"Tôi luôn sát cánh... ở phía sau bảo vệ ngài" (trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam). Đó là lời hứa của thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain gửi tới Tổng thống Dân chủ Bill Clinton chỉ vài ngày sau khi ông này nhậm chức. Những người như John McCain cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai và các cộng sự Việt Nam đã "nối nhịp" và "giữ nhịp" cho tiến trình "làm bạn" của hai nước cựu thù.
Tại Mỹ, có một thế hệ nghị sĩ có nhiều điểm khác nhau, trong quá khứ và hiện tại nhưng vào những năm 1990 cùng chia sẻ mối quan tâm chung tới Việt Nam. Những người như John Kerry, John McCain... đã rút ngắn quãng thời gian đi tới làm bạn của hai đất nước từng đối đầu xuống còn một nửa - như ghi nhận của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson năm 2001.
Câu chuyện về họ được ghi theo lời kể của một người trong cuộc, ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người cũng thường được gọi là "ông Fulbright Việt Nam", "kiến trúc sư trưởng của Quỹ VEF", cha đẻ của mối hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.
Nối nhịp quan hệ từ "hệ quả của cuộc chiến"
Năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Mỹ tới Việt Nam, phát biểu trước hàng nghìn sinh viên Việt Nam, cựu Tổng thống Bill Clinton từng nhấn mạnh "Hệ quả của cuộc chiến là 3 triệu cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, cũng như nhiều nhà báo, nhân viên tòa đại sứ, nhân viên yểm trợ và những người Mỹ khác sẽ mãi mãi liên hệ với quê hương của các bạn - Việt Nam".
TNS John Mc Cain và John Kerry tại Việt Nam năm 1995. Ảnh: AP
Những cựu chiến binh chính là những người nối nhịp đầu tiên tái lập liên lạc giữa hai nước. Tại Mỹ, một nhóm nghị sĩ có nhiều điểm khác nhau, trong quá khứ và hiện tại nhưng cùng chia sẻ mối quan tâm chung tới Việt Nam. Họ chính là thế hệ nghị sĩ Mỹ của những năm 1990, những người có nguồn gốc, hoàn cảnh khác nhau, tham gia các đảng phái chính trị đối lập nhưng cùng có mối dây kết nối với Việt Nam.
Thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hoà John McCain đã từng trải nghiệm 6 năm tù tại Hỏa Lò, Hà Nội sau khi máy bay của ông bị bắn rơi ven hồ Trúc Bạch năm 1969. Trong khi đó, TNS John Kerry, một luật sư tài năng từng đi lính tại Việt Nam và đã bị thương.
Còn TNS Bob Kerry, hiện là Hiệu trưởng trường Đại học New School (nơi đăng cai bàn tròn giáo dục Việt - Mỹ khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ năm 2007) thì suốt đời bị ám ảnh bởi cuộc thảm sát đêm 25/2/1969 tại làng Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre khi là chỉ huy đơn vị, nơi ông cùng đội quân của mình đã giết chết 25 người già và trẻ em chỉ trong một đêm. Các nghị sĩ Bob Smith, Chuck Hagel... đều đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ngay Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã từng là phóng viên nhật báo của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Bản thân Thomas Vallely, nguyên là hạ nghị sĩ bang Massachusetts trong 6 năm (1980 - 1987) đã từng có một năm tham gia đơn vị thủy quân lục chiến đóng tại xã An Hòa, gần thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam.
Trở về từ cuộc chiến, Thomas không bị ám ảnh nhiều về quãng thời gian này. "Tôi còn quá trẻ và quá ngây thơ. Tôi đã chiến đấu trong một cuộc chiến mà tôi hiểu quá ít về nó... Mãi sau này, khi tôi hiểu được chương lịch sử đen tối đó, biết nhiều về Việt Nam, tôi mới bắt đầu bị ám ảnh nhiều", Thomas cho biết.
Năm 1984, John Kerry ứng cử thượng nghị sĩ lần đầu tiên và Thomas Vallely đã thật sự "nhúng mình" vào chiến dịch tranh cử của ông này.
Với họ, cuộc chiến tại Việt Nam là câu chuyện bi đát trong lịch sử cá nhân và lịch sử quốc gia Mỹ. Họ mong muốn chấm dứt chương lịch sử đen tối đó, Thomas Vallely nói.
