(VietNamNet)- Theo Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu, cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Còn theo cố Trưởng ban Biên giới Chính phủ Lê Minh Nghĩa và luật gia Đào Văn Thuỵ, việc cần làm ngay là nâng cao ý thức dân tộc về biển và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa bằng cách thông tin, giáo dục rộng rãi cho dân chúng như đã xây dựng ý thức dân tộc giành độc lập, thống nhất đất nước trước kia.
Để có thêm một góc nhìn đa chiều về vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa, VietNamNet giới thiệu ý kiến của các chuyên gia.
-
Phần 1: Chủ quyền lịch sử không thể phủ nhận
Phần 2: Sự nhầm lẫn có chủ ý về Hiệp ước Pháp-Thanh 1887
"Chủ quyền lãnh thổ là không thể nhân nhượng"
Những phân tích trước nay cho thấy lý lẽ của VN mạnh hơn của Trung Quốc, vì VN đã sử dụng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong ba thế kỷ, sử dụng một cách hòa bình không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.
Không những thế, sách sử của Trung Quốc lại còn công nhận rằng những quần đảo đó là vòng đai phòng thủ của VN, và qua thái độ của họ trong thời gian đó thì Trung Quốc cũng đã mặc thị công nhận chủ quyền của VN trên những quần đảo này. Nếu cho rằng chúa Nguyễn đã khai thác các đảo từ đầu thế kỷ 17, sau gần 100 năm, chủ quyền lịch sử của VN đã hoàn tất. Chủ quyền lịch sử đó lại được củng cố thêm qua đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đồng thời chủ quyền vẫn được hành xử liên tục qua sự khai thác và quản trị của hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải, là những bộ phận của nhà nước.
Một đảo lớn của Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo.
Chủ quyền được khẳng định
Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có là rất yếu. Phần lớn tác giả, luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này. So sánh chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi hai bên, chúng ta có thể kết luận rằng giữa VN và Trung Quốc thì VN mới là quốc gia có chủ quyền lịch sử trên hai quần đảo. Phân tích còn cho thấy chủ quyền lịch sử của VN đã được hoàn tất từ thế kỷ 17, dưới thời chúa Nguyễn.
Lê Minh Nghĩa, Cố Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ Phải thức tỉnh ý thức về biển của cả dân tộc! Chúng ta hiểu rằng cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, giữ vững vị trí của nước Việt Nam trên Biển Đông là một cuộc đấu tranh kết hợp các hoạt động của tất cả các ngành trong đó mặt pháp lý là rất quan trọng, một cuộc đấu tranh phức tạp và lâu dài nhưng vô cùng quan trọng và thiêng liêng của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Các ngành trong nước đang cùng nhau thực hiện ý kiến thống nhất trong Hội nghị biển toàn quốc tháng 2/1995 là: "Chúng ta phải thức tỉnh ý thức về biển của cả dân tộc, làm chủ được biển của mình, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi của nước ta trên biển, một lần nữa vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển ở Đông Nam Á" . |
Hiệp ước Pháp-Thanh 1887 không trao chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vì Hiệp ước này chỉ là hiệp ước ấn định biên giới giữa miền Bắc Việt Nam và Trung Hoa. Do đó, nó chỉ ấn định phần biên giới ở Vân Nam, Quảng Đông và Vịnh Bắc Bộ.
Trên thực tế hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cho xây cất nhiều công trình nhằm củng cố sự chiếm hữu bất hợp pháp. Một sự chiếm hữu bất hợp pháp, với thời gian, nếu không có sự phản đối từ quốc gia kia, và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, sẽ tạo nên chủ quyền cho quốc gia chiếm hữu.
Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn bảo đảm sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, VN phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). VN cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Tòa án quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý.
Năm 1988, Trung Quốc lần đầu tiên ra đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa, tàu của VN bị đánh đắm nhưng Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu. Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất của chiến tranh. Như vậy, có thể suy đoán Trung Quốc sẽ không ngần ngại gì mà không tiếp tục sử dụng vũ lực. Từ đó đến nay, lâu lâu Trung Quốc lại chiếm thêm vài đảo ở quần đảo Trường Sa.
Đưa vấn đề ra khối Asean hoặc Liên Hiệp Quốc
Một giải pháp thương thuyết song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp khó thực hiện được một cách công bằng, vì sức mạnh để thương thuyết giữa hai bên không bằng nhau, nó chênh lệch và mạnh dĩ nhiên là Trung Quốc. Cũng vì vậy mà Trung Quốc cho đến nay chỉ chấp nhận thương thuyết song phương.
