221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1026830
Những "con ngựa già" trên biển Trường Sa
1
Article
null
Những 'con ngựa già' trên biển Trường Sa
,

(VietNamNet) - Biển động, những xuồng máy chuyển quân càng trở nên nhỏ nhoi như chiếc lá tre trên biển. Chiếc tàu HQ936 cũng ngả nghiêng, chòng chành theo từng đợt sóng, bất lực đứng nhìn Sơn Ca suốt 23 giờ đồng hồ từ khi thả neo. Trường Sa đang cần nhiều hơn những nhịp cầu lớn để nối gần với đất liền.

Những nhịp cầu lớn

8 giờ sáng ngày 19/1/2008, tàu HQ 936 tới đảo Sơn Ca, biển động dữ dội, sóng cấp 6, cấp 7, cuồn cuộn bạc đầu ập vào bọc lấy đảo Sơn Ca. Dự định hạ thủy xuồng máy cùng xuồng chuyền tải để chuyển người và lương thực vào đảo Sơn Ca đành hủy bỏ. Đất liền bất lực nhìn Sơn Ca mù mịt trong những đợt sóng, ngày càng mịt mù hơn. Trời đen kịt kéo theo mưa, sóng gió ngày lúc càng nổi lên mạnh mẽ, dữ dội.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, những người phi công gọi cảnh hạ cánh khẩn cấp khi một máy trên máy bay bị bắn hỏng là tiếp đất bằng một cánh bay và một lời cầu nguyện. Sáng 20/1/2008, khi hai xuồng máy hạ thủy theo lệnh của chỉ huy đoàn hành quân từ tàu HQ936, chúng tôi cũng trong tâm trạng đó. Sóng bạc đầu vẫn cuộn ào ào, bọt trắng xóa. Sóng lừng, sóng bạc đầu, sóng cuộn thi nhau cuộn.

Hai năm liên tiếp, 2005, 2006, đảo Sơn Ca có 2 quân nhân hi sinh. Một người là sĩ quan khi đi công tác, người còn lại là hạ sĩ Đỗ Khánh Hưng, sinh năm 1980, mất năm 2005, quê ở thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, hi sinh vì sóng biển Trường Sa khi ra đón xuồng.

Đón xuồng vào đảo. Vào mùa biển động, sóng lớn, mỗi chuyến xuồng vào đảo là mỗi nguy hiểm cận kề. Ảnh: Phạm Tuấn

Ngày 20/1/2008, 5 sĩ quan chuyên nghiệp là những người đầu tiên được chọn trong chuyến xuồng chuyển tải đầu tiên để thử sóng. Người chiến sĩ cầm lái xuồng máy số hiệu HQ7061 là đại uý Nguyễn Quang Tâm, quê ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa - tay lái kì cựu trên biển Đông với 20 năm kinh nghiệm cưỡi sóng, người được Chính trị viên của tàu HQ936 gọi là một "bí ẩn" của biển cả.

Xuồng chuyển tải nặng 1 tấn, chưa kể hành lý và người, va đập liên tục vào thân tàu. Khi được hạ xuống nước, tiếng máy ca rô rền vang kéo xuồng chuyển tải hướng về phía cửa luồng. Cả tàu nhào ra boong hướng mắt dõi theo, trong đó có cả chỉ huy đoàn lẫn thuyền trưởng và những chiến sĩ trẻ lần đầu tiên ra biển cùng nhóm phóng viên vốn dĩ tò mò.

Câu chuyện về con kình ngư bí hiểm của biển đảo Trường Sa trong ký ức của thuyền trưởng thuyền HQ 936 đại úy Nguyễn Văn Sửu kể lại, là chuyến chuyển hàng vào đảo An Bang vào tháng 7/2007 vừa rồi. Sóng lớn, biển động dữ dội. Điểm đảo An Bang luôn là thử thách của bất cứ thuyền trưởng nào dù có thâm niên đến đâu ở vùng D hải quân.

Xuồng chòng chành theo sóng. Ảnh: Phạm Tuấn

Suốt một tuần liền, tàu phải neo ngay trên biển, cả thuyền bất lực đừng nhìn đảo An Bang chờ ngớt sóng. Sự chờ đợi chấm dứt vào ngày thứ 7, dù sóng vẫn cấp 6, cấp 7 thì đại uý Nguyễn Văn Sửu vẫn ra lệnh bắt buộc phải cập đảo. Xuồng máy HQ7061 bị sóng nhồi lềnh bềnh trên biển, nhìn từ tàu thấy lúc chìm lúc nổi, lẫn sâu trong từng con sóng, 5 lần chuyển hàng về phía An Bang. Hết chuyến thứ 4, khi ra tàu, anh Tâm hét lên vỗ vào boong: "Không vào được nữa Sửu ơi, sóng kinh khủng lắm, vào thì lật mất". Đoạn đối thoại rất ngắn: "Anh liệu kham nổi không?" - "Cần một chuyến nữa, hoặc nằm đây chờ thêm một tuần nữa". Anh Tâm quyết định nghiêng theo sóng chuyển nốt chuyến hàng cuối cùng.

