221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1031054
TS Nguyễn Quang A: Nhà khoa học... đi buôn
1
Article
null
TS Nguyễn Quang A: Nhà khoa học... đi buôn
,

 - Gương mặt gồ ghề, mái tóc rậm, đôi mắt khi say chuyện là ánh lên sôi sục, nhiều năm nay, cái tên TS Nguyễn Quang A đã gắn với những bài báo "gai góc đến gây sốc nhưng không hề ác ý mà luôn tràn đầy nhiệt huyết". Ông cũng là nhà khoa học đi buôn, người từng nhận mức lương cao ngất ngưởng đến nỗi tự đề xuất với Bộ Tài chính để "được" đóng thuế thu nhập cá nhân, người từng "lỡ tàu" trong cuộc đua cung cấp dịch vụ Internet.

Tôi học được nhiều từ bàn nhậu

TS Nguyễn Quang A tại Hội thảo 20 năm đầu tư nước ngoài tại VN. Ảnh: L.N
"75% thời gian trong ngày tôi ngồi làm việc. Nhưng con trai tôi luôn bảo, chỉ toàn thấy bố đi nhậu, buôn chuyện tào lao với tán phét. Tôi nói, đấy là bố cũng đang làm việc", TS Nguyễn Quang A vừa châm thuốc,  vừa sải những bước rộng trong căn phòng làm việc xem ra hơi chật hẹp so với dáng người cao lòng khòng.

Đang ngồi trầm tư nghiền ngẫm từng câu, từng chữ cho các bản dịch kinh tế - chính trị hóc búa thế thôi, nhưng loáng cái, người đàn ông đã qua tuổi lục tuần này đã lại có thể, áo len thắt ngang hông, xả láng "tán phét" với một nhóm doanh nhân hoặc "sà" vào bàn rượu của một túm văn nghệ sĩ. "Mà học được khối người, nghe được khối chuyện lạ, đấy lại cũng là chỗ xả stress hiếm thấy. Phụ nữ sở dĩ thọ hơn đàn ông là vì biết buôn dưa lê. Tôi dễ ngồi với nhiều loại người nhưng không phải với bất cứ người nào tôi cũng vồ vập. "

"Qua tuổi sáu mươi, không ai còn có thể nói hay được nữa. Đến một lúc nào đó, chắc chắn tôi cũng không còn có thể tiếp tục la cà, nhậu nhẹt", TS Nguyễn Quang A chia sẻ.

Cũng đều đặn hơn chục năm nay, ông vẫn duy trì thói quen "cuốc bộ" hơn ba cây số từ nhà đến văn phòng (trên đường Lê Thái Tổ). "Không đi thấy chân tay bứt rứt, khó chịu chứ không phải vì mình thấy sức khỏe đã sa sút".

Gương mặt gồ ghề, mái tóc rậm, đôi mắt khi say chuyện là ánh lên sôi sục, nhiều năm nay, cái tên TS Nguyễn Quang A đã gắn với những bài báo cũng gồ ghề, góc cạnh, bàn về "thập cẩm" chuyện, khi là về "đề án 112", lúc lại là chuyện hoãn quyết định cấm xe ba gác, hay ngừng cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân. Những bài báo, như một chuyên gia trong Viện IDS của ông nhận xét: "gai góc đến gây sốc nhưng không hề ác ý mà luôn tràn đầy nhiệt huyết".

Nhiều năm nay, ông cũng nổi lên như một dịch giả với những tác phẩm nặng về tư tưởng chính trị - kinh tế học, như "Thế giới phẳng" (Thomas L.Friedman), "Con đường dẫn tới chế độ nông nô" (Friedrich Hayek), "Bí ẩn của vốn" (Hernando De Soto).

Câu chuyện với TS Nguyễn Quang A chiều áp Tết  trên lầu 4 trụ sở "Hà Nội Vàng" VP Bank "tào lao" liên miên về những truân chuyên của một nhà khoa học đi buôn, người từng nhận mức lương cao ngất ngưởng đến nỗi tự đề xuất với Bộ Tài chính để "được" đóng thuế thu nhập cá nhân, người từng "lỡ tàu" trong cuộc đua cung cấp dịch vụ Internet.

Vào thời điểm cực thịnh, ông đã sáng lập nên một hệ thống từ 3C công nghiệp, 3C hóa chất, tin học, đi buôn đá đỏ Quỳ Hợp, thậm chí len chân vào cả những ngân hàng thương mại  như VP Bank, vực ngân hàng này đứng dậy trước ngưỡng phá sản.

