới có thể tiến gần hơn đến cái gọi là công bằng.

Sự bất bình đẳng vẫn còn nằm một phần trong đầu óc của những người ra quyết định. Ví dụ, có nhiều người nghĩ rằng vì DN này là DN của NN thì chắc chắn NN phải hỗ trợ. Tôi nghĩ, chừng nào chưa thật thoáng về tư duy đó, thì sẽ còn rất khó. Không những về nguồn lực, mà về nhiều thứ khác.

TS Nguyễn Quang A: Công bằng cho DN chỉ làm được khi quá trình cổ phần hoá diễn ra thực chất hơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chừng nào còn được ưu ái, nâng đỡ, chừng nào ràng buộc ngân sách của DNNN còn mềm, không bị cứng như DN tư nhân, thì việc giải quyết hiện tượng kém hiệu quả, việc kêu gào tiếp cận bầu sữa ngân sách nhà nước vẫn là vấn đề khó giải. DNNN nếu làm ăn không hiệu quả, mất vốn, thì phải phá sản. Nhà nước không thể lúc nào cũng cố tìm mọi cách để “cứu”.

Chuyện công bằng cho DN chỉ làm được khi quá trình cổ phần hoá các DN quốc doanh phải tiến hành thiết thực hơn, thực chất hơn. 

Có những DN, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ, nhưng suốt cả mười mấy năm, và bây giờ cổ phần hóa, Nhà nước vẫn giữ 85-90% vốn. Thời gian vừa qua, với sự bành trướng của các tổng công ty, nhiều DNNN nhảy sang rất nhiều lĩnh vực khác nhau mà không tập trung vào lĩnh vực cốt yếu của mình. Họ nhảy vào những lĩnh vực rất thời thượng, có vẻ là rất "sinh lời" trước mắt. Tôi nghĩ có những nguy cơ tiềm ẩn trong đó. 

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy quản lý, cải tổ DNNN hết sức triệt để mới có thể tiến gần hơn đến cái gọi là công bằng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo anh Quang A, vấn đề là phải thay đổi tư duy, nhưng nói thay đổi tư duy thì trừu tượng, chung chung quá. Ai cũng nói cần phải thay đổi tư duy. Nhưng cụ thể như thế nào, cần phải thay đổi tư duy ra sao?

TS. Nguyễn Quang A: Phải biến những tư duy ấy thành hiện thực, bằng những biện pháp có thể "sờ mó" được, cảm nhận được. Chỉ nói thay đổi mà trên thực tế vẫn làm ngược lại thì không thể gọi là đổi mới tư duy. Đó chỉ là đổi mới trên lời nói. Cái chúng ta cần là đổi mới thực sự trên việc làm.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà anh là Viện trưởng có thể đưa ra giải pháp lâu dài, giải pháp trước mắt?

TS. Nguyễn Quang A: Viện Nghiên cứu Phát triển IDS của chúng tôi không có tham vọng đưa ra những kiến nghị, giải pháp có ảnh hưởng vĩ đại. Chúng tôi sẽ nêu thẳng thắn những căn bệnh mà chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế này đang phải đương đầu và có những kiến nghị cụ thể về việc chúng ta nên làm như thế nào.

Chỉ nói thay đổi mà trên thực tế vẫn làm ngược lại thì không thể gọi là đổi mới tư duy. Đó chỉ là đổi mới trên lời nói.

Như việc phân bổ nguồn lực, tôi nghĩ rằng NN không nên làm như hiện nay. Ví dụ, từ chuyện một tập đoàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mỗi một ngân hàng chỉ cho một khách hàng vay không vượt quá 15% nguồn vốn hay dư nợ tín dụng của họ. Luật là như thế nhưng thực tế, mỗi khi có một chuyện như vậy, luôn có sự "bật đèn xanh" của ai đó là cho phép vượt qua ngưỡng đó.

Từ hành động cụ thể đó với những tư duy ghi trên giấy cho thấy, còn xa mới tiến tới sự bình đẳng thực sự giữa các DN. Những vấn đề vướng mắc khác, chúng tôi sẽ nêu lên một cách thẳng thắn, và khuyến nghị điểm nên thay đổi.

DNNN trước tiên phải công khai, minh bạch hoạt động

Bạn Hồ Viết Hoàng, Hà Nội: Nên chăng có yêu cầu, sức ép cụ thể đối với DNNN trong bối cảnh gia nhập WTO thì họ phải có thương hiệu toàn cầu, kinh doanh được ra thị trường thế giới. Chính phủ đặt ra yêu cầu như vậy thì lúc đó, DNNN buộc phải có hiệu quả hơn?  

