- "Phát triển cảng biển ở Vân Phong là mở ra một đầu mối để hình thành 1 trung tâm tài chính - thương mại. Đây là tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam trong một trăm năm tới", ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người đứng ra làm "cầu nối" kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Vân Phong từ năm 2003 cho biết.
Vân Phong: Tương lai kinh tế của Việt Nam
Ông Bùi Kiến Thành: "Vân Phong là một bảo vật". Ảnh: LAD
Ông Thành khẳng định: Vân Phong (Khánh Hoà) với những lợi thế cạnh tranh là nơi có thể tiếp nhận tất cả các loại tàu lớn, kể cả các tàu container siêu lớn, tàu khu trục, tàu sân bay và tàu chở dầu trên 500.000 tấn.
Ngoài ra, dự án của Thái Lan thực hiện kênh đào KRA nối liền Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương, sẽ có tác động lớn đến vận chuyển hàng hải quốc tế. Kênh đào này sẽ mở đường trực tuyến cho tàu viễn dương từ châu Âu qua châu Á, Thái Bình Dương mà không còn phải đi qua eo biển Malacca và Singapore. Cảng Vân Phong sẽ là cảng biển lớn đầu tiên trên tuyến đường này.
Theo ước lượng của Cục Hàng hải thì gần 50% lượng hàng hóa quốc tế được chuyển trên hải phận VN. Đây cũng là trọng tâm địa dư của vùng kinh tế Bắc Á - Nam Á trải từ Nhật Bản đến Ấn Độ gồm hơn 50% dân số của địa cầu.
Với tầm quan trọng như vậy, trong tương lai Vân Phong không kém gì các cảng lớn Yokohama, New York, San Fransisco.
Chúng ta là một quốc gia duyên hải. Phát triển kinh tế biển là không gian sinh tồn bền vững của đất nước, mà trọng tâm là Vịnh Vân Phong.
Ông từng nói: "Vân Phong là tương lai kinh tế của Việt Nam trong một trăm năm tới". Cơ sở nào cho nhận định này?
- Nhìn từ các phương diện địa lý, địa thế, tiềm năng phát triển như trên, Vân Phong chứ không phải Hà Nội hay TP.HCM sẽ trở thành một trung tâm thương mại - tài chính - kinh tế lớn nhất Việt Nam, ngang tầm Roxtexdam, London, Tokyo.
TP.HCM là một cảng sông. Hải Phòng, Quảng Ninh và Đà Nẵng không đủ độ sâu để trở thành một cảng tầm cỡ quốc tế. Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, hầu hết các trung tâm thương mại tài chính lớn đều hình thành từ một thành phố cảng, chẳng hạn London, New York, San Francisco, Tokyo, Thượng Hải, Sidney v.v… Rõ ràng Vân Phong là bảo vật, là tương lai kinh tế của Việt Nam trong một trăm năm sắp tới.
Sơ đồ khu vực đã được quy hoạch xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong. Ảnh: D.Q
Đây là con đường, là cơ hội cho VN vươn ra thế giới. Vân Phong là điểm xuất phát cũng là điểm trung tâm. Nghị quyết về chiến lược biển đến năm 2020 do Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đầu năm 2007 đã xác định tầm nhìn trong dài hạn là sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển và rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của đại dương.
Nếu chỉ vì 5 tỷ USD, có thể đặt dự án thép nơi khác
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng để liên doanh Posco - Vinashin xây nhà máy thép thì sẽ thu ngân sách về nhanh hơn và tạo nhiều việc làm hơn là chờ cảng trung chuyển container quốc tế hình thành. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Với những gì tôi cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập trước đó, nếu "cắm" dự án thép của Posco vào giữa thành phố cảng Vân Phong tương lai không khác nào đặt một trái đắng ngay vào mạch, cản trở sự phát triển của một trung tâm tài chính thương mại lớn khu vực châu Á.
