221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1043927
Sơn Mỹ hôm nay
1
Article
null
40 năm thảm sát Mỹ Lai (16/31968):
Sơn Mỹ hôm nay
,

 - Cách đây 40 năm, ngày 16/3/1968, tại làng quê Sơn Mỹ, Quảng Ngãi đã xảy ra vụ thảm sát khiến 504 thường dân vô tội đã bị quân đội Mỹ giết hại. Ngày nay, Sơn Mỹ đang nhọc nhằn khép lại đau thương, vượt qua nghèo khó.

Mô tả ảnh.
Nỗi sợ hãi của người dân trước họng súng giặc Mỹ (ảnh chụp lại tại Khu trưng bày Chứng tích Sơn Mỹ)
Những ngày tháng 3, làng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) thật yên bình như bao làng quê khác ở Việt Nam. Nhưng cách đây 40 năm, ngày kinh hoàng 16/3/1968, chính tại làng quê này, 504 con người đã bị lính Mỹ xả súng giết chết không thương tiếc. Vụ thảm sát đã đi vào lịch sử và gây chấn động thế giới dưới cái tên: Thảm sát Mỹ Lai. 

40 năm qua, nỗi đâu vẫn còn đó, nhưng người dân Sơn Mỹ đã dằn nén đau thương, gác lại quá khứ để cùng nhau xây dựng quê hương.

Sáng 14/3/2008, nhiều người đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ không khỏi xúc động khi nhìn thấy một người phụ nữ bị tật ở chân, khóc nức nở và ngất lên, ngất xuống trước ngôi nhà tranh vừa được phục dựng lại trong khu chứng tích. Đó là chị Đỗ Thị Ánh Tuyết, một người sống sót trong vụ thảm sát, nhưng cả gia đình chị gồm mẹ và 4 đứa em đều bị chết trong vụ thảm sát sáng ngày 16/3/1968.

Còn đó nỗi đau

Năm nào cũng vậy, gần đến ngày 16/3 chị cùng chồng vượt gần 400 km từ Gia Lai về quê để thắp nhang cho gia đình. Anh Hồ Đình Hưng - chồng chị Tuyết nói: Tội nghiệp, nỗi đau quá lớn, cả 5 người trong gia đình bị giết, lúc đó Tuyết mới có 13 tuổi, sống sót là nhờ xác của mẹ và các em chết đè lên, nhưng cũng bị một viên đạn găm vào lưng. Sau đó Tuyết được bộ đội mang về và đưa đi. Chị trở thành nhân chứng sống đi khắp nơi để tố cáo tội ác của quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Còn bà Hà Thị Quý - người sống sót trong vụ thảm sát ngày 16/3/1968 thường xuyên đến Khu tưởng niệm Sơn Mỹ để thắp nén nhang cho gia đình cùng hàng xóm bị giặc Mỹ giết hại.

Mặc dù đã 40 năm qua, nhưng với những gì xảy ra ngày 16/3/1968 đối với bà vẫn như mới ngày nào, nó thật kinh hoàng và nỗi đau ấy với bà là quá lớn, bởi tất cả những người trong gia đình bà đã không còn ai. Mỗi khi nhắc lại quá khứ, hai dòng lệ lại tuôn ra trên đôi gò má gầy và gương mặt già nua của bà.

Mô tả ảnh.
Tượng đài thảm sát Sơn Mỹ
Bà kể, sáng hôm ấy lính Mỹ tràn về làng quê, đi đến đâu chúng bắn xối xả đến đó, người già, phụ nữ, trẻ em, không chừa một ai. Bà thoát chết nhờ những người phía trước ngã đè lên, nhưng đứa con gái 17 tuổi và đứa con trai 6 tuổi đã chết ngay bên cạnh bà. Nói đến đây bà lặng người đi...

Cũng giống như bà Quý, bà Phạm Thị Thuận, 79 tuổi cũng là người sống sót sau vụ thảm sát. Gia đình bà có 6 người gồm chồng, con và cháu…đều bị sát hại. 

"Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh ấy lại ám ảnh tôi", bà Thuận nghẹn ngào.