Bà Phạm Chi Lan: Nói cho cùng, những thua lỗ của DN, Nhà nước phải bù đắp vào là lấy tiền từ thuế của người dân. Ảnh: LAD

Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi, yêu cầu đầu tiên rất cần đối với DNNN là tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh của họ. Phải để kiểm toán vào thực sự.

Hiện nay đã có kiểm toán nhà nước, nhưng kiểm toán nhà nước chưa công bố đầy đủ bức tranh. Trong 2 năm qua, kiểm toán nhà nước có đưa báo cáo trước Quốc hội, nhưng đưa ra xã hội rất ít. Tuy nhiên, một vài con số công bố cũng đã đủ làm xã hội giật mình về tính kém hiệu quả của một số lớn DNNN hiện nay.

Một số khá lớn các DNNN hiện nay là đang thua lỗ, nợ nần. DNNN được hưởng tỷ suất lợi nhuận rất thấp trên số vốn đầu tư vào, thậm chí, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng và với lãi suất huy động từ ngoài vào để "đổ dồn" cho DNNN. 

Toàn bộ công dân Việt Nam là chủ của các DNNN. Là một trong những ông chủ, là "cổ đông", họ phải có quyền đòi được biết xem DN hoạt động như thế nào.

Những con số như vậy cần minh bạch hơn, công bố rộng rãi hơn. Nếu được như vậy sẽ khiến các cơ quan quản lý DNNN phải nhìn rõ hơn yếu kém của DN, tăng hệ thống kiểm soát tốt hơn.

Bản thân DNNN đó sẽ thấy rõ hơn bức tranh thực của mình và thấy rằng họ không thể che giấu mãi được những mặt yếu kém của mình và đang gây phương hại cho DN và cho xã hội. Các DN này cũng cần nhớ họ được giao trọng trách về những ngành then chốt.

Hơn nữa, việc minh bạch sẽ giúp xã hội nhìn rõ hơn vấn đề và đặt ra yêu cầu cụ thể. Vì nói cho cùng, những thua lỗ của DN, Nhà nước phải bù đắp vào là lấy tiền từ thuế của người dân, từ mồ hôi nước mắt của những người còng lưng trên đồng ruộng.

Trước khi yêu cầu DN ra toàn cầu, có thương hiệu, thì phải yêu cầu DN đạt được tiêu chí tối thiểu là tính minh bạch. Từ đó đánh giá cho khách quan hơn về hiệu quả của họ.

Sức ép cạnh tranh hiệu quả gấp 10 mệnh lệnh

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, để công bằng giữa các DN, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy thực sự trong ứng xử và hành động cụ thể còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại nhấn mạnh yêu cầu về sự minh bạch.

TS. Nguyễn Quang A: Trên thực tế, xét trên một góc độ, toàn bộ công dân Việt Nam là chủ của các DNNN. Là một trong những ông chủ, là "cổ đông", họ phải có quyền đòi được biết xem DN hoạt động như thế nào.

Một khía cạnh khác, yêu cầu DN phải có thương hiệu, phải thế này thế kia sẽ không bao giờ đạt được, chừng nào họ còn không buộc phải làm. Chừng nào Nhà nước còn ưu ái, còn bao cấp, thì chừng đó, giống như đứa trẻ con được nuông chiều quá, DNNN sẽ không lớn được. 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế hiện nay, các DNNN không còn được hưởng chính sách bao cấp về vốn đấy chứ?

TS. Nguyễn Quang A: Đây không chỉ là câu chuyện về vốn mà còn nhiều vấn đề nữa. Nhà nước đã giao cho DN vốn, trao quyền cho DN thì DN phải tự thân vận động. Trường hợp bị thua lỗ, phá sản, bản thân DN phải chấp nhận và tự chịu trách nhiệm. Đó là điều bình thường của nền kinh tế.

Trong trường hợp DN thua lỗ, phá sản, Nhà nước phải để nó phá sản, buộc nó phải cạnh tranh khốc liệt với môi trường trong nước và quốc tế. 

Trong toàn cầu hóa, tự DN phải tìm cách để xen vào những khâu mà mình mạnh nhất, ở vài ba khâu trong chuỗi cung toàn cầu. Nếu cái gì cũng làm, muốn trở thành một "ông lớn" theo cách "co lại", làm từ A đến Z, tự tạo độc quyền không phù hợp với thế giới này.

Đòi hỏi DN có thương hiệu ngay là điều bất khả thi. Xây dựng thương hiệu là một quá trình dần dần, từng bước, chỉ có trong cuộc nhảy xuống sông, xuống biển, tập bơi, thể hiện điểm hơn, điểm mạnh và từ đó nổi lên những DN giỏi, những thương hiệu mạnh.

