Chiều 28/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Chính phủ là "không làm gì ảnh hưởng đến cảng nước sâu Vân Phong và phải đảm bảo cho quy hoạch Vân Phong".
Trả lời câu hỏi của VietNamNet tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ về quan điểm của Chính phủ đối với dự án thép liên hợp Posco - Vinashin tại Vân Phong đang gây tranh cãi hiện nay, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Không phải nhà máy thép mà cảnh quan, môi trường và phát triển cảng nước sâu mới là quan trọng nhất".
Vân Phong, với các lợi thế như độ nước sâu hiếm có (từ 20 - 40m), kín sóng gió, không bị bồi lấp bởi sông biển, cách hải phận quốc tế chỉ 14km, gần ngã ba các tuyến hàng hải quốc tế được các chuyên gia hàng hải nhìn nhận là "nơi duy nhất của Việt Nam có đủ điều kiện cạnh tranh mạnh trong hệ thống dịch vụ cảng trung chuyển container quốc tế".
Một góc thôn Đầm Môn thanh bình hôm nay, nơi hình thành cảng trung chuyển container quốc tế tầm cỡ khu vực trong tương lai. Ảnh: Lan Trang
5 năm trước, lần đầu tiên thị sát Vân Phong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi ấy là Phó Thủ tướng) cũng đã thốt lên: "Đây là nơi duy nhất ở VN có thể biến ước mơ về một cảng nước sâu thành hiện thực!". Ông khẳng định: "Vân Phong sẽ mở ra cực phát triển mới của Việt Nam".
Sau 10 năm nghiên cứu với nhiều đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước, ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch chung khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành gồm: du lịch, dịch vụ, cảng, công nghiệp, nuôi trồng hải sản, mà hạt nhân là cảng trung chuyển container quốc tế. Ngày 13/7/2007, Quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt sau khi được các tư vấn trong và ngoài nước thẩm tra phản biện, đặc biệt có sự tham gia của tư vấn hàng đầu thế giới về cảng biển Nedeco - Haskoning (Hà Lan).
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã dự kiến khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong vào ngày 25/1/2007 tại vũng Đầm Môn, vịnh Vân Phong, với hai hạng mục chính là hai bến tàu container dài khoảng 690m, có khả năng tiếp nhận các loại tàu biển chở từ 6000 - 9000 TEU.
Tuy nhiên, sau khi đã có qui hoạch chi tiết khu kinh tế Vân Phong, tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đề nghị dành toàn bộ khu vực trung tâm bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong cho tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy thép liên hợp Vinashin - Posco với tổng vốn đầu tư 5,8 tỉ USD.
Vị trí Posco dự kiến đặt nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện và cảng chuyên dùng rộng 969 ha, bao gồm khu vực tiềm năng cảng trung chuyển và khu vực dịch vụ tổng hợp, khu phi thuế quan của Khu Kinh tế Vân Phong.
Ngày 15/1, Văn phòng Chính phủ có công văn yêu cầu tạm dừng khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong."để làm rõ một số vấn đề liên quan".
Phương án đệ trình cuối cùng của dự án nhà máy thép liên hợp Posco - Vinashin. Không chỉ chiếm gần hết diện tích dành cho các khu chức năng quan trọng của Khu kinh tế Vân Phong, dự án còn phải đào đổ xuống vịnh Vân Phong khoảng 60 triệu m3 đất đá để lấp 430ha mặt nước vịnh này.
Ngày 23/1, Posco - Vinashin được chấp thuận về mặt chủ trương cho lập dự án nhà máy thép tại vị trí tiềm năng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với điều kiện phải sử dụng công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, Vinalines khởi công hai bến khởi động dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong để đảm bảo tiến độ dự án.
Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng hải và Cục Hàng hải đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại chủ trương trên. Giới chuyên gia, các nhà quản lý lo ngại, dự án thép không chỉ chiếm mất nhiều diện tích sử dụng cho cảng trung chuyển quốc tế và Khu kinh tế mở Vân Phong mà có thể gây ra những tác động xấu về môi trường sinh thái và độ sâu tự nhiên của vịnh Vân Phong.
-
L.Nhung - V.Lâm