(VietNamNet) - Mưu sinh trong WTO, chúng ta không chỉ cần giáo dục cho người dân về ý thức công dân toàn cầu mà còn là tạo ra cho họ năng lực hội nhập.
>> WTO: Cơ hội nhận diện rõ mình
>> Từ quản lý kiểm soát sang quản lý để phát triển
>> DNNN bán cái có sẵn hơn là cạnh tranh vươn lên
>> Doanh nhân Việt "đội thuyền thúng ra biển lớn"
"Mở cửa" sớm cho giáo dục
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã nói rất nhiều về doanh nghiệp, về Chính phủ, về các viện nghiên cứu, vậy còn bản thân mỗi người dân, cần làm gì trước cuộc mưu sinh, làm gì để tìm cho mình một con đường đi khi chúng ta đã ra sân chơi lớn? Có ý kiến cho rằng cần phải giáo dục mỗi công dân hiểu rằng bây giờ, thị trường, cuộc sống, bầu trời của chúng ta đã là toàn cầu. Ý kiến của nguyên Bộ trưởng?
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Tại một chương trình truyền hình mới đây, tôi đã thấy người dân có nhiều phát biểu thú vị trên cơ sở những va đập mưu sinh hàng ngày. Người dân bảo, WTO chỉ mang đến cơ hội, nhưng quyết định là ở chính bản thân họ.
Cần tuyên truyền sâu hơn về WTO, vì nhiều người dân vẫn còn ngộ nhận đó là phương thuốc thần, có người lại bi quan nói nó là cạm bẫy. Số này không nhiều, nhưng cũng cần thay đổi nhận thức.
Thứ hai cần có chương trình đào tạo phát triển nhân lực, đây đang là điểm nghẽn cho tăng trưởng. Muốn thu hút đầu tư vào công nghệ cao, thì nhân lực hạn chế. Phải trên 1 nền dân trí cao mới phát triển được.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giải pháp để giải tỏa nút cổ chai đào tạo?
TS Trần Đình Thiên: Không chỉ là câu chuyện tuyên truyền cho dân mà là tạo ra cho họ năng lực hội nhập. Do hai chuyện: Tổ chức quá trình hội nhập thế nào để tránh sốc. Chẳng hạn, đi thực tế "hậu WTO" ở dưới địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng nếu không chuẩn bị tốt thì dân sẽ bị loại ngay ra khỏi cuộc chơi. Nếu chỉ chăm chú thu đất phát triển khu công nghiệp, thì có thể đất nước phát triển nhưng nông dân bị thiệt.
Thu hút dài hạn là về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực đang ngày càng trở thành vấn đề lớn. Hiện chúng ta đang quan tâm các vấn đề hạ tầng như giao thông, đường sá... nhưng lâu dài phải là nhân lực.
Ngành giáo dục đang tập trung nói không với tiêu cực. Hội nhập không chờ đến khi chúng ta đào tạo xong được nguồn nhân lực cao mới vào. Như Intel, họ đầu tư vào vì nhìn thấy tiềm năng nguồn nhân lực. Tiềm năng ấy mà không được thể hiện sẽ mất đi.
Tôi đồng ý với ý kiến tập trung cải cách khu vực đại học và trung học chuyên nghiệp. Khi làm chiến lược phát triển, chúng tôi đã đặt ra vấn đề liệu Việt Nam có thể sẽ trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực và thế giới hay không? Tuy nhiên, hiện đang có một vấn đề, lập trường đại học như kiểu chúng ta đang làm liệu có thể cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng hay không? Tỉnh nào cũng thành lập trường đại học. Nâng cấp trường trung cấp lên đại học rất dễ dàng.
So với dân số, chuẩn thế giới thì tỷ lệ còn ít, nhưng không phải vì thế mà lập vội vàng. Vì có những chuẩn riêng. Hơn nữa, ai sẽ là lực lượng giảng dạy ở các trường đại học được nâng cấp đó. Hay là cứ lấy chuyện phát bằng để xem như đào tạo xong nhân lực?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế còn ĐH dân lập, tư thục lại rất hiếm hoi. Chúng tôi đã chứng kiến các trường tư thục, dân lập phải xin hồ sơ thành lập trường một cách rất khó khăn, lại trước một hội đồng toàn những giáo sư già đã về hưu. Tại sao lại vẫn cách thức như vậy, liệu có thành lập được 1 trường ĐH tốt?
