221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1026150
Nơi ấy Trường Sa
1
Article
null
Nơi ấy Trường Sa
,

(VietNamNet) - Phóng viên VietNamNet kể lại những câu chuyện về cuộc sống của lính đảo Trường Sa được ghi lại trong cuộc hành trình 13 ngày đêm trên biển, tính đến ngày 18 tháng 1 năm 2008.

Quà từ Trường Sa

Ngày thứ 12 của cuộc hành trình, ngày 17/1/2008, đã thấy Đá Thị, hòn đảo đá chìm cuối cùng trong hành trình, cuối chặng chỉ còn hai đảo nổi nữa là Sơn Ca và Nam Yết. Đêm trước, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cộng gió mùa đông bắc tràn về khiến biển động, sóng dâng cấp 5, cấp 6. Con tàu HQ 936 chồng chềnh từ chính hướng Đông khởi hành khi trời đã đứng bóng. Nhìn từ xa Đá Thị nhỏ nhoi giữa biển. Sóng bạc đầu đang dâng từng đợt nối nhau vỗ ầm ầm vào bờ đá cạn. Chờ đợi 3h đồng hồ cho đến khi ngớt sóng, đoàn quyết định vào bờ.  

Hai chiếc xuồng nghiêng ngả lướt sóng, chầm chậm vượt 2 kilômét tính từ điểm neo tàu vào đảo. Chỉ mới cấp 6 nhưng sóng đã đánh ầm ầm vào chân bê tông bảo vệ đảo. Xuồng ngả nghiêng theo dòng. Những màu áo trắng quân phục hải quân đang xếp hàng chờ đoàn ào xuống nước giữ xuồng, chân vẫn đi giày da.

Những chàng lính đảo với niềm vui nhận quà từ đất liền. Ảnh: Phạm Tuấn
Nguyễn Văn Tưởng, quê ở Thái Bình là trung sĩ trên đảo, sau một năm lên đảo, nay lúi húi sắp xếp quân trang, chuẩn bị trở về ăn Tết với gia đình. Món quà duy nhất mà Tưởng trân trọng gói vào hộp cứng, cất tận đáy hòm tư trang là nhành hoa ốc biển. Ốc màu đỏ là hoa, lá xanh rì màu rêu. Đó là cành hồng nhiều nụ đang chúm nở Tưởng mang về tặng bạn gái.

Hai ngày trước, ngày 15/1, hạ sĩ Huyên ngượng ngùng khi phóng viên hỏi, quà mang về đất liền ở đâu. Ngượng nghịu, Huyên lôi từ hòm ra một nhành hoa ốc biển. Huyên kể, ngoài thời gian học tập, công tác, Huyên men theo bờ cát, nhìn hướng sủi trên đất, tìm những con ốc lam.

Quê ở huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, Huyên ra đảo nhận nhiệm vụ cũng đã một năm nay. 22 tuổi, Huyên cũng chỉ biết ngượng ngùng khi được hỏi về chủ nhân được nhận món quà đó ở đất liền, cô gái tên Mai. Chắc sẽ rất hạnh phúc. Nhưng Huyên cũng kể rằng, cuộc gặp mặt Tết này chắc sẽ rất ngắn vì ra năm mới, người bạn gái sẽ lên đường đi xuất khẩu lao động khi Huyên vừa về. "Sẽ nhớ lắm nhưng đó là quyết định của cô ấy", người chiến sĩ trẻ kiên quyết như cách mà anh thực hiện nhiệm vụ trên đảo xa này trong hơn một năm qua, để cuối cùng, được nhận bằng khen của trung đoàn.

12 lá thư trong một năm sẽ không thể vơi đi nỗi nhớ nhưng những người lính đảo có đủ quyết tâm để giảm bớt đi nỗi nhớ của chính mình.

Chuyện của lính hải quân

Thượng úy Vũ Đức Vinh, người ra đảo sau khi cưới vợ vừa được 25 ngày là người thường xuyên được nhận những tập thư dày nhất ở cụm đảo này. Từ khi nghe tin sẽ theo tàu HQ 936 về đất liền, anh chàng thượng úy này thường xuyên nhấp nhổm không yên.  Chỉ khi nhờ phóng viên VietNamNet liên lạc, nghe được tiếng vợ, mới thấy Vinh cười tươi rõ rệt. Câu chuyện tình yêu của anh sỹ quan trẻ bắt đầu từ một lần cặp bờ, nhờ cô lớp trưởng tên Quyên ở Hải Phòng tìm giúp số điện thoại của một người bạn đồng niên, nay là đồng ngũ đang đóng quân ở Bạch Long Vĩ. Cuộc gọi lại lần hai của cô bạn là những câu chuyện về biển cả xa xôi. Với Quyên, đó là món quà hấp dẫn với đất liền. 