Mối liên hệ mang tính cá nhân và hết sức đặc biệt giữa từng nghị sĩ này với Việt Nam đã lý giải tại sao ban đầu, TNS John McCain tỏ thái độ thù địch với John Kerry, người đi đầu trong các hoạt động phản chiến và tiến hành chiến dịch vận động tranh cử chống lại ông ở Massachusetts nhưng sau đó tại Thượng viện, cả hai đã cùng hợp tác trong nhiều vấn đề liên quan tới Việt Nam. Chính hai TNS này đã thành lập một ekip ăn ý vận động cho tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Cơ hội bình thường hóa quan hệ hai nước đã từng bị bỏ lỡ vào cuối thập kỷ 70 và bị chìm xuống trong nhiều năm. Mãi tới khi thế hệ nghị sĩ trẻ này vào chính trường, nắm quyền lực, tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước mới được đẩy mạnh trở lại.
Điều đáng tiếc là, "mỗi lần hai bên đạt một bước tiến, Chính phủ Hoa Kỳ lại lùi một bước, đưa ra một đòi hỏi mới, một yêu cầu mới buộc phía Việt Nam phải đáp ứng", Thomas cho biết.
Sau này, với sự tham gia của Hạ nghị sĩ Pete Peterson vào ekip và việc bạn học của John McCain tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ trở thành Tổng tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tiến trình này được đẩy nhanh hơn.
Điều đáng mừng, như ông Thomas nói, ngay tại thời điểm ấy, những người như nguyên Thứ trưởng Lê Mai và các cộng sự Việt Nam đã luôn sẵn lòng chìa tay, chủ động nối lại và giữ liên lạc với phía Mỹ. Không có những bước tiến đột biến, nhưng Lê Mai và cộng sự đã giữ nhịp quan hệ, cùng với thế hệ nghị sĩ của những năm 90 "đưa tiến trình làm bạn của hai nước giảm xuống còn một nửa" như nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson đã nói.
"Tôi luôn ở phía sau bảo vệ Tổng thống"
Cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Bush cha, một thỏa thuận chính thức bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được đặt lên bàn Tổng thống chờ kí. Thỏa thuận trong tầm tay. Các nghị sĩ Mỹ đã cam kết với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai và các đồng sự Việt Nam về một văn bản pháp lý cuối cùng.
"Sự tráo trở đó là trò chính trị đánh Bill Clinton của Bush cha. Bill Clinton chưa từng tham chiến, nên ít nhiều sẽ gặp nhiều khó khăn trong giải quyết vấn đề POW/MIA, khi đối diện với những gia đình thân nhân quân sĩ Mỹ...", Thomas lí giải.
Vào phút cuối, Bush cha quyết định gác lại, không kí văn bản. Tổng thống Đảng Cộng hòa được thay thế bởi đại diện của Đảng Dân chủ Bill Clinton. "Cái khó" được người tiền nhiệm đảng Cộng hòa "phần" lại cho Bill Cliton giải quyết. Nhóm các nghị sĩ Mỹ mang mặc cảm "thất hứa" với Việt Nam.
Năm 1992, TNS John McCain trở lại Hà Nội với tư cách thành viên thuộc Ủy ban tìm kiếm cựu binh Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Thượng viện Mỹ. Các quan chức Việt Nam, trong đó có giám đốc Bảo tàng Quân đội, đã trao tặng ông McCain những bức ảnh chụp ông hồi còn là tù binh chiến tranh cách đây 25 năm. Ảnh: AFP
Hơn ai hết, McCain hiểu rõ Clinton sẽ gặp nhiều khó khăn trong bình thường hoá, và một mình ông không thể làm được. Trong khi đó, bản thân McCain là nhân vật có tiếng nói, ảnh hưởng trong chính trường Mỹ đặc biệt trong vấn đề Việt Nam.
Ngay khi Bill Clinton lên nắm quyền, nhóm 3 người McCain, Kerry và Pete Peterson đến gặp Bill Clinton. Dù ở hai đảng đối lập, McCain nói với Bill Clinton: "Tôi sẽ sát cánh cùng ngài. Ngài cứ tiến về phía trước (trong bình thường hoá quan hệ với Việt Nam), khi ngài quay lại phía sau, ngài sẽ thấy tôi luôn ở phía sau bảo vệ ngài".
Nhờ cam kết ấy, lời hứa của thế hệ nghị sĩ Mỹ với Việt Nam đã được hiện thực hóa vào năm 1995.
