Ngày 3/3 tại cuộc họp thứ 5848, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với 14 phiếu thuận, 1 phiếu trắng (Inđônêxia) đã thông qua Nghị quyết về vấn đề hạt nhân của Iran.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn thường trực, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nêu rõ: "Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của cả ba trụ cột chính của hiệp ước này, đó là việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, việc tôn trọng quyền của tất cả các nước thành viên được phát triển nghiên cứu, sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, và việc mỗi nước thành viên tiến hành thương lượng về các biện pháp chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bên trong nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran
Việt Nam cho rằng việc các nước thành viên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nêu trong NPT và được thụ hưởng đầy đủ những lợi ích mà hiệp ước này mang lại sẽ góp phần duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và vào sự phát triển kinh tế xã hội của tất cả các quốc gia. Ý thức về tầm quan trọng của ba trụ cột chính này của Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, Việt Nam luôn theo sát vấn đề hạt nhân của Iran với mong muốn vấn đề này được giải quyết bằng biện pháp hoà bình và thông qua đối thoại.
Việt Nam luôn hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc, của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng như nỗ lực của các nước, các nhóm nước liên quan hướng tới mục tiêu này. Tại các diễn đàn quốc tế, kể cả Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và tại IAEA, và trong các tiếp xúc song phương với các nước, Việt Nam đã kiên trì lập trường nêu trên, tích cực góp phần thúc đẩy đối thoại và sự hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại."
Đại sứ Lê Lương Minh nhấn mạnh: "Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình thương lượng văn bản Dự thảo Nghị quyết và đã đề nghị nhiều sửa đổi theo hướng sự hợp tác của Iran với IAEA, tiến bộ trong việc thực hiện chương trình làm việc của IAEA và Iran phải được thừa nhận một cách tích cực hơn; quyền hạn và vai trò của IAEA với tư cách là cơ quan được uỷ quyền giải quyết các vấn đề không phổ biến hạt nhân trong khuôn khổ NPT cần phải được phản ánh đầy đủ hơn; quyền của các nước xúc tiến các hoạt động thương mại quốc tế bình thường cần phải được tôn trọng; và việc thực thi các điều khoản của nghị quyết phải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc gia và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển và các hiệp định hàng không dân dụng quốc tế liên quan..."
Đại sứ tuyên bố: "Với việc các sửa đổi do Việt Nam đề nghị cùng với những sửa đổi của các nước thành viên khác theo hướng trên đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết, với việc cả Dự thảo Nghị quyết và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Mỹ đều chủ trương một giải pháp thương lượng và ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran, với việc bản báo cáo ngày 22/2/2008 của Tổng Giám đốc IAEA, trong khi thừa nhận tiến bộ trong việc Iran hợp tác với IAEA, cho thấy Iran vẫn cần phải đáp ứng những yêu cầu của Hội đồng Bảo an và IAEA, với việc phạm vi thi hành các biện pháp được nêu trong Dự thảo Nghị quyết này về cơ bản giống như trong các nghị quyết trước đây, cụ thể là Nghị quyết 1737(2006) và Nghị quyết 1747(2007) đã được Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua, Việt Nam bỏ phiếu thuận đối với Dự thảo Nghị quyết."
Đại sứ Lê Lương Minh chỉ rõ: "Quyết định bỏ phiếu thuận đối với Dự thảo Nghị quyết, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân của Iran, kể cả việc chấm dứt chính sách thù địch chống Iran, bảo đảm các lợi ích an ninh chính đáng của Iran và tôn trọng quyền của Iran được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Việt Nam cũng cho rằng việc thiết lập một khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Cận Đông theo các nghị quyết liên quan của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, và việc tất cả các nước trong khu vực tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ là những bước tích cực theo hướng này."
Ngay trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Lê Lương Minh với tư cách là Chủ tịch trong tháng 3/2008 của Nhóm các nước Không liên kết là thành viên Hội đồng Bảo an đã chủ trì cuộc họp của nhóm bàn thảo lập trường chung của nhóm đối với yêu cầu của Iran được phát biểu trình bày quan điểm của mình với tư cách là nước trực tiếp liên quan trước khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu dự thảo Nghị quyết.
Tại cuộc họp tham vấn toàn thể của Hội đồng Bảo an, thay mặt nhóm các nước Không liên kết, Đại sứ Lê Lương Minh đã nêu quan điểm chung của các nước Không liên kết là thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ yêu cầu của Iran. Hội đồng Bảo an trên cơ sở khuyến nghị của Chủ tịch (Nga) chấp nhận quan điểm của các nước Không liên kết.
(Theo TTXVN)