221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1032055
Không thể nào quên cái Tết Paris năm ấy
1
Article
null
Không thể nào quên cái Tết Paris năm ấy
,

- Mỗi lần đến thăm chúc Tết ông Nguyễn Minh Vĩ (nguyên Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris) khi ông còn sống, tôi đều được nghe những tâm sự của ông về cái Tết Quý Sửu - 1973 - ở Paris sau khi "Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam" được ký kết. Tết Mậu Tí - 2008 nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp định Paris, xin giới thiệu lại ít chuyện kể mà khi sinh thời trước đây ông vẫn thường tâm sự với tôi.

Có ở Paris cái Tết Quý Sửu - 1973 mới thấy được thế giới chia vui với thắng lợi của Việt Nam đậm đà, sâu sắc đến thế nào. Cái Tết ở Thủ đô nước Pháp năm ấy gần như là Tết của Việt Nam. Bạn bè các nước vừa mừng ta thắng lợi trên chiến trường miền Nam, ở trận "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972, vừa mừng thắng lợi ngoại giao của ta trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam 1969 - 1973.

Tết trong nhà, Tết ngoài đường phố

Đầu tiêu tôi muốn nói đến cái đêm giao thừa trong ngôi nhà trụ sở đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Paris về Việt Nam tại thị trấn Choisi le Roi. Chúng tôi vẫn thân tình gọi đây là "Gia đình Choisi chúng tôi". Đây trước là trường Đảng Maurice Thorez (tên nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) mà Đảng Cộng sản Pháp dành cho đoàn chúng tôi trong suốt 5 năm Hội nghị. 

Ba mươi bảy anh em đoàn Việt Nam cùng toàn thể các nhân viên người Pháp và Việt kiều phục vụ đoàn, tổ chức buổi lễ đón giao thừa mà tôi còn ghi trong sổ tay để không bao giờ có thể quên: 

"Từ 18 giờ đến 24 giờ 2/2/1973, cuối năm Nhâm Tý, đón Tết Quý Sửu".

Nhân viên phục vụ đoàn đều là những Đảng viên hoặc có người thân là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Đó là bà Marie, là ông Audre’ là các chị Aline, Ivene, Colette... là các anh Ive, Rơ net, Robert...

Trong buổi đón giao thừa, mỗi người tham gia một tiết mục mà ai nấy đều cho là đặc sắc nhất của đời mình. Các anh chị ít tuổi thì ca hát, đọc thơ. Ông bảo vệ Andre’ thì kể chuyện mỗi người trong 37 thành viên Việt Nam mỗi khi đi hoặc dự Hội nghị về qua trạm gác của ông.

Trước khi kết thúc buổi đón giao thừa, anh trưởng đoàn Xuân Thuỷ đọc bài thơ vừa sáng tác:

Xuân bảy ba đậm đà thắng lợi
Xuân bay lên phơi phới trời xanh
Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh
Chào chiến sĩ! Chào nhân dân! Chào tình bốn biển!
......
Hăm bảy tháng giêng ngày mừng chữ ký
Giữa Paris lộng lẫy sắc cờ ta.
Những kiều bào khuôn mặt nở đầy hoa
Khắp bè bạn hướng về ta hớn hở...

Suốt mấy ngày sau các đồng chí phục vụ đoàn nhanh nhẹn trong những bộ sắc phục trang trọng giúp chúng tôi nhận những lẵng hoa, những thiếp chúc Tết, tiếp đón hết đoàn này đến đoàn khác.

vv

Trước Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Kleber- Paris- Ngày ký kết Hiệp định "Chấm  dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam" - 27/1/1973. Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (đứng giữa sau lá cờ), Bộ Trưởng Xuân Thuỷ người giơ tay bên phải , đứng sau bên trái là ông Nguyễn Minh Vĩ , bên trái ảnh là ông Nguyễn Cơ Thạch. - Ảnh tư liệu. 