Phút lắng đọng khi đọc thư từ đất liền của người thân. Ảnh: Phạm Tuấn
Được phép nghỉ về thăm quê, nằm ở nhà mãi cũng chán, Vinh qua nhà bạn chơi. Sau hai tháng với những cuộc gặp, Vinh bén duyên và hai bên làm đám cưới. 25 ngày sau khi cưới vợ, Vinh lên đường vào Cam Ranh, rồi ra đảo Đá Lớn. "Vợ chưa có gì anh ạ. Chắc lần này phải cắt suất 3 tháng cùng vợ đi tuần trăng mật", Vinh thật thà kể.

Trong xấp thư dày 40 lá đong đầy nỗi nhớ nhung của người vợ trẻ xa chồng và Vinh khoe điểm tới của tuần trăng mật muộn của đôi vợ chồng son có thể sẽ là Đà Lạt, bởi vợ anh mong một lần được tới đó.  Những bức thư của cô giáo Minh Hòa gửi chồng thấy trộn nhiều những tâm sự viết trên cùng một loại giấy viết riêng màu xanh nhạt.

"21h20’ ngày 12 tháng 10 năm 2007,

Chúc mừng sinh nhật anh! Mấy hôm nay trời se lạnh. Hương hoa sữa cũng nồng nàn hơn. Anh ạ, nếu hôm nay anh ở nhà có phải đẹp bao nhiêu không. Mình sẽ mừng sinh nhật anh bằng một cuộc lượn vòng hít hà mùi hương ấy. Thôi sang năm vậy anh nhé".

Vinh kể rằng, có những đêm ở đảo rất lạnh, khi đã về khuya, khó ngủ, nhờ những lá thư của vợ dù nhiều dòng hờn trách, chẳng hạn "chưa kịp quen hơi chồng ở bên thì anh đã xa lắc xa lơ rồi" cũng là nguồn động viên lớn để những người lính ở đảo xa cầm chắc tay súng hoàn thành nhiệm vụ.

Cụm đảo Đá Lớn gồm 3 điểm đảo nằm ở vị trí khá đặc biệt ở quần đảo Trường Sa. Giữa Biển Đông thăm thẳm nổi lên một bãi san hô ngầm khá lớn bọc vòng xung quanh hình thành ở giữa biển một lòng hồ tuyệt đẹp. Nhưng đây cũng là điểm cực kì khó khăn khi tiếp cận thuyền vào trong.

Thiếu úy Nguyễn Văn Quân, sỹ quan trên đảo kể rằng, hồi mới ra đảo 18 tháng trước, ngay cửa luồng vào, sóng dâng cao, những con sóng bạc đầu quăng quật, thuyền phải vất vả hơn một giờ mới qua được cửa luồng. Tết này, anh được trở về quê cùng gia đình đón xuân sau một năm phục vụ trên điểm C đảo Đá Lớn.

Chuyến hành trình của đoàn công tác vùng D hải quân cùng 18 phóng viên đã không theo lịch trình dự kiến. Thời tiết những ngày đầu tuyệt đẹp, trời trong, sóng lặng. Đại tá Mai Tiến Tuyên, đoàn trưởng đoàn công tác quyết định thay đổi lịch trình, tiếp cận cụm điểm đảo Đá Lớn trước, không theo lịch cũ là đảo Đá Thị. Điều đó giúp chúng tôi sớm hiểu thêm về cuộc sống của những người lính ở đảo chìm nổi tiếng của quần đảo Trường Sa.

Cuộc sống trên đảo C Đá Lớn khá bận rộn với lịch làm việc hằng ngày được sắp xếp dày đặc. Tuy nhiên, khi có chút thời gian, ngồi ngay cầu tàu, quân sĩ chỉ cho phóng viên thấy một cặp cá bò bọc thép đang quẫy tung sóng, vẫy đuôi trên mặt nước kiếm ăn. Loại cá này có da khá dày, với cái đầu xấu xí cùng hàm răng cực khỏe, nhưng thịt ngon có tiếng, vẫn được lính đảo chìm ở quần đảo Trường Sa gọi là "gà biển". Thịt dày từng thớ, ăn ngọt. Quà của anh em đảo chìm Đá Lớn dành tặng khách quý là một con cá bò bọc thép để rốt cuộc, người từ đất liền ra lại được lính đảo xa đãi đặc sản biển khơi.

Quân còn kể thêm rằng, ở vùng này, khi nước xuống, bãi cạn nhô ra, cá rất nhiều. Vùng lòng hồ đặc biệt giữa biển khơi này cá nhiều và to có tiếng. Có những đêm, sau ca trực, anh em thả câu bắt cá thu bè nặng 20-30 kg là chuyện bình thường. Người ít, cá to không có tủ lạnh, nhiều khi anh em chỉ mổ, lấy bộ lòng và đầu cá nấu cháo, được bát cháo đêm còn đem bỏ. 

