221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1026956
Người mẹ lính Trường Sa: "Nơi quê nhà vẫn ngóng theo con"
1
Article
null
Người mẹ lính Trường Sa: 'Nơi quê nhà vẫn ngóng theo con'
,

(VietNamNet) - Mỗi lần nghe câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi…” là chị Trần Thị Liễu lại trào nước mắt. Bởi Trường Sa - nơi ấy - người chồng thân yêu của chị, liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong mãi mãi nằm lại. Xuân này, con trai chị đã ra tới Trường Sa, để thực hiện tâm nguyện của người cha anh hùng.

>> Hồi ức Trường Sa và tân binh đặc biệt

Chị kể, chị có một niềm đam mê với những người lính. Có phải vì thế mà chị yêu anh, và đến với anh - một người lính hải quân Việt Nam? Chỉ biết rằng, mối tình đẹp ấy đã đơm hoa kết trái vào những ngày đất nước đang dần rũ tấm áo đói nghèo sau chiến tranh… Hòa bình và cuộc sống mới đã bắt đầu. Hai đứa con của chị lần lượt ra đời, nhưng lại lớn lên thiếu tình thương và sự chăm sóc của của bố. Bởi vì người lính hải quân ấy đã hi sinh để bảo vệ biển đảo quê hương khi còn rất trẻ. Và hôm nay, hai người con của anh lại đứng vào hàng ngũ những người lính hải quân để thực hiện tâm nguyện của người cha anh hùng…

Ký ức người ở lại

Mỗi lần nghe câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi…” là chị Trần Thị Liễu (thôn Hiền Lộc, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quang Bình) lại trào nước mắt. Bởi Trường Sa - nơi ấy - người chồng thân yêu của chị mãi mãi nằm lại. Biển xanh vẫn rì rào khúc hát về 64 người anh hùng đã hi sinh để bảo vệ biển đảo trong những ngày đất nước đã hoà bình.

Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng chị Liễu vẫn còn nhớ như in cái ngày chồng chị lên đường ra đảo. Lúc đó chị đang mang trong mình đứa con trai thứ hai – Nguyễn Tiến Xuân bây giờ.

Ngày cuối cùng trước khi bắt xe về đơn vị để lên đường ra đảo, anh Nguyễn Mậu Phong bị cảm sốt. Chị bảo anh ở lại một ngày cho đỡ sốt rồi hãy đi, nhưng anh vẫn cố đi để theo kịp anh em ra đảo. Trường Sa – nơi biển đảo đang chờ anh…

Mỗi khi nhớ anh, chị lại lần giở những di vật của anh để lại. Ảnh: Ngọc Lan

Anh ấy là thế. Chị biết, đối với một người lính, nhiệm vụ luôn quan trọng hàng đầu nên không thể trách anh. Chị thương anh, vì anh là người lính, anh ra đi mà không được nhìn mặt Xuân khi cậu bé chào đời.

Những ngày cuối tháng 3/1988, có tin về làng là anh mất tích khi bảo vệ một hòn đảo. Chị không dám tin nỗi đau ấy lại có thật. Nỗi đau ấy lớn quá, trong khi chị lại quá trẻ, tay còn ẵm bồng hai đứa con thơ. Nguyễn Mậu Trường khi ấy hai tuổi, còn Nguyễn Tiến Xuân chỉ mới bốn tháng – vì sinh thiếu tháng nên nhỏ như chú mèo con khóc không thành tiếng.

Mỗi sáng thức dậy, chị vẫn luôn thầm nghĩ: Anh ấy vẫn còn sống, và hôm nay anh ấy sẽ trở về… Để rồi khi bóng tối phủ đầy căn nhà nhỏ, chị lại âm thầm ngồi ôm con và khóc. Cho đến tận một năm sau, khi nhận được giấy báo tử và những di vật của anh, chị mới tin vào sự thật: Chồng chị sẽ không trở về.

