- Gặp gỡ báo chí trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Vương quốc Anh, Đại sứ Anh tại Việt Nam Mark Kent cho rằng chuyến thăm sẽ tiếp tục khẳng định hình ảnh một nước Việt Nam năng động. Nhiều thỏa thuận ấn tượng sẽ được ký trong chuyến thăm này.
Sau hơn hai tháng tại Việt Nam, tân Đại sứ Anh chia sẻ ấn tượng về một Việt Nam năng động. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam là câu chuyện thành công trên toàn thế giới về lĩnh vực phát triển.
Tân Đại sứ Anh Mark Kent ( phải) và Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển Anh DFID Donald Brown (trái) tại cuộc gặp gỡ báo chí. Ảnh: PL |
"Hình ảnh Việt Nam trong mắt người Anh đang thay đổi nhanh chóng, nhất là khi nhận thức về sự tăng trưởng của châu Á mà Việt Nam là một nhân tố quan trọng. Người Anh ngày càng nhận thức rõ hơn về những gì Việt Nam có thể mang lại cho họ, không chỉ là đầu tư, thương mại. Mở bất kì tạp chí văn hóa nào ở Anh, nhìn vào mục văn hóa - du lịch, bạn sẽ thấy Việt Nam luôn được đề cập như một điểm đến hấp dẫn", Đại sứ Mark Kent chia sẻ.
Nhiều thỏa thuận ấn tượng sẽ được ký
Đại sứ cho biết, 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Anh: thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, hợp tác quốc tế, giáo dục và chống di cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức. Đây cũng là lĩnh vực sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Anh tuần tới.
Vào thời điểm trước khi tôi tới Việt Nam, thời tiết bên Anh rất lạnh. Tôi đã vào siêu thị Tesco mua một chiếc mũ trùm đầu. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được quyết định cử làm Đại sứ của Anh tại Việt Nam. Thật tình cờ, chiếc mũ này được sản xuất tại Việt Nam, cười hóm hỉnh, Đại sứ Mark Kent kể.
Trong đó, thương mại và đầu tư là nội dung chủ yếu trong lịch trình bận rộn của Thủ tướng Việt Nam tại London.
Chưa thể công bố chi tiết, tuy nhiên, Đại sứ Anh khẳng định, sẽ có nhiều thỏa thuận ấn tượng được ký kết nhân chuyến thăm này.
Hiện nay, thương mại hai chiều đạt 1,8 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam là 1,56 tỷ USD.
Về hợp tác đa phương, Đại sứ Anh khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng. Hiện nay, hai nước đang hợp tác trong Hội đồng Bảo an LHQ, thường xuyên trao đổi ý kiến ở New York, London và Hà Nội. Việt Nam là thành viên quan trọng trong ASEAN và là nhà đàm phán tích cực Hiệp định Thương mại tự do EU - ASEAN, ông Mark Kent nói.
Rót thẳng viện trợ, Anh tin vào hệ thống của Việt Nam
Trong lĩnh vực phát triển, Chính phủ Anh, thông qua Bộ Phát triển quốc tế DFID bắt đầu viện trợ cho Việt Nam từ năm 1992, với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD. Trong hai năm gần đây, quy mô của chương trình đạt khoảng 100 triệu USD, hầu hết rót thẳng vào ngân sách của Chính phủ Việt Nam.
Trước băn khoăn của phóng viên về việc liệu có hay không nguy cơ tham nhũng số tiền viện trợ khi áp dụng hình thức rót thẳng này, ông Donald Brown, đại diện của DFID cho biết, khi hợp tác với một quốc gia nào đó, Chính phủ Anh luôn tin vào hệ thống của quốc gia đó. Các hoạt động hỗ trợ dựa trên ưu tiên phát triển của nước đó. Chính phủ Anh tin rằng nước nhận viện trợ có chính sách điều hành hiệu quả.
Tất nhiên, nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra nhưng trong thời gian tới, Anh sẽ tiếp tục áp dụng hình thức này trong cung cấp viện trợ của Việt Nam. Đồng thời, Anh sẽ giúp tăng cường quản lý tài chính công và nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam. DFID cũng hình thành hệ thống quản lý và đánh giá rủi ro riêng.
Hiện nay, Anh đang có dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho Quốc hội Việt Nam. Chính phủ Anh đang làm việc chặt chẽ với các Ủy ban như Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban về các vấn đề xã hội...
-
Phương Loan