221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1021034
Mặt trận muốn đưa tiếng nói của dân đến Nhà nước
1
Article
null
Mặt trận muốn đưa tiếng nói của dân đến Nhà nước
,

(VietNamNet) - Tại Hội nghị cuối năm Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) khai mạc sáng nay (3/1) tại Hà Nội, các đại biểu đều nhấn mạnh, MTTQ phải là tổ chức thay mặt nhân dân làm chủ, đưa tiếng nói của dân đến với Nhà nước.

a
Cần những mục tiêu cụ thể

Với lời gợi ý của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt "cần những ý kiến đóng góp để MTTQ làm tròn vai trò của mình trong giai đoạn mới", giáo sư Hoàng Xuân Sính cho hay: "Theo dõi tình hình trên thế giới, tôi sung sướng vì được sống ở đất nước Việt Nam ổn định về chính trị, nhưng người dân còn rất nhiều bức xúc. Để nói lên những bức xúc ấy, cần vai trò của MTTQ".

"Nếu MTTQ làm tốt thì sẽ có nhiều chuyển biến cho đất nước. Làm thế nào để thông qua MTTQ, những lá thư tâm huyết như của giáo sư Phan Đình Diệu gửi ông Phan Văn Khải khi ông còn làm Thủ tướng về đề án 112 được đọc và được trả lời", giáo sư Sính nói. 

Bà Hoàng Xuân Sính nhấn mạnh, muốn đổi mới MTTQ thì phải có những mục tiêu "thật cụ thể", như "trở thành nơi đưa tiếng nói của người dân đến được với Nhà nước, tránh để mọi việc ì ạch vì tiếng nói đó không được nói ra".

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Hồ Chí Minh Trần Thành Long lại nêu những vấn đề bức xúc liên quan đến hai giai cấp nông dân và công nhân. "Vì sao thời gian gần đây, nông dân đi khiếu kiện đông người, công nhân thì đình công? Có phải do vấn đề chính sách? MTTQ phải phối hợp với công đoàn và Hội nông dân để biết được những bức xúc ấy và phản ánh lại với Chính phủ để giải quyết".

Nhấn mạnh "xu thế của các tổ chức quốc gia trên thế giới đều hướng về nhân dân", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, MTTQ chính là tổ chức thay mặt nhân dân làm chủ. "Khi sự cách biệt giàu - nghèo lớn, MTTQ phải nói với Nhà nước để có những chính sách phù hợp hơn, giải quyết các vấn đề xã hội phù hợp với bước tiến kinh tế".

Đồng thời, ông đề nghị MTTQ xem xét "có nên kéo dài mãi phong trào vì người nghèo" không. "Cứu trợ là tốt", nhưng điều quan trọng, theo ông Cầm, là "phải giải quyết một cách cơ bản để người dân miền Trung sống chung với bão lũ". 

"MTTQ cơ sở nên tìm hiểu ở dân, xem chính người dân thường xuyên chịu bão lũ đề xuất ý kiến gì. MTTQ sẽ tiếp thu, tổng hợp và chuyển ý kiến lên Đảng, Chính phủ", ông Cầm nói.

Sẽ đổi mới công tác nhân sự

Trong năm nay, Đại hội MTTQ hai cấp xã và huyện sẽ lần lượt được tổ chức, chuẩn bị cho cấp tỉnh và Đại hội lần thứ VII MTTQ Việt Nam vào năm 2009.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Huỳnh Đảm, công tác nhân sự của MTTQ được đặc biệt coi trọng. "Mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện đầy đủ các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, tăng số ủy viên Ủy ban MTTQ là người ngoài Đảng", ông Đảm cho hay.

Ông Huỳnh Đảm cũng thừa nhận: "Ở nhiều nơi, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ MTTQ còn yếu và thiếu, việc bố trí cán bộ chủ chốt chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới".  

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Huỳnh Đảm cho rằng, hoạt động giám sát của MTTQ "chưa đáp ứng yêu cầu", việc tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực "chưa trở thành phong trào rộng rãi của nhân dân".

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,