TS Trần Đình Thiên: Vấn đề không chỉ liên quan đến trường ĐH mà còn liên quan đến người tuyển dụng. Họ sử dụng nguồn nhân lực ấy như thế nào, thì phía cung cấp là các trường học mới làm được tốt. Chính các doanh nhân, họ làm thật. Chúng ta nên để các trường ĐH tự chịu trách nhiệm về chất lượng hơn là phân cấp.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Tôi cho là nên để các trường được tự chịu trách nhiệm quyết định và quyền chủ động, để thông qua đó tạo cạnh tranh. Nếu muốn có cạnh tranh mà gò tất cả vào một khung thì sẽ rất khó. Chúng ta không thiếu tiền.
Thứ hai, chúng mở cửa sớm trong lĩnh vực đào tạo. Chẳng hạn, tăng cường đào tạo các ngành nghề mà dù ở bất cứ thể chế chính trị nào cũnh cần thiết như các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị... Vì theo cam kết 1/1/2009 mới mở cửa 100% cho người nước ngoài vào mở trường ĐH, cao đẳng, dạy nghề. Vì họ có một chương trình tốt, họ sẽ nắm được nhu cầu doanh nghiệp và cho ra được nguồn nhân lực chất lượng.
Thứ ba, nên có chính sách ưu tiên, như thuế, đất. Ngoài ra, phải phát triển mạnh lĩnh vực đào tạo công nhân kỹ thuật. Hiện, cơ cấu lao động không hợp lý. Một đại học, chỉ có 1,15 trung học chuyên nghiệp và 0,9 công nhân kỹ thuật trong khi các nước 1 - 3 - 5. Như vậy sử dụng nhân lực mới hiệu quả
Chúng ta nên mở cửa sớm trong lĩnh vực đào tạo. Chẳng hạn, tăng cường đào tạo các ngành nghề mà dù ở bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần thiết như các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị... Vì theo cam kết thì phải đến 1/1/2009 mới mở cửa 100% cho người nước ngoài vào mở trường ĐH, cao đằng, dạy nghề, (Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển). |
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, về giáo dục phải mở cửa sớm hơn cho trường nước ngoài vào. Trong hệ thống các trường đang có lại cần phải phân cấp mạnh hơn. Nhưng tại sao nâng cấp trường nghề dễ dàng mà chúng ta lại tỏ ra khó khăn với việc mở trường tư thục?
TS Trần Đình Thiên: Cần cảnh báo sớm hội chứng mở trường đại học. Vì như vậy là một nguồn lực xã hội lớn đổ vào đó, mà sản phẩm ra chính là con người, thì chất lượng lại không đảm bảo.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Theo dự án "hậu WTO" của Chính phủ, đi xuống địa phương nào chúng tôi cũng thấy có đề án làm đại học. Chúng tôi phản đối xu thế này. Không thể phát triển theo kiểu phong trào, lấy số lượng trong khi đang thiếu đội ngũ giáo viên. Muốn xã hội hóa, thì phải đảm bảo đầu vào, chính là đội ngũ giáo viên.
Không tính kỹ, nông dân sẽ hưởng lợi ít nhất từ hội nhập
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Trương Đức Nhân (Bắc Giang) hỏi: "Những trợ cấp nào cho nông nghiệp, nông thôn sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Hiện ở Việt Nam vẫn đang có tình trạng nhân danh xã hội hóa để bắt nông dân phải đóng góp đủ thứ, miễn một phần thủy lợi phí thì lại bắt tự túc đường sá. Ở các nước, họ công khai việc nông dân được hỗ trợ những gì. Nông dân đã nghèo, lại bị bòn rút thì làm sao phát triển. Nhiều nơi ở Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang... nông dân đã bỏ ruộng ra thành phố. Vậy cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để nông dân không bỏ ruộng, vừa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, vừa không ảnh hưởng đến môi trường?"
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Chúng ta đã lường trước khu vực NN&NT là lĩnh vực khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa. Nếu không tính kỹ, nông dân sẽ là người hưởng lợi ít nhất trong quá trình này.
Về mặt trợ cấp: Trừ việc trợ cấp cho xuất khẩu hàng nông sản gạo, cafe, hạt tiêu... chúng ta lại có quyền hỗ trợ nông dân ở mức lớn. Mức hỗ trợ nông nghiệp có thể lên đến 10% giá trị nông sản là maximum. Ví dụ, hàng nông sản mỗi năm làm ra 12 tỷ đô la. Thì chúng ta sẽ có một khoản tiền tương đương với 1,2 tỷ đô la để hỗ trợ cho nông nghiệp. Ngoài ra còn có quyền dành ngân sách 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ hàng năm.
Như vậy là có khoảng 20,000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân mỗi năm. Bao gồm: hỗ trợ giống, vốn, chính sách khuyến nông, vận tải, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp.
Về việc bạn kiến nghị là có rất nhiều khoản nông dân đóng góp, ngoài việc bỏ thủy lợi phí, chúng ta đã giảm thuế nông nghiệp... Chúng ta đã giảm thuế hạn điền nhiều năm, đồng thời giảm thủy lợi phí và rà soát những khoản nông dân đóng góp, địa phương nào thu sai thì phải loại bỏ. Đó là những nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc hỗ trợ nông dân.
