221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1023166
WTO: Cơ hội nhận diện rõ mình
1
Article
null
WTO: Cơ hội nhận diện rõ mình
,

(VietNamNet) - "Khi vào WTO nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém tiềm ẩn lâu nay nhưng chưa được xem là cấp bách. Sức ép buộc chúng ta phải giải quyết triệt để hơn. Không có thách thức nào đơn giản. Thách thức cũng là một cơ hội. Đối diện với thách thức, chúng ta phải đi tìm giải pháp, và đây là cơ hội cho phát triển", "ông WTO" Trương Đình Tuyển chia sẻ nhận định sau một năm Việt Nam gia nhập WTO.

>> "Tiến hoá và cách mạng để không lỡ nhịp WTO"
>> Hội nhập không phải là một cuộc "đánh quả"!

2007: Báo chí đã "vào cuộc" theo tinh thần WTO

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, chúng ta còn nhớ, cũng vào thời điểm này, năm ngoái, độc giả VietNamNet đã có cuộc bàn tròn trực tuyến kỷ lục dài 4 tiếng đồng hồ với nguyên bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển khi Việt Nam vào WTO. Sau một năm, nguyên Bộ trưởng lại cùng ngồi đây đối thoại về kết quả một năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Khách mời hôm nay còn có Viện Phó  Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, gương mặt quen thuộc trên VietNamNet trong thời gian gần đây.

Thưa nguyên Bộ trưởng, cách đây 1 năm, chúng ta đã ngồi đây để phân tích, dự đoán về những cơ hội, thách thức và hướng đi cho tương lai. Vậy với những phân tích đó, sau 1 năm gia nhập WTO, quay trở lại với bạn đọc VietNamNet, ông có đánh giá như thế nào?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Một năm chưa đủ dài để đánh giá hết. Nhìn tổng quan, rõ ràng trong 1 năm qua, cơ hội và thách thức đều bộc lộ rõ. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy sự hiện hữu đó.

WTO không phải là 1 phương thuốc thần mang lại điều kỳ diệu cũng không phải là tai hoạ đem đến cạm bẫy. Trung Quốc sau năm năm gia nhập cũng đã đưa ra nhận định tương tự.

Về cơ hội, chúng ta đã thu hút đầu tư ở mức kỷ lục 20,3 tỷ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch không phân biệt đối xử. Đây là tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm. Thị trường xuất khẩu cũng mở rộng. Tuy tăng trưởng không cao như kỳ vọng nhưng đây là điều đã được lường trước.

Trong báo cáo Chính phủ trình lên trước Quốc hội phê chuẩn nghị định thư gia nhập WTO, chúng ta đã nhận định xuất khẩu sẽ tăng nhưng không có đột biến lớn. Lý do vì cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của chúng ta trong nhiều năm dịch chuyển rất chậm. Chủ yếu vẫn là nông sản, khoáng sản. Công nghiệp vẫn là gia công và vẫm là nằm ở đáy đường cong parabol của chuỗi giá trị.

Cùng với cơ hội, là các thách thức.

Thứ nhất, về quản trị nhà nước. Đội ngũ cán bộ quản trị tỏ ra lúng túng, bất cập. Khi chúng ta tham gia vào thị trường thế giới ngày càng sâu sắc thì biến động càng nhanh và tác động càng mạnh. Nếu chúng ta không có khả năng dự báo và phản ứng chính sách nhanh thì sẽ gây hậu quả. Chuyện giá cả tăng cao trong năm vừa qua cũng là biểu hiện của thách thức đó.

Nhiều người cho là hiện tượng nhập siêu và tăng giá vì vào WTO. Nhưng, nhập siêu tăng cao là do cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch chậm, xuất khẩu tăng ít hơn so với nhập khẩu.

Tác động của WTO trong năm đầu tiên chưa lớn. Mức giảm thuế theo lộ trình phải là 5, 7 năm, năm đầu giảm chưa nhiều. Gia nhập WTO chỉ là dịp để những thách thức và cơ hội sẽ bộc lộ rõ ràng hơn thôi.

Còn lạm phát trong năm qua, chủ yếu do nguyên nhân tiền tệ. Hồi đầu, chúng ta nhìn nhận lý do chưa chuẩn xác. Nhiều người đã cho là do giá cả thế giới tăng cao nên làm cho chi phí đẩy cũng tăng lên. Song nếu nhận định như vậy sẽ không giải thích được hiện tượng là nhiều nước bị áp lực giá thế giới tác động, nhưng thực tế các nước giá cả không tăng cao như VN. Ngay cả Trung Quốc, là nước chịu tác động lớn nhất, giá cả cũng chỉ tăng 6,5%. Lạm phát cao ở VN do lượng tiền lưu thông lớn, mức tín dụng cũng tăng lên 35%.