Các anh lái xe, anh Eunette đi với tôi, anh Robert đi với anh Xuân Thuỷ, anh Gibert lái xe chung cho cả đoàn liên tục đưa chúng tôi đi chúc Tết, dự liên hoan các nơi không ngại ngần ngày đêm những ngày xuân mới năm ấy trong cái rét đến dưới độ "không".

Chúng tôi đến thăm nhiều gia đình Việt kiều, nhà nào cũng có bàn thờ Tổ quốc với chân dung Hồ Chủ tịch trên những chiếc lư, chiếc đỉnh hưng trầm quyện. Hầu như nhà nào cũng có đủ các thứ mít, dừa, hạt sen, mứt gừng... nem chua, giò lụa. Bánh chưng tuy không được gói bằng lá dong nhưng vẫn có màu xanh quê hương. Các cô gái Việt kiều tự hào trong chiếc áo dài Việt Nam bó sát mình, ân cần nói với chúng tôi bằng những câu tiếng Việt không sõi, nhiều khi xen lẫn một tràng tiếng Pháp vì nhiều cô sinh ra ở bên Pháp, có bố Việt mẹ Pháp hoặc bố Pháp mẹ Việt.

Một cháu nói với chúng tôi:

- Nhà cháu ăn Tết trước từ ngày cúng ông Công ông Táo. Ba má cháu nói ngày cúng ông Công ông Táo ấy đúng vào dịp các bác ký Hiệp định Paris về Việt Nam, bác Lê Đức Thọ ký tắt với Kissinger ngày 20/1/1973, ký chính thức ngày 27/1/1973. Nhà các bạn Kim Anh, Hồng Ngọc... của cháu cũng thế: Cúng ông Công ông Táo rồi khấn để các ông lên tâu với Trời là Việt Nam đã thắng lợi, đã hoà bình rồi.  

... Nhiều cháu chưa hề đặt chân về Việt Nam nhưng luôn tự hào về quê hương mình qua được nghe những chuyện kể của ba má và được đọc trên sách báo. Các cháu có thể dễ dàng tìm thấy những sách báo ấy ở các quầy sách trên khắp đường phố Paris, nhất là vào cái Tết Quý Sửu năm 1973 này. Nhiều cuốn sách nói về Việt Nam với những hình ảnh Tháp Rùa, chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ, dinh Độc Lập, Cảng Sài Gòn... với những câu chuyện giải phóng Quảng Trị, bắn rơi B-52 trên bầu trời Hà Nội.

Không chỉ riêng Việt kiều mà nhiều trí thức người Pháp muốn tìm hiểu những thắng lợi kỳ diệu của Việt Nam đã tìm mua những cuốn sách giá trị ca ngợi Việt Nam của nhiều tác giả nổi tiếng: Wilfred Burchett, Jean de La Couture, Paul Mus, Phillipe, Devillers, Madeleine Riffaud...

Đi chúc Tết ở Paris với chúng tôi, tôi thấy trên "cốp" xe anh lái xe Gilbert nhiều thiếp chúc Tết mang dòng chữ Việt "Chúc mừng năm mới" với những hình ảnh Tháp Rùa trên hồ Hoàm Kiếm, hình ảnh những cành đào Việt Nam đỏ thắm. Anh nói:

- Tôi mua tặng mẹ tôi, má René Giu và anh em bạn hữu để nhớ mái cái Tết hoà bình ở Việt Nam.

Chúng tôi chuyện với nhau:

- Một nguyên nhân thắng lợi nữa của chúng ta phải nói đến sự ủng hộ nhiệt tình của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp. Tổ chức Hội nghị về Việt Nam ở Paris chẳng khác gì "được đấu bóng trên sân nhà".