Như bạn nói rằng nông dân vẫn phải tự làm đường. Quả thật, với đường thôn, xã quy mô nhỏ, lâu nay chúng ta vẫn dùng hình thức nhà nước và nông dân cùng làm. Ngay cả việc nhà nước phát triển hạ tầng nông thôn thì nhà nước vẫn không hề cấm, WTO không hạn chế. Các dự án của ADB, WB vẫn có hỗ trợ cho khu vực này...
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Nguyễn Thị Tuyển (268 Nguyễn Trãi, Hà Nội) hỏi: "Thưa bác Tuyển, diễn biến và tương lai của ngành nông sản VN như thế nào trong thời gian tới"?
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Năm 2007, chúng ta chưa nhìn thấy thất bại của ngành nông sản. Mà hầu như đều xuất khẩu giá cao. Song không phải do WTO mà là do tăng giá thế giới. Có một vấn đề chúng ta bắt đầu nhìn thấy sức ép với hàng nông sản đó là nông sản từ các nước tràn sang. WTO chưa tạo vấn đề lớn mà là từ các hiệp định mậu dịch tự do khác.
Vào WTO, nông sản có cơ hội gì. Thứ nhất là cơ hội mở rộng thị trường. Chẳng hạn chúng ta đã bắt đầu xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, Đài Loan. Nhưng nông sản sẽ là mặt hàng cạnh tranh, cùng với tiến trình giảm thuế của các hiệp định trước đó... Đã xuất hiện thịt bò Achentina từ châu Mỹ la tinh nhập vào VN. Nền nông nghiệp nếu không đưa năng suất, chất lượng tăng sẽ bị cạnh tranh.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng giải pháp? Như nông nghiệp ở Hà Lan, một hecta đất tạo ra nhiều giá trị lớn còn VN chưa bật lên. Giải pháp nào?
TS Trần Đình Thiên: Sáng nay, theo dõi một bản tin trên VTV có nói rằng bình quân 1hecta chúng ta thu được 20 triệu đồng. Không hiểu là giá trị tăng thêm hay toàn bộ doanh thu?
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Theo tôi biết, tổng doanh thu của chúng ta là 30 triệu/1hecta nên ta đang phấn đấu những cánh đồng 50 triệu. Là tổng doanh thu chứ không phải lợi nhuận trên 1 hecta. Trong khi các nước khác là hàng chục ngàn đô la.
Giải pháp thứ nhất là nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển cơ cấu công nghiệp - dịch vụ và chuyển dịch lao động. Hiện nông nghiệp đang chiếm 20% GDP nhưng lao động trong nông nghiệp đang chiếm hơn 50%, chưa kể số người đang sống ở nông thôn. Đây không phải là một bài học thành công trong tiến trình công nghiệp hóa.
Thứ hai, nâng cao năng suất trên một hecta gieo trồng. Có hai vấn đề, về tổ chức và kỹ thuật. Trong đó, vấn đề tổ chức khó và chưa làm được nhiều. Làm thế nào để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn để phát triển công nghiệp chế biến.
Như một phóng sự trên VTV. Ví dụ về nhà máy chế biến ớt, giá trị cao, nhưng nếu không tổ chức tốt, thì khi giá cả thế giới tăng lên, người nông dân sẽ bán sang Trung Quốc. Nơi nào có lợi là họ sẽ tìm đến.
TS Trần Đình Thiên: Vấn đề mấu chốt để giải quyết bài toán nông nghiệp nông thôn không chỉ phụ thuộc vào riêng khu vực này.
Tổng kết phát triển công nghiệp 20 năm, chúng ta dã dành nhiều quan tâm cho các dự án, công trình thu hút nhiều vốn hơn là thu hút nhiều lao động. Điều này giải thích lý do vì sao chúng ta dịch chuyển cơ cấu sản lượng nhanh hơn là dịch chuyển cơ cấu lao động. Điều này tạo ra tắc nghẽn lớn là lao động ở nông thôn ngày càng tồn lại trong khi đất ngày càng ít đi.
Lối thoát cơ bản là phát triển ngành ngoài nông nghiệp, nhưng tôn trọng nguyên tắc tạo ra nhiều việc làm, nếu không lao động nông thôn sẽ rất ít cơ hội.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Bài toán đặt ra là lựa chọn mô hình tăng trưởng và thu hút đầu tư. Có một mâu thuẫn là nếu thu hút vào công nghệ cao, thì lao động nông thôn ít cơ hội. Nếu chọn khu vực nhiều lao động, thì công nghệ thấp. Nên và phải lựa chọn hai xu hướng. Không nên chạy theo xu hướng cực đoan. Hiện, sản lượng và tốc độ tăng trưởng do yếu tố vốn ngày càng tăng. Còn tốc độ tăng trưởng do năng suất lao động càng ngày càng tụt xuống.