"Dư luận về quái nhân Quang A cũng tam sao thất bản"

"Tôi có nhiều bạn bè người Hunggari, vì đã sống ở đó suốt những năm chiến tranh, những năm tuổi trẻ", TS Nguyễn Quang A nhớ lại. Năm 1965, chưa nhận bằng tốt nghiệp phổ thông ông đã được gọi đi Hunggari. "Ở quê ra, người to lớn quềnh quàng, chân cũng to tổ bố không đi vừa đôi giày nào, lúc đó tôi đã chột dạ nghĩ khéo vì chân to mà không được đi học".

Rải rác trên các diễn đàn du học sinh Budapest là những đồn thổi về "quái nhân" Nguyễn Quang A với những chuyện không giống ai. Nào, "mỗi kỳ nghỉ hè Quang A cạo trọc đầu, tự nhốt mình trong phòng để học cho xong một ngoại ngữ". Nào "giảng viên hôm nào nghỉ là nhờ Quang A đứng lớp, dạy cả sinh viên người Hung", "mới sang Hung có một năm mà đi phiên dịch cho tất cả các đoàn Việt Nam sang".v.v...

Nghe chuyện, "quái nhân" Nguyễn Quang A cười khoái chí, nói như đinh đóng cột: "tôi học giỏi và chăm chỉ là chắc chắn. Nhưng chơi cũng không ai bằng. Nên không có chuyện cạo đầu học ngoại ngữ".

Vốn tiếng Hung của ông tiến bộ đáng kinh ngạc khiến mọi người phải gọi là "quái nhân" do thay vì đóng cửa phòng KTX như các du học sinh khác, Nguyễn Quang A thích "chuồn" ra phố đi xem phim. Mùa hè, du học sinh tranh thủ đi hái nho, táo, cà chua... cho dân địa phương thì ông lọ mọ trong phòng thí nghiệm phụ giúp cho giảng viên trong trường cũng đủ "kiếm tiền bộn". Nên lên diễn đàn, các thế hệ đàn em đi học ở Hung mới kể chuyện, trong mười người giỏi nhất khóa học đó thì có 9 người Hung, chỉ mỗi Nguyễn Quang A người Việt.

Kể lại những "đồn thổi" này với TS Quang A, ông nheo mắt "dư luận về tôi nhiều lắm. Có chuyện đúng, có chuyện tam sao thất bản". Người thì nói "Quang A là một anh hùng thất thời, nhưng có tầm nhìn vượt thời đại". Lại có ý kiến cho là "nhìn vào gương làm giàu của Quang A để... tránh thất bại".

Nhà khoa học... đi buôn

TS Nguyễn Quang A và Lê Đăng Doanh tại 1 seminar của Viện IDS. Ảnh: L.N
Sau khi bảo vệ tiến sĩ điện tử viễn thông và lang thang sục sạo ở Hung mấy năm trời, đến 1988, Nguyễn Quang A tiếp tục quay trở về Viện Kỹ thuật Quân sự. Giữa lúc cả Viện ai nấy gặp ông đều thân mật vỗ vai "Quang A là cán bộ nguồn, cứ yên tâm ở đây làm việc nhé", thì "đùng" phát, ông xin chuyển ra khỏi quân đội, về Tổng Cục Điện tử - Tin học VN.  "Tôi không mê quân đội, bố là liệt sĩ từ thời chống Pháp, hồi ở Hung tùy viên sứ quán nhiều lần gạ tôi vào quân đội nhưng tôi không đồng ý. Phân tôi về quân đội, ở trên người ta cứ bảo, đúng lĩnh vực ưu tiên quốc gia, còn nhảy đi đâu nữa".

Ra khỏi quân đội, Nguyễn Quang A cũng chẳng yên vị lâu với vai trò cán bộ nghiên cứu khoa học vì bên Tổng cục hồi đó tuy chỉ có dăm chục người song lại có nhiều đồn thổi về "cán bộ nguồn Quang A chuyển về đây để "cánh hẩu" với phe này, phe kia, tranh giành chức tước, quyền lực"...

Giữa lúc đó, nghe một người bạn ở Học viện Kỹ thuật Quân sự cũ rủ rê "trong Sài Gòn đang có đề án làm phần mềm rất hay", thế là Nguyễn Quang A xin nghỉ, "Nam tiến" cùng những người bạn xúc tiến lập doanh nghiệp làm phần mềm máy tính. Liên doanh GenPaciffic với Pháp khai sinh cuối 1988, một năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời. GenPacific là liên doanh thứ hai ở Việt Nam bây giờ. "Từ đấy tôi bỏ con đường khoa học, đi làm con buôn, lang thang khắp Nga, Đông Âu, Mông Cổ theo đuổi con đường gia công phần mềm".