Thuyền trưởng Sửu thót tim mỗi lần xuồng hạ xuống mặt biển đang dữ dội sóng đến khi cập trở lại mạn tàu.

Sáng ngày 19/1/2008, lại thêm những lần thót tim của những người có mặt trên tàu HQ936 mỗi khi chiếc xuồng kéo do đại úy Tâm cầm lái gầm gào trên biển. Vào gần đến cửa luồng, sóng lừng dâng cao trên 2m, che lấp cả xuồng kéo lẫn xuồng chuyền tải đang từ từ lấn sâu vào đảo. Đứng từ mũi tàu, chỉ thấy bóng áo phao màu cam dập dờn trên biển, lúc hiện lúc khuất theo sóng biển.

Chỉ đến khi nghe tiếng máy xuồng kéo ga tăng tốc để tỳ vào đợt sóng cuối cùng vào trọn vẹn đến cửa luồng thì mọi người mới thở phào.

Cắt góc 15 độ

Chuyến xuồng chở người và hàng vào đảo Sơn Ca đều an toàn tuyệt đối.

12 mã lực - đó là công suất của xuồng máy.

1 tấn - đó là sức nặng của xuồng chuyển tải chưa kể người và hàng hóa. Một khối lượng nặng nề được kéo bởi sợi dây thừng lúc chùng lúc căng trên biển giữa sóng gió dữ dội, bởi một xuồng máy nhỏ nhoi với công suất nhỏ 12 mã lực. Thực sự, đó là một cuộc thi gan giữa những người lính hải quân với biển cả hơn là một cuộc vượt biển.

Mỗi chuyến xuồng vào phải giảm 1/2 tải trọng bình thường. Vì vậy, đại úy Tâm vẫn phải hét vọng lên tàu mỗi khi chuyển hàng: "Ít thôi, nhẹ thôi, nặng quá không lướt được". Tiếng máy xuồng lẫn tiếng gào khản tiếng vọng về từ cửa luồng Sơn Ca càng khiến đất liền cần dành nhiều hơn nữa cho những chiếc xuồng mạnh hơn nữa để đủ sức đè sóng biển.

Cũng như anh Tâm kể, điều khiển xuồng máy chuyển quân và hàng lên đảo vào ngày sóng động là những cuộc thi gan, thi trí với từng đợt sóng. Vừa tính từng đợt sóng, vừa sức máy xuồng để gào lên đúng lúc. Nghe cũng thấy thương như lúc anh đùa, trước khi vượt sóng trong chuyến đầu tiên vào Sơn Ca sáng ngày 19/1/2008: "Sóng cỡ này vào cửa luồng chắc xuồng xuống đáy biển còn tớ thì trèo lên tổ chim bắt trứng quá".

Ngoài bãi chặn đảo Sơn Ca, ngay cửa luồng đảo có rất nhiều cọc bê tông đổ thành hộp rỗng để chim hải âu có thể tìm về làm tổ.

"Con ngựa già" trên biển Trường Sa

Cần lắm những con tàu lớn hơn, những nhịp cầu lớn hơn nữa để nối gần Trường Sa với đất liền. Ảnh: Hà Trường

Chuyến chuyển hàng tết Mậu Tý này đến đảo Trường Sa HQ936, HQ633, HQ950... thì những sỹ quan chuyển hàng trên những chuyến tàu này đều nói rằng: "Đi chuyến này sướng..." Cái sự gọi là sướng đối với người lính hải quân ở Trường Sa cũng giản đơn như cách họ giải thích với chúng tôi: "Tàu nhiều nước ngọt, tải trọng lớn, dài nên ít lắc hơn". Thuyền trưởng Sửu kể rằng trước khi rời cầu cảng Cam Ranh, trên tàu đã bơm đủ 1.200 khối nước ngọt để đằm tàu và đưa ra đảo và đủ cho anh em đủ dùng trên chuyến hải hành dự kiến dài gần 1 tháng trên biển.

Nhưng khi ra đến biển, kể cả con tàu lớn với nhiều hàng hóa như con tàu HQ936 thì tàu cũng chỉ như chiếc lá tre trên biển. Suốt chuyến hành trình, con tàu chòng chành theo từng đợt sóng biển. Kể từ khi con tàu này hạ thủy, dù mỗi năm 2 lần đều được bảo dưỡng thì những cỗ máy tuổi thọ hơn nửa thế kỷ này đã tỏ ra cần được nghỉ ngơi hơn là hàng năm vài ba chuyến phải ra với biển Trường Sa. Dù ở vùng hải quân, đây vẫn là con tàu lý tưởng.

