221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1012722
"Thảm đỏ" từ chối nhân tài
1
Article
null
Thu hút người tài vào khu vực công:
'Thảm đỏ' từ chối nhân tài
,

(VietNamNet) - Sau hai năm du học, quay trở về tỉnh và nộp hồ sơ xin tuyển dụng, Linh chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối mặc dù cho đến năm 2005, chị vẫn là trường hợp duy nhất ở tỉnh có bằng Thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại nước ngoài.  Và đặc biệt, theo chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" của địa phương thì hàng năm, Gialai vẫn cử một số giáo viên đi học chuyên ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh nhưng học trong nước.

"Thảm đỏ" hờ hững nhân tài

Các thủ khoa tốt nghiệp ĐH trong lễ tuyên dương năm 2005. Ảnh: Phạm Hải

Từng là giáo viên giảng dạy Anh văn tại một trường cao đẳng của tỉnh Gialai, sau 6 năm công tác tại trường, Khánh Linh đã thi đậu học bổng Ausaid vào trường Đại học Monash (Australia) chuyên ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, cũng thời gian này, Linh nhận được quyết định nếu đi du học, chị sẽ phải nghỉ việc. Lý do là bởi vì Gialai không hợp tác với tổ chức Ausaid trong việc gửi cán bộ sang đào tạo.

Mặc dù Khánh Linh đã tình nguyện viết đơn cam kết sẽ quay lại trường công tác sau khi học xong và tự nguyện xin nghỉ không lương để được đi học nhưng đề xuất của chị đã không được chấp nhận. Vậy là chị đành làm đơn xin thôi việc để "dứt áo ra đi" và xác định  khi quay về sẽ chấp nhận làm lại từ đầu như một giáo viên tập sự.

Sau hai năm du học, quay trở về tỉnh và nộp hồ sơ xin tuyển dụng, Linh chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối mặc dù cho đến năm 2005, chị vẫn là trường hợp duy nhất ở tỉnh có được tấm bằng Thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại nước ngoài.  Và đặc biệt, theo chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" của địa phương thì hàng năm, Gialai vẫn cử một số giáo viên đi học chuyên ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh nhưng học trong nước.

Sau hai năm long đong tìm việc, mới đây Khánh Linh đã xin vào làm việc trong chi nhánh ĐH Nông Lâm TP.HCM đóng trên địa bàn tỉnh Gialai. "Tôi vào thẳng TP.HCM xin việc. Chỉ một tuần sau là họ gọi tôi đi làm luôn", Linh tâm sự.

Linh kể chuyện, một số đồng nghiệp của chị, thậm chí có người thâm niên đã 13 năm, vì xin đi học cũng đã phải viết đơn xin thôi việc. Và tất nhiên, khi quay trở về, họ đã không chọn Gialai. "Vậy thì đó là nhân tài hờ hững với thảm đỏ hay thảm đỏ hờ hững với nhân tài", Khánh Linh kết luận.

Còn với TS Trần Văn Quyến, tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi đi tu nghiệp TS tại Pháp về, ông tiếp tục làm giảng viên của ĐHBK Hà Nội, đồng thời làm việc cho một số công ty nước ngoài. Một thời gian sau, nghe theo lời động viên của các đồng nghiệp, ông đã đầu quân về làm cho một Tổng công ty 91 của nhà nước. Thời gian đầu, ông được phân công phụ trách mảng kỹ thuật đầu tư của Tổng công ty và làm việc dưới quyền một vị TGĐ rất ủng hộ những sáng kiến mới. Chính vì vậy, vốn liếng kinh nghiệm và những ý tưởng mới của ông luôn tìm được "đất dụng võ".

Tuy nhiên, khi TGĐ được thăng tiến và "sếp" khác về thay thế, thì những sáng kiến và ý tưởng mới của ông bị coi là  “ngang và gàn”. Ông bị thuyên chuyển nhiều vị trí khác nhau. Đến giờ, ông  đã "ra riêng" để làm việc.

Ôn lại những kỷ niệm này, TS Quyến chia sẻ: "Bản chất của người tài có tính tự trọng rất cao, và cũng rất biết tôn trọng người khác. Họ muốn được tôn trọng cả về 2 mặt của cuộc sống, đó là về vật chất và tinh thần, hay nói đúng hơn là kinh tế và văn hoá. Rõ ràng, khu vực dân doanh có nhiều cơ hội để đáp ứng đầy đủ 2 nhu cầu cần tôn trọng nêu trên của người tài. Còn khu vực công, với sự áp đặt của cơ chế hệ thống nên cả 2 nhu cầu tôn trọng đó khó được đáp ứng như khu vực dân doanh, nơi mà cơ chế do doanh nghiệp tự đưa ra rất linh hoạt và dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp".