Bạn Nguyễn Phương Nam, Nha Trang: Thưa ông Nguyễn Quang A, liệu có phải là so sánh khập khiễng hay không khi chúng ta nhìn lại việc giải phóng cho nông nghiệp, thì chúng ta có thể xuất khẩu gạo, dù trước đó phải xin viện trợ.  Nếu chúng ta giải phóng DNNN bằng cơ chế mới, như đã giải phóng cho nông nghiệp, thì kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh? Đây có phải là giải pháp then chốt cho 2008?

TS. Nguyễn Quang A: So sánh chuyện giải phóng cho DN với chuyện khoán trong nông nghiệp cũng có ý nghĩa nào đó nhưng không hoàn toàn hợp với hoàn cảnh hiện nay. Điều kiện bây giờ hơi khác với 30, 40 năm trước.

Chỉ có trong cuộc nhảy xuống sông, xuống biển, tập bơi, thể hiện điểm hơn, điểm mạnh và từ đó nổi lên những DN giỏi, những thương hiệu mạnh.

Điều quan trọng là phải làm sao buộc các DNNN thực sự tự chủ, siết chặt kỹ thuật tài chính của DN, "bắt" DN minh bạch, cạnh tranh khốc liệt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân DNNN nào cũng nói là họ đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường?

TS. Nguyễn Quang A: Họ tự nói thế, nhưng nhân dân có công nhận là họ phải cạnh tranh thật không lại là chuyện khác. 

Các DNNN phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc, Singapore, Thái Lan. Cách để buộc họ phải cạnh tranh khốc liệt có lẽ là phải mở cửa theo lộ trình của WTO. Sức ép cạnh tranh ấy còn mạnh gấp 10 lần mệnh lệnh từ trên xuống, yêu cầu DN phải làm thế này thế nọ. 

Nhiều người e ngại mở cửa sẽ khiến DN yếu chết, nhưng thực ra càng khép cửa, DN càng yếu, càng chết. 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế một năm gia nhập WTO, DN chỉ mạnh lên chứ không hề yếu đi. 

TS. Nguyễn Quang A: Đúng như vậy. 

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nếu được gặp các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ông sẽ nói gì về vấn đề cải cách để có sự bình đẳng giữa DNNN và DNTN?

TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ, hiện nay, nước ta đang tiến hành cổ phần hóa, nhưng cần cổ phần hóa triệt để. Cổ phần hóa mà nhà nước vẫn giữ phần ưu thế, thì rất khó, và chỉ là hình thức.

Thực ra cổ phần hóa không hề "thiệt" cho Nhà nước nếu bán đúng giá. Nghĩa là không bao cấp nữa, kiên quyết siết chặt kỷ luật tài chính đối với DN, để ràng buộc ngân sách đối với các DNNN trở thành cứng hơn, giống như DNTN. Chỉ có thế thì mặt bằng thực sự cạnh tranh mới ngang bằng với nhau.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nên chăng Viện IDS viết ra khuyến nghị về bình đẳng DNNN và DNTN vào 2008 bởi chúng ta đã thống nhất đây là vấn đề rất quan trọng phải làm trong năm tới.

TS. Nguyễn Quang A: Trong 3 đề tài nghiên cứu thì có đề tài của chị Phạm Chi Lan phụ trách về chất lượng tăng trưởng kinh tế dành một mảng bàn về chuyện này. 

Bà Phạm Chi Lan: Vấn đề này sẽ bao hàm trong đề tài chất lượng tăng trưởng, vì chất lượng tăng trưởng của Việt Nam yếu một phần do điều hành, chiến lược chưa ổn, và trong đó có cả phần sử dụng phân bổ nguồn lực khác nhau, giao cho các thành phần kinh tế khác nhau chưa đúng.

Nhóm chúng tôi sẽ đưa ra những đề xuất như tính minh bạch, công khai trong phân bổ nguồn lực, trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mới, kể cả chiến lược phát triển ngành, một lĩnh vực cụ thể.

Nếu nhìn vào một số lĩnh vực hiện nay đã có chiến lược nhưng chiến lược này lại do chính một số DN có đặc quyền rất lớn trong lĩnh vực đó vạch ra và được bộ chủ quản ủng hộ và trình lên Chính phủ thành chiến lược chung. Khi chiến lược đó được thông qua, nó sẽ quay trở về, rót lại lợi ích cho những DNNN. Chúng ta cần phải thay đổi cách đó.

Một mặt, chúng tôi sẽ khuyến nghị đổi mới DNNN, nhưng mặt khác chúng tôi đề nghị thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Hiện nay, khu vực dân doanh đã đủ mạnh để làm nhiều thứ.

Quan điểm cho rằng phải giao cho DNNN làm vì DNTN chưa đủ mạnh không thật chuẩn xác. Thực tế chứng minh DNTN đã đủ mạnh để làm được việc, miễn là Nhà nước để cho họ làm, tạo cho họ môi trường bình đẳng.

  • VietNamNet (còn tiếp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,