- Sau một năm triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thành phố Hà Nội báo cáo có nhiều ý kiến đề nghị phải nêu gương từ trên, lãnh đạo các cấp phải nêu gương bằng cách nói đi đôi với làm từ những việc cụ thể.
"Nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu"
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn qua Cuộc vận động, Hà Nội sẽ có đội ngũ cán bộ, công chức "giỏi về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống". Ảnh: VA
Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động tổ chức sáng 11/3, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Xuân Hằng cho hay, trong giai đoạn đầu, có nhiều ý kiến cho rằng đối tượng của Cuộc vận động này chỉ nên tập trung vào đội ngũ có chức quyền.
"Song qua học tập, đã có sự thay đổi, đa số nhận thức được việc học tập là thực sự cần thiết, bổ ích đối với tất cả các cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân".
Ông Hằng nói: "Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi tệ quan liêu, tham nhũng và lãng phí đang biến tướng dưới nhiều trạng thái tinh vi như hiện nay, việc Đảng tiến hành Cuộc vận động là cấp bách. Nhiều người nghĩ cái cốt yếu là "làm theo".
Tuy nhiên, ông Hằng cũng cho biết có lo ngại "việc học tập đạo đức của Bác Hồ thì dễ nhưng làm theo mới là khó, thực tế các cuộc học tập vừa qua còn nói nhiều, làm chưa được bao nhiêu".
"Rất nhiều ý kiến đề nghị phải nêu gương từ trên, lãnh đạo các cấp phải nêu gương bằng cách nói đi đôi với làm từ những việc cụ thể để tuyên truyền, vận động toàn Đảng, toàn dân làm theo", ông Hằng nhấn mạnh.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về thực hiện Cuộc vận động cũng chỉ rõ, một số cấp ủy và cơ quan còn chưa tập trung chỉ đạo, quán triệt sâu sắc yêu cầu. Việc triển khai ở một số đơn vị còn "qua loa", "hình thức", ở khối doanh nghiệp có đơn vị mới chỉ dừng ở bước xây dựng kế hoạch.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, trong năm 2008, các cấp ủy Đảng phải triển khai Cuộc vận động một cách "sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực, đi vào chiều sâu, tránh hình thức, máy móc, với những việc làm cụ thể, từ việc nhỏ như tiết kiệm điện, xăng xe, tiêu dùng cá nhân, đến việc nâng cao trách nhiệm trong công việc, nhất là của người đứng đầu, rồi việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ".
Ông Nghị cho rằng, điều này gắn liền với việc triển khai thắng lợi 5 nhiệm vụ của thành phố, trọng tâm là cải cách hành chính và công tác cán bộ.
Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, đối tượng chính của Cuộc vận động là cán bộ, công chức, đảng viên lại "chưa tham gia sôi nổi". Ông yêu cầu trong năm nay, Cuộc vận động phải hướng vào đối tượng này, để Thủ đô có đội ngũ cán bộ, công chức "giỏi về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, lối sống".
Ông Nghị đồng tình với đề xuất của quận ủy Hoàng Mai về việc lấy ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và công chức. Theo Bí thư quận ủy Hoàng Mai Trần Thị Thanh Nhàn, chỉ nên lấy ý kiến với cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ và ngay khi phát hiện sai phạm.
"Có lẽ thành phố nên nghiên cứu, cân nhắc đề xuất này. Không cần chờ đến 6 tháng hay 1 năm để lấy ý kiến nhân dân về công chức. Chẳng lẽ một cán bộ tham ô từ tháng giêng mà đến tháng 12 mới nhận xét?", Bí thư Nghị nói.
-
Vân Anh