Sống trong "Tương lai của các bạn", không phải trong "Quá khứ của chúng tôi"
Năm 1985, khi vừa tốt nghiệp trường quản lý hành chính công Kenedy, thuộc ĐH Harvard, Thomas đi cùng John Kerry đến gặp Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc. Vị Đại sứ Việt Nam đã mời John Kerry sang Việt Nam nhưng ông ấy bận, không thể sang. Đại sứ quay sang Thomas và hỏi: Anh có muốn sang thăm lại Việt Nam? "Tôi chỉ có một giây để suy nghĩ và trả lời: Có. Không hề suy nghĩ và cũng không biết tại sao, chỉ biết, tôi thực sự muốn sang lại vùng đất đó."
Đúng 10 năm sau chiến tranh, Thomas trở lại Việt Nam cùng nhóm cựu chiến binh để rồi nặng lòng gắn bó với đất nước này trong gần 20 năm qua.
Lần đầu tiên trở lại Việt Nam, khi đoàn cựu chiến binh đang dạo phố Hà Nội, một vài người Việt hỏi họ: "Các ông có phải là lính Mỹ không?" Tuy không biết chuyện gì sẽ xảy ra, họ đã trả lời "vâng". Và lời đáp lại "Chào mừng các ông đến Việt Nam" đã khiến những cựu chiến binh này an tâm nhẹ nhõm vô cùng - Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng nhắc lại câu chuyện này trước hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam.
Như Clinton đã nói, đến đây, "họ suy nghiệm lịch sử mà không tái diễn lịch sử, mang lại cơ hội cho những người trẻ tuổi ở cả hai nước được sống trong Tương lai của các bạn chứ không phải trong Quá khứ của chúng tôi".
"Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng điều chúng ta có thể thay đổi là Tương lai".
Để tạo sự thay đổi, hai bên cùng nỗ lực giải quyết từng vấn đề riêng rẽ, những chướng ngại vật phải vượt qua. Vật cản lớn nhất mà thế hệ nghị sĩ này phải vượt qua chính là "bóng ma" về "tù nhân chiến tranh", những câu chuyện đã trở thành "huyền thoại" về việc Việt Nam vẫn còn giam lỏng tù binh sau chiến tranh được lưu truyền trong xã hội Mỹ.
Các nghị sĩ đã vận động thành lập một Uỷ ban đặc biệt trực thuộc nghị viện nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề POW/MIA. Để Uỷ ban đặc biệt hoàn thành trách nhiệm, tất cả các thành viên trong Uỷ ban phải cùng kí vào bản báo cáo khẳng định Việt Nam không còn giam giữ tù binh. Ủy ban được trao nhiều nguồn lực và trách nhiệm, có thể đi bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào khi có thông tin, dù bịa đặt về việc Việt Nam còn giam giữ tù nhân.
Bản thân Việt Nam đã cho phát sóng hàng tuần chương trình tìm kiếm thông tin về những người mất tích trong cuộc chiến vào mỗi Chủ nhật. Hai phía Việt Nam và Mỹ đã phối hợp cùng nhau tìm kiếm, ngay cả ở những địa điểm chật chội, nguy hiểm và nhiều khi được xem là "nhạy cảm" đối với Việt Nam. Cùng sự tham gia của quân đội hai nước, Ủy ban đã có được bằng chứng xoá bỏ hoàn toàn huyền thoại về POW/MIA, thoát khỏi bóng ma quá khứ về tù nhân chiến tranh.
"Quyết tâm của phía Việt Nam giúp mang hài cốt các quân nhân Mỹ tử trận về cho thân nhân của họ chính là sức bật lớn nhất để cải tiến những quan hệ". cựu Tổng thống Bill Clinton ghi nhận.
Có lúc, hai phía đã phải chịu những mất mát. Trong chuyến công tác tìm kiếm POW/MIA, một tai nạn máy bay thảm khốc nổ ra, 19 người chết, cả quân nhân Mỹ và Việt Nam. Trong lễ tưởng niệm tại Hà Nội, thân nhân của những quân nhân này đã ôm nhau thắm thiết, cùng khóc chia sẻ một nỗi đau chung.
Thomas đã bật khóc rời khỏi phòng khi phóng viên nhắc lại sự kiện đau thương ấy. Trên chiếc máy bay đó có những người bạn thân, bạn tốt, gần gũi của Thomas. Với nhiều người Mỹ, trong đó có Pete Peterson, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam, đó là thời điểm kết thúc cuộc chiến.
-
Phương Loan