- Chiều 6/3, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhiệm kỳ Đại hội X do Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Hữu Phú làm Chủ tịch đã ra mắt tại Hà Nội.
Lạc hậu trong phê bình dẫn đến tác phẩm lệch lạc
Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội đồng Phùng Hữu Phú nhận định: "Sự ra đời của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ yếu và trước hết nhằm tập hợp, khâu nối, đoàn kết, phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng của giới lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong cả nước, hướng vào giải quyết những vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách trong đời sống văn học, nghệ thuật".
Phương châm hoạt động của Hội đồng, theo ông Phú, là "chân thành, cầu thị, thật sự dân chủ, nghiêm túc, khoa học và thiết thực".
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang: Nhiệm vụ của Hội đồng là "tư vấn cho Đảng, Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đánh giá tình hình sáng tác, lý luận, phê bình".
"Hội đồng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, một mái nhà chung, nơi trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn, đầy trách nhiệm mọi vấn đề liên quan đến lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật vì sự nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững một lĩnh vực quan trọng và tinh tế trong đời sống tinh thần của đất nước", ông Phú bày tỏ hy vọng.
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng: "Những năm gần đây, bên cạnh những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật tốt và là dòng chính, cũng đã xuất hiện xu hướng hạ thấp chức năng giáo dục, xa rời các chức năng cao quý của văn học, nghệ thuật cách mạng. Đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải kiên quyết khắc phục".
Hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương còn nhiều hạn chế, mang tính vụ việc, chưa thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn đời sống sáng tác, lý luận, phê bình. Kết luận của Ban Bí thư, tháng 6/2007
Ông Sang nhấn mạnh: "Lý luận, phê bình không chỉ có vai trò định hướng đối với sáng tác văn học, nghệ thuật mà còn định hướng cảm thụ của đông đảo quần chúng. Sự lạc hậu, yếu kém của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, lệch lạc của một số tác phẩm thời gian qua".
Với những thành viên "có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín, có năng lực", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ của Hội đồng là "tư vấn cho Đảng, Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, đánh giá tình hình sáng tác, lý luận, phê bình".
Đồng thời, Hội đồng cũng phải đề xuất các nội dung mới, hoàn thiện đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, cơ sở lý luận của nền văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ mới; đấu tranh với những quan điểm sai trái, lệch lạc, góp phần hình thành đời sống văn nghệ phong phú, lành mạnh.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ Đại hội X gồm 18 thành viên, trong đó có lãnh đạo các Hội Nhạc sỹ, Nhà văn, Kiến trúc, Mỹ thuật, Sân khấu...
-
Vân Anh