- "Không chỉ người dân mà tôi cũng đang bức xúc như ngồi trên đống lửa", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ với báo giới sau khi đã giành tới gần 45 phút trả lời tất cả những chất vấn về tình hình tăng giá hiện nay.
Thường trực Chính phủ thừa nhận điều hành vĩ mô còn lúng túng. Ảnh: L.N
Thậm chí, ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Ninh tiếp tục bày tỏ băn khoăn: "Tôi cứ vẩn vơ mãi về vấn đề thả nổi xăng dầu. Nhưng DN nhập khẩu xăng dầu cũng là doanh nghiệp nhà nước. Riêng Tổng Công ty xăng dầu đã nhập 70%".
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định: Chính phủ vẫn đang kiểm soát giá xăng dầu, không có tình trạng thả nổi. Việc tăng giá xăng giữa lúc giá cả tăng cao cũng đã được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng. "Không lẽ chúng ta chấp nhận bù lỗ. Mà bù như thế là không đúng chỗ. Nhà nước không thả nổi giá xăng dầu. Nhà nước chỉ thay đổi phương thức quản lý", ông Ninh nói.
Khoản tiền bù lỗ xăng dầu hàng nghìn tỷ đồng trước đây sẽ được trợ giá cho các ngư dân, người nghèo, vùng khó khăn. Các tàu đánh bắt cá xa bờ sẽ được hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tính toán hình thành mặt bằng giá xăng, dầu trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý… Từ đó, xây dựng mức giá trần cho các doanh nghiệp đăng ký.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, để giá cả hai tháng đầu năm lên tới 6%, Chính phủ nhận thấy sẽ rất khó thực hiện mục tiêu giữ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP như Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Hiện Chính phủ đang cân nhắc tìm giải pháp nhưng nỗ lực chung là sẽ đảm bảo ở mức thấp nhất. "Cuối năm 2007, chúng ta đã bị động khi giải quyết bài toán giữa tăng trưởng và lạm phát", ông Ninh rút kinh nghiệm.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về việc ngoài thực thi các chính sách tiền tệ, Chính phủ có tính tới rà soát lại chi tiêu ngân sách quốc gia, đặc biệt các dự án kém hiệu quả để kiềm chế tăng giá hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ đã kịp thời rà soát vấn đề này. Các cơ quan nhà nước sẽ thực hiện tiết kiệm công quỹ. Những doanh nghiệp lớn như xăng dầu cũng cần thắt chặt chi tiêu".
Nói về hàng loạt giải pháp điều hành tiền tệ trong thời gian ngắn vừa qua, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận: "công tác dự báo khi ban hành các chính sách tiền tệ còn yếu kém".
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã xác định các bộ, ngành cần bình tĩnh, hợp tác nhưng quyết tâm, quyết liệt, điều hành vĩ mô. "Tăng trưởng là yêu cầu quan trọng nhưng chống lạm phát là đòi hỏi cấp bách hơn cả", Thủ tướng khẳng định.
-
Lê Nhung