- Ngày 18/1, Cục Hàng hải Việt Nam cũng có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục nghiên cứu giới thiệu cho Posco - Vinashin một vị trí khác phù hợp với nhu cầu diện tích sử dụng của dự án.
Công văn nêu rõ: "Đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại Vũng Đầm Môn, vịnh Vân Phong theo đúng quy hoạch chung Khu kinh tế vịnh Vân Phong đã được phê duyệt".
Bài toán kinh tế
Cục Hàng hải dẫn chứng, trên thế giới hiện nay, dịch vụ vận tải hàng hóa, đặc biệt dịch vụ hàng container đang là xu thế bắt buộc và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics. Theo đó, năm 2006, Singapore đã trung chuyển 24,792 triệu TEU, thu 3,736 tỷ đô la Singapore.
Nếu mỗi năm có 1 triệu container hàng hóa Việt Nam phải trung chuyển qua các cảng của Singapore, Hồng Kông thì Việt Nam sẽ phải chi thêm 101 - 231 triệu USD
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có một số cảng thực hiện việc xếp dỡ hàng container như Cái Lân, Chùa Vẽ - Hải Phòng, Tiên Sa - Đà Nẵng... song chỉ cho phép cỡ tàu 10.000 - 20. 000 DWT vào với các dịch vụ hàng hải không đồng bộ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chính phủ và Bộ GT đang triển khai lập dự án xây dựng một số cảng container ở khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) để đáp ứng cỡ tàu lớn hơn. Song khả năng phát triển tại các vị trí này đều có giới hạn.
Một góc thôn Đầm Môn - Vân Phong, nơi dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cũng là nơi Posco xin xây dựng cảng chuyên dụng phục vụ nhà máy thép
Vân Phong, với các lợi thế như độ nước sâu, kín sóng gió, không bị bồi lấp bởi sông biển, lại gần với các tuyến hàng hải quốc tế hoạt động sôi nổi. Vậy nên, "đây là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn bất kỳ địa điểm nào dọc bờ biển nước ta cũng như trong khu vực để xây dựng bến cảng nước sâu cho các tàu trọng tải lớn. Là lợi thế cạnh tranh của kinh tế Việt Nam và ngành hàng hải".
Hoạt động trung chuyển container là một phần trong dịch vụ logicstics. Ngoài ra, nếu xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế sẽ cần thêm nhân lực cho các hoạt động như vận chuyển, xếp dỡ, phân loại hàng hóa, bảo quản...
Theo phân tích của Cục Hàng hải, lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua đã tăng rất nhanh, trung bình 17 - 20%/năm. Riêng 2007, lượng hàng container qua cảng biển trong nước đạt 4,85 triệu TEU (tăng 31,24% so với 2006). Tuy nhiên, hàng container đi châu Âu, châu Mỹ phải trung chuyển qua các cảng Hồng Kông, Singapore làm tăng chi phí vận chuyển thêm 101 - 231USD/TEU, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cục Hàng hải tính toán, nếu mỗi năm có 1 triệu container hàng hóa Việt Nam phải trung chuyển qua các cảng của Singapore, Hồng Kông thì Việt Nam sẽ phải chi thêm 101 - 231 triệu USD. Tất nhiên, lượng hàng xuất khẩu tăng lên thì kinh phí này cũng tăng đáng kể.
Lợi ích quốc gia hay doanh nghiệp
Công văn của Cục Hàng hải cũng nêu rõ, Posco - Vinashin, trong bản dự toán chưa được cơ quan chức năng thẩm định đã đề ra mục tiêu sản xuất 8 triệu tấn thép (giai đoạn 2). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải nhập 13,3 triệu tấn quặng sắt và 12,5 triệu tấn than. Chưa kể tác hại môi trường, thì để thực hiện dự án này còn phải phá núi để tạo mặt bằng nhà máy với diện tích 1200 ha. Dự kiến, trong giai đoạn 2, lợi nhuận thu được (chủ yếu từ thuế) khoảng 279 triệu USD.
Diện tích dự kiến sử dụng cho dự án thép Posco - Vinashin.
Cục Hàng hải băn khoăn: trong tính toán của Posco - Vinashin, chưa thấy nêu và phân tích lợi nhuận cho liên doanh này cũng như chưa phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư như: tỉ suất nội hoàn tài chính, nội hoàn kinh tế, thời gian hoàn vốn... theo thông lệ quốc tế.
Chưa kể, Posco - Vinashin còn dự kiến, nếu đặt nhà máy tại Đầm Môn, còn sẽ bố trí cảng tại Hòn Gốm, nơi mà theo quy hoạch đã được phê duyệt sẽ dành để xây dựng các bến cho tàu có sức chở trên 15.000 TEU sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Từ những phân tích trên, Cục Hàng hải kiến nghị: "Các cơ quan chức năng yêu cầu tập đoàn Posco - Vinashin lập dự án đầu tư theo đúng trình tự và thủ tục xây dựng cơ bản của Việt Nam". Đồng thời, Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra quyết định phù hợp dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích doanh nghiệp và quốc gia, đặc biệt chú trọng sự phát triển bền vững của vịnh Vân Phong.
Đề xuất đầu tư của Posco-Vinashin - Các hạng mục chính: nhà máy thép liên hợp, công suất giai đoạn 1: 4 triệu tấn/năm; công suất giai đoạn 2: 8 triệu tấn/năm; nhà máy nhiệt điện chạy than; cảng chuyên dùng - Tổng mức đầu tư dự kiến: Giai đoạn 1: 5,8 tỉ USD (Nhà máy thép 4,6 tỉ USD, nhà máy điện: 1 tỉ USD). Giai đoạn 2: bổ sung 4,3 tỉ USD (nhà máy thép: 3,3 tỉ USD, nhà máy điện: 1 tỉ USD). - Posco đề xuất vị trí cảng chuyên dùng làm từ vị trí hai bến thuộc giai đoạn khởi động xuống phía Nam (bao gồm vị trí 2 bến thuộc giai đoạn phát triển I và khu vực phát triển tiềm năng Hòn Ông theo quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được duyệt, còn cảng trung chuyển quốc tế phát triển từ vị trí xây dựng hai bến thuộc giai đoạn khởi động hiện nay lên phía Bắc. |
-
Lê Nhung