Những buổi dạ hội mừng Xuân

Ngoài cái Tết trong mỗi gia đình là những cái Tết tập thể của từng ngành, từng giới Việt kiều khắp Paris. Tết của công nhân điện lực, cơ khí, giao thông... Tết của ngành y, của nhiều nhóm khoa học kỹ thuật, của các tổ chức khoa học xã hội, của sinh viên nhiều cư xá... của khối Paris Bắc, Paris Nam, của phụ nữ, phụ lão. và dễ thương nhiều là của các cháu thiếu nhi. Các cháu hát những bài hát Việt Nam bằng thứ tiếng Việt chưa đúng âm điệu nhưng ba má các cháu rất hãnh diện vì những đứa con biết nghĩ đến, biết yêu thương quê hương. 

Tết của công nhân Việt kiều ở nhà Công đoàn Luyện kim Tổng Công đoàn Pháp với những tiết mục văn nghệ cổ truyền đông vui với 1.000 công nhân thì cái đêm liên hoan Tết ở Hội quán Tương tế Paris (Mutualité De Paris) còn lớn hơn gấp bội. Hội trường nhà Tương tế lớn như thế nhưng đêm ấy đã quá tải với số khách 4.000 người. Không những Việt kiều ở Paris mà cả ở Bordeau, Lyon, Toulouse, Marseille... trên khắp nước Pháp. Ngoài ra còn Việt kiều ở Thuỵ Sỹ, Bỉ, Hà Lan... và cả ở Algierie, Tunisie... vượt đại dương sang Pháp để mừng thắng lợi to lớn mà dân tộc mình vừa giành được ở Hội nghị Paris về Việt Nam...

Thật đủ các tầng lớp. Nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Hà đạo diễn vở Tây Thi đã mời chị Thu Trang, một trí thức Việt kiều trẻ, đẹp thủ vai chính. Nhạc sỹ Nguyễn Thiên Đạo tổ chức một dàn nhạc, một màn hợp xướng với hàng chục sinh viên học sinh và cả một số trí thức cao tuổi cùng dự. Tham gia đêm liên quan đầu xuân ấy còn có nhiều vị khách quốc tế khác. Đó là các ca sỹ Hugues Auffray, ca sỹ Mỹ Jona Baez...

Chúng tôi gặp lại chị Jane Fonda người Mỹ cùng chồng chị là anh Tom Hayden. Một bạn Mỹ cho tôi biết chị Jane là một nghệ sỹ nổi tiếng không những ở Hoa Kỳ mà cả ở nhiều nước khác. Jane đã từng đóng nhiều phim với những hợp đồng từ 100.000, 400.000... thậm chí đến 500.000 đô la mỗi phim. Ngoài ra, người nghệ sỹ màn bạc ấy còn nhận làm quảng cáo thời trang cho nhiều hãng may mặc lớn. Có lần Jane đã ngổ ngáo mặc một bộ đồ phi công vũ trụ lên sân khấu... Tuy nhiên mấy năm vừa qua chị đã nhiều lần sang Việt Nam, đã tham dự nhiều cuộc họp báo ở Paris. Chị nói:

- Tôi sẵn sàng từ bỏ những thu hoạch kinh tế to lớn đó để dành cho một việc làm chính trị: Đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn trên quê hương Hoa Kỳ chúng tôi ... và trước hết là để chấm dứt cuộc chiến tranh tàn bạo ở Việt Nam.

Tôi biết trong những ngày "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972, chị đã có mặt ở Khâm Thiên, ở bệnh viện Bạch Mai ... bị huỷ diệt nặng nề. Nay chị lại trở về Pháp vui với chúng tôi cái Tết mừng thắng lợi ngoại giao ở Paris.

Cái Tết Quý Sửu 1973 ở Paris đã ghi sâu trong tâm trí mỗi chúng tôi như thế đó. Ai đã từng có mặt ở Paris cái Tết Quý Sửu - 1973 - năm ấy mới thấy được thế giới chia vui với cái thắng lợi của Việt Nam đậm đà sâu sắc đến thế nào !

  • Đỗ Sâm  (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Minh Vĩ - Phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hội nghị Paris về Việt Nam 1969 - 1973)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,