Ngoài ra, chi phí đẩy cũng là một nguyên nhân. Vì VN là thị trường mở, kim ngạch xuất nhập khẩu cao, trên 150% GDP, nhập khẩu chiếm 125,5% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu. Biến động giá thế giới cũng gây tác động lớn. Nhiều người cho rằng nếu mức tiền lưu thông không tăng thì dù cho giá cả thế giới có tăng thì sức mua cũng không tăng và cầu hàng hóa cũng sẽ giảm xuống.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo nguyên Bộ trưởng môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi vào WTO đã minh bạch hơn và từ đó thu hút đầu tư. Anh Trần Đình Thiên có cho rằng môi trường kinh doanh đã thực sự minh bạch và không còn phân biệt đối xử nữa hay không? Chúng ta còn cần phải làm gì để có một môi trường kinh doanh tốt hơn?

Trần Đình Thiên: Nên quan niệm minh bạch và công khai phải là kết quả của cả quá trình, không thể kì vọng thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Năm 2007, với tư cách là năm đầu tiên gia nhập  WTO, Việt Nam đã có những bước tiến rõ ràng đầu tiên, và là dấu hiệu tốt. Kết quả này, trước hết liên quan đến cam kết WTO. Thứ hai là do quá trình đổi mới của nền kinh tế vừa qua đã có tác dụng thúc đẩy.

Báo chí cũng công khai thông tin nhiều hơn, xông xáo hơn để cung cấp bức tranh phát triển. Không chỉ đưa tin những câu chuyện hàng ngày, báo chí còn lật ra những mặt trái của hiện tượng xã hội đồng thời tính cảnh báo cũng tăng lên rất nhiều.

Ví dụ: Câu chuyện về giao thông, cảnh báo thiên tai. Sự tham gia của báo chí đã làm cho xã hội trở nên công khai, minh bạch hơn. Đây thực sự là công khai theo tinh thần của WTO: Nghĩa là dân phải được biết hết,  từ thành tích đến tai họa, nguy cơ xã hội. Nên tiếp tục đi theo đà này.

Dĩ nhiên vẫn còn nhiều việc tồn tại. Chẳng hạn trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu yêu cầu nên công khai hơn về ngân sách. Hoặc những phản ứng khác nhau với các hiện tượng đời sống. Đặc biệt là có những vụ việc cụ thể mà  nhân dân đang kỳ vọng vào Chính phủ nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, chuyện dịch bệnh, các vấn đề an sinh xã hội cũng cần được công khai minh bạch hơn. Chúng ta hoàn toàn có điều kiện cho dân cùng tham gia.

Chính môi trường thể chế công khai minh bạch sẽ là cơ hội tốt để thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời khi công khai được khuyết điểm thì chúng ta cũng có thể có cơ hội sửa chữa khuyết điểm đó.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nói môi trường kinh doanh của chúng ta minh bạch, thật ra, mới đạt tính minh bạch ở văn bản luật còn văn bản dưới luật, cần cải thiện nnhiều hơn nữa.

Mà chính xác hơn phải nói là môi trường đầu tư minh bạch. Xếp hạng Môi trường kinh doanh của chúng ta vừa qua đã tụt 4 bậc, đặc biệt trong các thủ tục tham gia, rút lui khỏi thị trường và thuế. Nên dù nói là tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

WTO: Cơ hội nhận diện rõ mình

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển
Nhà báo  Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy sau 1 năm gia nhập WTO, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Nhưng nhìn tổng thể, bức tranh chung là tương đối sáng sủa và được nhiều hơn mất. Các anh thấy thế nào?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đúng là "sáng" nhiều hơn "tối". Có hai vấn đề là nhập siêu và giá cả tăng lên. Nhưng đây không phải do tác động trực tiếp  của nền kinh tế, không phải vì WTO. Mà là gia nhập WTO đã làm nhiều vấn đề  bộc lộ rõ hơn.

Trần Đình Thiên: Trong năm đầu, các vấn đề về tăng trưởng, xuất nhập khẩu, thu hút FDI là thành tựu quan trọng. Nhưng điều đáng kể nhất là khi mở cửa, cơ hội ùa vào, thì cái được lớn nhất là mở ra toàn cục cho chúng ta nhìn thấy mọi vấn đề và phải suy tính lại. Điều cần bàn luận là cái chúng ta phải làm ngay là gì? Cái gì cần quyết liệt?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Một cái "được" khác của WTO là khi vào WTO nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém tiềm ẩn lâu nay nhưng chưa được xem là cấp bách. Sức ép buộc chúng ta phải giải quyết triệt để hơn. Không có thách thức nào đơn giản. Thách thức cũng là một cơ hội. Đối diện với thách thức, chúng ta phải đi tìm giải pháp, và đây là cơ hội cho phát triển.

