(VietNamNet) - Trao đổi về những vấn đề nóng của 2008, các chuyên gia đều thống nhất: Cải tổ giáo dục không thể chậm trễ được nữa bởi xã hội không đủ kiên nhẫn để chờ đợi lâu. Việc có thể làm ngay lập tức là giảm tải chương trình học phổ thông. Theo các chuyên gia, đã đến lúc "con trâu phải chỉ đạo cái cày rẽ theo hướng mình muốn".
Từ cấp 1 đến cấp 3 chỉ dạy 7-8 môn là đủ
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Một vấn đề khác cũng rất được dư luận quan tâm là cải tổ giáo dục đại học, và giáo dục ở Việt Nam nói chung. Đây là vấn đề cũng đã bàn nhiều trong những năm vừa qua. Bạn Nguyễn Đình Anh ở Hà Nội cho rằng: Theo tôi, để Việt Nam trong 2008 bay lên được thì không thể chậm trễ hơn nữa trong cải tổ giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. GS. Ngô Vĩnh Long nghĩ gì về ý kiến này?
GS. Ngô Vĩnh Long: Muốn một nền giáo dục đại học nghiêm chỉnh thì các cấp học ở dưới từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 phải tốt. Có như vậy, lên đại học mới tốt được. Nếu chỉ nghĩ vấn đề làm sao cho giáo dục đại học tốt lên thì cũng chỉ làm được trong thời gian ngắn, không có gốc để phát triển ĐH lâu dài.
GS Ngô Vĩnh Long: Đã đến lúc con trâu phải chỉ đạo cái cày rẽ theo hướng mình muốn
Vấn đề giáo dục đại học ở Việt Nam là một vấn đề rất lớn. Nếu đi vào chi tiết rất khó. Tuy nhiên, tôi nghĩ, không nên cứ để cái cày đi trước con trâu mà đã đến lúc con trâu phải chỉ đạo cái cày rẽ theo hướng mình muốn.
Việt Nam nên phát triển, đổi mới từ thế hệ trẻ, ít nhất từ cấp 3 phải có kỹ năng học thật tốt, nếu không lên đại học rất khó để sửa đổi.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Làm thế nào Việt Nam có thể cải tổ giáo dục trong khi bản thân chất lượng giáo viên chưa đảm bảo, thiếu và đã quen trong một môi trường sư phạm kiểu cũ, rất khó thay đổi?
GS. Ngô Vĩnh Long: Tất nhiên không thể đổi mới được mọi thứ cùng một lúc. Nhưng theo tôi có thể bắt đầu từ một khu đặc biệt để làm mẫu rồi nhân lên sau đó mới làm tràn lan.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có cách gì làm đồng loạt không?
GS. Ngô Vĩnh Long: Làm tràn lan ta không có sức nên phải làm thí điểm.
Điều này không có nghĩa chỉ thí điểm ở 1,2, 3 trường mà có thể thí điểm lớn hơn, tập trung thành một khu vực. Tôi thấy chương trình học hiện nay của ta quá tải. Không có lý do gì mà học sinh phải học mười mấy hai chục môn khác nhau. Các em học như vậy có giỏi hết các môn thì lên đại học cũng đuối sức.
Việt Nam nên xem ở các trường nước ngoài người ta dạy con cái họ như thế nào rồi học theo để làm tốt hơn. Cấp 1, cấp 2, cấp 3 nên học 7 đến 8 môn là đủ, học nhiều vừa quá tải vừa mất thì giờ của các em và cả thầy cô nữa. Đó cũng là một cách thí điểm không phải ở một số trường mà nên thí điểm dạy một số môn trọng tâm, dạy những vấn đề cần thiết, đừng dạy những thứ vô bổ nữa.
Xã hội không đủ kiên nhẫn để chờ đợi quá lâu
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: TS. Nguyễn Quang A nghĩ thế nào về giải pháp này?
Ts Nguyễn Quang A: Cải cách giáo dục không thể tính một, hai năm mà giải quyết được. Đó là một hệ thống rất lớn, đụng đến hàng chục triệu con người và phải làm rất thận trọng.
TS. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng là vấn đề giáo dục là một vấn đề rất lớn. Cải cách giáo dục không thể tính một, hai năm mà giải quyết được. Đó là một hệ thống rất lớn, đụng đến hàng chục triệu con người và phải làm rất thận trọng.
Cách tiếp cận cần thiết là phải rà soát lại xem có những biện pháp tức thời, theo kiểu "chữa cháy" để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trước mắt của doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tính đến những biện pháp lâu dài để cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục.