Cảng Roxtecdam lớn nhất châu Âu, hơn 140 năm sau vẫn chứng tỏ tiềm năng quy hoạch tốt. Cảng biển là nơi phát triển tiềm năng của một khu đô thị. Chúng ta đã không thể đem một nhà máy cán thép đặt giữa London, New York, Hà Nội hay TP.HCM thì cũng không thể xây dựng một Posco ở giữa Vân Phong.
Phải cân nhắc tầm quan trọng của Vân Phong với đất nước thay vì chăm lo lợi ích cục bộ. Để có số tiền 5 tỷ đô la, chúng ta có thể đặt dự án ở nơi khác.
Lý lẽ đưa ra để chấp thuận đặt Posco giữa Vân Phong lại thể hiện một cái nhìn ngắn hạn. Đây là bài toán đánh đổi mục tiêu dài hạn cho sức ép ngắn hạn.
Theo ông, liệu có thể điều chỉnh quy hoạch để cùng xây dựng nhà máy thép lẫn cảng biển để sẽ cùng mang lại nguồn lợi cả trong dài hạn và ngắn hạn?
- Theo phương án của Posco - Vinashin, nơi xây dựng nhà máy thép nằm vào điểm chính của cảng trung chuyển. Nghĩa là "cắm" ngay nhà máy thép vào chỗ ưu thế nhất cho cảng. Điều chỉnh quy hoạch là một chuyện nhưng điều kiện làm cảng không thể dời chỗ khác được mà phải đúng chỗ đó thì mới phát huy hết ưu việt.
Thứ hai, khi xây dựng một nhà máy thép, cần cân nhắc kỹ vấn đề ô nhiễm môi trường. Vân Phong nằm giữa một khu kinh tế biển, trải dài dọc từ Đà Nẵng vào tới Ninh Thuận. Tài sản thiên nhiên và giá trị sinh vật biển của Việt Nam là rất lớn, không thể chỉ quy ra bằng nghìn tỷ USD, không thể hy sinh cho một dự án 5 hay 10 tỷ đôla được.
Dự án tổ hợp thép điện Posco - Vinashin đã được Khánh Hoà đồng ý. Dự phải lấn biển gần 400ha, cần khối lượng vật liệu lấp biển khoảng 50 triệu m3; đồng thời phải dành cho POSCO hơn 300ha đất khu phi thuế quan, hơn 200ha của cảng trung chuyển Vân Phong (giai đoạn tiềm năng) với chiều dài bờ hơn 3km đã có trong qui hoạch được duyệt. Ngoài ra, dự án thép còn trùm lên diện tích cảng du lịch công suất trung bình 1,1 triệu khách/năm
Với một trung tâm thương mại - tài chính - kinh tế như Vân Phong trong tương lai, vấn đề quan trọng nhất là nguồn nước. Nếu đặt một nhà máy thép ở đây sẽ có nguy cơ tiêu diệt cạn kiệt nguồn nước sạch. Chưa kể, nước thải từ nhà máy thép sẽ hủy diệt hải sản cũng như loang ra vịnh. Vậy nên, nếu đánh giá tác động môi trường, rõ ràng nên đặt nhà máy thép ở một nơi nào đủ khả năng cung cấp nước ngọt và giải quyết được vấn đề nước thải..
20 hoặc 50 năm tới chúng ta có thể đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến nhưng tác hại môi trường là vấn đề hàng trăm năm không thể vãn hồi được.
Cần báo cáo tác động môi trường ở Vân Phong
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Việt Nam nên tập trung nâng cấp các cảng biển hiện có thay vì đổ một lượng tiền lớn xây cảng trung chuyển container quốc tế. Lý do vì Vân Phong nằm gần một khu vực kinh tế kém phát triển?
- Nếu nhìn 5, 10 năm thì rõ ràng khi đầu tư vào Vân Phong là phải chấp nhận mạo hiểm. Nhưng nếu nhìn như Singapore 100 năm trước hoặc Yokohama 200 năm trước thì Vân Phong là bảo vật đang nằm chờ để đánh thức.