Cần cái nhìn trầm tĩnh và tư duy hệ thống

Tiến sỹ Trần Đình Thiên
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề là chúng ta mắc ở đâu mà gỡ không ra được?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Chính phủ đang quyết tâm làm. Cơ bản là phải chọn cách đi hợp lý cùng với cái nhìn trầm tĩnh và tư duy hệ thống. Thời gian qua, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã chưa có được cái nhìn trầm tĩnh và tư duy hệ thống nên đã đưa ra nhiều quyết định kém hiệu quả và phải sửa lại.

Ngay một chuyện rất nhỏ như cấm xe ba gác, chúng ta thấy cản trở giao thông, chưa nhìn nhận hệ thống vấn đề đã ra ngay lệnh cấm, sau đó lại phải điều chỉnh. Hay là khi giá tăng, chúng ta mới nhìn vào giá thế giới tăng đã coi đó là nguyên nhân chủ yếu nên vội vàng giảm thuế. Rồi dần dần mới thấy rõ nguyên nhân từ tiền tệ.

Tôi đã nhận diện ra nguyên nhân này ngay từ tháng 7. Lúc đó mà nêu ra cũng đã là muộn rồi. Nhưng từ tháng 7, tôi đã chỉ đạo để anh em tìm hiểu xem lượng tiền tệ năm nay khác mọi năm như thế nào. Theo anh em báo cáo lại thì lượng tiền tệ lưu thông năm 2007 cao hơn các năm trước. Tôi cũng là người đầu tiên nêu vấn đề này ra trong phiên họp chính phủ.

Như vậy, cần có tư duy hệ thống mới đưa ra giải pháp đúng đắn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng ai sẽ là người đưa ra giải pháp? Liệu chúng ta hiện nay đã có các nhóm tư vấn thật tốt để cảnh báo cho Chính phủ hay chưa?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển:  Hiện nay Bộ nào cũng có một viện nghiên cứu. Tầm quốc gia thì có Viện KHXH. Viện Kinh tế của anh Thiên cũng là một đơn vị nghiên cứu.  Rõ ràng đang cần rất nhiều kênh phản biện. Nhưng làm thế nào để có cơ chế phối hợp giữa phản biện xã hội và các cơ quan điều hành của chính phủ. Tập hợp các ý kiến phản biện đó như thế nào để biến thành cơ chế. Đó mới là xã hội dân chủ.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Theo anh Thiên liệu có phải các viện nghiên cứu vừa qua chưa ra được những sản phẩm tư vấn tốt và  từ góc độ  nghiên cứu là chưa đạt hiệu quả hay không?

Trần Đình Thiên: Đổi mới cũng làm cho không khí nghiên cứu khá nhiều lên và chắc chắn là đã đáp ứng được một số yêu cầu.  Nhưng để đáp ứng được như mong muốn thì còn xa. Bản thân chúng tôi cũng có quyết tâm thông qua nhiều kênh để lấy ý kiến.

Nhưng cần có sự tổ chức lại để lôi kéo nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa. Vừa mở rộng theo hướng tự do vừa cọ xát trao đổi lẫn nhau qua các diễn đàn để các ý kiến có hiệu quả.

Ví dụ: Lạm phát hiện rất nóng, nhưng nhiều khi phản ứng còn chưa hệ thống. Bàn nhiều, nhưng không đủ bài bản, hệ thống nên cách xử lý chỉ kém hiệu quả đi. Trong đó, nguyên nhân một phần là ý kiến đóng góp của các cơ quan nghiên cứu còn chưa kịp thời. Điều này liên quan đến trách nhiệm xã hội. Bởi các cán bộ khoa học trong cơ quan nghiên cứu, họ sẽ nói giữa trách nhiệm và quyền lợi còn vênh nhau. Tuy nhiên đứng về mặt khoa học, rõ ràng cần có sự tổ chức lại thật quyết liệt.

  • VietNamNet (còn tiếp)

Sau một năm nhận diện lại mình, năm 2008 này, Việt Nam sẽ phải gỡ những nút thắt nào cho hội nhập? Thay đổi từ tư duy quản lý để xác lập trật tự sang quản lý để thúc đẩy phát triển như thế nào để gỡ các nút thắt cho tăng trưởng?

Đón đọc kỳ 2: Từ quản lý để xác lập trật tự sang thúc đẩy phát triển

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,