Trung Quốc muốn thương thuyết song phương để buộc quốc gia đối phương phải thương thuyết theo chiều mà Trung Quốc muốn. Nếu không Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực. Đây chỉ là một chiến thuật để Trung Quốc tranh thủ thời gian củng cố thêm thế của mình đối với hai quần đảo. Thời gian càng kéo dài thì càng có lợi cho Trung Quốc.
Giải pháp khai thác chung mà Trung Quốc đề nghị không thể thực hiện được khi mà vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết. Như vậy, thời gian càng kéo dài lại càng củng cố được những sự chiếm hữu bất hợp pháp, và quốc gia nào có chủ quyền pháp lý vững vàng sẽ bị thiệt thòi.
Giải pháp đưa ra Tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế có lẽ công bằng nhất, nhưng Trung Hoa ngày xưa đã hơn một lần phủ nhận giải pháp này, khi Pháp đề nghị vào năm 1932 và 1947. Đối với Trung Quốc bây giờ lại càng khó hơn nữa.
Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là đưa ra khối Asean hoặc Liên Hiệp Quốc để giải quyết. Liên Hiệp Quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự. Hơn nữa, trường hợp Liên Hiệp Quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên Hiệp Quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Tòa án quốc tế và yêu cầu tòa cho ý kiến mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. "Thủ tục cho ý kiến" của Tòa án quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thật sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới. Vụ tranh chấp vùng Tây Sahara đã được tòa cho ý kiến trong những hoàn cảnh như trên (nghĩa là thể theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc).
Cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hòa bình thế giới.
Đào Văn Thuỵ, Luật gia Paris: Xây dựng ý thức dân tộc về bảo vệ chủ quyền bằng cách thông tin rộng rãi Chúng ta đã đấu tranh gần một thế kỷ để giành lại độc lập và thống nhất, nhưng phải nói rằng mục tiêu toàn vẹn lãnh thổ vẫn chưa đạt được khi nước ta còn bị mất quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa do ông cha ta để lại. Chúng ta cũng không nên quên rằng diện tích của hai quần đảo, kể cả vùng lãnh hải 12 hải lý, lớn hơn quá nửa diện tích đất đai của Việt Nam. Đây là sự mất mát lớn, mà chắc chắn là không thể lấy lại bằng vũ lực. Do đó, mặt trận ngoại giao và pháp lý rất quan trọng. Theo luật quốc tế, mặc dù nước ta có danh nghĩa chủ quyền vững chắc và mặc dù Trung Quốc đã chiếm đóng đất đai của nước ta một cách bất hợp pháp nhưng nước ta cũng vẫn phải tiếp tục củng cố quan hệ chủ quyền của mình, và nhất là phải cảnh giác phản đối, lên án bất cứ những hoạt động nào của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ấy, nếu không chủ quyền của nước ta sẽ bị thời hiệu hoá. Đó chính là điều mà Trung Quốc sẽ chờ đợi. Mấu chốt của vấn đề chính là sự tương quan lực lượng. Hiện nay, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm, mà Trung Quốc là một cường quốc đang đi lên, kinh tế phát triển mạnh, bối cảnh quốc tế thuận lợi cho họ. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta tuy đã mở cửa nhưng vẫn còn chập chững. Việc cần làm hiện nay là xây dựng ý thức dân tộc về sự bảo vệ chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách thông tin, giáo dục rộng rãi cho dân chúng và nhất là cho thế hệ trẻ, về vị trí chiến lược và kinh tế quan trọng của nó, về quan hệ chủ quyền của nước ta, v.v. như đã xây dựng ý thức dân tộc giành độc lập, thống nhất đất nước trước kia. |
-
Từ Đặng Minh Thu (Tiến sỹ Luật, Đại học Sorbonne - Pháp)
>> Không thể bẻ cong sự thật về Trường Sa - Hoàng Sa!
>> Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của VN
>> Cơ sở pháp lý xác lập chủ quyền VN tại Hoàng Sa
>> Kỳ 1: Đội hùng binh của biển
>> Kỳ 2: Người dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa
>>Hải đội Hoàng sa (Kỳ 3): Bản hùng ca bất tử
>> Hải đội Hoàng Sa (kỳ 4): Đời đời không quên