221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1020956
Đa số ủy viên Mặt trận sẽ là người ngoài Đảng
1
Article
null
Đa số ủy viên Mặt trận sẽ là người ngoài Đảng
,

(VietNamNet) - "Số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) sẽ tăng lên trên 50% tại Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2009-2014", Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Phạm Thế Duyệt khẳng định sáng 3/1 tại Hội nghị lần 9 Đoàn Chủ tịch MTTQ.

a
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Phạm Thế Duyệt: "Sẽ coi trọng vai trò các trưởng ban công tác Mặt trận, già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, kiều bào, nhân sĩ". Ảnh: VA
 

Trí tuệ ngoài Đảng rất lớn

- Xin ông cho biết vì sao MTTQ lại đặt vấn đề tại Đại hội nhiệm kỳ 2009-2014 sẽ tăng số ủy viên là người ngoài Đảng? Và cụ thể sẽ tăng lên bao nhiêu?

- Việc tăng số anh em là người ngoài Đảng vào Mặt trận là việc rất cần thiết. Trước đây cũng đã có ý thức đó nhưng cũng chỉ đạt được mức độ thôi. 

Tại đại hội lần trước của UBTƯ MTTQ, số người ngoài Đảng là 50%, còn trước đó thường bao giờ cũng chỉ được dưới 30% và ít khi được trên 30%. 

Đại hội tới đây sẽ phấn đấu nâng con số này lên trên 50%. Các cấp ở cơ sở: xã, phường, huyện, tỉnh thường dưới 20%, hiếm nơi nào có tỷ lệ cao hơn 20%, nhưng lần này sẽ phấn đấu đạt 30% trở lên. 

Bởi vì trong số 84 triệu dân Việt Nam chỉ có 3 triệu đảng viên, mà hình ảnh đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận phải là hình ảnh sinh động của các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, của kiều bào, sẽ có nhiều vị từ nước ngoài về, từ các tôn giáo, các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, các nhân sĩ... 

Không nhất thiết họ phải là đảng viên, nhưng trí tuệ của những người ngoài Đảng rất ghê gớm nên rất cần cơ cấu đó.

Chính vì thế, lần này Trung ương quyết định thống nhất với chuẩn bị của chúng tôi là phải đưa lên 30% người ngoài Đảng ở cấp cơ sở. Giá thử đưa được hơn nữa thì tốt, nhưng cũng hơi khó. 

Phải làm từng bước, tính đến số lượng, cơ cấu phù hợp. Tôi cho nhận thức là quan trọng, đại hội các cấp phải thể hiện đại diện cho toàn dân, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, kiều bào... một cách thực sự chứ không phải hình thức. Đây là điều chúng tôi quan tâm và chắc chắn sẽ làm được tốt. 

- Cái khó trong việc nâng cao số lượng người ngoài Đảng ở cấp cơ sở mà ông vừa nói đến là gì, thưa ông?

Bởi vì trong số 84 triệu dân Việt Nam chỉ có 3 triệu đảng viên, mà hình ảnh đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận phải là hình ảnh sinh động của các tầng lớp...

- Cái khó chủ yếu là cơ cấu, thường số ủy viên ở dưới là ít, mà ở đầu ngành cũng như các đoàn thể thường là đảng viên rồi, cho nên cần có sự mở rộng số lượng thì mới có điều kiện cấu tạo những anh em ngoài Đảng vào.

- Trung ương MTTQ sẽ lưu ý điều gì với cơ sở để có thể đạt tỷ lệ như mong muốn?

- Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể, ví dụ cơ cấu sẽ khác trước, sẽ coi trọng vai trò các trưởng ban công tác Mặt trận, già làng, trưởng bản có nhiều kinh nghiệm, chức sắc các tôn giáo, bà con Việt kiều đã về sinh sống, những nhân sĩ mà trước đây chưa chú ý.

- Còn ở cấp Trung ương, sẽ không có khó khăn gì?

- Tôi không nói cấp Trung ương không có khó khăn gì. Tư tưởng hẹp hòi dễ dẫn đến những cân nhắc không đúng. Nhưng tôi cho rằng, có kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ đạt được tỷ lệ mà chúng ta phấn đấu.

Cần người đủ đức, tài, trách nhiệm với đất nước

Đảng sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Nếu không lắng nghe, không muốn nghe hoặc chủ quan không nghe thì nhân dân sẽ không nói.

- Việc có nhiều người ngoài Đảng tham gia vào Mặt trận sẽ giải quyết những hạn chế mà chính Mặt trận đã thừa nhận là đội ngũ cán bộ các cấp còn nhiều bất cập, không ít cán bộ còn hạn chế về năng lực không, thưa ông?

- Người ngoài Đảng đâu có kém, người ta trí tuệ lắm, chỉ có vì điều này điều khác người ta không tham gia hoặc chưa tham gia.

Chọn người ngoài Đảng vào Ủy ban Trung ương Mặt trận không có nghĩa là cứ lấy người ngoài Đảng mà là người có đủ tiêu chuẩn: đủ đức, đủ tài, có ý thức trách nhiệm với đất nước, tôn trọng đường lối lãnh đạo của Đảng. Như thế thì nhất định tốt hơn chứ.

- Tại đại hội MTTQ các cấp tới đây, Chủ tịch MTTQ các cấp sẽ được cơ cấu là ủy viên thường vụ sang. Điều đó theo ông có giúp cho các ý kiến phản biện của Mặt trận có hiệu quả hơn? 

- Tôi nghĩ sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận là rất quan trọng. Đảng rất coi trọng vai trò của Mặt trận trong việc tập hợp đại đoàn kết các lực lượng, coi trọng nguyên tắc của Mặt trận là hiệp thương dân chủ chứ không phải tập trung dân chủ. 

Nhưng Đảng nhất định phải nắm chắc tình hình hoạt động của Mặt trận, hiểu Mặt trận, tạo điều kiện cho Mặt trận. Muốn thế không gì bằng là phải có những đồng chí đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch nhưng lại nằm trong thường vụ, như vậy được cả hai vế, chắc chắn hoạt động của Mặt trận sẽ có hiệu quả rất tốt. Nhưng tôi nhắc lại là phải đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch, không phải vào thường vụ thì ai cũng làm chủ tịch được.

Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng Đảng tự nguyện coi mình là thành viên của Mặt trận và tự nguyện gia nhập Mặt trận. Bác Hồ đã từng nói: Đảng lãnh đạo Mặt trận hãy bằng những hành động gương mẫu chứ không phải bằng mệnh lệnh hay quy định để Mặt trận phải thừa nhận vai trò lãnh đạo đó. Đó chính là quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện chúng tôi cũng đang hoàn thiện đề án giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Vai trò giám sát vốn đã được quy định ở Luật MTTQ, thanh tra nhân dân, Pháp lệnh Phát huy quyền làm chủ ở cơ sở, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân... 

Nhưng bây giờ phải coi trọng phản biện, một vấn đề mới. Ở đây nhất định phải có sự lãnh đạo của Đảng nhưng đồng thời phải được thể chế hóa thành luật pháp, để quyền dân chủ của dân được phát huy cao hơn, quyền làm chủ của dân sẽ thiết thực hơn.

Đảng sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Nếu không lắng nghe, không muốn nghe hoặc chủ quan không nghe thì nhân dân sẽ không nói.

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,