Riêng đối với đại học và dạy nghề, trong vài 3 năm có thể chuyển ngay thành người lao động. Do đó, hướng dạy nghề nên tập trung hơn nữa vào mở rộng tiếp cận thị trường, để khu vực tư nhân, nước ngoài có thể tham gia vào đào tạo để huấn luyện công nhân ở bậc kĩ thuật nhanh chóng, để cho những em học sinh học học cấp 2, hay học hết PTTH có thể nhanh chóng trong vài năm có thể bổ sung những kỹ năng cần thiết, bổ sung cho lực lượng lao động ngay. Cải tiến sớm những chuyện về ĐH sau 4 năm là có thể tạo sự thay đổi.
Cải cách cả hệ thống là chuyện rất lớn, từ chuyện mẫu giáo cho đến tiểu học, THCS, THPT. Hệ thống phía dưới này hoạt động không hữu hiệu thì hệ thống bên trên: cao đẳng, trung cấp kĩ thuật hay đại học rất khó chuyển biến.
Vấn đề hệ thống giáo dục phức tạp và rất khó. Việt Nam cần có nghiên cứu thấu đáo, tìm biện pháp khả thi có thể thực hiện được ngay và có những kế hoạch làm dài hơi.
Viện IDS cũng đang tiến hành một đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của học giả trong, ngoài nước để khoảng 6 tháng nữa, khi kết thúc đợt 1 đề tài có thể nêu ra được những kiến nghị sơ bộ.
Cải cách cả hệ thống giáo dục thì không thể tính bằng vài ba hay 5 năm được. Đó là một hệ thống rất lớn, rất phức tạp, làm không khéo thì rất là rắc rối.
Bà Phạm Chi Lan: Xã hội không đủ kiên nhẫn để chờ đợi quá lâu
Bà Phạm Chi Lan: Giáo dục là vấn đề bức xúc của tất cả mọi người trong xã hội này, không trừ một ai. Không những người lớn quan tâm, mà đến trẻ nhỏ cũng quan tâm ở mức độ rất cao. Ngay cháu nội tôi đang đi học lớp 4, 10 tuổi cũng bức xúc về cách dạy trong nhà trường hiện nay, chương trình học quá nặng đối với một đứa trẻ.
Nếu chờ đợi quá lâu để mà làm theo một cách cẩn trọng, thời gian rất dài như TS. Nguyễn Quang A nói thì xã hội ta có lẽ không đủ kiên nhẫn để mà chờ đợi.
Tất cả những nhu cầu về phát triển kinh tế, phát triển con người, những cọ xát của chúng ta với thế giới bên ngoài liên quan đến thân phận từng người một đang đến ngày một dồn dập hơn. Đó là điều bức xúc ngay trước mắt chứ không phải dài hạn.
Một số giải pháp ngay trước mắt, ta có thể làm được, ví dụ như giảm tải ở chương trình phổ thông như GS. Ngô Vĩnh Long vừa nói, hoàn toàn có thể làm được. Tại sao phải dạy tới 18, 20 môn mà sao không thể bớt đi.
Tôi nhớ không sai thì Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng từng nói ngay cả người lớn bây giờ làm việc khi nào nào cần vẫn phải giở sách tra cứu lại , tại sao lại bắt trẻ con học thuộc tất cả những thứ đó, nhồi vào đầu nó những điều đó? Những gì chưa thiết thực lắm, có thể học được trong lâu dài thì có thế cắt bớt đi.
Tôi nghĩ là chuyện giảm tải là chuyện có thể làm ngay được. Bây giờ, từ học sinh lớp 1 trở đi là đã rất vất vả trong chương trình học ở trường rồi.
Chúng ta cũng không phải nghiên cứu gì nhiều. Nhìn sang các nước láng giềng, không thiếu những gia đình Việt Nam đang gửi con em từ cấp 2 sang học ở Singapore, và một số nước xung quanh, hoặc một số người đi công tác nước ngòai mang theo con em đi học. Chúng ta có thể nhìn ngay ra trong các chương trình học, những gì đang là thừa so với nước ngoài thì cắt bớt đi. Cần để các cháu tập trung vào học những gì thật cần, tạo được thói quen, yêu thích học tập, và ham muốn học tập quan tọng hơn. Cách học tập quá nặng thế này gây tâm trí sợ đến trường cho trẻ con.
Điều cần nhất là phải giáo dục cho mỗi người Việt Nam ý thức cần phải trau dồi kiến thức không ngừng. Việc này có thể làm được ngay. Tôi nghĩ là không quá khó. Nếu chờ đợi tuần tự hoặc chờ quá dài cho các nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra được giải pháp thì sẽ là quá trễ đối với nền kinh tế cũng như đối với xã hội.
