221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1029354
Sàng lọc… ngược
1
Article
null
Sàng lọc… ngược
,

 - Với việc rất nhiều người có khả năng đã rời bỏ cơ quan nhà nước đến làm việc cho các tổ chức khác người ta sẽ đưa ra câu hỏi: nếu tình trạng này tiếp diễn thì cơ quan nhà nước còn lại những ai. Phải chăng sẽ còn lại những người năng lực thấp nhưng nhiều tham vọng? Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là đang diễn ra quá trình sàng lọc nhưng là sàng lọc…ngược. 

 

>> Làn sóng chảy máu chất xám khu vực công

 

Vì sao ra đi? vì sao ở lại?   Ảnh :AGNX9A-     R.G .B
Đối với người lao động, việc ra khỏi cơ quan nhà nước thật dễ dàng. Theo luật, bất kỳ cán bộ công chức nào cũng có quyền nghỉ việc. Với một lá đơn, họ có thể nghỉ sau 1 tháng dù cơ quan có chấp nhận hay không. Nhìn chung, ra khỏi cơ quan nhà nước cũng dễ dàng  như ra khỏi doanh nghiệp.

 

Nhưng về phía cơ quan nhà nước, cho nghỉ việc một công chức là vấn đề nan giải. Một cơ quan không thể tự nhiên cho một công chức nghỉ việc nếu như công chức này không vi phạm kỷ luật.

 

Với chế độ công chức suốt đời, một nhân viên có bất tài đến mấy, lười lao động đến như thế nào cũng vẫn có thể yên tâm làm việc đến lúc về hưu. Đối với doanh nghiệp thì khác, họ có quyền không tiếp tục ký hợp đồng với bất kỳ người lao động nào mà họ cho là không thích hợp.

 

Vào biên chế nhà nước thực sự là khó khăn đối với rất nhiều người. Khó không phải vì cơ quan nhà nước đòi hỏi chất lượng nhân lực cao hơn. Cái khó ở đây là hữu hình và vô hình. Hữu hình là biên chế có hạn, là phải có hộ khẩu, là phải thi công chức và v.v. Vô hình là cái mọi người đều biết, đều cảm nhận được nhưng ít khi bắt được.

 

 
"Những người ra đi cũng có lỗi khi để lại phía sau một môi trường ô nhiễm mà lẽ ra họ phải góp phần làm trong sạch. Họ mới chỉ khôn mà chưa dũng"
Rất ít người tin rằng vào cơ quan nhà nước mà lại không tốn kém gì hoặc không có thế lực, không có mối quan hệ thân quen. Cái hàng rào vừa hữu hình vừa vô hình là một người sau nhiều năm học hành đàng hoàng trở về thấy thằng bạn học kém nhất lớp xưa kia đã là lãnh đạo một đơn vị hành chính, chưa thi đại học bao giờ nhưng có đến 3 bằng cử nhân.

 

Như vậy với việc đầu vào khó, vào rồi thì không đẩy ra được mà chỉ có việc tự ra đi của những người có khả năng, đến lúc nào đó cơ quan nhà nước có thể được ví như với cái ao tù. Nước trong ao lưu cữu lâu ngày và bị ô nhiễm. Người ta không thay nước trong ao mà nước tự bốc hơi, phần nước bốc hơi là sạch nhất.

 

Với đồng lương kém cỏi, những người có khả năng mà còn ở lại làm việc là những người tâm huyết, sống vì lý tưởng. Một số khác là những người không có khả năng làm việc ở chỗ nào khác và họ cũng rất trong sạch.

 

Số khác nữa thì đang tham gia một cách hào hứng vào ‘công cuộc tham nhũng’ và đang tạo nên vấn nạn đối với quốc gia. Cũng chính những người này đã khiến những người giỏi và giàu lòng tự trọng phải ra đi vì không thể sống chung với sâu mọt. Về phần mình, những người ra đi cũng có lỗi khi để lại phía sau một môi trường ô nhiễm mà lẽ ra họ phải góp phần làm trong sạch. Họ mới chỉ khôn mà chưa dũng.

 

 
"Phải có bộ máy nhà nước mạnh với những người vừa giỏi vừa dũng làm việc trong đó mới làm nước mạnh".
Doanh nghiệp mạnh, đội ngũ doanh nhân giỏi sẽ làm dân giàu. Nhưng phải có bộ máy nhà nước mạnh với những người vừa giỏi vừa dũng làm việc trong đó mới làm nước mạnh. Điều đó đặc biệt đúng đối với những quốc gia mà vai trò của nhà nước còn rất lớn như nước ta.

 

Một trong những nguyên nhân chính chúng ta thắng trong các cuộc chiến vừa qua là những người giỏi nhất, ưu tú nhất đã tham gia quân đội. Có lẽ tinh hoa của cả dân tộc đã tập trung vào quân đội, họ không chỉ là những tướng giỏi, những chiến sỹ anh hùng mà đội ngũ nhà văn, nghệ sỹ của quân đội cũng là những người tài năng nhất.

 

Quân đội chiến đấu vì lý tưởng đã thu nhận những người tài. Cuộc chiến khốc liệt đã sàng lọc để còn lại những người dũng cảm, trong đó rất nhiều đã anh dũng hy sinh. Làm cho nước mạnh cũng rất cần những người tài giỏi và dũng cảm phục vụ trong bộ máy nhà nước. Thế nhưng, sàng lọc của cơ chế ‘ao tù nước đọng’ đang và sẽ cho chúng ta kết quả ngược lại.

 

Làm gì để chúng ta lại có một đội quân kiêu hùng như thời chiến để xây dựng nước mạnh? Xúc động khi thấy tuổi trẻ sục sôi tinh thần yêu nước và hiểu rằng họ sẽ trở thành nguyên khí quốc gia với 6 chữ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.  

  •  Lê Đức 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,