40 năm đã trôi qua... Về Sơn Mỹ hôm nay, ngoài những nhân chứng sống, hình ảnh bi thương còn hiện diện khắp khu vực Sơn Mỹ. Rải rác đó đây trong các xóm thôn là những tấm bia dựng lên ở các địa điểm xảy ra vụ thảm sát như tại tháp canh bên con đường đất nhỏ xóm Thuận Yên với 102 người bị bắn chết, phía đối diện dưới gốc cây là 15 phụ nữ và trẻ em bị giết hại, đi qua xóm Mỹ Hội, một tấm bia ghi dấu 97 người dân bị sát hại, rồi trong góc vườn nhà ông Phạm Đạt, cũng dựng một tấm bia tưởng niệm khắc tên 11 người dân vô tội…

Trong khu trưng bày đã lưu lại hàng chục tấm ảnh của vụ thảm sát do phóng viên quân đội Mỹ Ronald Haeberle chụp. Những tấm ảnh này đã khiến nhiều người khi đến thăm không khỏi rúng động và căm phẫn trước tội ác chiến tranh.

Sơn Mỹ hồi sinh

Mô tả ảnh.
Nhà tưởng niệm Sơn Mỹ
Ngày nay, những đau thương mất mát của người dân Sơn Mỹ đang dần khép lại.

Trên mảnh đất hoang tàn ngày ấy giờ đã phủ lên một màu xanh của cây, trái; đường bê tông, trường học, trạm y tế, những ngôi nhà khang trang được mọc lên...

Tại khu vực Sơn Mỹ,  tập trung ở hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy, nếu như trước đây, người dân chỉ biết độc canh cây lúa thì bây giờ ở một số diện tích trũng, năng suất thấp đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi cua càng xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ vậy, cuộc sống người dân Sơn Mỹ đã có sự chuyển biến vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8,5 triệu đồng/người/năm.

Tại bãi biển Mỹ Khê nay đã trở thành khu du lịch nổi tiếng, hiện có rất nhiều dự án đã và đang được đầu tư xây dựng với tổng vốn hàng trăm tỷ đồng.

Các trường lớp từ tiểu học cho đến trung học phổ thông đều được đầu tư xây dựng khang trang. Nhờ vậy Tịnh Khê luôn trở thành một trong những địa phương đi đầu về chất lượng giáo dục của trong huyện Sơn Tịnh.

Mô tả ảnh.
Bà Hà Thị Quý trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài

Năm 2003, Sở VHTT khởi công mở rộng Khu chứng tích trên 10 ngàn mét vuông để xây dựng một số hạng mục như nhà trưng bày, đường nội bộ, tôn tạo phục dựng một số di tích, xây dựng tượng đài... với kinh phí gần 12 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Khu chứng tích Sơn Mỹ trở thành một di tích thu hút rất nhiều khách du lịch khi khi đến Quảng Ngãi.

Nhiều người đến lần đầu, nhưng cũng có nhiều người đến thường xuyên, trong đó có những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Ông Robert Kirkland - một Cựu chiến binh Mỹ tâm sự: Cứ gần đến ngày 16/3, tôi lại về với Sơn Mỹ, đây là lần thứ 6 tôi trở lại. Mỗi lần đến là một lần tim tôi như thắt lại. Chúng tôi đã gây ra quá nhiều đau thương và mất mát trên đất nước này. Người Việt Nam luôn có lòng vị tha, mong rằng mọi người hãy tha thứ cho những lỗi lầm của chúng tôi.

Những ngày đầu tháng 3 này, ngoài những đoàn khách đến tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ, nhiều hãng thông tấn, báo chí, truyền hình trên thế giới cũng có mặt, trong đó có các hãng thông tấn nổi tiếng như hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản); AFP (Pháp); hãng tin Reuters; hãng tin Mỹ AP; hãng BBC (Anh), báo Los Angeles Times...

Nhiều nhà báo khi chứng kiến những hình ảnh tư liệu về vụ thảm sát đều phải lặng người và thốt lên: “Thật quá sức tưởng tượng đối với con người”.

Phóng viên hãng tin Mỹ AP Margie Mason trong dòng cảm xúc của mình anh ghi vào sổ lưu niệm ở Khu chứng tích Sơn Mỹ: “Những năm chiến tranh tôi còn ngồi trong ghế nhà trường. Những năm đó tôi biết về chiến tranh Việt Nam; Tôi cũng biết về vụ thảm sát Mỹ Lai qua phim ảnh, sách báo. Còn bây giờ được xem hình ảnh, hiện vật thật khủng khiếp. Sự kiện này như nhắc nhở chúng ta đừng để thế giới có thêm một vụ thảm sát như Mỹ Lai...”

Nỗi đau nào rồi cũng dần vơi đi, nhưng chúng ta đừng để thế giới có thêm một vụ thảm sát tương tự như Mỹ Lai nữa như lời của phóng viên Margie Mason, đó cũng là nguyện vọng của tất cả mọi người yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

  • Trà Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,