TS Nguyễn Quang A: Tôi cũng đồng ý với chị Chi Lan, có những cái là mình thấy bất hợp lý ngay thì có thể sửa ngay lập tức. Như anh Phạm Toàn có nêu một một ý kiến rất là lí thú: trẻ con Nhật và Trung Quốc phải học đến 5, 6 năm năm thì mới có thể đọc thông viết thạo, nhưng đối với trẻ con Việt Nam thì nếu có phương pháp dạy thì trong vòng 1 năm, năm rưỡi hoặc 6 tháng là có thể đọc thông thạo được. Anh ấy đặt vấn đề là tại sao phải học 12 năm? Nếu gọt bớt được chương trình học đi, những thứ không cần thiết thì chúng ta có thể tiết kiệm được một vài năm. Thời gian đó là để học sinh đi làm việc có ích hơn. Đó là một ý kiến tôi nghĩ là nên xem xét.
Bạn Nguyễn Thành Nam, TP. HCM: Tôi thấy trong lúc chúng ta đang hô hào cải tổ giáo dục và giáo dục chất lượng cao, mà chúng ta đang thiếu những chương trình đào tạo thạc sĩ chính sách công. Trong khi đó, tại TP. HCM có trung tâm Fulbright với ĐH kinh tế là một chương trình rất hay. Tại sao không công nhận và không nhân rộng mô hình đó ra?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ là người nào đã học và chỉ cần có chứng chỉ của trường Fulbright còn giá trị hơn nhiều các loại bằng của những cơ sở chính thức khác. Đây là vấn đề tư duy của người sử dụng lao động. Đối với khu vực tư nhân, tôi nghĩ rằng họ không nặng nề lắm về chuyện bằng cấp, mà chú ý hơn đến thực lực, tri thức thực. Trong khu vực nhà nước, đây là một căn bệnh trầm kha của nền hành chính Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng chính sách công lại phục vụ cho nhà nước là chính. Khi nhà nước là người sử dụng nhưng lại không công nhận bằng cấp đó, thì làm sao sử dụng những con người đó?
TS Nguyễn Quang A: Phải hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì mới trả lời một cách kĩ hơn. Còn chúng tôi chỉ có thể phán đoán.
Bà Phạm Chi Lan: Theo tôi được biết qua làm việc với một số người, thì những người học ở chương trình Fulbright, kết hợp với trường ĐH Kinh tế TP. HCM đến nay vẫn chưa được cấp bằng thạc sĩ chính thức. Tuy nhiên, về các địa phương, về các cơ quan làm việc thì phần nhiều đã phát huy được tác dụng rất tốt, được các cơ quan đánh giá là những người có chất lượng.
Ở đây, tôi cũng cảm nhận được ở một số cơ quan đã thấy được vấn đề chất lượng mà không nhất thiết phải thể hiện qua bằng cấp. Xu hướng này nên phổ biến rộng hơn trong xã hội.
Mô hình phối hợp như Fulbright là cách mà chúng ta nên học hỏi và nhân rộng ra, bởi vì đây là một cách đào tạo thực sự hữu hiệu và rất coi trọng về chất lượng của những người được đào tạo. Chính những nơi sử dụng cũng đánh giá được chất lượng.
Về chuyện văn bằng, ở nước ta tồn tại một nghịch lí là không thiếu những người nhiều bằng, bằng cao, nhưng không có năng lực. Những người này không chỉ khu vực tư không sử dụng được mà ngay cả khu vực công cũng rất khó có thể xài.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy cải cách giáo dục cũng còn là tư duy sử dụng con người?
TS Nguyễn Quang A: Tôi có thể gợi ý một cái mẹo để lách qua những khó khăn về cái chuyện sính bằng cấp của ta: trường Kinh tế TP. HCM hay Kinh tế Quốc dân không ký với Fulbright một hợp tác gì đấy, trên cơ sở những chứng chỉ anh học ở đây, thêm một chứng chỉ khác là lập tức tôi cấp một bằng thạc sĩ. Việc này tạo được điều kiện cho những người theo học kiến thức, vừa có bằng cấp. Đây chỉ là một gợi ý.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có thể thấy, giáo dục là vấn đề bức thiết, trong năm 2008 buộc phải làm đến nơi đến chốn. Hy vọng IDS có thể có những giải pháp hữu hiệu về cải cách giáo dục Việt Nam trong những năm tới.
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng hi vọng là có thể góp thêm tiếng nói và công sức của rất nhiều người ở các tổ chức khác nhau đang làm về lĩnh vực này.
-
VietNamNet (còn tiếp)