Phải làm sao để đóng góp của lao động vào tăng trưởng phải cao lên thay vì đóng góp do vốn. Đây là bài toán tăng trưởng.
Cần có bản lĩnh để hội nhập văn hóa
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Ngô Hòa (21B Sư phạm Toán Hà Nội) hỏi: Xin các vị khách mời cho biết sự tác động của việc gia nhập WTO với văn hóa truyền thống Việt Nam? Một số giải pháp để phát huy giá trị truyền thống trong giai đoạn mới?
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Trong nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương lớn của chúng ta để phát triển bền vững khi Việt Nam gia nhập WTO cũng có nói đến một thách thức: Cùng với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài thì các yếu tố vong bản, ngoại lai không phù hợp với văn hóa nước ta cũng có thể xâm nhập vào. Nó làm băng hoại các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là một điều được cảnh báo. Bộ Văn hóa Du lịch Thể thao đang làm một chương trình hành động để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức trước những tác động không tốt của các luồng văn hóa đi ngược truyền thống đạo đức của dân tộc. Chúng tôi cũng đã có một số góp ý và hiện nay Bộ Văn hóa còn đang chỉnh sửa lại. Vài ngày tới đây Bộ Văn hóa sẽ trình lên chương trình hành động.
Chúng ta cần có một chương trình tổng thể cho văn hóa bởi nhu cầu giao lưu văn hóa là nhu cầu chính đáng, tích cực. Nhưng làm sao để tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời ngăn chặn được những ảnh hưởng tiêu cực.
TS Trần Đình Thiên: Tôi thấy câu chuyện hội nhập và phát huy tinh thần dân tộc là một trong những loại vấn đề khó nhất trong phát triển.
Trong quá trình phát triển bao giờ cũng có những luồng tác động khác nhau. Chúng ta đi ra thế giới mang theo tất cả sức mạnh của bản thân, đồng thời cũng tiếp nhận những vấn đề mới của thế giới.
Khi tiếp nhận, có nhiều mặt tích cực, nhưng nếu ta chưa đủ tầm tiếp nhận thì sẽ trở thành tác động tiêu cực. Những cái tiêu cực phi văn hóa thì nhìn thấy ngay thì không nói làm gì.
Cần có sự phân biệt tinh hoa và những yếu tố chưa tương thích, phù hợp và những yếu tố tiêu cực thực sự. Đặc biệt là những yếu tố xung đột đạo đức lành mạnh của con người chứ chưa nói đến đạo đức của xã hội Việt Nam.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta sẽ chuẩn bị làm theo cách cứ cái gì không hợp là chúng ta lên án, như vậy là không được.
Cần đặc biệt lưu ý có vấn đề giữa các thế hệ. Các thế hệ sẽ đi đến hội nhập theo những cách khác nhau. Cách thức tiếp cận tinh hoa văn hóa toàn cầu sẽ khác nhau. Khả năng xung đột văn hóa giữa các thế hệ trong một gia đình rất dễ xảy ra.
Ví dụ, 1 gia đình bây giờ có thể có đến 2, 3 tivi chứ khó xem chung tivi với bố mẹ và con cái. Chúng ta phải lường đến khả năng không tranh khỏi là xung đột văn hóa giữa các thế hệ.
Đây là bài toán không dễ giải quyết. Sự khác biệt dẫn đến xung đột giữa các thế hệ cũng là một công trình nghiên cứu mà Viện Khoa học Xã hội đang làm. Nhưng tôi cho rằng có những nghiên cứu phải rất bài bản, nghiên cứu sâu chứ không thể nói đến 1 điều, 2 điều ngay được.
Vì nó liên quan đến cả chiều sâu văn hóa 4000 năm chậm phát triển, bảo tồn được văn hóa trên nền chậm phát triển đã khó, giờ bước vào phát triển, đổi mới, mở cửa mà gặp những cú sốc là rất khó tránh khỏi.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TM Trương Đình Tuyển: Văn hóa bao giờ cũng có một qui luật đó là qui luật tiếp biến. Biến đổi thế nào thì lại tùy thuộc vào bản lĩnh văn hóa và tầm tiếp nhận văn hóa. Bản lĩnh chúng ta càng cao và tầm văn hóa càng sâu thì biến đổi theo hướng tích cực. Còn nếu không, sẽ chạy theo hướng tiêu cực nhất thời. Không thể nào sốt ruột được trong vấn đề này. Cần phải có chương trình rất bài bản.
-
VietNamNet