- Chiều 25/2, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng đã làm việc với đại diện Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM, để tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học hàng đầu về việc cho phép xây dựng Nhà máy thép liên hợp Vinashin - Posco tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, thuộc khu vực Hòn Ông (Khánh Hoà).
Nơi duy nhất ở VN để xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế lớn
Đảo Hòn Ông, vịnh Vân Phong, nơi dự kiến xây dựng nhà máy thép. (ảnh: vietnampictorial). |
Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM, cho rằng: "Vịnh Vân Phong có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế và quốc phòng đối với đất nước. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có đủ điều kiện cạnh tranh mạnh trong hệ thống dịch vụ cảng trung chuyển container quốc tế, trong tương lai có thể vượt qua cảng Hồng Kông và Singapore về sức cạnh tranh. Vân Phong với diện tích lớn có thể là nơi di tản của hải quân. Vì vậy, không nên có bất cứ dự án nào gây ảnh hưởng không tốt đến khu vực này" - thiếu tướng Lâm nói.
Cùng quan điểm với thiếu tướng Lê Kế Lâm, các thành viên của Hội là Doãn Mạnh Dũng, Ngô Lực Tải, Huỳnh Vân Kha cho rằng: Dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc) chiếm tới 969ha tại khu vực này khiến diện tích dành cho cảng bị thu hẹp, không đủ đáp ứng yêu cầu về cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai. Điều này sẽ khiến Việt Nam mất cơ hội lớn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, sự phát triển bị kéo chậm lại nhiều năm. Bởi vì, những nơi như Hồng Kông, Singapore trở nên phồn thịnh nhờ có cảng trung chuyển quốc tế. Hơn nữa, một nhà máy thép được xây dựng tại đây sẽ đặt ra nguy cơ ô nhiễm lớn.
Đại diện văn phòng TƯ Đảng khẳng định, những ý kiến của các nhà khoa học đã làm sáng tỏ nhiều điều về vịnh Vân Phong, đóng góp hữu ích cho các nhà lãnh đạo, quản lý và sẽ chuyển tải các ý kiến trên đến lãnh đạo Trung ương.
Dự án thép Posco: Nhiều điểm không thuyết phục
Tổng thống Singapore S.R.Nathan: Việt Nam đang gặp vấn đề lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng. Với lưu lượng hàng hóa ra vào tăng nhanh, Việt Nam cần cải tiến hệ thống cảng, đặc biệt là phát triển cảng đón container lớn.
Trước đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong vào ngày 25/1, với hai hạng mục chính là hai bến tàu container dài khoảng 690m, có khả năng tiếp nhận các loại tàu biển chở từ 6000 - 9000 TEU.
Tuy nhiên, sau khi đã có qui hoạch chi tiết khu kinh tế Vân Phong, tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị dành toàn bộ khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, với tổng diện tích 960ha cho tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp với tổng vốn đầu tư 5,8 tỉ USD.
Ngày 15/1, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu tạm dừng khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Ngày 23/1/2008, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 15/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Chính phủ đồng ý về chủ trương cho lập dự án Nhà máy thép liên hợp Vinashin - Posco tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong.
Ngày 4/2/2008, Hội Khoa học và kỹ thuật biển TP.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Trung ương "tha thiết đề nghị" xem xét lại chủ trương trên.
Sơ đồ phương án đề xuất của Posco. Nếu theo đề xuất này thì dự án nhà máy thép sẽ lấy hết phần đất quy hoạch phù hợp nhất cho khu kinh tế mở Vân Phong, trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế.
Theo Hội, mặt bằng trên bán đảo Hòn Gốm rất hạn chế. Dự kiến Thành phố Vân Phong trên bán đảo Hòn Gốm không quá 800 ha. Trong khi đó, diện tích nhà máy thép dự kiến là 969 ha.
Công văn nêu rõ: Chủ trương cho xây dựng nhà máy thép phải chăng trái với quyết định 202 ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ xác định cảng Vân Phong là cảng trung chuyển quốc tế tiềm năng duy nhất của Việt Nam và Quyết định 301 ngày 22/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của vịnh Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành: du lịch, dịch vụ, cảng, công nghiệp, nuôi trồng hải sản.
Công văn lập luận: Hiếm có vịnh nào đạt độ sâu -30m và ít bị bồi lắng như Vân Phong. Tuyến nước sâu, kín gió là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, không nên xây dựng các công trình trên bờ hay dưới nước làm ảnh hưởng đến tuyến nước sâu.
Nghị quyết 4 của BCH TƯ Đảng khoá X ngày 9/2/2007 đã khẳng định kinh tế biển và ven biển sẽ chiếm vị trí cơ bản của nền kinh tế. "Đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển sẽ chiếm 53 - 55% tổng GDP của cả nước" và xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực".
Xét về tiềm năng cảng biển, theo Hội Khoa học và Kỹ thuật Biển, ở Việt Nam không có vị trí nào tốt bằng Vân Phong.
Cũng theo Hội, dự án nhà máy thép là cần thiết đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam, nhưng hoàn toàn có thể được xây dựng ở một nơi khác trong khi cảng trung chuyển container quốc tế thì không có nơi nào thay thế được Vân Phong.
Trong trường hợp xây dựng tại Vân Phong, Hội cho rằng có một số điểm không thuyết phục
Hiệu suất nộp thuế của nhà máy thép trên một mét vuông đất không thể bằng nguồn thu từ thương mại, dịch vụ và tài chính.
Nguồn nguyên liệu và chất thải của nhà máy thép đe doạ độ sâu của Vân Phong. Khu vực Đầm Môn, Sơn Đừng được bao bọc kín bởi đồi núi cao nên khí thải khó thoát ra ngoài, tạo ra các cơn mưa axit trong khu vực trung tâm tài chính, dịch vụ. Cho dù nhà đầu tư có thể hứa sẽ dùng biện pháp khoa học, kỹ thuật để khắc phục song việc đó sẽ làm đội giá thành đầu tư lên và chưa chắc đã giải quyết triệt để.
"Không thể vì một dự án thép mà phải hy sinh một đầu mối giao thông hàng hải không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á".
Hơn nữa, vị trí Sơn Đừng là vị trí được hoạch định cho tàu khách lớn nhất thế giới neo đậu nay được sử dụng cho cảng chuyên dụng thì khó tìm vị trí khác cho tàu khách. Xây dựng cầu tàu khách lớn nhất thế giới tại Sơn Đừng chắc chắn hiệu quả hơn nhà máy thép vì sử dụng đất ít và có tác động cho cả khu vực du lịch của Khánh Hoà.
Việc cung ứng quặng sắt, nhiên liệu than hay thành phẩm tạo mật độ tàu cao trong khu vực cần ưu tiên điều động các tàu container siêu dài, siêu lớn. Trung tâm thành phố Vân Phong trong dự kiến sẽ bị tăng nhiệt độ vì nhà máy thép chỉ cách đó vài trăm mét.
Công văn kết luận: "Không thể vì một dự án thép mà phải hy sinh một đầu mối giao thông hàng hải không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á".
Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục nghiên cứu giới thiệu cho Posco - Vinashin một vị trí khác phù hợp với nhu cầu diện tích sử dụng của dự án.
-
Phạm Cường