Đêm 16/1: Tàu neo đảo Đá Thị chờ sáng để tới Sơn Ca. Đêm biển động, thời tiết bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và gió mùa từ phía bắc tràn về, tàu nghiêng ngả, sóng tràn cả vào boong chính. Ngày đang nắng rát theo người, đêm về trăng vằng vặc, gió lạnh thấu xương. Dưới gầm boong chung, gần 100 chiếc võng lúc lắc theo mỗi đợt sóng. Hải quân đang cố dỗ cho mình giấc ngủ khuya. Hai chiếc chăn trùm lên kín người, kèm thêm chiếc áo rét dày cộp. Gió biển về đêm vẫn luồn qua võng, quất thẳng vào người lạnh buốt.

Những cán bộ, chiến sĩ đội tàu HQ936 kể lại rằng thời tiết này vẫn là lý tưởng. Nếu trời mưa, sóng động, anh em nằm suốt ngày suốt đêm dưới boong tàu không một lần được mặc bộ quần áo khô.

Chiều 6/1/2008, khi tàu bắt đầu rời khỏi cảng Cam Ranh, chỉ sau một đêm lênh đênh trên biển với sóng gió cấp 6, cấp 7, sáng sớm dậy đã thấy hàng chục tân binh nằm bẹp trên hành lang cabin tàu, không thể dậy nổi nuốt bát cháo sáng.

Chiếu: Mọi người tự tìm lấy cho mình một góc kín, rải chiếu hoặc căng võng xếp lớp lên nhau chịu đựng mưa gió cuộc hành trình. Mỗi khi tàu neo lại một điểm đảo mới (Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn, Sinh Tồn Lớn, Đá Thị, Sơn Ca... và bây giờ là điểm đảo cuối cùng trong cuộc hành trình: Nam Yết, câu thường xuyên của vị chỉ huy tàu là: "Nhắc các đồng chí đang ở hai cửa lên xuống tháo võng để anh em đảo chuyển hàng".

Ngay trong cuộc trực tuyến với báo điện tử VietNamNet trên boong tàu HQ936, chúng tôi đã hỏi đại tá Mai Tiến Tuyên, Phó Chính ủy vùng D hải quân rằng: "Mỗi chuyến tàu là một chiếc cầu nối đất liền với Trường Sa, nhưng việc nối liền này rõ ràng đang quá chậm?". Ông đã không ngần ngại mà trả lời rằng: "Những chuyến tàu như thế chính là khó khăn, nỗi trăn trở của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển này".

Hình ảnh những anh em chiến sĩ treo võng đung đưa suốt cuộc hành trình, chịu đựng sóng to gió cả, mưa giông quất thẳng vào nơi nằm là những ấn tượng khó quên của suốt cuộc hành trình này. Ba ngày neo ở Sơn Ca là 4 trận mưa giông liên tiếp. Đêm nằm trên cabin lái, nằm nghe mưa quất ràn rạt vào cửa kính, biển đêm đông đen kìn kịt, chỉ nghe thấy tiếng lính đảo hét át tiếng mưa: "Chạy vào đây! Nép vào đây! Mưa to lắm!".

Trong câu chuyện trên lan can boong tàu, khi trời lại sắp nổi cơn giông mới, thương anh em lắm, trăn trở lắm nhưng còn thiếu nhiều điều kiện. Bộ đội Trường Sa còn cần nhiều lắm những đỡ đần từ đất liền.

Thượng úy Vũ Văn Nguyên tàu HQ936 đến nay vẫn không thể quên hình ảnh một chiến sĩ rất trẻ, ôm chặt con lợn mang từ đất liền ra, nằm bẹp một góc boong chính trong một lần chuyển hàng tết ra đảo. Cả người và lợn đều say sóng, đều nôn vào mặt nhau. Nhưng anh lính trẻ vẫn ôm chặt con lợn bên mình, lỡ một lần buông tay sóng cuốn mất con lợn thì coi như điểm đảo mà người chiến sĩ ấy đang đến mất đi một cái tết. Đó là quà xuân thiết thực gửi những người lính đảo Trường Sa.

Trên chuyến khởi hành trở về đất liền sắp tới, dự báo sẽ có thêm một đợt áp thấp mới. Đại tá Tuyên lại đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thơ ông gắn bó:

"Biển động nhiều/ Ở nơi em gió vẫn lùa rất nhẹ/ Em thầm ước một điều nhỏ bé/ Là được xuống tàu nôn đỡ cho anh..."

Người lính đảo Trường Sa nhìn những chuyến tàu từ đất liền ra là những chiếc cầu nối biển đảo và đất liền. Trường Sa đang cần nhiều hơn những nhịp cầu lớn hơn nữa để nối nhanh hơn nữa với đất liền, để Trường Sa không phải quá xa...

  • Hà Trường (từ Nam Yết, Trường Sa)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,