Gọi là "liên doanh", vốn phía Việt Nam trên giấy phép ghi nửa triệu đô la nhưng thực tế chỉ có vỏn vẹn ngôi nhà trị giá 14 cây vàng, hai xe đạp và một tủ lạnh còn phía Pháp chỉ có mấy cái máy vi tính, tất cả vốn liếng đều vay tất từ Ngân hàng. "Làm phần mềm, chúng tôi phải đi vay tiền trả lương anh em. Sang Đông Âu, cũng tranh thủ đánh quần bò để kiếm chút vốn liếng kinh doanh".

"Kế hoạch làm phần mềm rất nghiêm túc, nhưng rồi cuối cùng vẫn thất bại", TS Nguyễn Quang A trầm ngâm. Dù GenPaciffic có đội ngũ 25 lập trình viên giỏi, lại có một chuyên gia Pháp được thuê riêng để đào tạo, còn  đối tác Pháp cũng có đầu mối khách hàng, nhưng vẫn không làm được một hợp đồng nào. Chỉ riêng vấn đề đàm phán, trao đổi đã "vấp" ngay phải trở ngại liên lạc thông tin. Vào thời điểm bấy giờ, để có được cuộc trao đổi với dăm ba phút với đối tác cũng phải chờ dễ đến cả tiếng đồng hồ cho tổng đài kết nối. Giá cước thì trên trời....

Giả sử làm máy tính lớn, cứ đổ hết vào băng từ chuyển đi theo đường hàng không nhưng hai tuần mới có một chuyến bay, mà độc chuyện xin visa đã tốn không biết bao nhiêu thời gian. Chưa kể còn ’vướng" cửa hải quan sân bay vì mang dữ liệu xuất cảnh là không dễ "biết anh mang cái gì ra nước ngoài, nhỡ đâu là bí mật quốc gia".

Thế là dẹp hẳn chuyện làm phần mềm, tập trung toàn lực làm phần cứng. GenPaciffic hồi đó có dây chuyền lắp ráp máy vi tính đầu tiên ở Việt Nam, kết cấu đơn giản nhưng quy trình đâu ra đấy. Những năm 1989-1990, các nước Đông Âu bắt đầu chuyển đổi, Liên Xô bắt đầu cải tổ, nhu cầu về hàng hoá công nghệ cao như… máy tính rất lớn mà lại đang trong tình trạng "bế quan toả cảng" với các nước tư bản chủ nghĩa. GenPacific nhập linh kiện từ Pháp, Đài Loan về lắp ráp rồi xuất khẩu sang thị trường này với giá rất cao. Giới thạo tin đồn với nhau mỗi máy, công ty bỏ vốn chưa tới 2.000 USD nhập linh kiện (giá thời đó), lắp ráp xong bán lại tại Việt Nam 2.200 USD, bán cho Liên Xô được 3.000-4.000 USD.

Lãi lờ rồi, bắt đầu quay sang thỏa thuận, đàm phán lương bổng. "Tay phó giám đốc người Pháp đòi trả lương 60 ngàn USD/năm, mình đồng ý, nhưng thế thì tôi cấp trưởng phải hơn chứ. Mình chỉ đòi hơn một đồng tượng trưng, 60 ngàn lẻ một, thế mà nó chấp nhận trả 80 ngàn USD/năm. Thời ấy đã là kinh lắm, mình mà lĩnh cả thì người ta đánh chết. Lúc đó lại chưa có Pháp lệnh Thuế thu nhập cao, vậy là tôi kiến nghị lên Bộ Tài chính. Trao qua đổi lại, và cứ thế mình nộp thuế cho Bộ", ông nhớ lại.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Xuân Giá hồi đó kể lại rằng trong một cuộc họp, có người nói nghe nói có ông thiếu tá nào đó lương mấy chục ngàn đô. Đề nghị kiểm tra trong quân đội xem có thiếu tá nào như thế không. Kiểm tra lại, chỉ thấy một nguyên thiếu tá Nguyễn Quang A. Bộ Tài chính sau đó cũng chìa ra một tài khoản, trong đó thuế má đều nộp đủ.

"Thật ra hồi đó cũng không cần cầm đèn chạy trước ô tô như thế, nhưng tôi thì cứ là "hăng tiết" lên thôi. Cái máu sĩ phu Bắc Hà mà". 

  • Lê Nhung

Người tự nguyện đề xuất được... nộp thuế thu nhập cá nhân ấy, cũng lại là người "dính" đến vụ trốn lậu thuế lớn nhất lịch sử mà báo chí ầm ĩ một thời.

Kỳ 2: Vụ "trốn lậu thuế" lớn nhất lịch sử và những dự án kinh tế... lãng mạn

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,