Phát triển Vân Phong là mở ra một đầu mối để lôi kéo sự phát triển của cả khu vực chứ không phải là nơi gắn với một trung tâm kinh tế sẵn có.
Một góc thôn Đầm Môn - Vịnh Vân Phong, bảo vật của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Lan Trang
Nếu không đầu tư nhà máy thép vào Vân Phong thì chúng ta cần làm gì để Vân Phong sớm thành cảng trung chuyển quốc tế, kéo theo đó là trung tâm tài chính, kinh tế? Tiềm năng thu hút đầu tư của cảng biển này đến đâu?
- Khả năng thu hút đầu tư không thành vấn đề. Đây là cảng trung chuyển container quốc tế. Không chỉ thị trường nội địa mà những công ty hàng hải mạnh đều cần sử dụng. Điều cần làm là phải có ngay một quy hoạch tổng thể cho 5 năm - 10 năm..., 50 năm tới và nghiên cứu ngay một báo cáo tác động môi trường tổng thể.
Đây là việc mà nước chủ nhà cần phải làm. Vốn đầu tư vào một cảng thế này không chỉ 5-10 tỷ USD. Vốn 20 tỷ USD cũng là chuyện trong 10 năm đầu. Muốn phát triển một thành phố cảng lớn gấp rưỡi Hà Nội theo quy hoạch đã được phê duyệt thì không phải dùng 100 tỷ USD để 50 năm tới trở thành như San Francisco.
Mình là chủ nhà thì phải có một chương trình kế hoạch phát triển cho hợp lý, biến một tài nguyên hiếm và lớn như vậy thành hiện thực. Muốn đi kêu gọi đầu tư cũng phải có bài bản. Thu hút đầu tư, phải có một nghiên cứu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để cả thế giới biết, chứ không thể nói chung chung. Nên vấn đề bây giờ là xây dựng một quy hoạch và bảo vệ quyết liệt cho quy hoạch đó.
Xáo trộn quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư
Nhưng đặt giả thiết đã có quy hoạch chi tiết và báo cáo tác động môi trường, khả năng thu hút đầu tư của cảng biển này đến đâu?
- Có nguy cơ là xáo trộn quy hoạch như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến thu hút đầu tư. Theo tôi biết Vân Phong chưa có một báo cáo nghiên cứu tổng thể như vậy mà mới ở dạng sơ khai. Trong khi dải bờ biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đều nằm trong khả năng tác động từ ảnh hưởng của Vân Phong.
Nhiều lần Bộ KHĐT đã qua Mỹ trình bày về Vân Phong, nhưng họ đều lắc đầu do chúng ta chưa có báo cáo tác động môi trường. Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Châu Á cũng không bao giờ đầu tư vào các dự án hủy hoại môi trường vì khả năng kêu gọi tài chính không lớn.
Ông vừa nói cần một quy hoạch tổng thể mới thu hút được đầu tư. Như vậy, theo ông, quy hoạch phát triển Vân Phong như lâu nay đã phù hợp chưa?
- Quy hoạch của Bộ Xây dựng làm cũng mới là sơ khởi, theo vùng chứ chưa thực sự là quy hoạch chi tiết. Tôi đã nhiều lần góp ý là chúng ta nên có một bộ phận tư vấn quốc tế cùng làm để có tính chất khách quan và khoa học hơn. Như vậy người muốn đầu tư vào mới nghĩ đây không phải là chuyện nhỏ. Thậm chí quy hoạch một quận của TP. HCM cũng thuê tư vấn quốc tế thì không có lý do gì quy hoạch một thành phố gấp rưỡi Hà Nội mà không làm một nghiên cứu khoa học chiến lược.
Quy hoạch phát triển của Vân Phong không chỉ về kinh tế mà còn là môi trường, văn hoá, xã hội. Rất nhiều thứ để làm trong một thành phố tiềm năng là trung tâm thương mại tài chính của đất nước.
-
Việt Lâm - Lê Nhung