Những di vật cuối cùng của anh được quân đội chuyển về chỉ gói gọn trong một hòm tư trang rất nhỏ. Có bộ quân phục hải quân, những tập vở viết tay dày và những xấp thư anh viết cho ba mẹ con nhưng chưa kịp gửi. Chiếc hòm gỗ đó, chị vẫn thường lần giở mỗi khi nhớ anh.

Nép mình bên dòng Kiến Giang xanh thẳm, căn nhà nhỏ bé ấy đã hai mươi năm trời không còn tiếng cười nói của người chồng, người cha. Một mình chị vượt cạn rồi một mình nuôi nấng con thơ. Những ngày tháng ấy, chị làm đủ mọi việc để nuôi con. Được cái hai anh em Trường và Xuân đều thương mẹ nên chăm ngoan, học giỏi.

Lần giở những kỷ niệm.
Mỗi khi rảnh rỗi, chị lại lần giở những kỷ vật anh còn để lại cho các con xem. Và niềm kiêu hãnh về người cha anh hùng trong Trường và Xuân có lẽ được hình thành qua lời kể của bà, của mẹ. Để rồi, hai anh em luôn ước mơ lớn lên được làm lính hải quân, được thay bố cầm súng để bảo vệ vùng biển tổ quốc.

Cứ mỗi Chủ nhật, cậu bé Xuân lại mặc bộ đồ dạ lính thuỷ, đeo chiếc ba lô mà cha để lại, rồi ôm khẩu súng của ông nội đòi được đi Trường Sa. Nhìn con mà chị không ngăn được dòng nước mắt. Nỗi nhớ về anh lại ào về…

Gần lắm - Trường Sa…

Từ nhỏ, hai anh em luôn mơ ước được ra Trường Sa, được đến đảo Colin để thắp cho bố nén nhang. Niềm mơ ước ấy cứ lớn dần lên, cho đến tháng 1/2007, cả Trường và Xuân đều tình nguyện viết đơn gủi cho đơn vị của bố để xin nhập ngũ, xin được trở thành người lính hải quân. 

Khi bài viết này lên trang, Nguyễn Mậu Trường đã có mặt tại đảo Nam Yết nhận nhiệm vụ, còn Xuân đang là sinh viên năm thứ nhất của Học viện Hải quân Khánh Hoà.


Đơn xin tình nguyện nhập ngũ của Nguyễn Tiến Xuân và lá thư viết gửi cho bố.
Tâm nguyện của người cha nay lại được những đứa con tiếp nối. Hành trang ra đi, ngoài những bộ quần áo, cả Trường và Xuân đều mang theo những bức ảnh ố vàng, những lá thư của bố.

Chị Liễu khoe, chị vừa mới mua được cái tivi từ tiền trợ cấp của Xuân và vay mượn chút ít từ hàng xóm. Thế là Tết này chị đã có thể tận mắt nhìn thấy Trường Sa, nơi chị chỉ được nghe kể qua những câu chuyện về anh.

Việc liên lạc thông tin giữa Trường Sa và đất liền không còn là điều quá xa vời vì những chuyến tàu nối liền đất liền và biển đảo đã thường xuyên hơn, và những cánh thư liên lạc giữa ba mẹ con. Chị vừa nhận được thư của Trường gửi về trước khi lên đường ra đảo. Trường kể, con tàu sẽ đi qua cụm đảo Sinh Tồn, nơi bố em cùng những đồng đội đã nằm lại. "Vậy là con đã ra với bố. Tết này, cả nhà mình đoàn tụ rồi mẹ ạ...".

Trường đã ra Trường Sa với bố. Còn Xuân chỉ vài ngày nữa thôi cũng sẽ về nhà để ăn Tết với chị. Chị rơi nước mắt, thì thầm: Tết này cả nhà mình được ăn tết với nhau…

Mùa xuân này – Trường Sa gần lắm. Và chị biết, những người con của chị đã trưởng thành, đã sống với niềm tin sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Trường Sa cuối năm chắc đang nhộn nhịp để đón chào năm mới…

Trường Sa - xuân này, đã không còn xa…

  • Ngọc Lan


     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,