Chính sách thu hút người giỏi hay chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy"

Đến bây giờ, chuyện có thêm một tỉnh thành nào đó đưa ra "chiêu" để hút nhân tài đã không còn là cá biệt. Nhưng cũng tại các hội nghị tổng kết bộ, ngành cuối năm, "vấn nạn" chảy máu chất xám vẫn tiếp tục là lời than thở của hầu hết lãnh đạo địa phương.

Tỉnh nào cũng "trải thảm đỏ" với những ưu đãi na ná nhau như "Tiến sĩ, chuyên gia... về làm việc được cấp đất, cấp nhà và 30 -50 triệu hỗ trợ một lần. Thạc sĩ, SV tốt nghiệp loại giỏi, tùy đối tượng để hưởng những mức trợ cấp khác nhau, hoặc ở nhà công vụ, hoặc được hưởng những chính sách về lương và các đãi ngộ khác"... Cần Thơ với chương trình "Mêkông 1.000" (đào tạo 1.000 TS cho khu vực ĐBSCL), Hà Nội với những ưu đãi cho Thủ khoa (mỗi năm Sở Nội vụ lại bổ sung thêm những điều khoản mới), rồi Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Nam...

Các địa phương tiên phong áp dụng cơ chế này thì đã kịp tổng kết, rút kinh nghiệm và làm mới lại chính sách. Mới đây thôi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo quy chế để khuyến khích người tài vào làm việc trong khu vực công.

Theo thống kê, sau nhiều nỗ lực thực thi chính sách thu hút nhân tài (từ 2003), tính đến hết năm 2006, Ninh Bình đã mời gọi được 69 sinh viên, chủ yếu tốt nghiệp loại giỏi thuộc đủ các ngành nghề. Còn Vĩnh Phúc, cũng từ 2003 đến nay, đã có 1 TS (hỗ trợ 50 triệu), 3 thạc sĩ (hỗ trợ 15 triệu) và 1 sinh viên giỏi được "hút" về làm việc. Ngoài ra, hiện đang có 115 cử nhân đang được cử đi học thạc sĩ.

Bên cạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh, Bình Dương còn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các sinh viên địa phương đang theo học tại các trường ĐH. Cụ thể, tỉnh sẽ tiến hành hỗ trợ các chi phí học tập và cung cấp 1,5 lần mức lương tối thiểu trong thời gian đào tạo cho SV.

Nhìn vào việc, tiếp theo một tỉnh phía Bắc, lại một tỉnh phía Nam công bố chính sách chiêu hiền đãi sĩ, hễ tỉnh này nâng mức ưu đãi thêm vài triệu là tỉnh khác cũng lập tức bổ sung thêm các điều khoản về "hỗ trợ nhà cửa" thì tưởng như làn sóng "thu hút nhân tài" đang được các bạn trẻ háo hức chờ đợi.

Nhưng cùng với phong trào những nhân tài hồ hởi quay về đóng góp cho địa phương là âm thầm những "làn sóng" khác trở về để rồi lại ra đi, hoặc trở về để rồi thất vọng với quyết định của chính mình, thậm chí ở ngay cả những địa phương hút "nhân tài" mạnh mẽ nhất. Mà lý do, không phải vì lãnh đạo các tỉnh thành không thực hiện lời hứa "ưu đãi" như cấp tiền, cấp đất...

Tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi năm 2005 nên Nguyễn Thế Anh (Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) được nhận ngay vào công tác tại một Sở thuộc thành phố Đà Nẵng, được nhận các khoản ưu đãi đúng như chủ trương của TP, được nằm trong danh sách gửi đi đào tạo thạc sĩ nước ngoài của thành phố. Thậm chí, đi đâu, làm gì, ai cũng hỏi "sao kiếm được một chân trong nhà nước hay thế"...

Nhưng, chỉ một năm sau, Thế Anh đã có một quyết định dứt khoát là xin thôi việc, chuyển qua một công ty liên doanh khác và chấp nhận hoàn trả lại những ưu đãi của thành phố.

"TP vẫn bố trí đúng chuyên ngành của tôi nhưng trong công việc, các quy trình hành chính thì rối rắm, điều kiện làm việc chưa đầy đủ nên kiến thức của tôi cũng không được sử dụng hết", Thế Anh tâm sự về lựa chọn của mình. Không so sánh giữa "nhà nước" và "tư nhân" nhưng Thế Anh chia sẻ, trong môi trường mới, bạn được làm việc với những người trẻ "chỉ biết làm việc và sống vì công việc".