Rau xanh trên điểm C đảo Đá Lớn cũng chỉ mới nhú một ít. Hỏi ra mới hay rằng trận bão số 7 vào tháng 11 năm 2007 vừa qua, tâm bão quét ngay qua vùng này. Sóng đánh trùm lên toàn đảo. Bão qua, tất cả đảo nhiễm mặn, phải mất hai lần anh em cật lực tẩy mặn mới trồng lại được rau. Hai tàu cá của Đà Nẵng vẫn vắt lại giữa lòng hồ nơi đây, khi chui vào neo đậu tránh bão dữ.

Thượng úy Nguyễn Xuân Sơn, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, điểm trưởng điểm B, cụm đảo Đá Lớn cũng đồng cảnh ngộ với Thượng úy Vũ Đức Vinh. Cưới vợ được 30 ngày, anh lên đường đi biền biệt một năm nay.  Đến Tết này, anh mới có thể trở về xum họp với gia đình. Gương mặt sáng ngời, rắn rỏi của chàng trai miền biển với thân hình chắc nịch đã lâu không vào bờ, lên tàu hai ngày thì gặp biển động, sóng hành hạ đến nằm bẹp một chỗ, Vinh cười đùa, "ăn thua gì, tôi có ông bạn ngay trên huyện đảo Sơn Ca, vợ có bầu mấy tháng thì ra đảo, đến giờ đã được về để thấy mặt con đâu. Gần về đến nhà rồi, ông Sơn ạ".

Trong đêm muộn ngày 13/1, tại đảo Song Tử Tây, Trung tá Vũ Văn Nguyên (Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Song Tử Tây) kể rằng trong chuyến tàu vào bờ vừa rồi, anh được nghỉ phép vào bờ, về nhà. Khi anh ra đảo, đứa con thứ hai vừa được 18 tháng tuổi, mới chỉ biết nghe tiếng bố và biết câu chuyện về bố qua những lời mẹ kể.

Khi vợ anh bắt chuyến xe taxi, ôm hai đứa con xuống tận Tam Bạc (Hải Phòng) đón chồng, vợ anh phải ngồi trên xe ôtô, chờ chồng đứng ngoài gọi điện thoại vào để con nghe cho quen tiếng bố. 

Vậy rồi, về nhà, trong đêm đầu tiên sau một năm trời xa cách, khi anh vừa gối đầu lên tay vợ thì đã thấy chú nhóc thứ hai chồm lên, tát bốp vào mặt bố, hét lên "Ông làm gì đấy!". Phải mất nhiều ngày sau, con anh mới quen việc có bố ở trong nhà.

Hết phép, anh lại xa bờ, xuân này tiếp tục đón Tết trên đảo Song Tử Tây.

Nhiệm vụ trên đảo thường từ 12 đến 18 tháng, các chiến sĩ gọi là một "tăng". Chiến sĩ trên tàu HQ 936 cũng như trên các đảo nổi, đảo chìm Song Tử Tây, Đá Lớn, Sinh Tồn Lớn, Sinh Tồn Đông, Đá Nam, Đá Thị mà chúng tôi đã gặp đều là đi tăng 2, tăng 3, tăng 4. Có người chuyến đi ra đảo tháng 1/2008 này đã là tăng thứ 5.

Biển vẫn động. Tàu HQ 936 đã tới Sơn Ca, neo lại nhìn bờ vì sóng bạc đầu đang vây bọc bãi cạn quanh đảo, chưa thể cập xuồng. Đại úy Nguyễn Văn Sửu, thuyền trưởng kể rằng, có lần chuyển quà ra đảo An Ba, tàu phải neo cả tuần trên biển để chờ ngớt sóng. 5 chuyến xuồng vào đảo là 5 lần anh thót tim cho đến khi xuồng được treo trở lại trên mặt tàu an toàn.

Cũng trong ngày 18/1/2008, ngày thứ 13 trong cuộc hành trình ra với Trường Sa, chuyển quà Tết năm 2008, lần thứ 2, tàu HQ 936 phải neo lại để đợi ngơi sóng. Tại đảo Sơn Ca, những người như Thượng úy Vũ Văn Nguyên (Trưởng ngành hàng hải tàu HQ 936), người đã có 21 năm khoác quân phục hải quân, lênh đênh trong nước Trường Sa hơn 20 năm nay cười bảo: "Thời tiết Trường Sa trong năm nay, tính tới giờ này vẫn là quá lí tưởng".

  • Hà Trường (từ Sơn Ca, Trường Sa, Khánh Hòa)

    Cảm nghĩ của bạn về cuộc sống của lính đảo Trường Sa:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,