Bạn Trần Vỹ, ngụ ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, kể đã từng làm việc trong môi trường các công ty nước ngoài ở TPHCM. Hưởng ứng chủ trương thu hút nhân tài về tỉnh nhà, Vỹ đã khăn gói về Quy Nhơn và “hiện nay tôi rất chán nản vì phải làm việc trong môi trường hành chính sự nghiệp của tỉnh nhà”.

Bạn Nguyễn Thắng (Nghệ An) tâm sự: “Là người được hưởng chế độ “thu hút nhân tài” ở Nghệ An, tất nhiên, tôi cũng rất hoan nghênh chính sách của tỉnh đã tạo điều kiện để tôi có được một việc làm ổn định như hiện nay. Nhưng sau gần 2 năm công tác trong cơ quan hành chính sự nghiệp, tôi thấy hình như mình chưa làm được gì đáng kể với chuyên môn điện tử - viễn thông của tôi ngoài việc hằng ngày soạn thảo công văn, xử lý giấy tờ...”.

Trần Vỹ chia sẻ, chính sách đãi ngộ nhân tài là yếu tố tích cực để thu hút nhân tài, nhưng "hút" xong rồi, cần tính đến chuyện “sử dụng nhân tài” cho hợp lý.

Còn Nguyễn Thắng thì kết luận, khi đã có chính sách đãi ngộ, các địa phương nên chú trọng đến sở trường chuyên môn của từng người để bố trí công việc cho phù hợp, như thế mới tạo được hưng phấn làm việc, nâng cao hiệu quả đóng góp cho từng người.

Với phần lớn các bạn trẻ trở về địa phương theo diện thu hút nhân tài, tiền hỗ trợ không phải là yếu tố số một, điều mà họ quan tâm là môi trường làm việc có giúp họ phát huy được sở trường, năng lực của mình hay không. Và điều này không chỉ là sự năng động của riêng một cơ quan, đơn vị mà còn đòi hỏi sự bứt phá của cả hệ thống.

Chính sách thu hút: cần có điểm nhấn

Giải thích lý do vì sao "nhân tài" chưa mặn mà với thảm đỏ, GĐ Sở Nội vụ Yên Bái Nguyễn Văn Cường cho rằng, do các chính sách còn chung chung, chưa quy hoạch rõ cần hút người tài trong lĩnh vực nào.

Tháng 9 mới đây, Yên Bái vừa ban hành chính sách thu hút nhân tài lần đầu tiên của tỉnh, sau khi đã tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm các tỉnh thành khác, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với chủ trương không thu hút tràn lan, dàn trải, chính sách của Yên Bái hướng vào đội ngũ cán bộ KHKT và cán bộ quản lý trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (trồng trọt, giống, lâm nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi thú y, thủy sản); công nghiệp (chế biến, cơ khí, điện, thủy công).

Ông Cường chia sẻ: "do đặc thù miền núi, Yên Bái khó có thể cạnh tranh trong thu hút và giữ chân cán bộ làm việc, nghiên cứu lâu dài nên tỉnh chủ trương mời gọi một số chuyên gia về làm trong thời gian ngắn. Họ có thể nhận chủ trì một đề án cụ thể nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế địa phương, như phát triển một loại chè giống mới.v.v... ". Họ không bị ràng buộc làm việc lâu dài với địa phương.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Bùi Đức Phú thì tiết lộ "bí quyết" cầm chân đội ngũ bác sĩ, chuyên khoa giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn đó là mở rộng thêm nhiều trung tâm trong bệnh viện và giao cho những người giỏi phụ trách. "Khi có vị trí và được sử dụng đúng khả năng, họ sẽ không còn nghĩ đến chuyện ra làm tư", ông Phú chia sẻ.

Còn lại, nhìn vào chính sách của hầu hết các địa phương thì đều chẳng bỏ quên bất cứ nhân tài trên lĩnh vực nào, từ SV giỏi đến chuyên gia, từ bác sĩ cho đến từ kiện tướng thể thao, từ kỹ sư xây dựng cho đến nhà quản lý.

Tất cả vì thiếu quy hoạch thu hút đối tượng người tài, dẫn đến tình trạng thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu, chính sách ưu đãi thiếu tập trung nên không đủ hấp dẫn. Không thể thu hút được những nhân tài chất lượng cao (không phải đối tượng thạc sĩ hoặc sinh viên giỏi) nếu không có những chính sách dành cho riêng họ với những ưu đãi đặc biệt về vật chất, điều kiện và môi trường làm việc cũng như những "bài toán" mà họ phải giải khi công tác tại địa phương.

  • Lê Nhung

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>